Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 15/12/2016, 16:06 (GMT+7)
Vùng 5 Hải quân đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền biển đảo

Vùng 5 Hải quân có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. Đây là vùng biển có địa lý phức tạp, tiếp giáp với các nước: Cam-pu-chia, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a. Vì thế, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của bộ đội, bên cạnh những thuận lợi, có không ít khó khăn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó hết sức coi trọng đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền về biển đảo, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những diễn biến phức tạp trên Biển Đông vừa qua cho thấy, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, trong đó có vùng biển Tây Nam. Vì vậy, cùng với thường xuyên duy trì thực hiện tốt công tác sẵn sàng chiến đấu, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị, địa phương trên địa bàn đóng quân thực hiện tốt công tác tuyên truyền biển đảo. Trước hết là, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 7172/CT - ĐUQC của Đảng ủy Quân chủng Hải quân “Về phối hợp với các tỉnh, thành phố trong công tác tuyên truyền biển đảo”. Đồng thời, chủ động xây dựng Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân với các đơn vị, địa phương, trực tiếp là với tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

Công tác phối hợp tuyên truyền biển đảo được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng xác định là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và mọi tầng lớp nhân dân về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng chiến lược của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng chỉ đạo triển khai phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương để thống nhất xác định đối tượng, chủ trương, biện pháp, nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Các đối tượng chủ yếu cần được tuyên truyền về biển đảo trên địa bàn là, (1) cán bộ, chiến sĩ trong Vùng; (2) cán bộ tuyên giáo, cán bộ đoàn và đoàn viên các tỉnh, thành phố, huyện (quận), xã (phường, thị trấn); (3) sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề; (4) học sinh lớp cuối các trường trung học phổ thông; (5) ngư dân các tỉnh ven biển (Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ). Địa bàn tuyên truyền, ngoài 02 địa phương (Kiên Giang và Cà Mau) được Quân chủng giao, Vùng 5 chủ động mở rộng ra một số tỉnh (thành phố), như: Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, các huyện đảo, xã đảo, các tổ chức và cá nhân làm ăn trên biển. Nội dung tuyên truyền tập trung vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) “Về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, Luật Biển Việt Nam và Công ước về Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc; giáo dục nhiệm vụ của Quân chủng, của Vùng, tình hình biển, đảo nước ta và kết quả hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Hải quân nhân dân Việt Nam, trong đó, chú trọng các hoạt động của Vùng, v.v. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, như: trực tiếp giới thiệu kết hợp với trình chiếu, hình ảnh minh họa, tuyên truyền miệng, cấp phát tài liệu, tờ rơi, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo và người chiến sĩ Hải quân, v.v.

Phần thi lý thuyết trong Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp trên cơ sở do Vùng tổ chức, tháng 6-2016. (Ảnh: baohaiquanvietnam.vn)

Triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng chỉ đạo thành lập đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; mở các lớp bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng sử dụng các loại phương tiện, như: loa phát thanh lưu động, ca-mê-ra, máy ảnh và kinh nghiệm tuyên truyền cho lực lượng này. Hằng tháng, cơ quan chức năng của Vùng cung cấp thông tin nhanh, chính xác, kịp thời về tình hình trong nước, khu vực, thế giới, nhất là tình hình Biển Đông, vùng biển Tây Nam và âm mưu, thủ đoạn lợi dụng những diễn biến hết sức phức tạp, vấn đề nhạy cảm liên quan đến vùng biển, ven biển để chống phá nước ta của các thế lực thù địch. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn nhận thức đúng đối tác, đối tượng, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, xây dựng ý thức, trách nhiệm đối với biển, đảo Tổ quốc. Hiện nay, Vùng 5 Hải quân có đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi, gồm các đồng chí chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị của các cơ quan, đơn vị và một số quân nhân chuyên nghiệp có kiến thức và kỹ năng tuyên truyền. Vùng đã biên soạn hàng trăm đề cương, tài liệu, tờ rơi, sổ tay về “Những điều ngư dân cần biết khi đi biển” và sơ đồ hướng dẫn luồng lạch,… để phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Nhờ vậy, khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, tuần tiễu trinh sát biển và tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Thái Lan, Cam-pu-chia, 100% cán bộ, chiến sĩ nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của Quân đội, Quân chủng và của Vùng về công tác đối ngoại và hoạt động đối ngoại quân sự. Vùng tổ chức tốt việc đón, phục vụ các đoàn đại biểu dân chính đảng, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, trong đó có cả thân nhân của cán bộ, chiến sĩ Vùng ra thăm, tặng quà, động viên bộ đội nhân dịp lễ, Tết. Vùng phối hợp với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức 118 đoàn, với trên 8.000 đại biểu đến thăm, kiểm tra và tặng quà cho bộ đội,… trị giá trên 7,4 tỷ đồng. Những việc làm thiết thực đó là nguồn cổ vũ, động viên, làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân, tạo sức mạnh tổng hợp để cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, vượt qua gian khổ, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Thời gian qua, nhất là từ năm 2011 đến nay, Vùng 5 Hải quân tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ quan thông tấn, báo, đài Trung ương và địa phương đến tác nghiệp, đưa tin, viết bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền sâu rộng về kết quả hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo; công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đối ngoại quân sự, cứu hộ, cứu nạn và các gương điển hình tiên tiến. Vùng đã tổ chức đón gần 800 lượt phóng viên của 22 cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương viết tin, bài, phóng sự,… về những hoạt động của Vùng. Trong đó, có gần 500 tin, bài, tác phẩm, tranh, ảnh và các ấn phẩm văn hóa về biển, đảo Việt Nam và Bộ đội Hải quân Vùng 5 được đăng trên các báo, tạp chí và phát trên hệ thống phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Để kịp thời tuyên truyền và làm sâu sắc thêm hình ảnh hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cùng với đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên viết, gửi nhiều tin, bài cho các báo, đài. Đặc biệt, Vùng còn phối hợp với Báo Kiên Giang mở chuyên trang “Vùng 5 Hải quân”, đến nay đã ra mắt bạn đọc được 23 số. Ngoài ra, Vùng còn chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển lãm, trưng bày hàng trăm tư liệu, ấn phẩm về chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng pháp lý và lịch sử”, thu hút gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ, học sinh và nhân dân trên địa bàn tham quan, học tập, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho các đối tượng.

Với đặc thù là lực lượng ở đảo vào đất liền phối hợp làm công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, Vùng 5 Hải quân chú trọng phối hợp với cơ quan tuyên giáo các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, nội dung cơ bản của Hiệp định về vùng nước lịch sử Việt Nam - Cam-pu-chia; các hiệp định, thỏa thuận của Việt Nam với các nước trong khu vực về vùng chồng lấn, biên giới biển; chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước trong giải quyết các vấn đề biển, đảo; những diễn biến mới trên các vùng biển, đảo Tổ quốc. Đồng thời, Vùng đã phối hợp tổ chức 94 đợt, 184 giờ tuyên truyền cho trên 16.600 lượt người của các sở, ban, ngành, trường học, trung tâm giáo dục của các địa phương; cùng với cơ quan quân sự địa phương (Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ) kết hợp huấn luyện lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ biển với tuyên truyền biển đảo cho hàng nghìn lượt cán bộ; với tổ chức đoàn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tổ chức 08 cuộc thi tìm hiểu về Luật Biển Việt Nam, biển, đảo quê hương và người chiến sĩ Hải quân, v.v. Kết quả, có trên 120.000 lượt bài dự thi, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vùng 5 Hải quân đã kết hợp tuyên truyền biển đảo với làm tốt công tác dân vận, phòng, chống cháy rừng. Thực hiện nhiệm vụ này, Vùng đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa như: “Giọt nước nghĩa tình”; “Mỗi đơn vị gắn với một địa chỉ tình thương”; “Tiếp sức đảo xa”; “Hũ gạo tình thương”, “Ngày Chủ nhật xanh”1, kết hợp với tổ chức các đợt hành quân dã ngoại giúp dân tu sửa nhà ở, trường học, củng cố đường giao thông, dọn vệ sinh các khu phố, bờ biển; tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn đóng quân2. Vùng còn giúp đỡ các em học sinh lớp học tình thương ở đảo Hòn Chuối sách, vở, dụng cụ học tập và hàng chục triệu đồng; xây dựng hàng chục nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; tặng gần 100 suất quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách,… trị giá trên 1,7 tỷ đồng. Đồng thời, Vùng đã tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 34.000 lượt người trên các xã đảo, trị giá gần 200 triệu đồng, góp phần tuyên truyền làm nổi bật hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” trong lòng nhân dân.

Từ kết quả phối hợp tuyên truyền biển đảo trong thời gian qua, Vùng 5 rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau: Một là, công tác phối hợp tuyên truyền phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp. Cơ quan chính trị làm tham mưu, lập kế hoạch, biên soạn tài liệu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra đánh giá kết quả. Hai là, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao, nắm chắc nhu cầu thông tin của từng đối tượng, từng thời điểm cụ thể. Ba là, có kế hoạch, nội dung phối hợp tuyên truyền sát đối tượng, địa bàn; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức. Bốn là, phối hợp chặt chẽ với cơ quan tuyên giáo tỉnh, thành phố, báo, đài Trung ương, địa phương tổ chức thực hiện chặt chẽ. Năm là, thực hiện tuyền truyền biển đảo phối hợp với làm công tác dân vận.

Những kết quả và kinh nghiệm phối hợp tuyên truyền biển đảo của Vùng 5 Hải quân nêu trên chỉ là bước đầu, nhưng quan trọng. Đó là tiền đề để Vùng tiếp tục phát huy, thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá ĐOÀN VĂN CHIỀU, Chính ủy Vùng

___________ 

1 - Kết quả: cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm được hơn 2.500kg gạo, hơn 2.000m3 nước ngọt; vận chuyển hơn 3.200 lượt người và 653 tấn hàng hóa tuyến Phú Quốc đi Thổ Chu và ngược lại.

2 - 78 nhà ở, 04 trường học, 200 cây xanh và hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông, bờ biển; tham gia chữa cháy hơn 46ha rừng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.