Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 15/07/2014, 09:30 (GMT+7)
Xây dựng Học viện Phòng không - Không quân “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm, kiểm tra Học viện

Học viện Phòng không - Không quân (PK-KQ), tiền thân là Trường Sĩ quan Cao xạ, thành lập ngày 16-7-1964. 

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được gần 6 vạn cán bộ, sĩ quan cho Quân đội và gần 3.000 sĩ quan cho nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Tuyệt đại bộ phận sĩ quan PK-KQ được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện luôn tỏ rõ là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực, anh dũng trong chiến đấu, tích cực trong công tác, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp của Quân đội, của Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học uy tín,… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Học viện đã trực tiếp chiến đấu 129 trận, bắn rơi 91 máy bay Mỹ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Học viện và 27 đồng chí từng là cán bộ, học viên Học viện vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có thể nói, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, vun đắp lên truyền thống: “Đoàn kết, anh dũng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, dạy tốt, học tốt, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ”.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác đào tạo cán bộ quân đội nói chung, sĩ quan PK-KQ nói riêng. Mặt khác, trước yêu cầu xây dựng Quân chủng PK-KQ tiến thẳng lên hiện đại thì vai trò của công tác đào tạo cán bộ càng phải được khẳng định rõ nét hơn, đòi hỏi Học viện phải tích cực đổi mới, ngang tầm nhiệm vụ. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là các nghị quyết về công tác giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới1, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy truyền thống, xây dựng Học viện PK-KQ “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại” nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT cán bộ trong tình hình mới, với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, Học viện đã và đang tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, giảng viên (CB,GV), học viên, công nhân viên, chiễn sĩ thấy được niềm vinh dự, tự hào được học tập, công tác, rèn luyện ở Học viện anh hùng. Từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với Học viện. Việc tuyên truyền, giáo dục được tiến hành thường xuyên, với nhiều hình thức sáng tạo, có tính thuyết phục cao, như: học tập truyền thống, tham quan, xem phim, sinh hoạt, các hội thi, hội thao, các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị, nói chuyện truyền thống,… tập trung vào đối tượng học viên, đoàn viên, thanh niên. Việc làm này được gắn kết chặt chẽ với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Thường vụ Quân ủy Trung ương phát động, với những nội dung, biện pháp thiết thực, cụ thể, hướng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, khắc phục khâu yếu, mặt yếu của từng cơ quan, khoa, đơn vị. Đồng thời, làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng, xây dựng và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiến tiến. Qua đó, động viên mọi người, mọi tổ chức thi đua “dạy tốt, học tốt, công tác tốt, phục vụ tốt”, góp phần tô thắm thêm truyền thống, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - “Bộ đội PK-KQ”.

Hai là, chăm lo xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Xác định đây là khâu then chốt để xây dựng Học viện, Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các cấp ủy cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, bảo đảm tính kế thừa, tính liên tục và tiêu chuẩn theo quy định.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhất là việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, công tác xây dựng cấp ủy được gắn với đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch CB,GV bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, thường xuyên và những năm tiếp theo. Ở từng cấp ủy cơ sở có sự kết hợp giữa cán bộ có nhiều kinh nghiệm với cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản nên tạo được sự năng động, có trách nhiệm cao trong công việc. Các đảng bộ, chi bộ duy trì, chấp hành nghiêm các nguyên tắc, chế độ, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng trong sinh hoạt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát triển đảng viên. Cùng với đó, Học viện chỉ đạo gắn xây dựng tổ chức cơ sở đảng với xây dựng đơn vị cơ sở, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác quản lý, GD- ĐT, chấp hành kỷ luật, xây dựng chính quy, chăm lo xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ, chi bộ và đơn vị. Nhờ đó, mà từ năm 2010 đến nay, Đảng bộ Học viện luôn đạt trong sạch, vững mạnh, tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau tăng so với năm trước. Các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự là hạt nhân nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng Học viện.

Ba là, xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Coi đây là khâu đột phá để xây dựng Học viện: cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại. Để xây dựng đội ngũ giảng viên có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất tốt, trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Học viện đã xây dựng Quy chế, thực hiện quy trình tuyển chọn giảng viên chặt chẽ, nghiêm túc; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện với gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường trong, ngoài Quân đội và ngoài nước theo lộ trình đã xác định, ưu tiên đối với cán bộ đầu ngành, trong diện quy hoạch. Với phương châm: “Nhà trường gắn với đơn vị”, thời gian qua, Học viện đã tích cực đưa CB,GV đi thực tế đảm nhiệm chức vụ quản lý, chỉ huy tại các đơn vị, nhất là các đơn vị được trang bị vũ khí, khí tài mới, cải tiến, nhằm bổ sung kiến thức, rèn luyện phương pháp, tác phong chỉ huy, kỹ năng thực tiễn trong giảng dạy. Các khoa giáo viên tập trung xây dựng bộ môn là đơn vị học thuật cơ bản và hoạt động phương pháp; duy trì tốt nền nếp, chất lượng các hoạt động nghiệp vụ sư phạm, như: thông qua giáo án, thí giảng, bình giảng,… để bồi dưỡng, rèn luyện giảng viên. Hằng năm, Học viện tổ chức thi, xét giảng viên giỏi các cấp, coi đây là tiêu chí để đánh giá, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm CB,GV. Đồng thời, làm tốt việc đánh giá giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục theo phương pháp lấy ý kiến phản hồi từ người học, trên cơ sở Quy chế Quản lý giáo dục, bảo đảm khách quan nên có tác dụng thiết thực, thúc đẩy đội ngũ giảng viên phấn đấu vươn lên. Học viện khuyến khích, động viên CB,GV tích cực đi đào tạo sau đại học, ngoại ngữ, tin học làm cơ sở nghiên cứu, nắm vững các loại vũ khí, khí tài trang bị mới, nâng cao trình độ, năng lực sư phạm. Học viện còn đẩy mạnh phong trào: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”,… tạo môi trường sư phạm lành mạnh, là cơ sở để công tác dạy - học đi vào thực chất. Với sự kiên trì phấn đấu, kết hợp nhiều giải pháp, đến nay, 100%  giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của Học viện có trình độ đại học trở lên. Trong đó, thạc sĩ chiếm 50,1%, tiến sĩ: 5,4%. Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ, Học viện tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về số lượng, cơ cấu, phấn đấu đến năm 2020, số giáo viên của Học viện có trình độ sau đại học từ 70% trở lên; trong đó, tiến sĩ đạt 25% trở lên.

Giờ học về khí tài

Bốn là, thực hiện chuẩn hóa về chương trình, nội dung đào tạochuẩn hóađầu vào”, “đầu ra”. Thực hiện Đề án 63 về “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ chỉ huy tham mưu PK-KQ các cấp trong Quân đội”, Học viện đã xây dựng 19 chương trình cho các đối tượng đào tạo theo phương án “4-2-1”2, bảo đảm sự liên thông giữa các cấp học, cân đối giữa chức vụ với trình độ học vấn. Cùng với việc điều chỉnh tăng thời gian huấn luyện thực hành chính khóa, Học viện đã tăng cường huấn luyện ngoại khoá nhằm bổ trợ những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học viên; kết hợp huấn luyện trên thiết bị mô phỏng với huấn luyện trên khí tài, giữa huấn luyện tại Học viện với tham quan thực tế, thực tập, diễn tập. Quy trình, nội dung, phương pháp thực tập, diễn tập được đổi mới, chuẩn hóa theo hướng: thực tập cán bộ kiêm chức từ tiểu đội đến đại đội, cán bộ lớp tại đơn vị quản lý học viên và thực tập theo chức danh tại đơn vị chiến đấu. Đối với diễn tập môn học (tập trung vào các môn chuyên ngành) và diễn tập tổng hợp cuối khoá, bắn đạn thật chuyên ngành Pháo phòng không, Học viện thực hiện tăng diễn tập chiến thuật cơ động, hành quân đêm, bảo đảm sát thực tế, yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu.

Nhằm thực hiện chuẩn “đầu vào”, Học viện đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng nghiệp, thu hút đông đảo thanh niên có phẩm chất đạo đức, trí tuệ đăng ký, dự thi, qua đó tuyển chọn được thí sinh có chất lượng để đào tạo. Đồng thời, xác định các tiêu chí cụ thể trong tuyển sinh, đào tạo có địa chỉ, theo chức danh và nhu cầu thực tế ở đơn vị. Trong quá trình đào tạo, Học viện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý những biểu hiện tiêu cực, thực hiện nghiêm Quy chế GD-ĐT. Các đơn vị học viên đẩy mạnh phong trào tự học, tự rèn, với nhiều mô hình, câu lạc bộ quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên, như: “Lớp học tốt, rèn nghiêm”, “Tổ trợ giáo”, “Câu lạc bộ hàng không”, “Câu lạc bộ võ thuật”, “Học viên nghiên cứu khoa học”,… được tổ chức chặt chẽ. Qua đó, đảm bảo người học có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng tốt chức vụ ban đầu đảm nhiệm sau khi ra trường, thực hiện chuẩn “đầu ra”.

Năm là, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Với quan điểm GD-ĐT đi trước một bước, được sự ưu tiên đầu tư của trên, hiện nay, Học viện đã xây dựng được 77 phòng học phổ thông, 65 phòng học chuyên dùng, 9 phòng thí nghiệm và sở chỉ huy diễn tập cấp trung, sư đoàn, đảm bảo về diện tích, được trang bị máy chiếu giao diện, máy vi tính, thiết bị âm thanh hiện đại. Hệ thống giảng đường, trận địa, bãi tập được bố trí liên hoàn, thuận tiện trong quá trình huấn luyện và thực hiện các nhiệm vụ. Bám sát quá trình trang bị vũ khí mới của Quân chủng, Học viện chủ động, nâng cao chất lượng biên dịch tài liệu, biên soạn giáo trình, giáo án điện tử, viết phần mềm mô phỏng phục vụ huấn luyện, giảng dạy. Công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến, sáng kiến phát triển tích cực với nhiều đề tài, sản phẩm thiết thực, cùng với việc nâng cấp, khai thác có hiệu quả thư viện điện tử, mạng in-tơ-net, mít-ten, trang thông tin điện tử, Website đã góp phần hiện đại hóa các trang thiết bị, đảm bảo ngày càng tốt cho công tác GD-ĐT.

Với cách làm đó, Học viện PK-KQ ngày càng phát triển vững mạnh, theo hướng “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”, xứng đáng là trung tâm GD-ĐT cán bộ, sĩ quan PK-KQ, nghiên cứu khoa học của Quân chủng và Quân đội đã được xây đắp lên qua 50 năm phát triển và trưởng thành.

Thiếu tướng, TS. TRẦN VĂN THANH, Giám đốc Học viện
__________________

1 - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng PK-KQ lần thứ VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, v.v.

2 - 04 năm đào tạo cấp phân đội, 02 năm đào tạo cấp chiến thuật - chiến dịch, 01 năm đào tạo cấp chiến lược.

Ý kiến bạn đọc (0)