Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Tư, 03/05/2023, 20:45 (GMT+7)
Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp đa dạng hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp (Binh chủng Tăng thiết giáp) có nhiệm vụ trung tâm là đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật tăng thiết giáp trình độ sơ cấp, trung cấp cho các đơn vị; đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, thành viên kíp xe tăng thiết giáp cho các đơn vị thuộc khu vực phía Bắc và kíp xe BMP-1 cho Quân đoàn 3; tổ chức huấn luyện, kiểm tra trình độ và kỹ năng nghề tăng thiết giáp; huấn luyện chiến sĩ mới và thực hiện các nhiệm vụ khác. Trong điều kiện huấn luyện - đào tạo nhiều đối tượng, quân số thường xuyên biến động, trình độ nhận thức không đồng đều; đóng quân phân tán trên hai khu vực cách xa nhau và xen kẽ cùng nhân dân (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) và các khu công nghiệp tập trung,... đã tác động không nhỏ tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của Nhà trường, nhất là những tác động tiêu cực từ ngoài xã hội. Trước tình hình đó, cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, nhất là công tác huấn luyện - đào tạo cho các đối tượng, Nhà trường hết sức chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và luôn coi đó vừa là giải pháp nền tảng để thực hiện khâu đột phá làm chuyển biến vững chắc xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn1; vừa là nhân tố quan trọng, tác động biện chứng tới kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của toàn Trường.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng; là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và các tổ chức quần chúng, nhằm nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, cấu thành nét đặc trưng tiêu biểu: “Kỷ luật” - sức mạnh của Quân đội. Tuy nhiên, các nội dung liên quan đến pháp luật luôn khô cứng, khó diễn đạt, khó học, khó nhớ, nếu không có sự tâm huyết sẽ dễ dẫn tới tâm lý “ngại”, tổ chức thực hiện hình thức, kém hiệu quả. Vì vậy, Nhà trường tập trung đẩy mạnh công tác này bằng nhiều hình thức, biện pháp, tạo sự thu hút để cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ tham gia, đạt hiệu quả thiết thực.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm thực chất và đạt mục đích, yêu cầu. Quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên, bám sát đặc điểm, nhiệm vụ của Nhà trường, các cấp ủy, chi bộ ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai thực hiện theo phân cấp; trong đó, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, hình thức, thời gian, đối tượng tuyên truyền phù hợp. Trong nghị quyết, kết luận lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ (nhiệm kỳ, năm, hằng tháng), các tổ chức đảng đều kiểm điểm, đánh giá thực chất kết quả lãnh đạo, triển khai thực hiện, chỉ rõ hạn chế, nguyên nhân và đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, chế độ quy định của đơn vị cho các đối tượng. Để đạt hiệu quả, Nhà trường chỉ đạo thực hiện thống nhất việc gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung: giáo dục, đào tạo, nhất là các môn khoa học xã hội và nhân văn; giáo dục chính trị theo Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và phong trào Thi đua Quyết thắng. Đặc biệt, Nhà trường đã gắn kết chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; lấy hiệu quả giáo dục, tuyền truyền, kết quả chấp hành pháp luật, kỷ luật làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên. Qua đó, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi tổ chức và cá nhân trong tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Nhà trường chủ động ban hành Quy chế hoạt động và thường xuyên kiện toàn Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Bộ Quốc phòng; chỉ thị, hướng dẫn của Binh chủng, tạo cơ sở để phát huy vai trò tham mưu, đề xuất và hướng dẫn, tổ chức thực hiện, bảo đảm toàn diện, đa dạng, phong phú, sáng tạo, hiệu quả các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được kiện toàn đủ số lượng, thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật; có tư duy, phương pháp sáng tạo trong tổ chức tuyền truyền, giáo dục pháp luật cho các đối tượng. Chế độ thông qua giáo án, bài giảng và thẩm định các chương trình, mô hình giáo dục pháp luật luôn được thực hiện chặt chẽ ở từng cấp, kiên quyết không phê duyệt những nội dung không đảm bảo chất lượng. Nhà trường luôn chú trọng làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân đối với việc tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chức trách, nhiệm vụ được giao; lấy đó là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua, khen thưởng.

Thủ trưởng Nhà trường trao sổ tay cho Chiến sĩ mới

Nhận thức rõ tính chất đặc thù và những khó khăn của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Nhà trường luôn tích cực đổi mới nội dung, hình thức, làm “mềm hóa” các vấn đề phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, ngoài những nội dung quy định, Nhà trường chú trọng đẩy mạnh công tác biên soạn các chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật do đơn vị tự xác định. Chủ động, sáng tạo khai thác các nguồn thông tin, tư liệu để biên tập, xây dựng các Video clip tin tức, tiểu phẩm, phóng sự về việc thực hiện các nội dung văn bản pháp luật mới, những vấn đề pháp luật nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm, tác động trực tiếp tới bộ đội. Sau khi theo dõi, mọi quân nhân thảo luận, trao đổi, bày tỏ thái độ, quan điểm, và rút ra bài học từ tình huống, câu chuyện pháp luật để liên hệ, vận dụng vào thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Cùng với đó, Nhà trường tổ chức tốt các hình thức, như: tọa đàm sĩ quan trẻ; diễn đàn thanh niên; hoạt động Tủ sách pháp luật kết hợp với việc duy trì nền nếp chế độ đọc báo (nội dung trên các chuyên mục pháp luật), nghe tin tức thời sự và tổ chức hệ thống truyền thanh nội bộ, các thiết chế văn hóa, v.v. Nhờ đó, đã góp phần biến những điều luật khô cứng trở nên nhẹ nhàng, mềm mại, hấp dẫn hơn, giúp cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ tiếp thu tự nhiên, dễ dàng, hiểu rõ bản chất vấn đề, thấm sâu vào nhận thức và mọi hoạt động của bộ đội.

Cùng với đó, Nhà trường thường xuyên tổ chức thi sáng kiến tuyên truyền pháp luật. Với sự tham gia nhiệt huyết, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Một trong những sáng kiến tiêu biểu đang được áp dụng trong toàn Trường và từng bước được nhân rộng trong Binh chủng đó là mô hình “5 cánh hoa pháp luật”. Đây là sự tích hợp các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thành quy trình khép kín, phù hợp với logic nhận thức, theo phương châm “dễ nhớ, dễ hiểu”, “mưa dầm, thấm lâu” và được thể hiện qua những “cánh hoa”: Sắc màu pháp luật (tuyên truyền những nội dung cốt lõi bằng hình ảnh trực quan thông qua màu sắc) - Âm thanh pháp luật (tuyên truyền các nội dung qua hệ thống truyền thanh nội bộ) - Chuyển động pháp luật (tổ chức trao đổi, tọa đàm, mạn đàm về pháp luật) - Đua tài pháp luật (tổ chức các hội thi, hội thao, sân khấu hóa) - Tấm gương pháp luật (tuyên truyền những tấm gương sáng, phê phán những nhận thức, hành động chưa đúng). Từ mô hình này, đã phát huy được tính chủ động, tích cực và sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng, duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần trực tiếp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho các đối tượng trong toàn Trường.

Nhận thức rõ sự tác động đa chiều từ các mối quan hệ xã hội tới ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của quân nhân, Nhà trường thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền, nhân dân địa phương và gia đình trong giáo dục và quản lý kỷ luật bộ đội. Với đặc thù đóng quân xen kẽ cùng các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung, Nhà trường hết sức chú trọng tuyên truyền, giáo dục để bộ đội chấp hành nghiêm kỷ luật quan hệ quân dân trong mọi hoạt động. Đồng thời, mỗi khi tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật, nhất là sân khấu hóa, Nhà trường đều mời đại biểu chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị kết nghĩa (tham gia chương trình) và đông đảo nhân dân tới theo dõi. Thông qua đó, một mặt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân; mặt khác, tăng cường sự đoàn kết quân dân, phát huy vai trò của chính quyền, nhân dân địa phương trong phối hợp với Nhà trường nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ xã hội tới bộ đội. Nhờ vậy, những tệ nạn phổ biến, như: lô đề, cờ bạc, cá độ, cho vay nặng lãi,… khu vực đóng quân khó xâm nhập vào Nhà trường và tác động tới bộ đội. Hằng tháng, quý, Nhà trường thực hiện đầy đủ chế độ giao ban an ninh cụm địa bàn an toàn; chủ động trao đổi, cung cấp thông tin pháp luật mới, những nội dung pháp luật chuyên ngành với lãnh đạo, các ban, ngành địa phương để cùng nắm và thực hiện. Đồng thời, phối hợp với Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương, doanh nghiệp trao đổi cách thức và kinh nghiệm tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng trên địa bàn, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn khu vực đóng quân, xây dựng địa bàn an toàn, giảm thiểu các tác động xấu tới việc chấp hành kỷ luật của bộ đội.

Một nội dung quan trọng được Nhà trường thực hiện tốt, đó là thường xuyên phối hợp chặt chẽ với gia đình quân nhân để trao đổi, nắm bắt thông tin, động viên, chia sẻ, cùng quản lý tư tưởng, kỷ luật của quân nhân; đặc biệt là những quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; đối tượng chiến sĩ mới, lực lượng được lựa chọn đào tạo kíp xe tăng (hoạt động vất vả, trong môi trường khắc nghiệt, dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực), v.v. Qua đó, kịp thời dự báo, phát hiện, xử lý những tình huống nảy sinh, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Với sự chủ động, tích cực, tinh thần, trách nhiệm cao; chủ trương đúng và cách làm sáng tạo, hiệu quả, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà trường đã góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc, rõ nét về nhận thức, ý thức và hành vi chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, chế độ quy định của cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ toàn Trường; tỷ lệ vi phạm kỷ luật luôn dưới 0,2%. Kết quả đó là một trong những nền tảng quan trọng để xây dựng Đảng bộ Nhà trường trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, Nhà trường vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; không ngừng tô thắm truyền thống “Đoàn kết, vượt khó, năng động, sáng tạo, dạy tốt, học tốt - Đã ra quân là đánh thắng”.

Đại tá PHAN ĐĂNG MINH, Chính ủy Nhà trường
__________________

1 - Một nội dung trọng tâm được Đại hội Đảng bộ Nhà trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định và quyết nghị.

Ý kiến bạn đọc (0)