Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 12/09/2011, 03:13 (GMT+7)
Xây dựng ngành Quân khí vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao

 Ngày 01-9-1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định số 227/QĐ “Về việc thành lập Cục Quân khí”. Theo đó, ngày 16-9-1951, Cục Quân khí chính thức bước vào hoạt động; ngày 16-9 trở thành Ngày truyền thống của ngành Quân khí Quân đội nhân dân Việt Nam.


Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng BQP kiểm tra đạn mới sản xuất
 

Những ngày đầu thành lập, Cục Quân khí hoạt động trong điều kiện có nhiều khó khăn do vật chất, trang bị thiếu thốn, cán bộ chưa có kinh nghiệm công tác... Song, với quyết tâm vừa làm, vừa học, tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, cán bộ cơ quan Cục Quân khí đã tích cực tổ chức hệ thống cơ quan quân khí các cấp và  khẩn trương triển khai xây dựng hệ thống các kho vũ khí, các xưởng sửa chữa, tạo nguồn súng pháo, khí tài, đạn dược (SPKTĐD) cung cấp cho các đơn vị. Từ năm 1951 đến năm 1954, Ngành đã tiếp nhận gần 10.000 tấn vũ khí, đạn dược do các nước bạn viện trợ; bảo đảm gần 4.000 tấn cho các chiến dịch lớn ở cả chiến trường miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên (riêng Chiến dịch Điện Biên Phủ là 1.500 tấn).

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Cục Quân khí đã chủ động tham mưu, đề xuất với Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng các biện pháp bảo đảm SPKTĐD cho các đơn vị chiến đấu, nhất là trên chiến trường miền Nam. Cán bộ của Cục đã thường xuyên bám sát, phối hợp với lực lượng quân khí các đơn vị nghiên cứu, giải quyết kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề về khai thác, sử dụng và bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị (VKTB); đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo, cải tiến VKTB phù hợp với hình thức cơ động mang vác của bộ đội trên chiến trường. Từ  năm 1957 đến năm 1975, ngành Quân khí đã bảo đảm được 477.654 tấn đạn dược, gần 20 vạn khẩu súng, pháo các loại cho các lực lượng chiến đấu trên chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), nhiệm vụ của công tác quân khí có sự phát triển mới, trọng tâm là: bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chính xác số lượng, chất lượng, đồng bộ SPKTĐD cho nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của các đơn vị, nhất là các đơn vị bảo vệ biển đảo; giữ gìn, quản lý, khai thác SPKTĐD đúng quy định và an toàn tuyệt đối. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, Đảng uỷ, chỉ huy Cục Quân khí đã tập trung xây dựng Ngành vững mạnh; trước hết là, xây dựng các đơn vị trực thuộc vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đồng thời, chủ động tham mưu, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân khí có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Theo chức năng, Cục Quân khí trực tiếp lãnh đạo, quản lý, chỉ huy toàn diện các đơn vị trực thuộc, gồm các kho chiến lược, nhà máy quân khí, trạm xưởng sửa chữa quân khí… Để hoàn thành tốt chức năng đó, Đảng uỷ Cục đã tập trung xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch vững mạnh (TSVM), làm nòng cốt để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Vì vậy, những năm gần đây, trong Đảng bộ Cục, trung bình có 98% cấp uỷ, tổ chức đảng đạt TSVM, 100% đảng bộ bộ phận và 95% chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, đảng bộ bộ phận đạt TSVM; nhiều tổ chức đảng liên tục đạt TSVM tiêu biểu 5 năm liền. Cùng với đó, Đảng uỷ, chỉ huy Cục còn triển khai thực hiện nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Quân khí có số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng cao, cơ cấu ngày càng cân đối và hợp lý. Đến nay, 100% lực lượng làm công tác chuyên môn kỹ thuật quân khí đã được đào tạo qua trường; trong đó, có 70% cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên, là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật quân khí trong toàn quân. Hiện nay, Đảng bộ Cục Quân khí đang tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp, kết hợp với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Kỹ thuật lần thứ 8, tổ chức đảng các cấp tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của tập thể cấp uỷ, chi bộ, trước hết là khâu ra nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, định kỳ sát với yêu cầu, nhiệm vụ của từng cấp, ngắn gọn, đúng và trúng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.


Thiếu tướng Lê Quý Đạm, Cục trưởng triển khai nhiệm vụ công tác kỹ thuật quân khí năm 2011

Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cơ quan quân khí các cấp đã chủ động tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nhiều chủ trương, giải pháp, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm quân khí, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị. Nổi bật là, Cục đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật xây dựng được hệ thống các văn bản pháp quy, làm cơ sở để nâng cao hiệu lực quản lý, thực hiện nhiệm vụ quân khí; tham gia xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới. Cơ quan quân khí các cấp còn thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất các biện pháp về bảo đảm kỹ thuật quân khí, kết hợp chặt chẽ giữa chế tạo, phục hồi, nâng cấp với mua sắm vũ khí, trang bị hiện đại; tham mưu về tổ chức thực hiện công tác động viên kỹ thuật quân khí... Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng, định hướng xây dựng quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9, hiện nay cơ quan Cục Quân khí đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng để tham mưu, đề xuất về mua sắm VKTB hiện đại, tập trung cho các lực lượng được Nghị quyết xác định tiến thẳng lên hiện đại. Đồng thời, cơ quan quân khí các cấp còn tham mưu, đề xuất các biện pháp thực hiện Chỉ thị 87/CT-BQP, ngày 16-8-2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc xây dựng dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống kho tàng kỹ thuật toàn quân giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn 2030; quy hoạch hệ thống kho tàng quân khí theo phương án cất giữ SPKTĐD tập trung ở các kho chiến lược trong thời bình, phân tán trong thời chiến...


Kiểm tra, nghiệm thu đạn sau sản xuất

Thời gian qua, công tác chỉ đạo ngành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân khí được triển khai theo hướng chỉ đạo toàn diện kết hợp với tập trung có trọng điểm vào từng nhiệm vụ, từng giai đoạn. Hệ thống trạm, xưởng sửa chữa và trung tâm (trạm) thí nghiệm kiểm định chất lượng từ cấp chiến lược đến cấp chiến dịch, chiến thuật từng bước được xây dựng, củng cố hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho SPKTĐD và bảo đảm an toàn kho quân khí. Đến nay, các nhà máy có thể sửa chữa vừa và sửa chữa lớn, thay thế được nhiều chủng loại VKTB khác nhau. Đặc biệt, đã sửa chữa, phục hồi các bộ phận (ngòi nổ, đầu đạn, liều phóng, bộ lửa...) của các loại đạn pháo, đạn súng cối, ĐKZ... góp phần kéo dài hạn sử dụng, tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng so với nhập ngoại hoặc sản xuất mới. Hệ thống kho quân khí được chỉ đạo xây dựng theo hướng kiên cố, đồng bộ và chính quy, vừa bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, vừa có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Hoạt động khoa học - công nghệ - môi trường được triển khai theo hướng thiết thực, hiệu quả, góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, như: nghiên cứu sản xuất vật liệu mới để làm phụ tùng thay thế; nghiên cứu vật liệu làm bao gói sản phẩm; ứng dụng công nghệ hiện đại trong kiểm định chất lượng thuốc phóng... Trong công tác huấn luyện, tập huấn về chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ quân khí, các cấp đã thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình theo quy định; đồng thời, bám sát nhiệm vụ kỹ thuật, công tác quân khí của đơn vị để bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật thành thạo các kỹ năng bảo dưỡng, sửa chữa SPKTĐD và biết tổ chức, hướng dẫn đơn vị thực hiện các nội dung kỹ thuật theo quy định.

Các hoạt động đó đã góp phần nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm cho ngành Quân khí hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tuy nhiên, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn; do đó, thời gian tới, cơ quan quân khí các cấp cần tăng cường rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo đảm SPKTĐD theo phương án, kế hoạch tác chiến BVTQ; tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn cần cụ thể, kết hợp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, giữ gìn, sửa chữa SPKTĐD với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, phấn đấu bảo đảm hệ số kỹ thuật, hệ số đồng bộ bằng 1, góp phần nâng cao khả năng chiến đấu và SSCĐ của đơn vị. Cùng với đổi mới tổ chức lực lượng của quân đội, cơ quan chức năng các cấp cần tiếp tục củng cố, hoàn chỉnh hệ thống tổ chức lực lượng ngành Quân khí từ cấp chiến lược, chiến dịch đến chiến thuật; tiếp tục điều chỉnh hệ thống kho quân khí trên các vùng, miền cho phù hợp với yêu cầu tác chiến phòng thủ BVTQ trong tình hình mới.


Tuần tra bảo vệ an toàn kho
Do tính chất và công dụng đặc biệt, vũ khí, đạn dược là những vật phẩm có nguy cơ mất an toàn cao. Vì vậy, các đơn vị phải thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên về nhiệm vụ bảo đảm an toàn. Các đơn vị, nhất là các kho phải tổ chức tốt việc kiểm soát diễn biến tình trạng chất lượng của 100% các lô thuốc phóng, thuốc nổ hiện có, kịp thời phát hiện các lô đạn dược có chất lượng kém, dễ gây mất an toàn để đưa ra cách ly, xử lý, nhằm loại trừ triệt để khả năng đạn dược tự cháy, nổ, bảo đảm đúng quy định về công tác thanh lý, xử lý đạn dược, bom mìn cấp 5 theo Chỉ thị 283/1998/CT-BQP của Bộ Quốc phòng, Hướng dẫn số 931/HD-TCKT của Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật và đặc biệt là Chỉ thị số 96/CT-BQP, ngày 15-7-2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác bảo đảm an toàn kho vũ khí, đạn dược. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố, hoàn thiện các công trình và trang thiết bị bảo đảm an toàn kho tàng, như: tường rào, ụ chống nổ lây, thu lôi chống sét, các trang bị, phương tiện cứu hoả... Mặt khác, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương để xây dựng địa bàn an toàn, góp phần bảo vệ kho tàng an toàn. Cùng với đó, các cơ quan chức năng còn phải chỉ đạo, tổ chức tốt công tác hội thao, hội thi, kết hợp với đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của tập thể, cá nhân trong các phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để giải quyết tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các khâu đột phá đã được xác định.

 Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành Quân khí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng nên truyền thống “Tận tụy, dũng cảm, giữ gìn súng đạn, phục vụ đánh thắng” và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc. Với những thành tích đã đạt được, Ngành đã được Nhà nước, quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Cục Quân khí đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

Phát huy truyền thống và khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội, vì vậy phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý...", cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành Quân khí tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Thiếu tướng LÊ QUÝ ĐẠM

Cục trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)