Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:34 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự tiền thân là Cục Nghiên cứu kỹ thuật, thành lập theo Quyết định số 470/BQP, ngày 12/10/1960 của Bộ Quốc phòng. Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển, qua nhiều lần củng cố, chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động và thay đổi tên gọi, đến nay trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ quân sự đa ngành hàng đầu của Quân đội.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, mặc dù lực lượng mỏng, cơ sở vật chất thô sơ, trình độ, kinh nghiệm chưa nhiều, song đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đã không quản gian khổ, hy sinh, thường xuyên bám sát chiến trường, phát huy bản lĩnh, trí tuệ khoa học, tiên phong nghiên cứu cải tiến, nâng cấp, làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật được viện trợ và thiết kế, chế tạo nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, kịp thời đáp ứng yêu cầu tác chiến, sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Điển hình là các cụm công trình nghiên cứu phá thủy lôi từ tính, bom từ trường; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tên lửa A12, vũ khí phá rào, ĐKB nối tầng; thiết kế, chế tạo các loại mìn, lựu đạn, thiết bị điều khiển nổ; giải pháp vô hiệu hóa hàng rào điện tử McNamara, hàng rào vật cản chống mục tiêu bay thấp, v.v. Đặc biệt, cán bộ, kỹ sư của Viện đã cùng Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu, tìm ra giải pháp chống nhiễu hiệu quả, giúp bộ đội “vạch nhiễu tìm thù”, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo mệnh lệnh chiến đấu của Bộ, Viện đã cử nhiều đoàn công tác với hàng trăm cán bộ mang khí tài điều khiển nổ từ xa (ĐK-1, ĐK-4), rađa trinh sát chấn động, máy thông tin, tên lửa A70, C24, kính nhìn đêm,… tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Các nhà khoa học của Viện đã trực tiếp huấn luyện cách sử dụng các loại vũ khí, khí tài cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ; bàn giao cho các đơn vị hàng chục bộ khí tài trinh sát, điều khiển nổ từ xa, gần 5.000 quả mìn phóng MF1, MF2 cùng nhiều thiết bị khác là sản phẩm nghiên cứu của Viện, góp phần cùng quân và dân ta đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc biên giới. Đồng thời, tiếp tục đi đầu trong nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ quân sự và đạt những kết quả tích cực. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Viện đã nghiên cứu thành công hàng trăm đề tài; trong đó, nhiều đề tài thuộc các chương trình, dự án khoa học, công nghệ trọng điểm của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, góp phần quan trọng vào phát triển khoa học, công nghệ nói chung, khoa học, công nghệ, kỹ thuật quân sự nói riêng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc đó, Viện đã vinh dự 02 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều tập thể, cá nhân trực thuộc Viện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ và các phần thưởng cao quý khác.
Những năm gần đây, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho Viện những nhiệm vụ nặng nề, mục tiêu, yêu cầu rất cao, với cả thời cơ thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức. Trước thực tế đó, Viện đã chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu khoa học, công nghệ, xây dựng Viện thành một tập thể khoa học mạnh, chuyên sâu. Trong đó, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang, thiết bị công nghệ; đổi mới cơ chế quản lý, tư duy làm khoa học là khâu đột phá.
Nhận rõ vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính sống còn của nguồn nhân lực đối với một cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, Đảng ủy Viện ra Nghị quyết số 128-NQ/ĐU, ngày 12/10/2012 “Về xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao”, cùng nhiều quy chế, quy định về công tác cán bộ. Viện đặt mục tiêu: xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, cơ cấu hợp lý, đồng bộ về chuyên ngành, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn theo từng lĩnh vực, có năng lực, trí tuệ, đủ khả năng độc lập nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Những năm qua, Viện thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách trong xây dựng nguồn nhân lực; kết hợp chặt chẽ giữa tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng; ưu tiên xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học tinh hoa, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở những lĩnh vực nghiên cứu mới và các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được Viện đẩy mạnh, kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ với đào tạo chuyên sâu ở trong nước và quốc tế1. Đặc biệt, Viện coi trọng việc bồi dưỡng cán bộ thông qua thực tiễn công tác, nghiên cứu khoa học; kết hợp tạo động lực, khuyến khích, động viên và áp lực để cán bộ tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ. Đồng thời, duy trì nghiêm quy định cán bộ nghiên cứu bám sát các đơn vị, nhà máy để cọ xát thực tế, hình thành, phát triển ý tưởng, đề xuất hướng nghiên cứu. Cùng với đó, Viện quan tâm đến chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, cống hiến. Đến nay, 100% cán bộ của Viện có trình độ đại học trở lên, trong đó trên 75% có trình độ sau đại học; bước đầu xây dựng được đội ngũ cán bộ đầu ngành trên các lĩnh vực, làm “đầu tầu” cho sự phát triển của Viện.
Nhằm tạo nền tảng kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, thiết kế, chế thử, Viện đã tham mưu với cấp trên, kết hợp nhiều nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, công nghệ. Từ năm 2015 đến nay, Viện đã triển khai 09 dự án đầu tư tiềm lực khoa học công nghệ với 07 phòng thí nghiệm chuyên dụng đạt chuẩn quốc gia; trong đó, 04 dự án đã nghiệm thu đi vào khai thác, sử dụng, phát huy tốt hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, thiết kế, chế thử, thử nghiệm. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, Viện đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, điều hành hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng tăng khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, các viện nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài; đổi mới quy trình, phương pháp lựa chọn đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu kết hợp chặt chẽ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; lấy kết quả, sản phẩm cuối cùng để đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu.
Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên, năng lực nghiên cứu khoa học của Viện có bước phát triển nhảy vọt, kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ của Viện tăng mạnh cả về số lượng, quy mô2. Các công trình, đề tài, dự án do Viện thực hiện có giá trị thực tiễn, hàm lượng khoa học, công nghệ cao, góp phần quan trọng vào phát triển Công nghiệp Quốc phòng, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác bảo đảm kỹ thuật, nhất là cho vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Tiêu biểu là các đề tài nghiên cứu, phát triển hệ thống điều khiển hỏa lực cho tổ hợp phòng không tầm thấp cơ động, tên lửa chống tăng, rađa cảnh giới biển; công nghệ chế tạo vật liệu nổ, thuốc hỏa thuật, nhiều loại vũ khí, trang bị, thiết bị, vật tư mang “thương hiệu Việt Nam”; sản phẩm đảm bảo đời sống, sức khỏe cho bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là trong điều kiện hoạt động quân sự đặc biệt; sản phẩm ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu công nghệ xử lý môi trường trong hoạt động đặc thù quân sự và chất độc hóa học tồn dư sau chiến tranh.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thời gian tới, Viện chủ trương tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác; tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao mang tầm quốc gia, có tính đột phá và ứng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh. Đồng thời, phát triển, chuyển giao kết quả các đề tài, sản phẩm do Viện nghiên cứu, cho các đơn vị trong toàn quân. Thực hiện mục tiêu đó, Viện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh kiện toàn tổ chức theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh, tổng công trình sư trên các hướng nghiên cứu trọng điểm. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ. Trước mắt, hoàn thành tốt Dự án “Trung tâm chế thử, lắp ráp, thử nghiệm vũ khí, trang bị kỹ thuật”. Trong công tác nghiên cứu khoa học, tập trung tạo bước đột phá trong việc đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ, hướng vào các chương trình, dự án trọng điểm của Bộ Quốc phòng, nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; khai thác, làm chủ, bảo đảm kỹ thuật vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại; hợp tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số loại vũ khí, khí tài mới. Về lĩnh vực công nghệ, tập trung nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ nền tảng, công nghệ lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên các lĩnh vực: kỹ thuật điện tử, tự động hóa điều khiển, công nghệ thông tin, vật lý ứng dụng; làm chủ các công nghệ tiên tiến phục vụ tính toán, thiết kế, mô phỏng; nghiên cứu phát triển các loại vật liệu, công nghệ chế tạo vật liệu mới, vật liệu đặc thù quân sự phục vụ thiết kế, chế tạo, bảo đảm kỹ thuật; ứng dụng, phát triển thành tựu công nghệ sinh học phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế; nghiên cứu xây dựng các giải pháp công nghệ mới để kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường, chất độc hóa học tồn dư sau chiến tranh.
Phát huy truyền thống đơn vị hai lần anh hùng, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự tiếp tục nêu cao bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng vươn lên, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, TS. NGUYỄN TRUNG KIÊN, Giám đốc Viện ________________
1 - Giai đoạn 2015 - 2020, Viện đã cử 240 đoàn cán bộ đi hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, học tập, hội thảo, làm việc với chuyên gia nước ngoài để thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ và môi trường.
2 - Từ năm 2016 đến 2020, Viện đã nghiên cứu 293 đề tài ở các cấp; chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện 43 đề tài.
Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự,Nghiên cứu khoa học
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm