Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 09/02/2015, 15:49 (GMT+7)
Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện ở Lữ đoàn Hóa học 87

Lữ đoàn 87 (Binh chủng Hóa học) có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); tham gia phòng, chống khủng bố, bạo loạn trên địa bàn các tỉnh phía Nam; làm nòng cốt trong khắc phục sự cố hóa chất độc, xạ, ô nhiễm môi trường và xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Nhiệm vụ của Lữ đoàn phức tạp, nguy hiểm đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) phải có bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cao và trình độ chuyên môn vững vàng. Ý thức rõ đặc thù nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã có nhiều chủ trương, biện pháp phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể, lãnh đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện (VMTD). Nhờ đó, Lữ đoàn luôn hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2013, Lữ đoàn vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; năm 2011, 2013 được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ và Cờ “Đơn vị huấn luyện Giỏi” của Bộ Quốc phòng, Bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải.

Để xây dựng Đơn vị VMTD, trước hết, Lữ đoàn coi trọng, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho CB,CS có bản lĩnh chính trị vững vàng, thống nhất cao về nhận thức, hành động. Trong điều kiện nhiệm vụ có tính đặc thù nguy hiểm, độc hại, tiềm ẩn rủi ro cao, các đơn vị đóng quân phân tán, xa sự quản lý trực tiếp của chỉ huy Lữ đoàn, đây là vấn đề càng có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, Lữ đoàn thường xuyên phổ biến, quán triệt nhiệm vụ của đơn vị; kịp thời thông tin, thông báo tình hình, định hướng nhận thức, tư tưởng bộ đội. Đồng thời, duy trì nghiêm nền nếp, chất lượng công tác giáo dục chính trị; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kỹ năng sống cho bộ đội. Để đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục theo hướng thiết thực, hiệu quả. Trong đó, chú trọng kết hợp giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên; giáo dục nhiệm vụ với giáo dục truyền thống của Quân đội, truyền thống “Phòng chống tốt, chiến đấu giỏi” của Bộ đội Hóa học; kết hợp giáo dục chung với giáo dục riêng cho từng đối tượng, phù hợp đặc điểm vùng, miền; coi trọng đối tượng chiến sĩ mới. Đi đôi với giáo dục, Lữ đoàn tăng cường công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật và thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp đối thoại dân chủ trong Ngày chính trị và văn hóa tinh thần, có nhiều biện pháp phát huy vai trò của Hội đồng quân nhân, Đoàn thanh niên trong việc động viên, khích lệ bộ đội nêu cao trách nhiệm, xung kích vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Mặt khác, Lữ đoàn quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần và làm tốt công tác chính sách đối với hậu phương, gia đình CB,CS. Vì vậy, CB,CS luôn yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Các tổ chức đảng có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng đơn vị VMTD. Vì thế, Lữ đoàn đặc biệt chú trọng xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, nhất là đơn vị đóng quân độc lập. Cùng với đó, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách, đề cao tính đấu tranh phê bình và tự phê bình, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp, tác phong công tác, thực hiện “nói đi đôi với làm”. Đồng thời, chú trọng công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác phát triển đảng viên. Tập trung lãnh đạo khắc phục những khuyết điểm, hạn chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thu được kết quả tích cực. Chất lượng ra nghị quyết lãnh đạo, nền nếp chế độ sinh hoạt của tổ chức đảng được nâng lên, tạo chuyển biến rõ nét về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Để thực hiện thống nhất và đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn ban hành “Quy định nội dung tiêu chí chuẩn mực đạo đức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” của Lữ đoàn 87 trong giai đoạn hiện nay, làm cơ sở để CB,CS phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong toàn đơn vị.

Cùng với đó, Lữ đoàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, sự cố ô nhiễm môi trường đảm bảo hiệu quả, an toàn. Thấu suốt quan điểm: huấn luyện tốt là cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ, Lữ đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện. Trên cơ sở Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Mệnh lệnh công tác quân sự hằng năm của Tư lệnh Binh chủng, Đảng ủy Lữ đoàn ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện, người chỉ huy xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Theo đó, Lữ đoàn chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện, như: kiện toàn tổ chức, biên chế, điều chỉnh bố trí cán bộ phù hợp với trình độ, năng lực; củng cố hệ thống thao trường, bãi tập, phòng huấn luyện chuyên dùng và vật chất, mô hình, học cụ phục vụ huấn luyện. Hằng năm, cùng với cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do trên tổ chức, Lữ đoàn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp, bảo đảm chặt chẽ, toàn diện, thiết thực, hiệu quả. Nội dung tập trung vào những vấn đề mới, phương pháp tổ chức huấn luyện, biện pháp khắc phục hạn chế trong huấn luyện đã được chỉ ra. Các phong trào thi đua trong huấn luyện được Lữ đoàn duy trì thường xuyên ở các cấp, như: Hội thi Sáng kiến cải tiến kỹ thuật và mô hình, học cụ; Hội thi Cán bộ huấn luyện giỏi, Hội thi Điều lệnh giỏi, v.v. Nhờ đó, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ các cấp, làm cơ sở phát hiện, lựa chọn những cán bộ tiêu biểu làm nòng cốt trong huấn luyện và tham gia hội thi cấp Binh chủng.

Quá trình huấn luyện, Đơn vị luôn bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, huấn luyện đúng, đủ nội dung, chương trình, kế hoạch cho các đối tượng; thực hành huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, dã ngoại; chú trọng đổi mới phương pháp huấn luyện nâng cao. Đối với các phân đội làm nhiệm vụ chuyên trách, bên cạnh huấn luyện nội dung kỹ thuật, chiến thuật binh chủng, Lữ đoàn huấn luyện chuyên sâu vào các tình huống, như: chống khủng bố, ứng phó sự cố rò rỉ hóa chất độc, phóng xạ, ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo sát với thực tế chiến đấu, Lữ đoàn kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và xử lý sự cố gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, Lữ đoàn đã triển khai thực hiện tốt Dự án XD-1, xử lý đất nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai; vô hiệu hóa hàng chục tấn chất độc CS tại khu vực Kho K62 (Binh chủng Hóa học); khắc phục, xử lý sự cố rò rỉ khí Clo tại Nhà máy A42 (Quân chủng Phòng không - Không quân),… góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời, nâng cao một bước năng lực thực hiện nhiệm vụ của CB,CS.

Đặc thù của Bộ đội Hóa học là thực hiện nhiệm vụ trong môi trường khắc nghiệt, độc hại cao. Bởi vậy, cùng với huấn luyện chuyên môn, Lữ đoàn đưa vào kế hoạch và thường xuyên tổ chức hành quân rèn luyện đường dài mang vác nặng, hành trú quân chiến đấu, tạo giả khói độc kết hợp sử dụng các trang bị, khí tài phòng hóa nhằm rèn luyện sức khỏe, sức chịu đựng của bộ đội. Việc tổ chức luyện tập, diễn tập được Lữ đoàn đặc biệt chú ý. Hằng năm, Lữ đoàn xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cho các phân đội theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của trên và tham gia diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng với các đơn vị đứng chân trên địa bàn. Nhờ đó, nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ và năng lực tổ chức, chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp.

Song song với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, Lữ đoàn duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực SSCĐ, như: trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực nghiệp vụ, trực cứu hộ cứu nạn,… nhất là các đợt cao điểm bảo vệ những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đồng thời, tăng cường tổ chức báo động kiểm tra, luyện tập các phương án chiến đấu bảo vệ đơn vị, phòng chống cháy nổ, cháy rừng, chống khủng bố, ứng phó sự cố hóa chất độc, phóng xạ sát thực tế chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật là một nội dung quan trọng trong xây dựng đơn vị VMTD, được Lữ đoàn xác định là khâu đột phá. Thực hiện vấn đề này, Lữ đoàn thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bộ đội về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng cho CB,CS tính tổ chức, tính kỷ luật, tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện với phương châm “cấp trên làm gương cho cấp dưới, đảng viên làm gương cho quần chúng, cơ quan làm gương cho đơn vị”. Hằng năm, Lữ đoàn tổ chức chặt chẽ việc kiểm tra, phúc tra kết quả xây dựng đơn vị VMTD ở các cơ quan, đơn vị; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm công tác quản lý, duy trì kỷ luật, chủ động dự báo, phòng ngừa và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Vì thế, chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật của Lữ đoàn ngày càng tiến bộ, vững chắc, đơn vị an toàn tuyệt đối.

Công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng kịp thời cho các nhiệm vụ. Quán triệt, thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, chỉ đạo công tác kỹ thuật của Binh chủng, Lữ đoàn tập trung bảo đảm đủ số lượng, đúng chủng loại, đồng bộ vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, bảo đảm hệ số K≥ 1, Kt = 1 cho nhiệm vụ SSCĐ; Kt ≥ 0,85 cho nhiệm vụ huấn luyện và các nhiệm vụ khác. Để khai thác, sử dụng có hiệu quả, kéo dài tuổi thọ các loại khí tài, trang bị, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật nắm chắc tính năng, tác dụng, ý nghĩa thao tác và tuân thủ đúng quy trình; duy trì nghiêm “Ngày Kỹ thuật”, “Giờ Kỹ thuật”, bảo quản, bảo dưỡng khí tài theo đúng quy định. Đối với công tác hậu cần, Lữ đoàn chủ động bảo đảm tốt hậu cần, tài chính cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và hoạt động thường xuyên của đơn vị. Thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, Đơn vị đẩy mạnh công tác tăng gia, chăn nuôi, khai thác lương thực, thực phẩm và tiếp phẩm tập trung đạt hiệu quả tốt. Đến nay, các bếp đã tự túc được phần lớn rau xanh, thịt, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội; bảo đảm tỷ lệ quân số khỏe trên 98,6%. Đồng thời, bảo đảm tốt ngân sách cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; quản lý, sử dụng đúng nguyên tắc, quy chế, quy định, công khai, dân chủ; thực hiện có hiệu quả các biện pháp tiết kiệm điện, nước, xăng dầu.

Những kết quả, kinh nghiệm trong xây dựng đơn vị VMTD của Lữ đoàn 87 thời gian qua là tiền đề, động lực để Đơn vị tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng tá NGUYỄN VIỆT CÔNG, Chính ủy Lữ đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.