Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 10/12/2018, 08:24 (GMT+7)
Huyện Thuận Nam với việc xây dựng dân quân biển vững mạnh

Thuận Nam là huyện ven biển1, có vị trí quan trọng trong thế trận khu vực phòng thủ của tỉnh Ninh Thuận. Ý thức rõ điều đó, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện đã chú trọng tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ Huyện vững chắc, nhất là trên hướng biển. Trong đó, xây dựng lực lượng dân quân biển vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, độ tin cậy cao, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo được xác định là nội dung trọng tâm.

Tuần tra bảo vệ địa bàn

Trên cơ sở quán triệt quan điểm, đường lối quốc phòng của Đảng, Luật Dân quân tự vệ và các kế hoạch, đề án của trên, Ban Chỉ huy Quân sự đã tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển phù hợp với đặc điểm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Trong đó xác định rõ mục tiêu: “…, xây dựng lực lượng dân quân biển ở cả ba tuyến: tuyến bờ, tuyến lộng, tuyến khơi; nâng cao tỷ lệ phát triển đảng trong dân quân tự vệ, phấn đấu trung đội dân quân cơ động, dân quân biển có tổ đảng2. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, cơ quan quân sự các cấp đã tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân biển có cơ cấu, số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tham gia phòng, chống lụt bão, lai dắt tàu thuyền gặp nạn, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, v.v.

Do hoạt động của lực lượng dân quân biển có tính đặc thù, yêu cầu cao, nên Ban Chỉ huy Quân sự Huyện đã tham mưu cho Huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, xã ven biển rà soát, đăng ký, phúc tra kỹ về con người, phương tiện tàu thuyền, quy mô, ngư trường đánh bắt, làm cơ sở cho việc tuyển chọn, xét duyệt vào lực lượng dân quân biển. Huyện ưu tiên lựa chọn những công dân trong độ tuổi, có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt, lý lịch rõ ràng, có kinh nghiệm đi biển, nhất là những quân nhân xuất ngũ, có kiến thức quân sự và các chủ tàu, thuyền có lai lịch chính trị, phương tiện tốt, có ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương để kết nạp vào lực lượng. Để thuận tiện cho quá trình làm nhiệm vụ trên biển, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện phối hợp với các xã lựa chọn, xét duyệt những chiến sĩ dân quân biển vừa là thuyền trưởng, đồng thời là chủ phương tiện, đề nghị bổ nhiệm chức vụ cán bộ tiểu đội, trung đội; sắp xếp biên chế những người trong dòng họ, dòng tộc cùng làm việc trên các tàu, thuyền khi ra khơi theo đội hình, đánh bắt cùng ngư trường vào cùng tiểu đội, trung đội dân quân biển thường trực. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các chủ tàu thuyền, nguồn nhân lực và các phương tiện đăng ký sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển theo Nghị định 30/NĐ-CP và Nghị định 130/NĐ-CP của Chính phủ3.

Hoạt động của dân quân biển không những vất vả mà còn trên môi trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đòi hỏi vừa có sức khỏe, trình độ, kỹ năng quân sự, khả năng tác chiến linh hoạt, vừa phải có bản lĩnh, ý chí quyết tâm mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện tham mưu cho Huyện nâng cao chất lượng chính trị cho lực lượng dân quân biển. Theo đó, Huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các xã đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chủ phương tiện, thuyền trưởng, máy trưởng; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, giáo dục pháp luật cho lực lượng dân quân biển trong các đợt huấn luyện tập trung. Qua đó, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ cho lực lượng dân quân biển. Đồng thời, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi bộ quân sự cấp xã, làm tốt công tác tạo nguồn phát triển Đảng trong dân quân biển; chú trọng vào đối tượng quân nhân xuất ngũ và giao chỉ tiêu bồi dưỡng, kết nạp Đảng hằng năm cho từng xã. Với cách làm trên, đến nay, huyện Thuận Nam đã thành lập được 01 trung đội dân quân biển thường trực của xã Phước Diêm, với 03 tiểu đội, tổ chức trên 05 tàu công suất lớn; 02 tiểu đội dân quân biển thường trực của xã Phước Dinh và Cà Ná, tổ chức trên 06 tàu công suất lớn. Trong đó, trung đội dân quân biển có tổ đảng, tiểu đội dân quân biển có đảng viên, đoàn viên, quân nhân xuất ngũ làm nòng cốt. Đây thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới biển và tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Dân quân xã Phước Hà luyện tập bắn súng

Cùng với đó, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập và khả năng chiến đấu của lực lượng dân quân biển. Hằng năm, Huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ ban chỉ huy quân sự các xã, cán bộ trung đội, tiểu đội dân quân biển và các thôn, đội trưởng, làm nòng cốt để tổ chức huấn luyện tại cơ sở; tiến hành tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, mô hình học cụ, nhất là hệ thống bè, mảng, phao phục vụ huấn luyện trên biển. Để đảm bảo quân số, Huyện lựa chọn thời gian huấn luyện phù hợp, không ảnh hưởng đến khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản trên biển (thường vào mùa biển động, từ tháng 9 đến tháng 11) để tổ chức huấn luyện theo từng đợt. Trong quá trình huấn luyện, Huyện bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, chất lượng”, vận dụng hình thức, phương pháp phù hợp với đối tượng, đặc điểm địa bàn. Đối với dân quân biển năm thứ nhất, Huyện tổ chức huấn luyện tập trung theo cụm xã; các đối tượng còn lại giao cho các xã tổ chức huấn luyện. Nội dung huấn luyện toàn diện cả kỹ thuật và chiến thuật, chú trọng các bài bắn mục tiêu trên biển, kỹ thuật băng bó cứu thương, kỹ năng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, Huyện chú trọng tổ chức cho lực lượng dân quân biển tham gia diễn tập khu vực phòng thủ huyện; diễn tập phòng, chống bão lụt, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, luyện tập phương án phòng, chống cháy nổ, v.v. Ngoài ra, Huyện còn phối hợp với Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh huấn luyện các nội dung bổ trợ, như: quy định khoảng cách giữa các tàu trong trung đội, tiểu đội; cách thức liên lạc, phương pháp nắm, báo cáo tình hình, nhận dạng tàu lạ, hình thức, phương pháp đấu tranh khi phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam,… để nâng cao nhận thức, khả năng xử lý, giải quyết các vụ việc xảy ra trên biển. Năm 2017, Huyện chỉ đạo diễn tập chiến đấu phòng thủ xã Phước Dinh, huy động 39 chiến sĩ dân quân biển tham gia thực binh phối hợp với Đồn Biên phòng Sơn Hải chiến đấu bảo vệ đơn vị. Năm 2018, trong diễn tập khu vực phòng thủ Huyện, các địa phương ven biển trên địa bàn đã huy động thực binh 09 tàu công suất lớn với 99 người tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đạt kết quả tốt, được Tỉnh đánh giá cao.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân biển, Huyện duy trì nghiêm nền nếp chế độ canh trực sẵn sàng chiến đấu, thành lập các tổ, đội đoàn kết, sản xuất an toàn trên biển; kết hợp khai thác, đánh bắt hải sản với phát hiện, giúp Huyện nắm tình hình an ninh trật tự, các hoạt động trái phép để tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, tổ chức tuần tra, nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xua đuổi các phương tiện, tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền lãnh hải; ngăn chặn, xử lý các tàu thuyền dùng xung điện, vật liệu nổ, dã cào bay đánh bắt hải sản, hủy hoại môi trường biển. Đến nay, Huyện đã thành lập được 106 tổ đoàn kết khai thác trên biển, hoạt động theo phương châm “ba cùng”4; trong đó, có 33 tổ đội đánh bắt tại các vùng biển xa là những tàu công suất lớn, được trang bị phương tiện, máy móc hiện đại, như: máy tầm ngư, định vị, bộ đàm, máy kéo lưới, máy dò ngang,… có khả năng tự vệ tốt, hạn chế va chạm vào đá ngầm, ít bị ảnh hưởng của thời tiết nên có thể đánh bắt dài ngày trên biển. Từ năm 2013 đến nay, lực lượng dân quân biển đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị liên quan tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý; đấu tranh bắt giữ hàng trăm vụ trộm cắp, gây mất trật tự an ninh trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2014, khi tàu Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, lực lượng dân quân biển của Huyện đã phát huy tốt vai trò trong trực chiến, sẵn sàng chiến đấu và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân, người thân yên tâm bám biển, bám ngư trường, chấp hành đúng chủ trương đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước.

Nhằm động viên lực lượng dân quân biển yên tâm thực hiện nhiệm vụ, Huyện luôn quan tâm bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng này. Thực hiện Luật Dân quân tự vệ, các thông tư, quyết định, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Đề án “Tổ chức xây dựng, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2017 - 2020”, Huyện bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách cho lực lượng dân quân biển theo quy định. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trên cấp và tích cực huy động các nguồn lực để xây dựng trụ sở làm việc riêng cho ban chỉ huy quân sự cấp xã và nhà trực của lực lượng dân quân biển. Đến nay, 100% ban chỉ huy quân sự cấp xã có trụ sở làm việc riêng, trung đội dân quân biển có nhà trực phục vụ làm việc và sinh hoạt. Bên cạnh đó, Huyện hướng dẫn, tạo điều kiện, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ dân quân biển là chủ tàu, thuyền vay vốn theo Nghị định 67/NĐ-CP và Nghị định 89/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai các dự án phát triển kinh tế kết hợp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Những năm qua, Huyện có 10 dự án được vay vốn đóng tàu công suất lớn (đã hạ thủy 08 tàu, 02 tàu đang thi công); đồng thời, làm tốt việc thanh toán, hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định 48/QĐ-TTg của Chính phủ, với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng, được họ đồng tình ủng hộ.

Hiệu quả xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân biển huyện Thuận Nam đã mang lại kết quả rõ rệt, tạo dựng được niềm tin và là điểm tựa giúp ngư dân vững tâm vươn khơi, bám biển, trở thành những “cột mốc sống” giữa trùng khơi, góp phần củng cố sức mạnh “thế trận lòng dân”, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thượng tá NGUYỄN VĂN DƯƠNG, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Huyện

__________________

1 - Huyện có 03 xã ven biển là Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná với bờ biển dài hơn 35km.

2 - Nghị quyết 77-NQ/ĐU, ngày 11-03-2014 của Đảng ủy Quân sự Huyện về “Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới”.

3 - Toàn Huyện đã đăng ký huy động được 27 tàu có công suất lớn từ 300 CV trở lên sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

4 - 03 cùng: cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.