Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 13/05/2024, 21:56 (GMT+7)
Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Công binh 239

Trong những năm qua, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Binh chủng Công binh “tinh, gọn, mạnh”, từng bước tiến lên hiện đại, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Công binh 239 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, nhiệm vụ đột xuất,... cũng như trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác. Điều đó được thể hiện rõ ở nhận thức, bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng cao; công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật có nhiều chuyển biến tích cực; công tác hậu cần, kỹ thuật có nhiều đổi mới, đạt kết quả tương đối vững chắc. Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; trong đó, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Nhiều năm liền Lữ đoàn đạt “Đơn vị huấn luyện giỏi”; tham gia hội thi, hội thao các cấp đạt nhiều giải thưởng cao1 .

Thủ trưởng Binh chủng kiểm tra văn kiện diễn tập BC-23A của Lữ đoàn.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, Lữ đoàn rút ra một số kinh nghiệm; đồng thời, cũng là những giải pháp tiếp tục được triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trước hết, tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, yếu tố quyết định đến kết quả thực hiện mọi nhiệm vụ của đơn vị. Từ nhận thức đó và đặc điểm nhiệm vụ chính trị của đơn vị công binh vượt sông dự bị chiến lược, Lữ đoàn cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, lực lượng phân tán ở nhiều khu vực, địa bàn; cán bộ, chiến sĩ thường xuyên làm việc với cường độ cao, tính chất căng thẳng, khẩn trương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, những tác động mặt trái của kinh tế thị trường; khó khăn về hậu phương, gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư, tình cảm của bộ đội. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Lữ đoàn đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong các hoạt động. Trong đó, tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 2423-CT/QUTW, ngày 09/11/2023 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới”. Trọng tâm hướng vào quán triệt, giáo dục nhiệm vụ, giáo dục truyền thống của Lữ đoàn, truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh; về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; các chỉ tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, v.v. Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục theo yêu cầu, nhiệm vụ, nhằm tạo chuyển biến mới trong nhận thức và hành động của bộ đội. Mặt khác, để nắm, quản lý, định hướng và giải quyết tư tưởng bộ đội, kịp thời xử lý những vướng mắc, vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt “ba nắm”, “ba kịp thời”2; phát huy thực hành dân chủ, tính tiền phong, gương mẫu, nhất là trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh với nhận thức sai trái, tư tưởng ngại khó, ngại khổ, thỏa mãn dừng lại trong xây dựng đơn vị.

Đặc biệt, để xây dựng vững mạnh về chính trị, Lữ đoàn chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; xây dựng đảng bộ, cấp ủy, chi bộ các cấp trong sạch, vững mạnh tiêu biểu gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Thường xuyên xây dựng, rà soát, bổ sung, thực hiện nghiêm quy chế làm việc và quy chế lãnh đạo của cấp ủy, nhất là trên các mặt công tác trọng yếu. Duy trì chất lượng, hiệu quả phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, không ngừng bồi đắp phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ.

Thực hành bảo đảm vượt sông bằng phà PMP.

Không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống là đòi hỏi xuyên suốt đối với một đơn vị bảo đảm cơ động cho tác chiến ở tầm chiến dịch, chiến lược. Để làm được điều đó, Lữ đoàn tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 464-NQ/ĐU của Đảng ủy Binh chủng Công binh về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo, Đảng ủy Lữ đoàn xây dựng Nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về công tác huấn luyện; trong đó, xác định nhiều chủ trương, biện pháp đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện và nâng cao chất lượng các nội dung huấn luyện chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, v.v. Thực hiện mục tiêu đó, Lữ đoàn đẩy mạnh phân cấp huấn luyện, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức huấn luyện. Quản lý chặt chẽ kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện và tăng cường kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất, vượt cấp, để đánh giá thực chất công tác huấn luyện của đơn vị, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế.

Quá trình huấn luyện, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với đối tượng, địa bàn và yêu cầu, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, trang bị. Trong đó, tập trung huấn luyện để bộ đội vững về kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu bộ binh, giỏi về chiến thuật, kỹ thuật chuyên ngành công binh vượt sông; khai thác, sử dụng thành thạo các loại trang bị kỹ thuật có trong biên chế. Đối với chỉ huy và cơ quan, tập trung huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện, nội dung, phương pháp tổ chức chỉ đạo, huấn luyện, diễn tập, v.v. Đối với cán bộ phân đội, chú trọng bồi dưỡng tổ chức, phương pháp huấn luyện, phương pháp soạn thảo giáo án, giảng thử và nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành, v.v. Với phân đội, tập trung huấn luyện khai thác, sử dụng các loại vũ khí, khí tài; tăng cường huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, hành quân cơ động xa trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thời gian chuẩn bị ngắn;… trong đó, tập trung vào huấn luyện phân đội bảo đảm bến vượt cầu, phà phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Đáng chú ý, để nâng cao chất lượng huấn luyện trong điều kiện thao trường, kinh phí huấn luyện còn hạn hẹp, đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong huấn luyện giảm nhiều, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kết hợp huấn luyện chuyên ngành ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ: phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thi công công trình phòng thủ, làm đường tuần tra biên giới; rà phá bom mìn, vật nổ,… với phương châm “lấy công trường làm thao trường”. Đây là cách làm hiệu quả, cùng lúc thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là rèn luyện khả năng phối hợp, hiệp đồng, đưa bộ đội sát với thực tế chiến đấu. Cùng với đó, Lữ đoàn thường xuyên xây dựng, bổ sung các phương án, kế hoạch bảo đảm cho tác chiến, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tăng cường tổ chức luyện tập, diễn tập, nhất là diễn tập thực binh cấp đại đội, tiểu đoàn và tham gia diễn tập tác chiến hiệp đồng binh chủng, nhằm nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu bảo đảm công binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Do nhiệm vụ có đặc thù cao, tính chất phức tạp, tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm lớn, nên để hoàn thành nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị thực sự “mẫu mực, tiêu biểu”, Lữ đoàn chọn xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật làm khâu đột phá. Theo đó, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cơ quan làm gương cho đơn vị, cán bộ làm gương cho chiến sĩ. Cán bộ, chỉ huy tích cực bám, nắm bộ đội, tăng cường quán triệt, giáo dục xây dựng ý thức tự giác của quân nhân trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, chế độ, quy định của đơn vị. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ, nền nếp sinh hoạt, học tập, công tác, quản lý chặt chẽ quân số, vũ khí, trang bị, nhất là ở các bộ phận làm nhiệm vụ xa, lẻ, thời điểm trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Các đơn vị đã có nhiều biện pháp kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm kỷ luật để giáo dục, răn đe. Chú trọng gắn xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật với xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng doanh trại “chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp” để bộ đội thêm yêu quý đơn vị, yên tâm công tác. Vì vậy, những năm gần đây, chế độ công tác từ cơ quan đến đơn vị thực sự đi vào nền nếp; việc chấp hành kỷ luật, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ có chuyển biến tích cực, không có vi phạm kỷ luật phải xử lý; Đơn vị an toàn về mọi mặt.

Cùng với các biện pháp trên, Lữ đoàn luôn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Thực hiện chỉ đạo của Binh chủng, năm 2023, Lữ đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sáp nhập cơ quan hậu cần, kỹ thuật theo quy định, đảm bảo đoàn kết, thống nhất cao, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động bảo đảm. Hiện nay, do đang quản lý, sử dụng số lượng lớn trang bị, phương tiện, trong đó có nhiều trang bị đặc chủng, gồm nhiều thế hệ cũ, mới đan xen, phần lớn đã qua khai thác sử dụng nhiều năm, tính ổn định không cao nên Lữ đoàn hết sức coi trọng công tác bảo đảm kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Để làm được điều đó, Lữ đoàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác kỹ thuật; đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 50 và phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Các cơ quan, đơn vị duy trì thực hiện nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa trang bị, phương tiện theo phân cấp; chất lượng “giờ kỹ thuật”, “ngày kỹ thuật” được nâng cao. Nhờ đó, hệ số trang bị, hệ số kỹ thuật của Lữ đoàn luôn bảo đảm đúng quy định3, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Trong công tác hậu cần, Lữ đoàn luôn quan tâm chỉ đạo, kiểm tra sát sao, nhất là bảo đảm ăn, ở, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe bộ đội. Hằng năm, Lữ đoàn đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu các mặt công tác hậu cần theo quy định; 100% đầu mối được công nhận “Bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”; tỷ lệ quân số khỏe luôn giữ vững trên 99%; nhiều năm không để xảy ra dịch bệnh. Cùng với đó, Lữ đoàn còn chủ động huy động, động viên mọi nguồn lực, nhất là trình độ tay nghề chuyên môn của cán bộ, chiến sĩ tập trung xây dựng, củng cố doanh trại, sân, đường nội bộ, thảm cỏ, vườn hoa, tạo cho đơn vị diện mạo khang trang, “chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp”, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bộ đội.

Những kết quả đã đạt được mới là bước đầu, song đó là tiền đề để Lữ đoàn Công binh 239 tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thượng tá PHẠM VĂN HUỲNH, Lữ đoàn trưởng
_________________
        

1 - Hội thao Công binh toàn quân đạt giải Ba (năm 2021); Hội thi công nhận danh hiệu báo vụ toàn quân đạt Kiện tướng báo vụ (năm 2022); Hội thi công tác tham mưu tác chiến cấp Binh chủng đạt giải Nhất toàn đoàn (năm 2022); Hội thi cán bộ huấn luyện cấp Binh chủng đạt giải Ba toàn đoàn (năm 2023); Hội thi xe tốt, lái xe giỏi cấp Binh chủng đạt giải Nhì toàn đoàn (năm 2023), v.v.

2 - Ba nắm: nắm lai lịch, hoàn cảnh gia đình; nắm mối quan hệ của quân nhân; nắm tâm tư, nguyện vọng của bộ đội. Ba kịp thời: lắng nghe kịp thời; tiếp thu kịp thời; giải quyết kịp thời.

3 - Hệ số kỹ thuật vũ khí, trang bị nhóm sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiến tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn Kt = 1; nhóm huấn luyện Kt = 0,95 - 1; nhóm hoạt động thường xuyên Kt = 0,9 - 0,95.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.