Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 23/03/2017, 08:33 (GMT+7)
Trường Trung cấp Kỹ thuật Thông tin đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo là yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu xuyên suốt của mọi nhà trường. Đối với Trường Trung cấp Kỹ thuật Thông tin, nhiệm vụ đó còn mang tính cấp thiết, do nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc “tiến thẳng lên hiện đại”.

Thiếu tướng Lê Bá Tấn, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Binh chủng và các
đại biểu chúc mừng Nhà trường nhân dịp Khai giảng năm học 2016 - 2017

Trường Trung cấp Kỹ thuật Thông tin1 thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc, được thành lập ngày 24-3-1967, với nhiệm vụ đào tạo nhân viên kỹ thuật thông tin cho toàn quân. Trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng, trưởng thành, Nhà trường luôn bám sát thực tiễn xây dựng, chiến đấu của Bộ đội Thông tin liên lạc, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, Nhà trường đã đào tạo hơn 10 vạn nhân viên trung cấp, sơ cấp kỹ thuật thông tin; trung cấp tác chiến điện tử; giáo viên báo vụ, đài trưởng vô tuyến điện báo và nhân viên báo vụ cho toàn quân. Đội ngũ nhân viên kỹ thuật do Nhà trường đào tạo có năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt vai trò trên cương vị chức trách được giao, là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, khai thác, sửa chữa, vận hành các trang bị, khí tài thông tin liên lạc, góp phần xứng đáng vào thành tích vẻ vang của Bộ đội Thông tin Anh hùng.

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và yêu cầu xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại, đặt ra cho Nhà trường trách nhiệm nặng nề trong việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật thông tin. Bên cạnh những thuận lợi, Nhà trường đứng trước không ít khó khăn, thách thức là: tổ chức biên chế chưa ổn định; cán bộ, giáo viên còn thiếu về số lượng và chất lượng chưa cao; cơ sở vật chất, hệ thống giảng đường, xưởng trường và các yếu tố bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục - đào tạo còn thiếu, v.v. Trước thực tế đó, Nhà trường thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, coi đó là khâu then chốt, quyết định sự phát triển của Nhà trường cả trước mắt và lâu dài.

Để đạt hiệu quả cao, Nhà trường tăng cường giáo dục, quán triệt làm cho mọi cán bộ, giáo viên, học viên nắm vững nhiệm vụ của Nhà trường trong tình hình mới; thấy rõ tầm quan trọng của việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo không chỉ có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của Nhà trường mà còn là một trong những thành tố quan trọng, quyết định sự thành công của việc hiện đại hóa Binh chủng, đảm bảo cho Binh chủng và ngành Thông tin toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; từ đó, đề cao trách nhiệm trong giảng dạy, học tập, công tác. Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng tất cả các khâu, các thành tố trong giáo dục - đào tạo.

Trước hết, Nhà trường tập trung đổi mới, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo theo hướng mở, hiện đại, cập nhật kịp thời sự phát triển của hệ thống thông tin liên lạc quân sự. Để có cơ sở và bảo đảm quá trình đổi mới đúng hướng, đạt hiệu quả cao, Nhà trường thường xuyên bám sát thực tiễn đơn vị để xác định mục tiêu, yêu cầu đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra của học viên, đảm bảo học viên tốt nghiệp ra trường có kiến thức, kỹ năng cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu theo từng chuyên ngành đào tạo; quản lý, khai thác, vận hành có hiệu quả các trang bị khí tài thông tin hiện đại, v.v. Trên cơ sở chuẩn đầu ra của học viên, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên rà soát, đánh giá lại toàn bộ nội dung, chương trình đào tạo, lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị thông tin trong toàn quân. Qua đó, điều chỉnh, bổ sung, kiên quyết cắt bỏ các nội dung trùng lặp, không còn phù hợp, khắc phục sự dàn trải, mất cân đối giữa các khối kiến thức, từng bước chuẩn hóa nội dung, chương trình đào tạo. Trong điều kiện công nghệ thông tin và trang thiết bị thông tin liên lạc phát triển từng ngày, để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho học viên, Nhà trường đã bám sát định hướng phát triển, sử dụng trang bị, khí tài của Binh chủng, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, đưa vào chương trình đào tạo nội dung mới về quản lý, khai thác, bảo đảm kỹ thuật các trang bị thông tin thế hệ mới, hiện đại đã và đang được trang bị cho các đơn vị theo lộ trình hiện đại hóa. Đến nay, Nhà trường hoàn thành xây dựng, triển khai chương trình huấn luyện, đào tạo mới cho các đối tượng: trung cấp kỹ thuật thông tin, trung cấp kỹ thuật tác chiến điện tử, nhân viên sơ cấp kỹ thuật thông tin, nhân viên báo vụ 6 tháng và tiểu đội trưởng thông tin. Các chương trình đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của “Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2016 - 2020”, nhất là định hướng đổi mới trang bị, phương thức bảo đảm kỹ thuật thông tin trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Nhà trường chú trọng cân đối, điều chỉnh chương trình, thực hiện kết hợp đào tạo chính khóa với ngoại khóa, giữa đào tạo tại trường với tổ chức cho học viên đi thực tế tại đơn vị. Hằng năm, học viên đào tạo dài hạn được thực tập cuối khóa tại các đơn vị thông tin toàn quân; các đối tượng khác được tổ chức thực tập tại trường, thực hành thông báo trên máy.

Cùng với đó, Nhà trường đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học, thực hiện “huấn luyện theo tình huống, sửa chữa theo trạng thái”, nâng cao năng lực xử lý các tình huống thực tiễn và tác phong làm việc chuyên nghiệp cho học viên. Để thực hiện chủ trương đó, Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên đi sâu nghiên cứu, thiết kế, xây dựng hệ thống bài giảng, giáo án điện tử thống nhất theo dạng “hệ thống các bài tập”, thường xuyên thống kê, cập nhật những sự cố, hỏng hóc và cách khắc phục trong thực tế khai thác hệ thống thông tin, giúp học viên nắm chắc nội dung, xử lý nhanh các tình huống trong thực tiễn sửa chữa, khai thác, vận hành khí tài, trang bị thông tin theo chức trách. Cùng với đó, Nhà trường yêu cầu các khoa giáo viên đẩy mạnh hoạt động phương pháp, thực hiện có nền nếp quy trình chuẩn bị bài giảng, tổ chức thông qua, thục luyện, giảng thử, giảng mẫu, dự giờ ở từng cấp để rút kinh nghiệm, thống nhất nội dung, phương pháp. Mặt khác, Nhà trường quan tâm đầu tư trang thiết bị dạy - học hiện đại, nâng cấp hệ thống phòng học phổ thông, phòng học cơ sở - cơ bản, phòng chức năng, thư viện, thư viện điện tử, phòng in-tơ-nét, mạng LAN,... gắn với bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng, tạo cơ sở để thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy - học. Đến nay, Nhà trường đã bảo đảm đồng bộ hệ thống giảng đường 5 tầng, khu kỹ thuật; lắp đặt và nâng cấp 06 phòng LAB, 28 giảng đường kỹ thuật chuyên dùng, với các khí tài trang bị khá hiện đại, hỗ trợ tích cực cho việc dạy, học của giáo viên và học viên.

Cùng với đổi mới cách dạy, Nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng giờ tự học, định hướng tư duy cho học viên, nhằm từng bước biến quá trình đạo tạo thành tự đào tạo. Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp kiêm nhiệm phối hợp với cán bộ quản lý bồi dưỡng, hướng dẫn học viên tự học, tự nghiên cứu, nhất là giai đoạn ôn, thi tốt nghiệp cuối khóa. Các đơn vị học viên tích cực rút kinh nghiệm học tập, trao đổi phương pháp tự học, tự nghiên cứu; chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình “Đôi bạn học tập”, “Tổ học phụ”, “Câu lạc bộ kỹ thuật máy tính”, “Câu lạc bộ điện lạnh”, v.v.

Thi, kiểm tra là khâu cuối của quá trình dạy - học, phản ánh kết quả quá trình dạy - học, có tác động quan trọng đến hoạt động dạy và học. Ý thức rõ điều đó, thời gian qua, Nhà trường đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, nhằm đánh giá thực chất kết quả người học. Nhà trường đã chỉ đạo các khoa giáo viên đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện hệ thống ngân hàng đề thi cho từng môn học, đối tượng đào tạo theo hướng: đề cao năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn. Theo đó, nội dung đề thi, câu hỏi được thiết kế lại theo dạng tình huống. Các khâu coi thi, chấm thi cũng được Nhà trường chỉ đạo tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, thực hiện tốt cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Đi liền với đó, Nhà trường duy trì nền nếp công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục; thường xuyên tổ chức lấy ý kiến phản hồi của học viên đối với giáo viên; khảo sát chất lượng học viên trước khi tốt nghiệp và học viên đã tốt nghiệp đang công tác ở các đơn vị, làm cơ sở để rút kinh nghiệm công tác giáo dục - đào tạo.

Ý thức sâu sắc về vai trò của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý - chủ thể của hoạt động dạy - học, Nhà trường đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng “kỹ sư hóa”, phấn đấu đến năm 2020, 100% giáo viên giảng dạy trung cấp, sơ cấp kỹ thuật có trình độ đại học, trong đó có trên 70% kỹ sư và sau đại học. Để thực hiện mục tiêu xác định, Nhà trường tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, gắn quy hoạch với đào tạo, sử dụng. Trong công tác tuyển chọn giáo viên, Nhà trường ưu tiên tuyển dụng cán bộ, sinh viên tốt nghiệp các trường trong và ngoài quân đội có chuyên ngành phù hợp, đủ tiêu chuẩn, nhất là các chuyên ngành đặc thù, như: Công nghệ Thông tin, Tác chiến điện tử, Nguồn điện - An toàn - Môi trường. Hằng năm, Nhà trường chủ động phối hợp với các đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ sư phạm, kiến thức, tay nghề và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Mặt khác, để nâng cao kiến thức, năng lực thực tiễn cho đội ngũ giáo viên, thực hiện gắn nhà trường với đơn vị, Nhà trường tích cực đề xuất, lựa chọn, cử cán bộ, giáo viên tham gia triển khai các dự án thông tin, thực hiện đồng bộ trang bị tại các đơn vị thông tin cấp chiến dịch, chiến thuật; đưa cán bộ bộ môn kỹ thuật đi thực tế quản lý, điều hành tại trung tâm bảo đảm kỹ thuật của các lữ đoàn thông tin; tập trung xây dựng đội ngũ chủ nhiệm bộ môn, giáo viên chủ chốt, “đầu ngành” của từng khoa và bộ môn theo chuẩn đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề, v.v.

Tham gia Hội thi Sáng kiến cải tiến mô hình, trang bị huấn luyện cấp Binh chủng

Công tác nghiên cứu khoa học được Nhà trường đẩy mạnh hướng trọng tâm vào nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, chuẩn hóa hệ thống giáo trình, tài liệu; đổi mới phương pháp dạy - học; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy - học, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm mô phỏng trang bị, khí tài, xử lý sự cố kỹ thuật; các vấn đề mới đặt ra trong quản lý, khai thác, bảo đảm kỹ thuật đối với trang bị khí tài thông tin thế hệ mới,... phục vụ hoạt động dạy - học. Từ năm 2011 đến nay, Nhà trường có 02 đề tài, 08 sáng kiến cấp Bộ Tổng Tham mưu; 06 đề tài, 01 sáng kiến cấp cơ sở. Trong đó, các đề tài: “Đổi mới phương pháp dạy học tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Thông tin”, “Dạy học theo lý thuyết học tập dựa vào trải nghiệm cho các môn học kỹ thuật điện tử”; sáng kiến: “Phần mềm dạy học Điện đài PRC 2188”, “Phần mềm mô phỏng khai thác sử dụng, sửa chữa tổng đài TOCA-64S”, “Phần mềm mô phỏng khai thác, sử dụng đo kiểm tra khí tài gây nhiễu sóng ngắn GN 500”, “Phần mềm lớp học trực tuyến”,... được Bộ Tổng Tham mưu và Binh chủng đánh giá xuất sắc.

Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, giáo viên, học viên Trường Trung cấp kỹ thuật Thông tin tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng Trường đạt chuẩn trường trung cấp chuyên nghiệp trong hệ thống nhà trường quân đội và quốc gia, góp phần xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Đại tá, ThS. DƯƠNG KHÁNH TOÀN, Hiệu trưởng Nhà trường

______________

1 - Tiền thân là Trường Kỹ thuật Thông tin. Sau nhiều lần di chuyển, nhập với Trường Hạ sĩ quan Thông tin, Trường Sĩ quan Thông tin, đến năm 2006, Trường được tách ra thành Trường Sơ cấp Kỹ thuật Thông tin và nâng cấp thành Trường Trung cấp Kỹ thuật Thông tin, năm 2009.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.