Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 24/04/2023, 07:40 (GMT+7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ Kỹ thuật Pháo binh vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Ngành Kỹ thuật Pháo binh có nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn,... các cơ quan, đơn vị về bảo đảm trang bị pháo binh đúng, đủ, kịp thời cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; tổ chức bảo đảm kỹ thuật đạt chuẩn quy định cho từng nhóm vũ khí, trang bị và đáp ứng nhu cầu về kỹ thuật của bộ đội. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng hết sức nặng nề, nhất là trong bối cảnh vũ khí, trang bị pháo binh về cơ bản đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp và thiếu đồng bộ, v.v.

Trước tình hình đó, những năm qua, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, Cục Kỹ thuật đã và đang tích cực tham mưu cho Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh về: quy hoạch, sử dụng vũ khí trang bị hiện có; lộ trình phát triển vũ khí, trang bị hiện đại; phương thức, công nghệ bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị, hình thái, phương án tác chiến mới. Đồng bộ với đó là cơ cấu, số lượng, chất lượng cán bộ kỹ thuật - lực lượng nòng cốt lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy bảo đảm kỹ thuật được chú trọng xây dựng và có bước phát triển mới. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ cấu cán bộ kỹ thuật còn bất cập; tính năng động sáng tạo, khả năng tư duy độc lập của một số cán bộ hạn chế, làm việc theo kinh nghiệm, hiệu quả chưa cao; tác phong chỉ huy, năng lực tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện có mặt chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị mới. Bên cạnh đó, quá trình kiện toàn tổ chức biên chế đã, đang ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ; chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao, xây dựng chuyên gia đầu ngành còn nhiều bất cập. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hiện đại tổ chức, hiện đại vũ khí, trang bị, chính quy, tinh nhuệ trong hoạt động kỹ thuật.

Thủ trưởng Cục Kỹ thuật binh chủng kiểm tra bảo quản nhiên nhiệu tên lửa

Trước hết, phát huy vai trò nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đội ngũ cán bộ kỹ thuật pháo binh tinh, gọn, mạnh. Quán triệt nghị quyết, chỉ thị của các cấp về công tác cán bộ, trọng tâm là Thông tư số 195/TT-BQP, ngày 24/11/2011 của Bộ Quốc phòng về quy định đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo cán bộ, Thông tư số 160/2017/TT-BQP, ngày 04/7/2017 quy định chức vụ, chức danh tương đương, Cục cụ thể hóa yêu cầu tiêu chuẩn chức danh vào đặc thù hoạt động kỹ thuật sát với ngành học, nhiệm vụ được giao của từng nhóm cán bộ, sát loại hình đơn vị. Ngành tham mưu cho cấp ủy các cấp quy hoạch, đánh giá, điều động, bổ nhiệm, đề bạt và có chính sách phù hợp; cân đối số lượng chuyển ra và bổ sung mới; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, bảo vệ để cán bộ phát triển đúng lộ trình, tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ,… bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đủ lứa, lớp, sẵn sàng thay thế. Trong đó, tích cực luân chuyển cán bộ trong nguồn quy hoạch; điều động, luân chuyển, luân phiên theo chức danh, vị trí; điều chỉnh cơ cấu, nhất là nguồn cán bộ chủ trì các cấp bảo đảm khách quan, phù hợp. Đa dạng hóa đào tạo; đào tạo cơ bản gắn với chuyên sâu theo hướng sử dụng; phù hợp với lộ trình phát triển lực lượng, vũ khí, trang bị của Binh chủng. Đề xuất chính sách ưu đãi cán bộ có phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, dự án, đề tài khoa học mang lại hiệu quả thiết thực; cán bộ đầu ngành, có kinh nghiệm thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Ngành; xem xét đề nghị kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ đối với cán bộ có chất lượng tốt, còn nhu cầu sử dụng và chưa có người thay thế. Qua đó, cơ bản khắc phục tình trạng thừa cán bộ ở cơ quan, thiếu ở đơn vị; cân đối được cơ cấu, ưu tiên cho các bộ phận quan trọng, lực lượng chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị; hiện nay, cán bộ tại chỗ đạt trên 94% biên chế.

Cùng với đó, việc quản lý, sử dụng hiệu quả cán bộ kỹ thuật có vai trò hết sức quan trọng trong tạo nguồn, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao, nhất là lực lượng lãnh đạo, chỉ huy kỹ thuật ở các cơ quan, đơn vị. Cục phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tạo nguồn cán bộ có tính kế thừa, phát triển, khắc phục tình trạng hẫng hụt cấp chiến dịch và ùn tắc cấp chiến thuật. Sử dụng cán bộ phù hợp với chuyên ngành đào tạo, sở trường, năng lực; cân đối độ tuổi, số công tác cũ và số mới điều động, bổ nhiệm; bảo đảm cán bộ là lãnh đạo, chỉ huy nối tiếp liên tục ba độ tuổi, liên thông giữa cơ quan và đơn vị trong Ngành. Cục chủ trương đưa cán bộ mới ra trường về đơn vị cơ sở, xếp chức danh trung đội trưởng sửa chữa - nơi cán bộ trực tiếp chỉ huy bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất vũ khí trang bị; hướng dẫn và cùng làm với nhân viên kỹ thuật để tích lũy kinh nghiệm, nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật, quy trình, công nghệ bảo đảm kỹ thuật trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Lựa chọn những cán bộ qua đào tạo cơ bản, có năng lực, kinh nghiệm xếp làm trợ lý phòng kỹ thuật lữ đoàn, Cục Kỹ thuật Binh chủng để bảo đảm chất lượng tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị. Đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực công tác vượt trội, tiêu biểu được đề bạt các vị trí lãnh đạo, chủ trì công tác kỹ thuật các cấp. Bên cạnh chức tránh, nhiệm vụ quy định, Cục chủ động giao các nhiệm vụ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học,… tạo điều kiện cho cán bộ phát huy trình độ, kinh nghiệm, khẳng định năng lực. Cục thường xuyên thống kê số lượng, chất lượng; tăng cường nắm tình hình hoạt động thường xuyên, năng lực xử lý tình huống kỹ thuật, tình huống chỉ huy, quản lý, tác phong làm việc, nhất là trong sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao; đánh giá toàn diện, đúng trình độ, khả năng của từng người,… để sàng lọc phát hiện cán bộ tốt và có phương án bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng. Để đạt hiệu quả, Cục chú trọng ổn định khối trợ lý làm chuyên môn sâu; luân chuyển cán bộ lãnh đạo, chỉ huy theo kế hoạch để tăng cường kiến thức thực tiễn của các loại hình đơn vị pháo binh.

Quản lý, sử dụng phải đi đôi với đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ cũng là vấn đề được Cục hết sức coi trọng. Bám sát lộ trình phát triển của Binh chủng, Cục chủ động đề xuất gửi cán bộ đi đào tạo cơ bản, chuyên sâu tại các học viện, nhà trường trong và ngoài nước; tập trung đào tạo chuyển cấp đại học, sau đại học về: chỉ huy, tham mưu kỹ thuật; các chuyên ngành tên lửa, khí tài đặc chủng,… đảm bảo đủ khả năng cải tiến, khai thác, sử dụng hiệu quả vũ khí, trang bị mới, hiện đại hiện có và dự kiến mua sắm trong tương lai. Cục duy trì nghiêm nền nếp huấn luyện kỹ thuật, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, chuyển đổi nhiệm vụ; tập trung huấn luyện về: nghiệp vụ quản lý nhân viên kỹ thuật, vũ khí, trang bị, xây dựng chính quy Ngành; công tác tham mưu, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ theo vị trí, chức danh; phương thức, biện pháp sửa chữa cơ động; công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị mới; khai thác trang bị ứng dụng công nghệ cao; công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức tốt ngày kỹ thuật, Cuộc vận động 50; chỉ huy kỹ thuật trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, di chuyển kho, xưởng, v.v. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng kiến thức thực tiễn, cập nhật thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ, năng lực nghiên cứu, tiếp thu công nghệ hiện đại, làm việc được trong môi trường quốc tế thuộc lĩnh vực ngành, chuyên ngành đảm nhiệm. Khuyến khích, động viên cán bộ tự giác nghiên cứu, học tập gắn với quá trình huấn luyện cho nhân viên kỹ thuật; tự lập nhóm nghiên cứu nội bộ trong đơn vị; khuyến khích cán bộ đang đi học có luận văn, đề tài nghiên cứu gần chuyên ngành đảm nhiệm; đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các hoạt động khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đáng chú ý, thời gian qua, Cục đã chỉ đạo toàn Ngành gắn bồi dưỡng chuyên môn với rèn luyện tác phong chỉ huy; gắn huấn luyện với giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh tự phê bình, phê bình, rèn luyện tính kiên nhẫn, tinh thần chịu đựng khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ kỹ thuật. Giai đoạn 2007 - 2022, Ngành có 41 cán bộ được đào tạo sau đại học, Cục tổ chức 12 lớp tập huấn cho 720 lượt cán bộ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Binh chủng có 71% có trình độ đại học, trên 26% sau đại học, gần 03% tiến sĩ.

Cùng với huấn luyện bồi dưỡng, Cục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; gắn nghiên cứu khoa học với xây dựng lực lượng chuyên gia đầu ngành. Hằng năm, Cục chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, định hướng nghiên cứu các vấn đề: quy hoạch, sử dụng vũ khí, trang bị, kho tàng phù hợp lực lượng, địa bàn tác chiến theo tầm nhìn đến năm 2030; tham mưu mua sắm vũ khí, trang bị mới; biên soạn tài liệu huấn luyện, tiêu chuẩn ngành; hoàn thiện phương thức bảo đảm kỹ thuật phù hợp các loại hình, địa hình tác chiến, nhất là bảo đảm đạn dược pháo binh trong chiến đấu; hợp lý hóa quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa, tiết kiệm vật tư; chế tạo phụ tùng, đồ gá, trang thiết bị phụ trợ; phục hồi dự trữ kỹ thuật chi tiết máy; cơ giới hóa, tự động hóa hoạt động các kho, xưởng, v.v. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; tổ chức đăng ký, phê duyệt các đề tài, sáng kiến; giao nhiệm vụ kỹ thuật cho cán bộ; phân cấp quản lý và bảo đảm cho nghiên cứu. Bên cạnh đó, Cục chú trọng tuyển chọn, đào tạo, xây dựng các nhóm nghiên cứu; phối hợp với học viện, nhà trường, cơ sở nghiên cứu trong toàn quân để nghiên cứu các đề tài lớn, tranh thủ công nghệ cho sản xuất mẫu, làm thí nghiệm, kiểm chuẩn sản phẩm. Qua đó, sàng lọc, phát hiện nhiều cán bộ có đức, có tài; tạo điều kiện cho lực lượng này tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu, tiếp cận tài liệu, thông tin chuyên đề, kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật về vũ khí, vật liệu, công nghệ cao, tham gia các đề tài nghiên cứu cấp cao,… để xây dựng thành chuyên gia đầu ngành trong bảo đảm kỹ thuật. Giai đoạn 2016 - 2021, Ngành đã biên soạn hàng chục tài liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm tra, phân cấp chất lượng, bảo quản, bảo dưỡng cho các loại: máy đo xa laser, pháo tự hành, tổ hợp tên lửa, khí tài quang học, khí tài trinh sát…; xây dựng luận chứng kinh tế, kỹ thuật, tác chiến cho tăng hạn tổ hợp tên lửa, khí tài đặc chủng, mua mới, cải tiến vũ khí, trang bị; nghiên cứu ứng dụng hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả cao, như: Bàn huấn luyện kiểm tra, hiệu chỉnh thước góc bắn; Dụng cụ tháo gỡ đạn BM21; Giá tháo lắp khóa nòng pháo 152-Đ20,… đạt nhiều giải trong Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình huấn luyện toàn quân.

Bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đến nay, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Binh chủng cơ bản đủ về số lượng, đạt 104% so với biên chế; cơ cấu hợp lý; chất lượng ngày càng cao. Tuyệt đại bộ phận cán bộ kỹ thuật đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật cao, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học đáp ứng được yêu cầu hoạt động kỹ thuật; hằng năm có trên 95% hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Đây là cơ sở quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, xây dựng ngành Kỹ thuật vững mạnh, bảo đảm cho Binh chủng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Đại tá, TS. PHẠM HỒNG SINH, Chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng

Ý kiến bạn đọc (0)