Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:44 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung thuộc Tổng cục Kỹ thuật, tiền thân là Trường Đào tạo Lái xe 2, thành lập ngày 17-10-1979. Năm 2012, Nhà trường được tổ chức lại thành Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung theo Quyết định 1457/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng. Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo lái xe ô tô quân sự, nhân viên chuyên môn kỹ thuật công nghệ ô tô, thợ cơ khí, trạm nguồn có trình độ trung cấp, tổ chức tập huấn, thi thợ bậc cao và thi nâng bậc, giữ bậc lái xe ô tô quân sự đáp ứng yêu cầu xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị khu vực phía Nam. Ngoài ra, Nhà trường còn tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho tỉnh Khánh Hòa, khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất khác. Do Nhà trường mới được nâng cấp lên hệ trung cấp, nên công tác giáo dục - đào tạo còn nhiều khó khăn, như: cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập, sinh hoạt tuy được đầu tư, song chưa thật sự đồng bộ; học cụ, xe máy qua thời gian sử dụng đã xuống cấp; trang thiết bị dạy học đã được bổ sung nhưng vẫn còn thiếu và lạc hậu so với nhu cầu thực tế huấn luyện. Bên cạnh đó, Nhà trường luôn có lưu lượng học viên lớn, nhiều đối tượng đào tạo khác nhau, trong khi đội ngũ giáo viên đầu ngành mỏng, tỷ lệ qua đào tạo sư phạm và có trình độ sau đại học thấp, đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ và chuyên ngành trạm nguồn điện còn thiếu, nên việc triển khai kế hoạch đào tạo có thời điểm gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng Nhà trường chính quy, phát triển toàn diện cả về quy mô, đối tượng và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; xác định đây là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt, quyết định sự phát triển của Nhà trường cả trước mắt và lâu dài.
Trước hết, Nhà trường chú trọng quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác giáo dục - đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Nghị quyết của Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật và các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về giáo dục - đào tạo. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Nhà trường xây dựng và tích cực triển khai thực hiện nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục - đào tạo; trong đó, tập trung đề ra giải pháp, khâu đột phá nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy - học và các biện pháp khắc phục hiệu quả khâu yếu, mặt yếu còn tồn tại. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, biện pháp thực hiện, gắn với chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân. Các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của công tác giáo dục - đào tạo phù hợp với từng đối tượng. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nắm chắc các chỉ tiêu, mục tiêu, yêu cầu để từ đó xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao hoàn thành từng bài giảng, từng khoa mục huấn luyện với chất lượng tốt nhất. Những biện pháp đó đã giúp cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ thống nhất cao về nhận thức, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch đã xác định.
Để tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, Nhà trường tập trung đột phá vào đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, bảo đảm phù hợp với mặt bằng của hệ thống giáo dục quốc gia, đặc thù của Quân đội, sát định hướng sử dụng trang bị của Quân đội. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên chủ động rà soát, đánh giá lại toàn bộ chương trình, nội dung đào tạo, lược bỏ những nội dung không còn phù hợp, điều chỉnh các khối kiến thức để tránh trùng lặp về nội dung. Các khoa, tổ bộ môn chú trọng cải tiến nội dung, chương trình, không ngừng hoàn thiện, chuẩn hóa hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy; từng bước ứng dụng các phương pháp dạy - học tích cực, phù hợp với từng đối tượng đào tạo và sát thực tiễn. Coi trọng xây dựng các chương trình có tính kết hợp giữa trang bị kiến thức toàn diện với chuyên sâu, theo phương châm: giảm thời gian, nội dung học lý thuyết, tăng thời gian, nội dung thực hành, nhất là đối với các nội dung chuyên ngành đào tạo lái xe ô tô quân sự, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, cơ khí chế tạo, thợ sửa chữa. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo điều chỉnh bổ sung chương trình, soạn thảo giáo trình các môn học chuyên ngành đào tạo thợ sửa chữa ô tô, thợ gia công cơ khí từ 18 tháng xuống 12 tháng theo Đề án 63-ĐA/BQP và đào tạo lái xe vận tải quân sự hạng C từ 06 tháng xuống 05 tháng theo Thông tư 32-TT/BQP của Bộ Quốc phòng. Nhà trường đã mở mã ngành đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp và xây dựng 05 chương trình khung đào tạo các ngành, như: Công nghệ kỹ thuật ô tô - máy kéo, Công nghệ hàn, Cơ khí chế tạo, Trạm nguồn điện, Bảo trì và sửa chữa thiết bị cơ giới hạng nặng. Để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho học viên, Nhà trường chủ động xây dựng hệ thống bài tập thực hành, thống kê cách khắc phục các hỏng hóc thông thường (pan sửa chữa) và thường xuyên cập nhật, xây dựng thành “cẩm nang” cho học viên tham khảo. Đồng thời, chú trọng sắp xếp thời gian phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng, bảo đảm ở mỗi chương trình đều có sự kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện chính khóa và ngoại khóa; giữa đào tạo tại nhà trường với thực tập tại các đơn vị. Thực tế cho thấy, sự đổi mới đó đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Nhà trường.
Cùng với đổi mới phương pháp dạy và học, Nhà trường thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên, bảo đảm có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn sâu về chuyên ngành kỹ thuật. Để làm được điều đó, Nhà trường đẩy mạnh thực hiện Đề án kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo đến năm 2020. Tập trung làm tốt công tác rà soát, đánh giá chất lượng thực tế của đội ngũ giảng viên hiện có; tập trung bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn và trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ, bảo đảm cho đội ngũ giáo viên có đủ khả năng giảng dạy cả lý thuyết và thực hành. Đồng thời, chú trọng kiện toàn cơ cấu đội ngũ giảng viên, gắn công tác quy hoạch, tạo nguồn với đào tạo, bồi dưỡng về phẩm chất chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Hằng năm, Nhà trường duy trì nền nếp chế độ tập huấn cán bộ, giáo viên trước khi bước vào khóa học; tổ chức thông qua bài giảng, dự giảng, hội thao, nhằm đánh giá đúng chất lượng dạy - học; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế về thái độ, trách nhiệm, phương pháp của đội ngũ giáo viên. Cùng với việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với năng lực chuyên môn, Nhà trường còn tích cực gửi đi đào tạo, bồi dưỡng tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội1. Để đội ngũ giáo viên có kiến thức toàn diện, Nhà trường có chính sách phù hợp để khuyến khích phong trào tự học tập, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, năng lực sư phạm. Đồng thời, yêu cầu đội ngũ giáo viên chủ động xây dựng phương pháp, tác phong nghiên cứu khoa học, gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hiện nay, đội ngũ giáo viên của Nhà trường có 72,36% đạt trình độ đại học và sau đại học; có 01 Nhà giáo ưu tú, 01 giáo viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng; 19 giáo viên dạy giỏi cấp trường; trong đó có 04 giáo viên đạt giải nhất, nhì và khuyến khích trong Hội thi giáo viên dạy giỏi các trường trung cấp chuyên nghiệp do tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Cùng với đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường còn thực hiện tốt công tác cán bộ, nhất là việc sắp xếp, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ các cấp; đồng thời, giải quyết tốt chế độ, chính sách và quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, tích cực nghiên cứu nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo trong điều kiện mới.
Phát huy nội lực, Nhà trường đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ quá trình dạy - học. Cùng với sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí, đầu tư của trên, Nhà trường phát huy nội lực, tận dụng mọi điều kiện để làm mới, củng cố, nâng cấp các phòng học chuyên ngành, sửa chữa, phục hồi nhiều mô hình học cụ cho các phòng học chuyên dùng, bổ sung trang thiết bị khu nhà xưởng thực hành theo hướng hiện đại. Từ đầu năm 2015 đến nay, Nhà trường đã được đầu tư xây dựng nhà xưởng thực hành cơ khí, nâng cấp trang thiết bị phòng học trạm nguồn điện, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho phòng học thực hành giảng dạy cho đối tượng trung cấp ô tô, sơ cấp cơ khí, lái xe các hạng đúng chủng loại, đáp ứng cho yêu cầu giảng dạy với tổng kinh phí hơn 05 tỷ đồng. Nhà trường còn đầu tư nâng cấp thư viện với 293 đầu giáo trình, gần 5.000 đầu sách, tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và học viên. Bên cạnh đó, Nhà trường tăng cường công tác quản lý cơ sở vật chất, sửa chữa nâng cấp bãi tập lái xe; khắc phục tình trạng hư hỏng hệ thống máy tiện, phay phục vụ công tác giảng dạy. Đến nay, về cơ bản, trang bị kỹ thuật hiện có của Nhà trường đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác giáo dục - đào tạo. Nhà trường hiện có 10 phòng học phổ thông, 13 phòng học chuyên dùng và 01 xưởng sửa chữa ô tô. Các phòng học phổ thông đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị đồng bộ từ bàn, ghế, bục, bảng, máy chiếu cố định, hệ thống thiết chế phòng học đến mô hình học cụ, tạo không gian học tập tốt nhất cho học viên.
Nhờ thực hiện thống nhất, đồng bộ các biện pháp nêu trên, chất lượng công tác giáo dục - đào tạo của Nhà trường không ngừng được nâng cao, 100% học viên hệ quân sự các khóa đều hoàn thành nhiệm vụ học tập và tốt nghiệp; trong đó, tỷ lệ khá và giỏi đạt trên 80%. Thi cấp giấy phép lái xe quân sự các hạng 100% đạt yêu cầu. Nhà trường đã đào tạo trên 14.000 học viên lái xe ô tô và mô tô các hạng hệ dân sự; đào tạo gần 2.000 lượt bộ đội xuất ngũ, tư vấn giới thiệu việc làm cho gần 3.000 người, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Kết quả tích cực đó góp phần tô đậm thêm truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ”, xây dựng Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung cách mạng, chính quy, tiên tiến, mẫu mực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá CAO SƠN, Hiệu trưởng Nhà trường
______________
1 - Hiện tại, Nhà trường có 02 giáo viên tham gia đào tạo sau đại học theo chỉ tiêu của Bộ Quốc phòng; 11 giáo viên, cán bộ quản lý tham gia đào tạo sau đại học tại trường Đại học Nha Trang; 17 giáo viên hoàn thiện đại học chuyên ngành cơ khí động lực.
Trường Trung cấp,Kỹ thuật miền Trung,giáo dục đào tạo
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm