Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 19/10/2017, 08:46 (GMT+7)
Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt đột phá nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học

Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt là đơn vị thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật quân sự bậc đại học và sau đại học các chuyên ngành: xây dựng công trình quốc phòng, cầu đường, sân bay, công trình đặc biệt, trắc địa bản đồ, địa tin học, xây dựng dân dụng và công nghiệp; nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực xây dựng công trình quân sự; tư vấn dịch vụ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng.

Trải qua 50 năm xây dựng, trưởng thành (21-10-1967 - 21-10-2017), Viện đã không ngừng lớn mạnh, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, Viện đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng nghìn kỹ sư, cán bộ khoa học kỹ thuật cho toàn quân, kỹ sư dân sự phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cho quân đội nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật được Viện đào tạo đều có trình độ chuyên môn cao, là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng các công trình quân sự, góp phần bảo đảm cho Quân đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác nghiên cứu khoa học, Viện là tập thể khoa học mạnh, lực lượng tiên phong của Học viện. Viện chủ trì và tham gia nghiên cứu thành công hàng trăm đề tài, dự án khoa học, công nghệ; trong đó, nhiều đề tài, dự án thuộc các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, đóng góp tích cực vào sự phát triển khoa học kỹ thuật quân sự, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho nhu cầu quân sự, quốc phòng và kinh tế - xã hội, v.v. Ghi nhận những thành tích của cán bộ, giảng viên, nhân viên trong những năm qua, Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều danh hiệu cao quý, như: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen và Cờ của Thủ tướng Chính phủ 3 năm liên tục 2014, 2015, 2016; nhiều cá nhân, tập thể được Học viện và Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen, Giấy khen, v.v.

Báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tại Tiểu ban Trắc địa bản đồ (năm 2017)

Những năm gần đây, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho Viện nhiều vấn đề mới cần giải quyết, với yêu cầu cao. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Viện đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp đột phá.

Trước hết, Viện tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học trước mắt và lâu dài. Là đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học có tính đặc thù cao, vì vậy, đối với Viện, chất lượng nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhận rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Viện thường xuyên coi trọng và có giải pháp quyết liệt để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học của Viện. Trên cơ sở Nghị quyết 102-NQ/ĐU về lãnh đạo xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ môn và Nghị quyết 118-NQ/ĐU về nâng cao trình độ ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên của Đảng ủy Học viện, Viện đã xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên và kế hoạch triển khai thực hiện. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Viện có từ 10% - 12% phó giáo sư, giáo sư; 40% - 45% trình độ tiến sĩ, trên 45% giảng viên đạt chuẩn ngoại ngữ tiếng Anh B2 châu Âu, có trình độ tiếng Nga đáp ứng hoạt động chuyên môn. Thực hiện mục tiêu xác định, Viện làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trong công tác quy hoạch, Viện chỉ đạo thực hiện quy trình tuyển chọn đội ngũ cán bộ, giảng viên chặt chẽ, chú trọng đến chất lượng, ưu tiên cho lĩnh vực, chuyên ngành quan trọng, còn thiếu. Nét nổi bật là, Viện đã xây dựng quy hoạch cán bộ theo chức danh chuyên môn kỹ thuật, giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân đến năm 2020 và những năm tiếp theo với những chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể cho từng bộ môn. Cán bộ, giảng viên căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch phấn đấu và chủ động, tích cực, tự giác thực hiện. Trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên, Viện phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Khoa học và đào tạo trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt học thuật của các bộ môn, tăng cường trao đổi chuyên môn; chú trọng tổ chức giảng mẫu, giảng thử, bình giảng, nhất là đối với các giảng viên mới, giảng viên trẻ; lượng hóa nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên, làm cơ sở cho phấn đấu thực hiện và đánh giá, bình xét kết quả hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Quá trình thực hiện, Viện gắn chặt bồi dưỡng chức danh với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên có chức danh khoa học, học vị, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực theo định hướng nghiên cứu. Cùng với đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, Viện chủ động phối hợp với cơ quan chức năng đề xuất cử cán bộ, giảng viên đi thực tế tại các đơn vị; đào tạo chuyên sâu, nhất là đào tạo sau đại học, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ ở nước ngoài và tham gia hội thảo quốc tế, v.v. Với định hướng đúng, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, đến nay, 100% cán bộ, giảng viên của Viện có trình độ đại học trở lên; trong đó, 38,26% trình độ thạc sĩ; 45,88% tiến sĩ; 14,11% là giáo sư, phó giáo sư; 04 Nhà giáo Ưu tú; 05 giảng viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng. Đây là nguồn nhân lực nòng cốt quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của Viện.

Cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, Viện đột phá đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy - học. Bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Học viện (chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ) theo định hướng xây dựng Học viện theo mô hình đại học nghiên cứu, Viện đã đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu; chủ động cải tiến chương trình toàn khóa bậc đại học, hoàn thiện chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, theo hướng 4+11 và thực hiện gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Trong đó, Viện chú trọng điều chỉnh, bổ sung các môn học theo hướng tăng tính thực tiễn, cập nhật sự phát triển mới về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực chuyên ngành; đồng thời, tích cực mở mới mã ngành đào tạo. Cùng với đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, Viện đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, chú trọng đào tạo năng lực thực hành, thực tế cho người học. Để thực hiện hiệu quả, Viện triển khai đưa đề cương chi tiết, bài giảng lên mạng In-tơ-nét; hoàn thiện ngân hàng đề thi bậc sau đại học theo hướng 60% trắc nghiệm, 40% tự luận. Trong quá trình giảng dạy, Viện ưu tiên bố trí các giảng viên có học vị, chức danh khoa học và nhiều kinh nghiệm tham gia vào công tác đào tạo; tăng cường tổ chức sinh hoạt học thuật ở cấp bộ môn và Viện; duy trì nền nếp dự giảng, kiểm tra giảng, rút kinh nghiệm, v.v. Để nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu khoa học, Viện yêu cầu đội ngũ giảng viên, học viên, sinh viên chấp hành nghiêm quy chế, quy định và nền nếp đào tạo, sinh hoạt học thuật, hoạt động nhóm môn học; thực hiện đăng ký sinh hoạt học thuật các bộ môn bằng ngoại ngữ ít nhất 01 lần/học kỳ. Với cách làm đó, chất lượng công tác đào tạo của Viện ngày càng cao. Trong các kỳ thi O-lym-pic Cơ học, thi Đồ án tốt nghiệp xuất sắc ngành Xây dựng - Kiến trúc toàn quốc, các đội tuyển Cơ học kết cấu, Cơ học đất của học viên, sinh viên của Viện đã đạt thành tích cao, như: 02 giải Nhất, 01 giải Nhì đồng đội; 01 giải Nhất, 04 giải Nhì cá nhân trong thi O-lym-pic; 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 08 giải Ba giải thưởng Loa Thành, v.v.

Để đáp ứng yêu cầu cao trong nghiên cứu khoa học, Viện chú trọng đổi mới cơ chế quản lý, điều hành và ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ. Viện kết hợp chặt chẽ giữa quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của chỉ huy Viện với phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ của các tập thể, cá nhân, nhất là vai trò của chủ nhiệm đề tài. Viện đã xây dựng được 09 nhóm nghiên cứu mạnh, với thủ lĩnh nhóm là các chuyên gia đầu ngành, giáo sư, tiến sĩ có uy tín và trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, phát huy tư cách pháp nhân của chủ đề tài, dự án cấp bộ, ngành và Nhà nước để chủ động nguồn kinh phí, khích lệ được người nghiên cứu. Cùng với đó, Viện cũng đổi mới quy trình, phương pháp lựa chọn đề tài theo hướng hiệu quả, tăng tính ứng dụng và lấy sản phẩm cuối cùng làm tiêu chí đánh giá chất lượng nghiên cứu. Nội dung nghiên cứu được Viện chỉ đạo bám sát định hướng của Học viện, Bộ Quốc phòng; trong đó, chú trọng nghiên cứu ứng dụng, chuyên sâu, nhất là về vật liệu mới, nâng cao tính kháng lực cho các công trình phòng thủ và các công trình biển, đảo; nghiên cứu phục vụ công tác tư vấn dịch vụ khoa học kỹ thuật, v.v. Mặt khác, Viện chú trọng khuyến khích cán bộ, giảng viên phát triển các ý tưởng khoa học có tính sáng tạo, có hướng phát triển khả thi; tăng cường tham gia nghiên cứu các đề tài cấp Học viện và cấp Viện.

Trao đổi khoa học với đội ngũ giáo sư Trường Đại học Giao thông đường bộ của Liên bang Nga (năm 2017)

Cùng với đó, Viện chỉ đạo kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu chuyên sâu, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học. Đặc biệt, Viện chủ động mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, viện nghiên cứu chuyên ngành ở trong nước và ngoài nước, như: Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; Đại học Giao thông đường bộ và Đại học Xây dựng Moscow của Liên bang Nga, Đại học Melbourne của Úc; Hiệp hội nghề Nhật bản, v.v. Đến nay, Viện đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu 12 đề tài, chương trình cấp nhà nước; 27 đề tài cấp Bộ Quốc phòng; 54 đề tài cấp học viện; đã công bố 10 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có chỉ số ISI, Scopus; 46 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế; 368 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước; 39 báo cáo tại các hội thảo khoa học quốc tế; 82 báo cáo tại hội nghị khoa học trong nước; xuất bản 48 đầu tài liệu, sách, giáo trình, v.v. Nhiều đề tài do cán bộ, giảng viên của Viện nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ hoạt động quân sự, như: “Nghiên cứu giải pháp tăng cường kháng lực cho các công trình quốc phòng và phòng thủ dân sự ở khu vực quần đảo Trường Sa”; “Nghiên cứu giải pháp vật liệu ngụy trang trong chiến tranh công nghệ cao”; “Đánh giá chất lượng, xác định tuổi thọ mặt đường ô tô và sân bay”; “Nghiên cứu ma sát giữa móng cọc với nền san hô và dự báo sự ổn định của công trình dưới tác động của sóng biển”, v.v. Cùng với đó, Viện tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hợp tác, nhất là hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo định hướng của Học viện, xứng đáng với vai trò là cơ quan nghiên cứu đầu ngành về kỹ thuật công trình đặc biệt.

Thời gian tới, Viện đẩy mạnh quy hoạch, tham mưu, đề xuất với Học viện và Bộ Quốc phòng đầu tư, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ, tạo nền tảng kỹ thuật để nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhất là phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, PGS,TS. VŨ NGỌC QUANG, Bí thư Đảng ủy Viện
________
_____________

1 - Chương trình 4+1: 4 năm đào tạo bậc đại học + 1 năm đào tạo trình độ thạc sĩ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.