Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 11/09/2014, 16:01 (GMT+7)
Trường Trung cấp Biên phòng 2 bám sát thực tiễn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Trường Trung cấp Biên phòng 2 là trung tâm đào tạo cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp trình độ trung cấp cho Bộ đội Biên phòng (BĐBP) khu vực phía Nam. Ngoài ra, Nhà trường còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, như: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên phòng và công an cho các nước láng giềng; đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật biên phòng; huấn luyện nghiệp vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; bồi dưỡng nghiệp vụ biên phòng, ngoại ngữ,… Năm học 2013 - 2014, Nhà trường tổ chức tốt nghiệp, bế giảng cho 12 khóa với hơn 500 học viên, kết quả 100% đạt yêu cầu, có hơn 71% khá, giỏi. Học viên tốt nghiệp ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành tốt chức trách ban đầu theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, được các tỉnh, thành phố và nước bạn đánh giá cao; nhiều đồng chí đã phát triển giữ những cương vị chủ chốt trong các đồn, trạm Biên phòng. Thực tế đó khẳng định, chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của Nhà trường, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ biên phòng, làm nòng cốt trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Trước yêu cầu đổi mới toàn diện công tác GD&ĐT, Nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo với những kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, lấy yêu cầu bám sát thực tiễn, đáp ứng nhiệm vụ trong điều kiện mới làm mục tiêu để đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT. Vì vậy, công tác GD&ĐT của Nhà trường đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh của đối tượng đào tạo, bồi dưỡng nên chương trình, nội dung đào tạo ở một số môn học, ngành học chưa được bổ sung, xây dựng kịp thời. Phương pháp dạy - học tuy đã có đổi mới, nhưng còn chậm; đội ngũ giáo viên so với biên chế còn thiếu, một số cán bộ, giáo viên còn ít kinh nghiệm trong giảng dạy và thực tiễn. Trong khi đó, cơ sở vật chất bảo đảm cho huấn luyện chưa đáp ứng được nhu cầu, v.v.

Từ thực tế đó và để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng GD&ĐT, Nhà trường đã và đang tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Trước hết, tăng cường giáo dục, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của trên về công tác GD&ĐT, làm cơ sở để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ. Nội dung quán triệt tập trung vào Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH,HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Công tác GD&ĐT trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển GD&ĐT trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020” của Bộ Quốc phòng,… Trong đó, Nhà trường coi trọng quan điểm thực tiễn, lấy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ làm thước đo chất lượng GD&ĐT. Trước mỗi năm học, Đảng ủy Nhà trường ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo về nâng cao chất lượng GD&ĐT, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, mục tiêu sát với đặc điểm, nhiệm vụ BĐBP và tình hình thực tiễn. Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, khoa giáo viên xây dựng kế hoạch, xác định chỉ tiêu gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, Nhà trường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn để nâng cao chất lượng dạy và học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên. Nhà trường yêu cầu mọi cá nhân, tập thể đều đăng ký chỉ tiêu phấn đấu, trong đó “lượng hóa” các tiêu chí cơ bản về công tác chuyên môn, kết quả học tập, rèn luyện kỷ luật cần phải đạt được. Trong quá trình thực hiện, Nhà trường chú trọng phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, phân công cấp ủy viên phụ trách từng mặt công tác; phát huy tính năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, khảo thí, đánh giá kết quả, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, gắn với đổi mới phương pháp dạy - học. Nhận thức đúng vai trò của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đối với hoạt động dạy - học, Nhà trường đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020. Phấn đấu đến năm 2020, Nhà trường có trên 50% cán bộ, giáo viên trình độ sau đại học; riêng giảng viên cơ hữu có 70% - 80% trình độ sau đại học (trong đó có 10% tiến sĩ). Để nâng cao chất lượng “đầu vào”, Nhà trường đã chủ động liên hệ với Học viện Biên phòng và một số học viện, trường đại học khác có chuyên ngành phù hợp để lựa chọn những học viên có kết quả học tập tốt, có khả năng sư phạm bổ sung vào đội ngũ các nhà giáo. Đồng thời, Nhà trường ưu tiên cử những giáo viên trẻ đi đào tạo sau đại học, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin,… tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ này phát triển toàn diện. Để nâng cao năng lực thực hành, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, Nhà trường luân phiên đưa cán bộ, giáo viên đi thực tế trên các tuyến biên giới, biển, đảo. Cùng với đó, Nhà trường đẩy mạnh công tác tự đào tạo, bồi dưỡng, duy trì nghiêm chế độ bình giảng, dự giờ, dự giờ chéo, thông qua bài giảng, tổ chức ngày phương pháp, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học, khắc phục lối truyền thụ kiến thức một chiều, phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học; chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực tư duy, vận dụng lý luận vào thực tiễn của học viên. Nhà trường yêu cầu đội ngũ giáo viên truyền đạt nội dung cô đọng, cơ bản nhất, ưu tiên hướng dẫn, thảo luận giúp học viên cách tiếp cận, phân tích, vận dụng xử lý các tình huống sát với thực tiễn công tác biên phòng khu vực phía Nam. Mặt khác, Nhà trường quan tâm đầu tư trang, thiết bị dạy - học hiện đại, nâng cấp các phòng học chức năng, thư viện, mạng Misten, giúp học viên cập nhật những thông tin, tri thức mới. Đến nay, 100% giáo viên Nhà trường sử dụng thành thạo các phương tiện dạy - học hiện đại, vận dụng sáng tạo phương pháp dạy - học tích cực, phù hợp với từng đối tượng, môn học. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, ngoài việc gửi đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác quản lý giáo dục tại các trường trong và ngoài Quân đội, Nhà trường còn chú ý làm tốt công tác bồi dưỡng tại chỗ về công tác chỉ huy, quản lý bộ đội, năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, công tác hậu cần - kỹ thuật cho từng đối tượng cán bộ. Nhà trường còn quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng, bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt, tạo môi trường thuận lợi giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ba là, tập trung đổi mới chương trình, nội dung đào tạo sát thực tế công tác, chiến đấu của BĐBP. Trên cơ sở xác định mục tiêu đào tạo cụ thể cho từng đối tượng chuyên ngành theo nhiệm vụ được giao, Nhà trường xây dựng tiêu chí đánh giá “sản phẩm” đầu ra gắn với yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đó cũng là cơ sở để Nhà trường xây dựng, hoàn thiện nội dung của từng môn học theo hướng thiết thực, hiện đại, bám sát sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, nghệ thuật quân sự thuộc lĩnh vực biên phòng. Vì thế nội dung đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu trang bị kiến thức toàn diện, kết hợp với chuyên sâu; vừa trau dồi cho người học phẩm chất cách mạng, vừa rèn luyện bản lĩnh, tác phong chỉ huy, khả năng thích ứng cao với hoàn cảnh, điều kiện công tác. Nhà trường yêu cầu các cơ quan tập trung sà soát, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, bảo đảm kết hợp hài hòa cơ cấu khối kiến thức cơ bản, cơ sở ngành với chuyên ngành; giữa khoa học quân sự với khoa học xã hội và nhân văn; giữa trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ biên phòng với rèn luyện sức khỏe của học viên. Để tránh dàn trải, trùng lắp, nặng về lý thuyết, Nhà trường đề xuất với cấp trên kiên quyết loại bỏ những nội dung không còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới, thiết thực, sát với yêu cầu thực tế công tác quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP trên các tuyến biên giới, biển đảo. Năm học 2013 - 2014, Nhà trường đã biên soạn, chỉnh lý 410 giáo án theo hướng chú trọng gắn lý thuyết với thực tiễn, bám sát những yêu cầu thực tiễn đặt ra. Xuất phát từ đặc điểm công tác, môi trường hoạt động của BĐBP, Nhà trường chú ý trang bị những kỹ năng mềm cho học viên, như: kỹ năng vận động quần chúng, công tác đoàn thể; cách thức ra nghị quyết lãnh đạo và điều hành sinh hoạt Đoàn; nội dung, nguyên tắc công tác quần chúng ở địa phương; tham gia bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ ở các thôn, bản; kiến thức về luật pháp, kiến thức hành chính, ngoại ngữ, tiếng dân tộc,… Cùng với đó, Nhà trường thường xuyên phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh (thành phố) để trao đổi, nắm bắt chất lượng, hiệu quả công tác của học viên tốt nghiệp ra trường, nhu cầu đào tạo, sử dụng cán bộ của các đơn vị cơ sở, thông tin về tình hình biên giới, biển, đảo,… coi đây là một “kênh” quan trọng giúp Nhà trường hoàn thiện chương trình, nội dung, bám sát thực tiễn, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với thực tế. Cùng với việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học cũng được Nhà trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ở tất cả các bước, từ khâu xây dựng kế hoạch tổng thể, đến triển khai thực hiện và hướng dẫn danh mục đề tài cho cán bộ, giáo viên, học viên đăng ký nghiên cứu, có sự phân công, phân nhiệm cán bộ tham gia; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy với kết quả nghiên cứu của đơn vị. Do vậy, phong trào nghiên cứu khoa học của Nhà trường phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu; nhiều đề tài nghiên cứu và sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ được ứng dụng trong thực tiễn công tác biên phòng và giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đơn vị, Nhà trường.

Bốn là, đẩy mạnh xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh gắn với môi trường văn hóa. Cùng với xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, Nhà trường chú trọng gắn với xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội. Đó là cơ sở vững chắc, môi trường thuận lợi để Nhà trường giáo dục lý tưởng, hoài bão, khát vọng, nhân cách cho thế hệ trẻ, đặc biệt với đối tượng học viên. Trong đó, Nhà trường chú trọng xây dựng kế hoạch hoạt động trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, nhất là hai ngày nghỉ cuối tuần; chủ động tổ chức giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao với nhân dân và các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Đồng thời, tập trung ngăn chặn và vô hiệu hóa mọi sự thẩm lậu của các loại văn hóa độc hại xâm nhập vào đơn vị; chủ động đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Hiện nay, Nhà trường đang đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên, học viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Đại tá PHAN QUỐC VIỆT, Hiệu trưởng Nhà trường

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.