Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 14/04/2022, 08:32 (GMT+7)
Trường sĩ quan Lục quân 2 đổi mới toàn diện công tác kỹ thuật đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo

Những năm gần đây, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Trường sĩ quan Lục quân 2 có bước phát triển mới, đặt ra cho công tác kỹ thuật yêu cầu ngày càng cao, nhất là việc bảo đảm kỹ thuật, vũ khí trang bị cho công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập bắn đạn thật của học viên và phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch Covid-19 nói riêng. Quá trình tổ chức thực hiện, bên cạnh những thuận lợi, ngành Kỹ thuật của Nhà trường gặp không ít khó khăn do vũ khí, trang bị kỹ thuật nhiều chủng loại, phần lớn đã qua sử dụng nhiều năm, tính đồng bộ không cao, hay hỏng hóc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Công tác bảo dưỡng, sửa chữa khí tài, xe máy, trang bị cũng gặp khó khăn do vật tư, phụ tùng khan hiếm. Trong khi đó, hằng năm, Nhà trường phải tổ chức nhiều đợt huấn luyện dã ngoại, tập bài, diễn tập xa đơn vị, phải sử dụng số lượng lớn phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Những đặc điểm trên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Nhận thức rõ điều đó, ngành Kỹ thuật đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, bảo đảm cho Nhà trường hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Theo đó, Đảng ủy, Chỉ huy Phòng Kỹ thuật đã chủ động tham mưu kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có đủ phẩm chất và năng lực, làm nòng cốt thực hiện công tác kỹ thuật. Đây là nhân tố then chốt, quyết định kết quả công tác kỹ thuật của Nhà trường cả trước mắt và lâu dài. Để thực hiện tốt vấn đề trên, một mặt, Phòng chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về công tác kỹ thuật cho cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; trong đó, chú trọng bồi dưỡng năng lực toàn diện, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ tham mưu, chỉ huy, phong cách quản lý, điều hành, khai thác, sử dụng, bảo quản vũ khí, trang bị. Đồng thời, phát huy vai trò của cấp ủy, người chỉ huy, đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác này; đề cao tinh thần “chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường”, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” (Cuộc vận động 50) gắn với phong trào Thi đua Quyết thắng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật.

Trước thực trạng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật không cân đối giữa các chuyên ngành; trình độ, tay nghề không đồng đều, thợ kỹ thuật giỏi, tay nghề cao còn khiêm tốn,... Phòng đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu điều chỉnh tổ chức lực lượng kỹ thuật ở các cấp, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có năng lực toàn diện, chuẩn hóa về trình độ, tay nghề; chú trọng xây dựng cán bộ, thợ kỹ thuật giỏi, làm nòng cốt, mũi nhọn ở các chuyên ngành, đơn vị và thợ sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới. Chú trọng đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên kỹ thuật; kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng tại chỗ với cử cán bộ, nhân viên đi đào tạo chuyên sâu; duy trì nghiêm nền nếp, chất lượng bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật ở đơn vị theo phân cấp. Để đột phá vào “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo”, các đơn vị kỹ thuật của Nhà trường tích cực đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện sát với đối tượng, yêu cầu thực tiễn công tác kỹ thuật; quan tâm đúng mức đến huấn luyện bảo đảm kỹ thuật trong chiến đấu. Tập trung huấn luyện cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật nắm vững công tác chỉ huy, tham mưu, tổ chức hiệp đồng, bảo đảm kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến thuật trong từng hình thức tác chiến. Coi trọng huấn luyện làm chủ, khai thác, sử dụng trang bị, phương tiện hiện có, nhất là trang bị, phương tiện thế hệ mới, hiện đại và nâng cao khả năng thực hành sửa chữa, cứu kéo phương tiện, vũ khí, trang bị,... cho nhân viên, thợ kỹ thuật trong điều kiện dã ngoại, địa hình, thời tiết phức tạp. Đồng thời, chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, bảo đảm, cũng như trình độ xử lý tình huống của các phân đội kỹ thuật khi hành quân huấn luyện dã ngoại, diễn tập của học viên, v.v.

Ban Giám hiệu Nhà trường kiểm tra, chỉ đạo Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, Phòng tập trung xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật, đổi mới phương thức bảo đảm; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý, điều hành công tác kỹ thuật của Nhà trường. Theo đó, cùng với phát huy vai trò nòng cốt trong bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa, đồng bộ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, Phòng kết hợp chặt chẽ giữa sửa chữa tại các trạm, xưởng với cơ động sửa chữa khi có yêu cầu, nhất là trong luyện tập, diễn tập, dã ngoại đường dài, xử lý kịp thời các tình huống trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, v.v. Đồng thời, tổ chức thu hồi, sắp xếp, phân loại, bảo dưỡng, sửa chữa và niêm cất vũ khí, trang bị tại các kho bảo đảm chặt chẽ, khoa học, an toàn tuyệt đối. Chủ động ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất vũ khí, trang bị, phương tiện; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của vũ khí, trang bị sau sửa chữa, bảo đảm kịp thời, đủ số lượng, đúng chủng loại, chất lượng tốt và đồng bộ cao cho công tác giáo dục, đào tạo. Hệ số bảo đảm trang bị cho các nhiệm vụ luôn đạt mức: K = 1; tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật luôn đạt từ 100% - 150% kế hoạch; bảo đảm hệ số kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên Kt = 0,9 - 1; trong phục vụ bắn kiểm tra khoa mục, diễn tập bắn đạn thật, phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn Kt = 1. Vũ khí. trang bị kỹ thuật đã được quản lý theo số hiệu, chủng loại, chất lượng và đồng bộ.

Đối với các cơ sở kỹ thuật, Nhà trường đã tổ chức quy hoạch, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống cơ sở bảo đảm kỹ thuật theo đúng quy trình, quy định, có trọng tâm, trọng điểm. Đến nay 100% kho vũ khí, đạn, vật tư kỹ thuật của Nhà trường đã được nâng cấp, xây mới, bảo đảm thống nhất, đồng bộ theo tiêu chuẩn Nhà kho 5 tốt; đầu tư xây mới hệ thống trạm, xưởng, khu xe ô tô, khu xe tăng thiết giáp kèm theo các trang, thiết bị công nghệ phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Bên cạnh đó, Nhà trường luôn thực hiện tốt chế độ phân cấp chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật; duy trì nghiêm quy trình xử lý, cất giữ đạn dược, vật liệu nổ, chú trọng đánh giá, phân lô, loại chính xác, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quản lý, khai thác sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, không để xảy ra cháy nổ, mất an toàn. Việc thực hiện Cuộc vận động 50 được chú trọng, có nền nếp, hiệu quả cao; sơ kết giai đoạn 2015 - 2020, có 01 tập thể và 02 cá nhân tiêu biểu, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Kết quả thực hiện Cuộc vận động không những giữ vững và bảo đảm chất lượng, mà còn tăng thêm niên hạn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Có được kết quả trên là do Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn bám sát thực tiễn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả; sự đoàn kết, thống nhất nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn của cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ toàn Trường nói chung, ngành Kỹ thuật nói riêng. Từ kết quả đạt được, ngành Kỹ thuật Nhà trường rút ra một số kinh nghiệm; đồng thời, cũng là những giải pháp mà đơn vị đã, đang thực hiện có hiệu quả.

1. Thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cơ quan cấp trên đối với công tác kỹ thuật, đặc biệt là quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 382/NQ-ĐUQSTW, ngày 29/11/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho các đối tượng, phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong tổ chức thực hiện công tác kỹ thuật. Đưa nội dung công tác kỹ thuật vào nghị quyết lãnh đạo hằng tháng của cấp ủy và kế hoạch công tác của người chỉ huy.

2. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, học viên, công nhân viên, chiến sĩ về nhiệm vụ công tác kỹ thuật của Nhà trường, qua đó phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp cũng như từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ công tác kỹ thuật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Cấp ủy, chỉ huy các cấp chỉ đạo các tổ chức, thông qua các hoạt động, hội họp để thường xuyên giáo dục, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn, làm cho các đối tượng xác định rõ nhiệm vụ và ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

3.  Nâng cao vai trò tham mưu, đề xuất của cơ quan kỹ thuật, sự phối hợp tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan. Xây dựng ngành Kỹ thuật Nhà trường vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đủ về số lượng, giỏi chuyên môn, đủ khả năng làm chủ kỹ thuật hiện đại. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở bảo đảm kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, có lộ trình cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu của từng giai đoạn.

Đại tá, TS. HOÀNG TUẤN ANH, Chủ nhiệm Kỹ thuật Nhà trường

Ý kiến bạn đọc (0)