Thứ Năm, 24/04/2025, 17:24 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp (TTG) thuộc Binh chủng TTG, có nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu, chính trị, kỹ thuật chuyên ngành TTG trình độ cao đẳng, đại học cho toàn quân. Mục tiêu của Nhà trường là đào tạo đội ngũ sĩ quan TTG cấp phân đội có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, năng lực công tác toàn diện, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chỉ huy, quản lý Bộ đội TTG trong toàn quân. Nhà trường còn được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ chuyên ngành TTG cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu (ĐU,BGH) Nhà trường luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và nghiên cứu khoa học (NCKH); xác định đây là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt, quyết định sự phát triển của Nhà trường cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, Nhà trường đã xây dựng Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT giai đoạn 2006 đến 2010”, Đề án “Quy hoạch Trường Sĩ quan TTG đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, Nhà trường đã và đang tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo. Thực hiện chỉ đạo của Bộ về giảm khung kiến thức giáo dục đại cương với tỷ lệ phù hợp để tăng nội dung đào tạo chuyên ngành và thực hành, Nhà trường đã chủ động xây dựng, điều chỉnh 08 chương trình khung đào tạo sĩ quan phân đội trình độ cao đẳng, đại học theo Đề án 63 (sửa đổi). Đồng thời, tập trung chỉ đạo hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo cho các đối tượng; đổi mới phương pháp dạy - học… theo hướng rút ngắn thời gian lên lớp lý thuyết, tăng cường kỹ năng thực hành, sát với thực tiễn đơn vị, phù hợp với tổ chức biên chế mới, nghệ thuật quân sự, cách đánh của TTG và sự phát triển của lực lượng TTG trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Trong quá trình thực hiện, Nhà trường kiên quyết cắt bỏ các nội dung trùng lắp, khắc phục sự dàn trải, mất cân đối của các khối kiến thức và mất cân đối giữa các bậc học, bảo đảm hệ thống chương trình, nội dung đào tạo có tính liên thông, kế thừa, hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc dân; kết hợp đào tạo chính khóa với ngoại khóa, giữa đào tạo tại trường với thực tế đơn vị, kết hợp bồi dưỡng kiến thức với nâng cao năng lực tư duy, rèn luyện kỹ năng thực hành, trang bị kiến thức vừa toàn diện vừa chuyên sâu. Nhờ đó, việc đổi mới nội dung các môn học đảm bảo thiết thực, hiện đại, cập nhật kiến thức mới về nghệ thuật quân sự, thực tiễn đơn vị, nhất là điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao,… Mặt khác, Nhà trường chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa GD-ĐT với kiểm định chất lượng “đầu ra” thông qua khảo sát chất lượng cán bộ sau tốt nghiệp về các đơn vị. Các ý kiến phản hồi đều được Nhà trường nghiên cứu, tiếp thu kịp thời, đảm bảo công tác GD-ĐT phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, đáp ứng mục tiêu “Đào tạo theo chức vụ có học vấn tương ứng”.
Hai là, tích cực đổi mới phương pháp dạy - học, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. ĐU,BGH Nhà trường đã thống nhất quan điểm đổi mới phương pháp dạy - học không có nghĩa là thay thế hoàn toàn các phương pháp truyền thống bằng phương pháp hiện đại, mà tìm ra các phương án vận dụng phương pháp dạy - học phù hợp với từng môn học, bài giảng, đối tượng và điều kiện dạy - học, giúp học viên chủ động, tích cực, sáng tạo trong quá trình học tập. Theo đó, Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên đẩy mạnh hoạt động phương pháp: giảng tập, giảng thử, giảng rút kinh nghiệm…; đổi mới phương pháp dạy - học theo quy trình, chương trình đào tạo, từng bước thay thế phương pháp dạy - học truyền thống bằng phương pháp dạy - học tích cực, giúp người học hình thành và phát triển tư duy độc lập, sáng tạo. Với phương pháp này, người dạy phải lựa chọn vấn đề, đưa người học vào vị trí trung tâm, hướng dẫn cách tự học, tự nghiên cứu để tiếp cận và giải quyết vấn đề; đồng thời, tăng cường hoạt động đối thoại giữa người dạy và người học, khơi dậy tính tích cực tìm tòi và khả năng sáng tạo của người học, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Để thực hiện tốt vấn đề này, Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên tối ưu hóa các phương tiện dạy - học hiện đại; tăng cường đầu tư mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), kỹ thuật mô phỏng, xây dựng các phần mềm ứng dụng vào giảng dạy các nội dung thực hành về kỹ thuật, chiến thuật, vũ khí, thông tin, v.v.
Cùng với đổi mới phương pháp dạy - học, Nhà trường tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo; xây dựng ngân hàng đề thi ở tất cả các khoa đối với từng học phần, môn học và đối tượng học viên; đồng thời, đổi mới cách ra đề theo hướng đề cao vận dụng lý luận vào thực tiễn. Yêu cầu đặt ra đối với nội dung các bộ đề thi là phải phủ kín kiến thức của từng môn học; mỗi câu hỏi thi, kiểm tra không chỉ dừng lại ở việc tái hiện kiến thức đã học, mà yêu cầu người học phát huy tính sáng tạo trong giải quyết những vấn đề thực tế. Nhà trường đã chú ý đúng mức đến việc phân loại trình độ của học viên trong mỗi câu hỏi, đề thi, bảo đảm 70% câu hỏi, bài tập đạt trình độ chuẩn, 30% phản ánh mức độ nâng cao, nhằm đánh giá đúng học viên khá, giỏi. Nhờ đó, kết quả thi tốt nghiệp ra trường năm học 2012 – 2013 có 80,77% khá, giỏi; 100% học viên tốt nghiệp ra trường phấn khởi lên đường nhận nhiệm vụ theo sự phân công của tổ chức.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Xác định đội ngũ nhà giáo giữ vai trò quan trọng, quyết định chất lượng dạy và học, Nhà trường tập trung làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả về trình độ kiến thức, phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm, từng bước đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc Phòng (BQP). Bằng nhiều biện pháp, Nhà trường đã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ giảng viên; khuyến khích việc tự học tập nâng cao trình độ; tăng cường phối hợp với các học viện, trường trong và ngoài Quân đội để bố trí cán bộ, giảng viên đi đào tạo, đào tạo lại; mở các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn và đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị. Đến nay, Nhà trường có 100% giảng viên có trình độ đại học (35,5% có trình độ sau đại học); 45% qua đào tạo cấp chiến dịch, chiến lược; 94% qua bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ dạy học đại học,… Trong hai năm (2012 và 2013), Nhà trường đã cử 86 đồng chí đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường trong và ngoài Quân đội (1/3 trong số này đào tạo sau đại học), bảo đảm mục tiêu đến năm 2020, có 60% giảng viên có trình độ sau đại học.
Bốn là, đẩy mạnh công tác NCKH, kết hợp chặt chẽ giữa GD-ĐT với NCKH. Quán triệt Chỉ thị 30/2006/CT-BQP, ngày 17-02-2006 của Bộ trưởng BQP về “Tổ chức biên soạn, hoàn thiện hệ thống tài liệu huấn luyện, tài liệu dạy học trong Quân đội”, BGH Nhà trường đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt việc biên soạn, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu quân sự chung và chuyên ngành TTG. Nội dung của các giáo trình, tài liệu do Nhà trường biên soạn đã đạt độ chuẩn xác, tin cậy cao và thống nhất với các tài liệu đã ban hành; cập nhật những thay đổi về tổ chức biên chế mới của lực lượng TTG, kịp thời phục vụ công tác giảng dạy, học tập cho đối tượng đào tạo sĩ quan bậc đại học, làm cơ sở nghiên cứu và tham khảo cho các đối tượng khác. Đến nay, Nhà trường đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về giáo trình, tài liệu huấn luyện chiến thuật cấp phân đội TTG và giáo trình, tài liệu kỹ thuật chuyên ngành TTG cho các đơn vị TTG toàn quân.
Cùng với đó, Nhà trường luôn đẩy mạnh phong trào NCKH, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác GD-ĐT, khuyến khích hoạt động NCKH của giáo viên và học viên; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả các đề tài, sáng kiến, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động thực tiễn. Hằng năm, Nhà trường có từ 10 đến 15 đề tài, sáng kiến1 được ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. Nét nổi bật trong công tác NCKH của Nhà trường là luôn bám sát thực tiễn công tác GD-ĐT, tập trung nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn, nhất là nghệ thuật sử dụng TTG trong điều kiện tác chiến mới và trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Bên cạnh đó, Nhà trường còn gắn kết quả NCKH với tiêu chí xét chọn các danh hiệu nhà giáo, bình xét thi đua - khen thưởng,... nên đã khích lệ, động viên được đông đảo cán bộ, giảng viên tham gia. Nếu như năm học 2010 - 2011, Nhà trường chỉ có 42,2% cán bộ, giảng viên tham gia NCKH và 10 đơn vị có sản phẩm NCKH, thì trong năm học 2012 - 2013, đã có 70,2% cán bộ, giảng viên tham gia, 100% khoa, 90% cơ quan và 40% tiểu đoàn có sản phẩm NCKH. Kết quả NCKH đã tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, phục vụ nhiệm vụ GD-ĐT và NCKH.
Năm là, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chính quy, đáp ứng yêu cầu phục vụ GD-ĐT, NCKH là chủ trương nhất quán của Nhà trường. Quán triệt sâu sắc quan điểm đó, Nhà trường đã từng bước nâng cấp cơ sở vật chất giảng đường, thao trường, bãi tập, nhất là hệ thống trang thiết bị dạy học theo hướng ứng dụng CNTT và kỹ thuật mô phỏng. Thời gian qua, Nhà trường đã đầu tư, sửa chữa, nâng cấp 42 phòng học, xưởng trường, nâng tổng số phòng học hiện có lên 59 phòng, với diện tích gần 5.000 m2. Đặc biệt, Nhà trường đã đầu tư xây dựng 26 phòng học chuyên dùng có ứng dụng CNTT và các phần mềm: lái, bắn, chiến thuật,... với hình ảnh 2D, 3D cùng trang thiết bị máy tính, máy chiếu; đảm bảo 100% các khoa có giảng đường chuyên dùng. Cùng với sự đầu tư của BQP, Nhà trường tích cực phát huy nội lực, đầu tư xây dựng 01 ca bin phục vụ luyện tập lái, bắn tổng hợp cho học viên, đầu tư xây dựng Trung tâm Điều hành huấn luyện và lắp đặt hệ thống camera giám sát ở các phòng học; chuẩn hóa, đồng bộ từ bàn, ghế, bục, bảng, hệ thống thiết chế phòng học đến mô hình học cụ, tạo không gian học tập tốt nhất cho học viên. Nhà trường còn đầu tư nâng cấp thư viện điện tử với hơn 12.000 đầu sách, tài liệu, phòng nối mạng MISTEN, in-tơ-nét phục vụ học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và học viên. Với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào GD-ĐT, Nhà trường hoàn thành triển khai lắp đặt mạng LAN, với 11 hệ thống phần mềm công tác, giúp công tác quản lý, tổ chức điều hành quá trình đào tạo, trao đổi thông tin, học tập, NCKH tiến hành thuận tiện, hiệu quả. Cùng với đó, Nhà trường đẩy mạnh xây dựng 3 môi trường: văn hóa sư phạm; chính quy, rèn luyện kỷ luật; cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, chú trọng quan tâm bảo đảm tốt đời sống cho cán bộ, giảng viên, học viên, tạo động lực và điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ GD-ĐT và NCKH.
Những đổi mới có tính đột phá trên đã nâng chất lượng GD-ĐT của Nhà trường lên một bước mới. Đây là cơ sở quan trọng để Trường Sĩ quan TTG tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ, sĩ quan TTG có đủ phẩm chất và năng lực cho toàn quân, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá ĐẶNG QUANG CƯƠNG
Hiệu trưởng _______
1 - Trong hai năm (2012 và 2013), Nhà trường nghiên cứu, đưa vào ứng dụng: 01 dự án CNTT, 01 đề tài cấp BQP, 03 đề tài, 02 sáng kiến cấp ngành và 22 sáng kiến cấp trường. Đặc biệt, Đề tài: “Nghiên cứu, hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo bộ kẹp nòng 23 mm bắn thay pháo 100mm trên xe tăng” có tính ứng dụng thực tiễn cao, được Hội đồng nghiệm thu BQP đánh giá đạt Xuất sắc.
Tăng thiết giáp,đào tạo
Đảng bộ Quân sự thành phố Hải Phòng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự 24/04/2025
Lữ đoàn Pháo binh 454 xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp 21/04/2025
Học viện Hải quân nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị 14/04/2025
Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao đột phá đổi mới sáng tạo 10/04/2025
Một số kinh nghiệm trong diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Thái Bình năm 2024 08/04/2025
Lữ đoàn Tác chiến điện tử 96 đẩy mạnh xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 28/03/2025
Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự 20/03/2025
Sư đoàn 316 nâng cao chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới 17/03/2025
Bệnh viện Quân y 7A xây dựng đội ngũ thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên” 13/03/2025
Lữ đoàn 147 nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 10/03/2025
Lữ đoàn Tác chiến điện tử 96 đẩy mạnh xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”
Một số kinh nghiệm trong diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Thái Bình năm 2024
Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao đột phá đổi mới sáng tạo
Học viện Hải quân nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị
Lữ đoàn Pháo binh 454 xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp
Đảng bộ Quân sự thành phố Hải Phòng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự