Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 19/01/2016, 16:39 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Pháo binh coi trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ chính trị trung tâm của Trường Sĩ quan Pháo binh. Nhận thức rõ điều đó, cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu, Nhà trường có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đạt được những kết quả tích cực.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là “Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng đến năm 2010, định hướng tới năm 2020”, Đảng ủy Nhà trường đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; ban hành “Quy chế lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác khoa học quân sự trong Trường Sĩ quan Pháo binh nhiệm kỳ 2010 - 2015”; cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp sát với tình hình thực tiễn của Nhà trường, làm cơ sở để cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Trong tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, Nhà trường triển khai toàn diện các nội dung: nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự và khoa học kỹ thuật quân sự, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ công tác đào tạo và sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Pháo binh. Để đạt hiệu quả cao, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời, coi trọng phát huy vai trò của cơ quan quản lý khoa học, nhất là công tác tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học. Hằng năm, Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học cho các chủ biên chuyên đề, sáng kiến; chỉ đạo kiện toàn, phát huy vai trò hội đồng khoa học và đào tạo các cấp trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đánh giá, nghiệm thu các đề tài, chuyên đề, sáng kiến, v.v. Trong mỗi đề tài, Nhà trường đều thực hiện chặt chẽ theo quy trình, từ xây dựng kế hoạch, đăng ký đề tài, đến tổ chức hội đồng xét duyệt, thẩm định, đánh giá, nghiệm thu, đăng ký, thống kê và quản lý hồ sơ, sản phẩm nghiên cứu khoa học, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.

Nhằm động viên, khuyến khích đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên tham gia và đảm bảo cho công tác nghiên cứu khoa học phát triển nhanh, đúng hướng, Nhà trường chỉ đạo rà soát, bổ sung, ban hành các quy chế, quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học; quy định rõ định mức nghiên cứu khoa học đối với từng đối tượng. Nhà trường quy định: mỗi cán bộ, giảng viên phải đảm bảo 350 giờ nghiên cứu khoa học/năm; cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học, mỗi năm phải có ít nhất một bài báo được công bố trên các báo, tạp chí trong và ngoài Quân đội; các đồng chí đăng ký xét giảng viên giỏi, cán bộ quản lý tốt phải có đề tài nghiên cứu khoa học; học viên được cộng điểm vào điểm thi học phần, môn học có nội dung liên quan đến chuyên đề, đề tài nghiên cứu, v.v. Đồng thời, Nhà trường lấy kết quả nghiên cứu khoa học là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng của các tập thể, cá nhân.

Cùng với đó, Nhà trường thực hiện đa dạng hóa hình thức nghiên cứu, như: nghiên cứu đề tài khoa học, chuyên đề khoa học, viết bài đăng trên các tạp chí, học viên viết tiểu luận, khóa luận, v.v. Nội dung nghiên cứu được định hướng tập trung vào các lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng dạy - học, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Nhà trường chú trọng nghiên cứu về giáo dục pháp luật dưới góc độ tâm lý Bộ đội Pháo binh; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đơn vị, v.v. Lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự tập trung nghiên cứu phát triển lý luận và nghệ thuật sử dụng pháo binh - tên lửa trong các loại hình chiến dịch, hình thức chiến thuật; nghệ thuật sử dụng pháo binh - tên lửa trong tác chiến bảo vệ biển, đảo, trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; nghiên cứu phát triển quy tắc bắn pháo binh - tên lửa, v.v. Lĩnh vực khoa học giáo dục tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy - học; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý giáo dục; mô phỏng, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy - học; xây dựng phim huấn luyện; củng cố, khai thác hiệu quả thư viện số, trang Web, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin phục vụ cho nghiên cứu khoa học, v.v. Đối với khoa học kỹ thuật quân sự, chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào nâng cao chất lượng dạy - học thuộc chuyên ngành pháo binh; đẩy mạnh phong trào - phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trực tiếp phục vụ dạy - học.

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, Đảng ủy, Ban Giám hiệu chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn đào tạo; kiện toàn, sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học cả số lượng, chất lượng, nhất là cán bộ đầu ngành, có học vị, chức danh khoa học, cán bộ khoa học trẻ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, Nhà trường kết hợp giữa tự đào tạo với gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trường trong và ngoài Quân đội, giữa bồi dưỡng tại trường với gửi đi thực tế ở đơn vị; trong đó, ưu tiên tuyển chọn học viên giỏi và sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài Quân đội có chuyên ngành phù hợp, v.v. Đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường có 99% trình độ đại học trở lên (sau đại học đạt 23,2%). Riêng đội ngũ giảng viên có 100% trình độ đại học, 44% sau đại học, trong đó có 0,9% là phó giáo sư và tiến sĩ.

Ngoài ra, Nhà trường còn chú trọng tổ chức cho học viên tham gia các hội thảo khoa học, tọa đàm, sinh hoạt học thuật và thông tin khoa học,... góp phần nâng cao kiến thức, phương pháp nghiên cứu, thuyết trình một vấn đề khoa học; phương pháp viết một bài báo, một chuyên đề, đề tài khoa học; phương pháp làm khoá luận tốt nghiệp.

Bằng các biện pháp tích cực trên, hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường đã ngày càng phát triển sâu rộng; nhiều đề tài, công trình nghiên cứu có chất lượng tốt, được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Pháo binh. Từ năm 2011 đến nay, Nhà trường có 1.224 lượt cán bộ, học viên tham gia nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu; trong đó, có 43 lượt học viên tham gia. Nhà trường đã thực hiện 17 đề tài cấp ngành; 12 đề tài, 04 công trình cấp Binh chủng; hoàn thành 96 đề tài, sáng kiến cấp Trường; 342 chuyên đề, sáng kiến cấp phòng, khoa và tiểu đoàn; biên soạn 61 giáo trình, tập bài giảng; phối hợp nghiên cứu, biên soạn 07 tài liệu pháo binh, tên lửa, hỏa khí đi cùng, 03 phim huấn luyện, 03 phần mềm mô phỏng. Các đề tài: “Phim giáo khoa huấn luyện địa hình quân sự”, sáng kiến “Giá tháo lắp khóa nòng kiểu then dọc”, “Mô phỏng hộp phân phối điện mạch bắn pháo BM-21”, “Mô phỏng bộ dẫn hướng tên lửa 8K-14E”,… được Bộ Tư lệnh Pháo binh và Bộ Quốc phòng đánh giá xuất sắc.

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường vẫn còn hạn chế, như: một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa thực sự coi trọng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; nội dung nghiên cứu chưa toàn diện, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, mô phỏng còn ít; hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật chưa thật sôi nổi, rộng khắp; việc ứng dụng sản phẩm nghiên cứu sau nghiệm thu hiệu quả chưa cao, v.v. Qua quá trình tổ chức nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về công tác nghiên cứu khoa học, nhất là Nghị quyết 791-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Kế hoạch 406/KH-BTM của Bộ Tham mưu Binh chủng về thực hiện Nghị quyết 791. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, lý luận nghệ thuật sử dụng pháo binh trong chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Hai là, chăm lo xây dựng tiềm lực khoa học, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, có học vị, chức danh khoa học và cán bộ khoa học trẻ, đảm bảo đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, trình độ chuyên môn sâu, luôn bám sát thực tiễn và giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tác chiến đơn vị pháo binh đặt ra. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng tổ chức nghiên cứu khoa học và phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ dạy - học. Có kế hoạch ưu tiên đầu tư kinh phí, vật chất bảo đảm cho các đề tài, chuyên đề, sáng kiến có giá trị thực tiễn cao, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.

Ba là, coi trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, đăng ký đề tài và tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Cơ quan quản lý khoa học, các hội đồng khoa học cần phát huy vai trò tham mưu, đề xuất, hướng dẫn thực hiện, nghiệm thu và ứng dụng các đề tài, chuyên đề, sáng kiến. Nội dung nghiên cứu khoa học phải bám sát thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của Quân đội, Binh chủng và Nhà trường.

Bốn là, gắn giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học quân sự; đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học trong nghiên cứu, giảng dạy và các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Chủ động liên kết, hợp tác với các nhà khoa học, các tổ chức, đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài Quân đội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn huấn luyện, diễn tập và chiến đấu pháo binh trong các cuộc chiến tranh trước đây; bổ sung, phát triển lý luận và nghệ thuật tác chiến pháo binh, góp phần làm phong phú thêm nền khoa học nghệ thuật quân sự đặc sắc của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến pháo binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. TRẦN QUYẾT TIẾN, Trưởng phòng Đào tạo Trường Sĩ quan Pháo binh

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.