Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 12/07/2012, 15:11 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Thông tin đổi mới toàn diện công tác giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học

Giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai chức năng, hai nhiệm vụ chủ yếu của các học viện, nhà trường quân đội đào tạo bậc đại học. Đây cũng là hai vấn đề đang được Trường Sĩ quan Thông tin tập trung đổi mới toàn diện nhằm chuẩn bị tốt nhất về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc hiện đại trong giai đoạn mới.

alt
Học viên đào tạo sĩ quan phân đội bậc đại học Trường Sĩ quan Thông tin nghiên cứu tài liệu trên mạng phục vụ học tập.
 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX xác định Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) là một trong những lực lượng tiến thẳng vào xây dựng hiện đại. Đáp ứng yêu cầu đó, Binh chủng TTLL đã xây dựng Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2011 - 2020; triển khai Đề án xây dựng Binh chủng TTLL thành “Binh chủng điện tử”, sĩ quan thông tin thành “Sĩ quan điện tử” và nhiều chủ trương khác. Để thực hiện chủ trương đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Sĩ quan Thông tin lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định: “Tập trung đổi mới toàn diện công tác giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và nghiên cứu khoa học (NCKH)”, coi đó là hai điều kiện tiên quyết để xây dựng Nhà trường chính quy, mẫu mực theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, trở thành trường điểm của Bộ Quốc phòng vào năm 2015. Theo đó, Nhà trường đã xác định nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tích cực đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác GD-ĐT và NCKH. Hiệu quả của công tác GD-ĐT và NCKH trước hết là hệ quả của tư duy lãnh đạo. Từ nhận thức như vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chọn việc đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác GD-ĐT và NCKH làm khâu đột phá. Thực hiện khâu đột phá này, Nhà trường đã tập trung giáo dục, quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp thấy được yêu cầu hàng đầu của quá trình xây dựng Binh chủng hiện đại là yếu tố con người và thấy được việc phải đổi mới tư duy trong GD-ĐT và NCKH đối với Nhà trường là vấn đề mang tính cấp bách. Đổi mới tư duy về GD-ĐT và NCKH chính là thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ, không phù hợp, không đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực bằng hướng đi mới, chủ trương mới, tầm nhìn dài hạn. Do đó, Nhà trường đã và đang mạnh dạn đầu tư, trong đó đầu tư thích đáng về tài chính và công sức, trí tuệ vào những vấn đề mang tính động lực, lâu dài, cùng với việc từng bước xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, quy chế khen thưởng, cơ chế hợp tác nhằm khai thác tiềm lực tri thức, tài chính trong tổ chức, cá nhân đối với nhiệm vụ GD-ĐT và NCKH của Nhà trường.

Ngoài các nội dung trên, Nhà trường còn xác định và yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải vừa là hạt nhân lãnh đạo, vừa là người tổ chức, khuyến khích, hướng dẫn cán bộ, giảng viên, học viên thuộc quyền tham gia nghiên cứu tìm các biện pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH. Với việc lấy đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác GD-ĐT và NCKH làm bước đột phá như vậy, thời gian qua, công tác GD-ĐT và NCKH của Nhà trường đã thật sự thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên. Đặc biệt, Nhà trường đã tích cực tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều mặt công tác, nhiều việc làm thiết thực. Chỉ tính trong hơn 2 năm gần đây, Nhà trường đã hoàn thành hàng loạt hạng mục công trình phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ GD-ĐT và NCKH, như: hệ thống thao trường, bãi tập, hệ thống giảng đường chuyên dùng, phòng thí nghiệm, phòng hội thảo - bảo vệ khóa luận, phòng đào tạo từ xa, thư viện điện tử, bài giảng điện tử, sách điện tử, mạng máy tính nội bộ (với trên 500 điểm truy cập và kết nối thông suốt với mạng máy tính toàn quân). Cũng trong khoảng thời gian này, Nhà trường đã hoàn thành 02 đề tài cấp Bộ, 09 đề tài cấp Ngành, 38 đề tài cấp Trường và hàng trăm đề tài, sáng kiến cấp cơ sở; trong đó có nhiều đề tài có giá trị thực tiễn. Hiện nay, Nhà trường đang phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa triển khai 05 đề tài NCKH nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Hai là, tiếp tục đổi mới quy trình, chương trình và nội dung đào tạo. Để cụ thể hóa quan điểm đổi mới về GD-ĐT của Đảng, trực tiếp là thực hiện Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Quân ủy Trung ương về phương hướng GD-ĐT trong tình hình mới, Nhà trường đã triển khai Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ chỉ huy - tham mưu thông tin cấp phân đội”. Trong đó, về quy trình đào tạo, Nhà trường đã rà soát lại đối tượng “đầu vào” để quá trình đào tạo loại bỏ các khâu trùng lắp ở các bậc học, hạn chế sự lặp lại về kiến thức, dành dung lượng thời gian để cập nhật sự phát triển mới về khoa học giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và nghệ thuật quân sự, bám sát nhiệm vụ của Binh chủng và chức trách của cán bộ thông tin theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Về nội dung, Nhà trường đã chủ động nghiên cứu, thay thế những nội dung giáo dục, huấn luyện không còn phù hợp bằng những nội dung mới, gắn với việc giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành, thí nghiệm và nghiên cứu các biện pháp bảo đảm TTLL trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Về chương trình đào tạo, Nhà trường đặt ra yêu cầu phải đổi mới toàn diện, kết hợp trang bị kiến thức toàn diện với chuyên sâu; đồng thời, coi trọng cả xây dựng lập trường chính trị, rèn luyện bản lĩnh, tác phong chỉ huy, nâng cao khả năng thích ứng với điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử mạnh. Trong việc đổi mới chương trình, Nhà trường còn đổi mới việc đào tạo tiếng Anh theo hướng chú trọng kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là thực hiện giảng dạy một số môn chuyên ngành bằng tiếng Anh nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác quốc phòng và hội nhập quốc tế của Quân đội và Binh chủng.

Ba là, đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tính chủ động của cả người dạy và người học. Thực hiện giải pháp này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường yêu cầu các khoa phải đưa việc đổi mới cách dạy, các đơn vị quản lý học viên đưa việc đổi mới cách học vào nghị quyết lãnh đạo thường xuyên. Đổi mới cách dạy phải đi đôi với đổi mới cách học. Đổi mới cách dạy, theo chủ trương của Nhà trường là người thầy dạy cách học, dạy phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu, phương pháp “tìm kiếm, hình thành ý tưởng” cho người học. Cụ thể là, trong quá trình GD-ĐT, giảng viên phải giảm lối truyền thụ kiến thức độc thoại (thầy đọc, trò ghi, thầy nói, trò công nhận); thay vào đó, giảng viên và học viên tăng cường đối thoại, tranh luận; giảng viên chú ý hướng học viên vào giải quyết những vấn đề phức tạp. Việc đổi mới phương pháp dạy và học còn đòi hỏi cả giảng viên và học viên phải đặt mình vào điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, chiến tranh mạng để tìm ra cách dạy, cách học, cách vận dụng kiến thức đã học sao cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Đổi mới cách dạy cũng được đội ngũ giảng viên Nhà trường gắn liền với việc khai thác, ứng dụng triệt để các thành tựu về khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ viễn thông, tin học vào việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống bài giảng điện tử, thiết bị mô phỏng để tăng cường tính trực quan cho người học.

Cùng với các yêu cầu trên, Nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị quản lý học viên đẩy mạnh phong trào tự học, tăng cường quản lý chất lượng giờ tự học, hình thành mô hình tự học theo nhóm. Mặt khác, Nhà trường thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ Tin học, Câu lạc bộ Khoa học trẻ…, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, học viên giao lưu, trao đổi, phát triển năng lực làm việc nhóm; đồng thời, tích cực tổ chức, tham gia các cuộc thi Rô-bô-con, Ô-lim-píc vật lý, tin học, toán học,… đặt nền tảng cho học viên tự tin bước vào con đường NCKH sau này.

Bốn là, đổi mới phương pháp quản lý NCKH và hoạt động NCKH. Đây là giải pháp nhằm tạo ra bước phát triển mới về công tác NCKH, bảo đảm ngang tầm với nhiệm vụ GD-ĐT của Nhà trường. Với mục đích đó, những năm gần đây, Nhà trường tiến hành đổi mới phương pháp quản lý NCKH theo hướng tăng tính tự chủ, tính chuyên nghiệp cho người nghiên cứu; cải cách phương thức quản lý NCKH từ quản lý theo chiều rộng sang quản lý theo chiều sâu và tăng cường quản lý, khai thác đề tài sau công bố. Đối với yêu cầu đổi mới hoạt động NCKH, Nhà trường xác định đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, chuẩn hóa giáo trình, tài liệu, hiện đại hóa trang, thiết bị dạy - học. Nhà trường còn khuyến khích các đối tượng tham gia nghiên cứu hướng mạnh vào các đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, các phương pháp dạy - học tiên tiến, các biện pháp bảo đảm TTLL trong tác chiến hiện đại. 

Trên cơ sở kết hợp chặt chẽ nghiên cứu lý luận với nghiên cứu thực nghiệm, trong hoạt động NCKH, Nhà trường còn tăng cường đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu, chế thử các sản phẩm thông tin quân sự và các sản phẩm dân sinh. Ngoài ra, để phát huy nội lực, Nhà trường vừa chủ động mở rộng phạm vi, quy mô nghiên cứu các lĩnh vực mà Nhà trường có thế mạnh, như: điện tử, viễn thông, tin học ứng dụng, vừa tích cực mở rộng hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và địa phương đối với các đề tài (vấn đề) mà các bên cùng quan tâm.

Năm là, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên làm cơ sở để nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH. Giảng viên và cán bộ quản lý vừa là chủ thể của hoạt động truyền thụ kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, kỹ xảo, giáo dục và rèn luyện học viên, vừa là một trong những nhân tố quyết định chất lượng GD-ĐT và NCKH của Nhà trường. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đang tích cực chỉ đạo việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên giai đoạn 2010 - 2015 cả về số lượng và chất lượng, cả về phẩm chất đạo đức và chuyên môn công tác, với mục tiêu đến năm 2015: 100% cán bộ, giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó, khoảng 30% có học vị tiến sĩ. Để đạt được mục tiêu đã xác định, Nhà trường triển khai chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo bằng phương thức kết hợp tự đào tạo với liên kết đào tạo; kết hợp bồi dưỡng tại Trường với bố trí cho cán bộ đi thực tế ở đơn vị. Trong quá trình đào tạo, Nhà trường chú ý tạo nguồn giảng viên ngay trong đội ngũ học viên; tạo mọi điều kiện cho những học viên giỏi, có tâm huyết và có khả năng sư phạm được cống hiến trong lĩnh vực GD-ĐT và NCKH sau khi ra trường. Ngoài ra, Nhà trường còn sử dụng chính sách ưu tiên để tuyển dụng con em cán bộ; quan tâm đến chính sách về nhà ở, đất ở; tổ chức nhiều mô hình (đơn vị) học tập để cán bộ, giảng viên yên tâm công tác; qua đó, tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà trường cả trước mắt và lâu dài.

Thiếu tướng LÊ ĐÌNH HÙNG

Hiệu trưởng Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)