Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Sáu, 30/06/2017, 10:23 (GMT+7)
Bài học về lòng dân ở triều đại nhà Hồ và mấy suy nghĩ về xây dựng “thế trận lòng dân” hiện nay

Vương triều Hồ được thiết lập vào giai đoạn cuối triều Trần khi mà xã hội Đại Việt đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng trên mọi lĩnh vực, cùng với hiểm họa ngoại xâm. Hồ Quý Ly xuất hiện trên chính trường Đại Việt vào tháng 3 năm Tân Hợi (1371) với chức Khu mật viện đại sứ. Sau gần 30 năm liên tục thăng tiến, Ông được ban tước Hầu, tước Vương, giữ chức tột đỉnh trong triều Trần: Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc Đại vương. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly đã phế truất ngôi nhà Trần, thiết lập vương triều Hồ, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, gần một năm sau nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương để làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm thực quyền. Nhà Hồ thi hành nhiều chính sách cải cách xã hội, như: hạn điền, hạn nô, phát hành tiền giấy, định lại chế độ thuế khóa, chấn chỉnh việc học hành thi cử, v.v. Đồng thời, đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức lại quân đội, mở xưởng rèn đúc vũ khí, đóng tàu thuyền, xây đắp hệ thống thành lũy, củng cố các nơi hiểm yếu để phòng thủ đất nước. Tuy nhiên, khi nhà Minh tiến hành xâm lược nước ta (1406), chưa đầy một năm chống giặc, mặc dù nhà Hồ đã có nhiều cố gắng xây thành cao, hào sâu, sản xuất nhiều vũ khí,.. để chống lại kẻ thù nhưng vẫn bị sụp đổ; tháng 6-1407, Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt đưa về Kim Lăng (Nam Kinh, Trung Quốc) và chết tại đó. Như vậy, vương triều Hồ tồn tại vỏn vẹn 7 năm.

Cổng phía Nam - cổng lớn và đẹp nhất trong 4 cổng của Thành nhà Hồ.
(Ảnh: TTXVN)

Đánh giá về triều đại nhà Hồ, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Các sử gia thời trung đại ở nước ta theo quan điểm của hệ tư tưởng phong kiến thì đa số ý kiến đều phủ nhận những đóng góp của Hồ Quý Ly dưới triều Trần. Ngày nay, các học giả đã nhìn nhận những đóng góp của vương triều Hồ đối với lịch sử dân tộc Việt Nam một cách công bằng hơn, nhất là về vấn đề cải cách do Hồ Quý Ly tiến hành, khởi đầu trong những năm tháng cuối cùng của triều Trần. Tuy nhiên, khi đánh giá về thất bại của nhà Hồ, tất cả các phái đều thống nhất nguyên nhân thất bại của nhà Hồ là: không được lòng dân. Vì vậy, nên nhà Hồ không phát động được cuộc chiến tranh nhân dân (nhân tố quyết định thắng lợi của mọi cuộc chiến tranh giữ nước ở Việt Nam) khi đất nước bị ngoại bang xâm lược. Mặc dù có quân đội mạnh, thành cao, hào sâu nhưng cuộc kháng chiến chỉ kéo dài được hơn 6 tháng. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (con trai cả của Hồ Quý Ly) cũng nhận ra điều này, khi cả quyết: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”1. Đặc biệt, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, người có công rất lớn trong việc phò tá Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, xây dựng nên triều đại nhà Lê là Nguyễn Trãi (đỗ đạt ở triều Hồ và cùng với cha là Nguyễn Phi Khanh giữ chức trọng, quyền cao tới khi nhà Hồ sụp đổ) đã đánh giá rất sâu sắc trong Bình Ngô đại cáo: “Vì họ Hồ chính sự phiền hà, Để đến nỗi lòng người oán hận2. Nhận xét của một bậc đại trí, đại hiền từng đỗ đạt và hưởng bổng lộc ở triều nhà Hồ chắc hẳn không sai.

Với tham vọng, hoài bão lớn và tư tưởng cải cách rất mới mẻ, toàn diện, Hồ Quý Ly đã xây dựng Đại Ngu trở thành một quốc gia mạnh về quốc phòng nhưng kết cục mất nước khi ngoại bang xâm lược. Sở dĩ như vậy là vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do “lòng dân không theo” bởi chế độ lao dịch nặng nề làm cho nhân dân bất an, sợ hãi. Nhà Hồ tiến hành đồng thời cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và quân sự với mục đích bảo vệ vương triều, phục vụ chiến tranh là chính, chứ không phải vì đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cùng với đó, do không làm tốt khâu tuyên truyền nên nhân dân chỉ thấy mặt tiêu cực của cải cách, vô cùng chán ghét khi cuộc sống thường nhật bị thay đổi. Nguy hại hơn, vào giai đoạn cuối của nhà Trần, thế nước đã suy, nguồn lực trong nước cạn kiệt, nhân dân đói khổ, nhưng Hồ Quý Ly không những không “khoan thư sức dân” mà còn tiến hành chiến tranh với Chiêm Thành và tổ chức dời Đô về Thanh Hóa xây thành trì kiên cố khiến cho dân chúng càng thêm lầm than, dẫn tới “nhân tâm ly tán”.

Từ bài học thất bại của nhà Hồ, để xây dựng “thế trận lòng dân” - “chúng chí thành thành” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta có thể rút ra một số vấn đề cơ bản sau:

1. Thường xuyên bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đảng ta khẳng định luôn bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đó là quyền của người dân được làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo vệ. Dân chủ cũng là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu vừa là động lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc3. Theo đó, để quyền làm chủ của nhân dân thực sự được bảo đảm và phát huy thì phải thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát", đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực sự là chủ thể của đất nước. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng nhân dân trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhân dân được tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện, nhất là, những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng. Bên cạnh đó, việc phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Cùng với phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức, cần phải xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

2. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần tập trung phát triển kinh tế, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, các chính sách xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, cần đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phát triển ngày càng sâu rộng, tuy nhiên cần chú ý không vì thành tích mà huy động quá sức dân. Trong phát triển kinh tế, cần tạo dựng được môi trường, điều kiện sản xuất, kinh doanh ngày càng minh bạch, an toàn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát huy khả năng sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, phải tăng cường phát triển hệ thống an sinh xã hội, hỗ trợ người dân có việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện điều kiện việc làm; đẩy mạnh phong trào “xóa đói, giảm nghèo”, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ nguồn lực về sản xuất để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về đời sống và tiếp cận dịch vụ xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa là vừa bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, vừa kiên quyết loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, phản cảm; tôn vinh và nhân rộng cái đúng, tốt đẹp, tích cực, cao thượng để mọi người học tập; đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác.

3. Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng. Thực ra, nhiều vấn đề cải cách của nhà Hồ thực hiện mang tính tích cực, theo hướng có lợi cho người dân, như: thuế đinh, thuế điền, di dân khai khẩn vùng đất mới, chính sách hạn nô, phát hành tiền giấy,... nhưng người dân chỉ thấy phiền phức, không ủng hộ là do nhà Hồ chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Đó là một điều vô cùng đáng tiếc! Để hoàn thành thắng lợi công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về công cuộc đổi mới, làm cho các chủ trương, chính sách của Đảng đều được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tạo nên sức mạnh trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt cần phải tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; vận dụng sáng tạo các mô hình dân vận phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn; hướng mạnh về cơ sở, địa bàn, nơi còn nhiều khó khăn, phức tạp. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân thì dân mới tin, mới nghe, mới đồng thuận cả về ý chí và hành động. Mỗi cán bộ, đảng viên tự giác nêu cao trách nhiệm đối với công tác dân vận. Nội dung tuyên truyền giáo dục cần tập trung vào phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nêu cao ý thức tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân đúng với chính sách và luật pháp. Đồng thời, tuyên truyền cho đồng bào hiểu rõ âm mưu thủ đoạn chia rẽ các dân tộc, tôn giáo của thế lực thù địch; qua đó, đề cao cảnh giác không để bị lừa gạt, kích động, lôi kéo. Cùng với đó, tăng cường phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho nhân dân, nhất là ở những địa bàn nhạy cảm, khu vực trọng điểm về quốc phòng - an ninh.

Hơn 600 năm đã trôi qua, nhưng bài học về “lòng dân” trong triều đại nhà Hồ vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo để vận dụng vào xây dựng “thế trận lòng dân” trong tình hình mới, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá HỒ QUỐC TOẢN
______________

1 - Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb KHXH, H. 1998, tr. 211.

2 - Sđd, tr. 283.

3- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 79.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.