Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:35 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Quân đội và sự nghiệp CNH,HĐH đất nước, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ) đã có nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Trong đó, xây dựng đội ngũ giảng viên được Nhà trường xác định là khâu then chốt, giữ vai trò quyết định.
Để thực hiện chủ trương đó, Nhà trường tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; chú trọng nâng cao trình độ học vấn, năng lực, phương pháp sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn, làm cơ sở để nâng cao chất lượng giảng dạy. Đi đôi với xây dựng quy hoạch đội ngũ nhà giáo đến năm 2015 và những năm tiếp theo, Nhà trường đã chủ động ban hành và thực hiện nghiêm quy chế tuyển chọn, tạo nguồn phát triển, sử dụng đội ngũ giảng viên; gắn việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển với điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn đào tạo và bồi dưỡng nguồn kế cận. Bên cạnh đó, Nhà trường chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống phòng học chuyên dùng, trang bị các phương tiện hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên; vận dụng thực hiện nhiều chính sách, chế độ, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần...; qua đó, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ giảng viên phát triển toàn diện, yên tâm, gắn bó với công việc giảng dạy, NCKH.
Hiện nay, đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã từng bước được chuẩn hoá; tổ chức biên chế được kiện toàn với số lượng hợp lý, cơ cấu đồng bộ giữa tổ chức quản lý giáo dục và giảng dạy, bảo đảm sự cân đối cả về độ tuổi, ngành nghề. Chất lượng đội ngũ giảng viên có sự trưởng thành vượt bậc cả về trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Từ chỗ chỉ giảng dạy cho đối tượng có trình độ sơ cấp, đến nay, đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã đảm nhiệm được nhiều cấp học, bậc học, chủ yếu là cử nhân và thạc sĩ. Tuyệt đại đa số giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đạo đức nghề nghiệp trong sáng, lối sống lành mạnh, kiến thức chuyên ngành sâu, năng lực sư phạm tốt; có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, gương mẫu trong lời nói và việc làm, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT.
Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ đào tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy binh chủng hợp thành cấp phân đội bậc đại học và sau đại học, đội ngũ giảng viên của Nhà trường vẫn còn những hạn chế. Đó là, tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị, qua chiến đấu và qua thực tế ở đơn vị cơ sở còn mỏng1. Một số đồng chí giảng viên chưa tích cực học tập, nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới, nhất là về ngoại ngữ, tin học và khả năng sử dụng trang thiết bị dạy - học hiện đại vào giảng dạy, NCKH; trình độ, năng lực chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình nhiệm vụ.
Để thực hiện yêu cầu nâng cao chất lượng GD-ĐT, đội ngũ giảng viên của Nhà trường phải được chuẩn hóa cả về phẩm chất, năng lực, trình độ học vấn, khả năng sư phạm, kinh nghiệm trong giảng dạy và NCKH. Theo đó, Nhà trường đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên "vừa hồng, vừa chuyên", đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Giải pháp quan trọng hàng đầu là tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên có số lượng và cơ cấu phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giảng viên, Nhà trường từng bước kiện toàn đủ số lượng, bảo đảm lượng dự trữ 20% theo quy định của Bộ. Hằng năm, căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu đào tạo và kết quả xem xét, đánh giá trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch, điều chỉnh bổ sung quy hoạch và tuyển chọn đội ngũ giảng viên; thực hiện công khai, dân chủ trong đào tạo, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm; kiên quyết điều chuyển những đồng chí ý thức, năng lực không đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Nhà trường luôn tích cực giải quyết vấn đề số lượng, khắc phục tình trạng thiếu giảng viên ở một số khoa, bằng cách: xét tuyển chọn số học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, sức khoẻ và có nguyện vọng ở lại Trường công tác; tổ chức bồi dưỡng những nội dung, kiến thức cần thiết để trở thành giảng viên. Đồng thời, đề nghị trên điều động học viên tốt nghiệp ở các học viện, nhà trường trong Quân đội và tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp ở các học viện, nhà trường ngoài Quân đội để bồi dưỡng, tạo nguồn giảng viên. Về cơ cấu, Nhà trường tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ giảng viên theo hướng: “chuẩn hóa, trẻ hóa”, bảo đảm có sự kế thừa và kết hợp vững chắc giữa các độ tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm thực tiễn, đã trải nghiệm qua thực tế đơn vị và vùng, miền phù hợp. Từ đó, làm cho đội ngũ giảng viên phát triển đồng đều, phát huy được thế mạnh của mỗi người và cả đội ngũ, có sự kế tiếp một cách vững chắc.
Trên cơ sở sắp xếp đội ngũ giảng viên một cách phù hợp, Nhà trường thực hiện đồng bộ và đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; gắn quá trình đào tạo cơ bản với việc đào tạo thông qua hoạt động thực tiễn và tự học tập của mỗi giảng viên. Nhà trường đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng các chuyên gia, giảng viên đầu đàn và đội ngũ giảng viên kế cận; thực hiện chuẩn hóa về trình độ, kiến thức phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, đội ngũ cán bộ khoa, bộ môn phải có trình độ tiến sĩ, qua thực tế chỉ huy tại đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên, có phương pháp giảng dạy khoa học, có khả năng nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực đảm nhiệm. Cùng với đào tạo cơ bản, Nhà trường thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng kiến thức toàn diện, cả về kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm, tác phong, phương pháp công tác, khả năng xử lý các tình huống...; chú trọng bồi dưỡng tại chức, khuyến khích đội ngũ giảng viên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp và năng lực sư phạm. Cấp uỷ, chỉ huy các khoa, tổ bộ môn thường xuyên quán triệt cho mọi giảng viên nhận thức đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, yêu cầu, tiêu chuẩn của từng chức danh. Mỗi giảng viên xây dựng kế hoạch và phương pháp tự học độc lập, sáng tạo, phù hợp và có hiệu quả. Nhà trường quan tâm tạo môi trường thuận lợi để mỗi giảng viên phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch đã đăng ký; đồng thời, thường xuyên duy trì chặt chẽ chế độ kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện; tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời để chấn chỉnh, uốn nắn những sai sót, lệch lạc. Để gắn lý luận với thực tiễn, Nhà trường thường xuyên đưa các hoạt động phương pháp, như: bình giảng, thao giảng, thông qua bài, giảng thử, giảng mẫu, hội thi giảng viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi,... vào nền nếp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng luôn tích cực tham mưu cho Nhà trường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn; có kế hoạch đề nghị Bộ điều động giảng viên đi thực tế ở các quân khu, quân đoàn với những cương vị phù hợp để đội ngũ giảng viên có điều kiện học tập, tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn, vận dụng có hiệu quả vào quá trình giảng dạy, NCKH. Nhà trường thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài Quân đội mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ để nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên; phấn đấu đến năm 2015: 50%-60% có trình độ sau đại học, trong đó có 12%-15% tiến sĩ; 4 đến 5 Nhà giáo ưu tú; 7 đến 10 phó giáo sư.
Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, Nhà trường chú trọng thực hiện tốt việc quản lý, rèn luyện đội ngũ giảng viên. Cấp ủy, chỉ huy các khoa giáo viên luôn chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa quản lý về Đảng và chính quyền, trong đơn vị và tại nơi cư trú của từng giảng viên; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý thức, trách nhiệm, ý chí phấn đấu vươn lên, tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, NCKH. Đồng thời, Nhà trường tập trung duy trì nghiêm nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; gắn xây dựng chuẩn mực đạo đức nhà giáo với việc thực hiện Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện có hiệu quả việc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng. Mặt khác, kịp thời biểu dương, khen thưởng những giảng viên có thành tích trong giảng dạy, NCKH; nghiêm khắc phê bình, nhắc nhở những giảng viên có biểu hiện thiếu cố gắng trong học tập, nghiên cứu, chất lượng giảng dạy thấp, chấp hành không nghiêm chế độ, quy chế GD-ĐT. Qua đó, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ huy và tập thể các khoa giáo viên, tạo môi trường sư phạm lành mạnh để mỗi giảng viên rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực sư phạm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
Tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và thực hiện tốt chế độ chính sách đối với đội ngũ giảng viên là một biện pháp được Nhà trường hết sức chú trọng. Nhà trường đã tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống giảng đường, phòng học chuyên dùng, các thiết bị hỗ trợ phục vụ giảng dạy, như: đèn chiếu, phương tiện nghe nhìn, sơ đồ, tranh vẽ, hệ thống thao trường, học cụ...; gắn việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại với đẩy mạnh các phong trào thi đua ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy sáng kiến cải tiến mô hình, học cụ. Khuyến khích giảng viên khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật số vào phục vụ công tác giảng dạy, NCKH; đồng thời, tích cực nâng cấp, cải tiến hệ thống thông tin tư liệu, thư viện, tài liệu, nâng cao chất lượng biên soạn, in ấn giáo trình, tài liệu nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất công tác giảng dạy, NCKH của đội ngũ giảng viên. Nhà trường thường xuyên quan tâm chăm lo cả về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên phấn đấu vươn lên hoàn thành chức trách, nhiệm vụ người thầy trong sự nghiệp "trồng người". Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Nhà nước và Quân đội; ưu tiên những giảng viên có nhiều đóng góp xây dựng Quân đội, xây dựng Nhà trường, giảng viên có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm đúng mức đến các vấn đề thiết yếu, như: đề bạt, bổ nhiệm, nhà ở, đất ở, tuyển dụng thân nhân của cán bộ, giảng viên vào công tác ở những vị trí phù hợp.
Từ những kinh nghiệm đã đạt được trong công tác GD-ĐT nói chung, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên nói riêng, Trường Sĩ quan Lục quân 2 sẽ tiếp tục có những biện pháp tích cực, đồng bộ, sáng tạo, để xây dựng đội ngũ giảng viên vững mạnh về mọi mặt, góp phần xây dựng Nhà trường "chính quy, tiên tiến, mẫu mực", hoàn thành tốt nhiệm vụ của một trường trọng điểm trong Quân đội.
Thiếu tướng, TS. TỪ NGỌC LƯƠNG
Hiệu trưởng Nhà trường
1 - Đến nay, 100% giảng viên của Nhà trường có trình độ đại học trở lên; trong đó, có hơn 40 tiến sĩ, trên 200 thạc sĩ, 5 phó giáo sư; 73,08% cán bộ khoa, chủ nhiệm bộ môn có trình độ sau đại học; 13,88% giảng viên đã trải qua chiến đấu; 11% giảng viên đã qua thực tế ở các đơn vị; 22 giảng viên giỏi cấp Bộ.
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm