Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 07/05/2018, 09:02 (GMT+7)
Viện Kỹ thuật Hải quân đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học

Viện Kỹ thuật Hải quân (tiền thân là Ban Nghiên cứu Kỹ thuật Hải quân), thuộc Quân chủng Hải quân, được thành lập ngày 08-5-1978. Viện có nhiệm vụ tham mưu giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân về phát triển Khoa học Công nghệ và Môi trường Hải quân; chủ trì thẩm định các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học quân sự; nghiên cứu cải tiến, tích hợp hệ thống và khai thác, làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hải quân, nhất là vũ khí, trang bị mới, hiện đại. Đồng thời, nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo, bảo quản, bảo dưỡng kéo dài niên hạn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật; tư vấn kỹ thuật, xây dựng dự án, thiết kế, biên soạn quy trình công nghệ đóng mới, cải hoán và sửa chữa các loại tàu, xuồng, công trình thủy và phương tiện nổi; sản xuất, chế thử một số vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng của Hải quân, v.v. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân; được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, cán bộ, nghiên cứu viên, nhân viên chuyên môn các thế hệ của Viện luôn nỗ lực nghiên cứu khoa học, đạt nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm trang bị, kỹ thuật để nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân chủng, xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, làm chủ khoa học kỹ thuật”. Ghi nhận những thành tích đó, Viện Kỹ thuật Hải quân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, hạng Nhì; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân tặng nhiều cờ thưởng; 05 cá nhân được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Hải quân tham quan các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Viện

Có được thành quả trên, là do Đảng ủy, chỉ huy Viện luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, coi đó là nhiệm vụ chính trị trung tâm xuyên suốt, mục tiêu quan trọng hàng đầu. Trước hết, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ và nghiên cứu viên, nhất là chuyên gia đầu ngành. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng nghiên cứu khoa học - công nghệ của Viện. Do nhiệm vụ của Bộ đội Hải quân mang tính đặc thù, nên Quân chủng Hải quân được trang bị nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật khác nhau, đa dạng, phức tạp, cũ, mới đan xen. Vì thế, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ của Viện đòi hỏi rất cao, trong khi trình độ, năng lực, kiến thức chuyên sâu của đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên có mặt còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Nhận thức rõ đặc điểm này, Đảng ủy, chỉ huy Viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực và phát huy vai trò, trách nhiệm, niềm đam mê nghiên cứu khoa học; đồng thời, đề ra các tiêu chí cụ thể để đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên phấn đấu thực hiện. Chủ động lựa chọn những cán bộ có phẩm chất, năng lực, trình độ gửi đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài với các chuyên ngành khác nhau, trọng tâm là đào tạo về ngoại ngữ, tổng công trình sư, chuyên ngành vũ khí đặc chủng Hải quân. Kết hợp tạo nguồn cán bộ nghiên cứu khoa học từ các đơn vị, nhà trường gắn với đào tạo, bồi dưỡng tại chức; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên gia đầu ngành gắn với xây dựng các phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học, nhất là trung tâm công nghệ thủy âm, phòng thí nghiệm từ trường quân sự, phòng thí nghiệm vũ khí đặc chủng, khí tài đặc chủng, v.v. Để tạo động lực và phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên, Viện đã xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp với điều kiện thực tiễn1. Nhờ đó, đến nay, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện: 100% có trình độ đại học trở lên; trong đó, 52,5% có trình độ sau đại học (tiến sĩ 6,2%), trên 20% được đào tạo ở nước ngoài, v.v.

Bám sát yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng, Đảng ủy, chỉ huy Viện luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cải tiến vũ khí, trang bị khí tài đặc chủng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Ngay từ khi thành lập, với ý chí tự lực tự, cường, lòng đam mê, sáng tạo và tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, đội ngũ cán bộ của Viện đã tích cực nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến nhiều phương tiện, vũ khí, trang bị phục vụ tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân chủng. Nổi bật là, nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường, như: ống phóng từ HT-5, HT-6; thiết bị phóng từ nổi HDL-9, PĐ-67, thiết bị phóng từ 480; khung dây điện từ đặt trên cạn; tàu kéo khung dây điện từ T150, T152, T154; tàu phóng từ V412, V414, V416,... góp phần cùng quân, dân cả nước rà phá hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường, khai thông luồng lạch, làm thất bại chiến dịch phong tỏa trên sông, biển miền Bắc của đế quốc Mỹ. Cùng với đó, Viện còn cải tiến nhiều loại bom, mìn, thủy lôi, như: cải tiến thủy lôi đáy AMĐ-2 thành thủy lôi HAT-2, cải tiến thủy lôi áp suất APS, mìn áp mạn M1, bom phóng RGB-12,... giúp cho Đặc công Hải quân lập nên những chiến công oanh liệt. Đồng thời, thiết kế, sửa chữa, cải hoán nhiều loại tàu cá thành những con “tàu không số” làm nên kỳ tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Quán triệt, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân chủng Hải quân tiến thẳng lên hiện đại, từ năm 2012 Viện đã chủ động chuyển hướng mạnh mẽ và tiên phong trong nghiên cứu, tích hợp, khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hải quân; đặc biệt là vũ khí công nghệ cao, vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Tuy nhiên, trong thực hiện, Viện gặp không ít khó khăn, bởi các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật mới được xây dựng trên nền tảng công nghệ cao, các thiết bị chỉ huy, điều khiển được máy tính hóa, kết hợp cả chiều ngang và chiều dọc, các hệ máy tính rất nhanh lạc hậu. Trong khi đó, Viện thiếu nhiều chuyên gia, tài liệu và các phương tiện nghiên cứu, thử nghiệm; cán bộ trực tiếp tiếp xúc, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại chưa nhiều, chưa có kinh nghiệm, v.v. Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, Viện đã tập trung nghiên cứu, thiết kế, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật dựa trên các công nghệ tích hợp vũ khí và công nghệ thông tin, chủ yếu là vũ khí dưới nước và chống ngầm. Triển khai nghiên cứu đột phá vào ba lĩnh vực trọng tâm: công nghệ tích hợp vũ khí trên tàu hải quân, công nghệ tiêu từ tàu quân sự và công nghệ thủy âm; xây dựng Đề án “Xây dựng Viện Kỹ thuật Hải quân chính quy, hiện đại đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Viện đã trực tiếp tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ chuyên gia nước ngoài, nhanh chóng khai thác và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài mới, hiện đại, như: tàu ngầm Kilo 636 và trên các lớp tàu Gepard 3.9, tàu 1241.8; vũ khí, trang bị kỹ thuật không quân hải quân; hệ thống tên lửa, ngư lôi, v.v. Đồng thời, chủ động nắm chắc tình trạng khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật ở các đơn vị; kịp thời đề xuất, nghiên cứu, thay thế, sửa chữa một số chủng loại cho phù hợp với đặc điểm khí hậu, thời tiết, thủy văn của từng vùng biển. Hiện nay, Viện đã nghiên cứu, sản xuất thay thế bộ cảm biến ắc quy và chế tạo máy ép rác thải cứng trên tàu ngầm Kilo 636; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trạm thủy âm TTA-V1 thay thế cho trạm VGS-3 lắp trên trực thăng chống ngầm; thiết kế, chế tạo hệ thống tự dẫn chủ động kết hợp thụ động trên ngư lôi SET-40UE,... góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại của Quân chủng.

Cùng với đó, Viện đã thiết kế, đóng mới được những lớp tàu quân sự đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam. Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng về việc từng bước tự chủ sản xuất phương tiện, trang bị kỹ thuật cho Quân đội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Hải quân, với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, Viện đã phối hợp với các cơ quan chức năng, tập trung lực lượng nghiên cứu, thiết kế, đóng mới được nhiều lớp tàu quân sự mang thương hiệu Việt Nam. Để làm được điều đó, Viện chủ động cử cán bộ đi nước ngoài đào tạo, tiếp cận những phần mềm thiết kế tiên tiến nhất, như: Tribon M3, Shipconstructor, Autodesk inventor, Maxsurf, Rhinoceros, v.v. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành trong và ngoài nước để thiết kế, đóng mới tàu quân sự, như: Viện MTD (Liên bang Nga), Công ty Shiptech, Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy (Bộ Giao thông Vận tải), Tổng Công ty Ba Son, Công ty đóng tàu Hồng Hà, Công ty 189, Nhà máy X51, X46, X55, v.v. Một số lớp tàu cũ và các lớp tàu do nước ngoài viện trợ được Viện chủ trì thiết kế, cải hoán, cải tiến và hiện đại hóa, nên đã kéo dài niên hạn sử dụng, góp phần nâng cao khả năng tác chiến, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng.

Bằng nhiều biện pháp tích cực, những năm qua, Viện đã chủ động tham gia vào quá trình bảo đảm kỹ thuật của Quân chủng Hải quân; tăng cường lực lượng cán bộ đi nghiên cứu thực tiễn, nắm thực trạng vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhu cầu của đơn vị, triển khai thực hiện hàng trăm đề tài, dự án, công trình nghiên cứu khoa học đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Nhiều đề tài, dự án được ứng dụng trong hoạt động thực tiễn của Quân chủng, mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như các dự án: “Tích hợp hệ thống chiến đấu trên tàu Hải quân và phòng Công nghệ tích hợp, Viện Kỹ thuật Hải quân”; “Lắp đặt hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt cho quần đảo Trường Sa”; “Trung tâm công nghệ thủy âm”, “Trung tâm đo, xử lý và tiêu từ tàu biển” và các đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tính toán để điều khiển pháo AK-630, AK-176 trên tàu Hải quân”, “Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường biển đến tầm hoạt động của các thiết bị thủy âm”, “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ngư lôi 05NL.53HL theo kiểu ngư lôi 53VA bắn tập”, v.v. Đặc biệt, là dự án chuyển giao công nghệ tích hợp hệ thống chiến đấu trên tàu hải quân, lần đầu tiên được áp dụng trực tiếp cho lớp tàu chiến đấu chủ lực của Quân chủng.

Phát huy truyền thống, Viện Kỹ thuật Hải quân tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, xứng đáng là một Trung tâm Khoa học - Công nghệ hàng đầu của Quân đội, góp phần cùng các lực lượng trong Quân chủng Hải quân làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá PHẠM PHÚ THANH, Viện trưởng
______________

1 - Hiện nay, Viện đã xây dựng quỹ khoa học - công nghệ với số tiền gần một tỉ đồng để hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu khoa học.

Ý kiến bạn đọc (0)