Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 09/07/2012, 15:40 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Lục quân 1 nâng cao chất lượng diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp

Diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp là một nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo của Trường Sĩ quan Lục quân 1, nhằm củng cố kiến thức, nâng cao năng lực thực hành, trình độ tổ chức, chỉ huy chiến đấu cho học viên. Thông qua diễn tập cũng là bước để Nhà trường đánh giá, rút kinh nghiệm; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo.


Thực hành diễn tập của học viên
Diễn tập chiến thuật (DTCT) vòng tổng hợp gắn với từng chuyên ngành đào tạo của Trường Sĩ quan Lục quân 1. Để đạt mục đích, yêu cầu, nội dung diễn tập, những năm qua, Nhà trường đã nghiên cứu, xây dựng các phương án diễn tập sát với điều kiện thực tế và tích cực đổi mới nội dung, phương pháp diễn tập đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Căn cứ vào kế hoạch giáo dục - đào tạo, hằng năm, Nhà trường tiến hành điều chỉnh, thay đổi địa hình diễn tập phù hợp với từng phương án đánh địch ở cả đồng bằng, trung du và rừng núi; xây dựng nhiều phương án đánh địch trong và ngoài công sự, trong đó có các phương án: đại đội bộ binh tiến công địch phòng ngự có bắn đạn thật, đại đội bộ binh cơ giới hiệp đồng với xe tăng tiến công địch phòng ngự và các phương án phòng tránh, đánh trả địch sử dụng vũ khí công nghệ cao (VKCNC). Trong quá trình diễn tập, Ban Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra hoạt động của từng đơn vị, kịp thời chỉ đạo rút kinh nghiệm từng nội dung, từng giai đoạn của các khung diễn tập; các cơ quan luôn bám sát đơn vị, nắm chắc diễn biến, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch diễn tập; giảng viên nắm chắc nội dung, vận dụng phương pháp đạo diễn linh hoạt, thực hiện rèn luyện học viên một cách toàn diện cả về động tác, tác phong chỉ huy và hành động hiệp đồng chiến đấu của phân đội. Cán bộ các đơn vị kết hợp với giảng viên hướng dẫn, giúp đỡ rèn luyện học viên; đồng thời, tổ chức các hoạt động thi đua trong quá trình diễn tập… Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp đó, những năm qua Nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ DTCT vòng tổng hợp cho học viên các khóa, góp phần hình thành “thương hiệu” Sĩ quan Lục quân 1.

Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra, quá trình thực hành DTCT vòng tổng hợp của Nhà trường vẫn còn những hạn chế. Một số phương án, tình huống chiến đấu chưa thật phù hợp với tình hình địch, địa hình; kết cấu một số tình huống còn đơn giản, chưa có nhiều tình huống nâng cao. Trong diễn tập, một số đạo diễn còn thiếu kiên quyết trong rèn luyện bộ đội; phương pháp đạo diễn chưa linh hoạt, chưa sát với tình huống chiến thuật và thực tế chiến đấu; tổ chức hiệp đồng chiến đấu ở một số bộ phận chưa chặt chẽ; một số cán bộ chưa bám sát đơn vị để kiểm tra, giúp đỡ học viên. Trong thực hành bắn chiến đấu, hiệu quả tiêu diệt mục tiêu của hỏa lực bắn thẳng chưa cao; sự phối hợp chi viện giữa các bộ phận chưa linh hoạt, kịp thời...

Từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ DTCT vòng tổng hợp trong những năm qua, Nhà trường rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phải tổ chức quán triệt sâu sắc chỉ thị diễn tập và tích cực, chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị. DTCT vòng tổng hợp là nhiệm vụ được thực hiện với nhiều lực lượng, thành phần tham gia, thời gian dài (thường từ 15 đến 18 ngày), công tác bảo đảm lớn, sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị, khí tài, đạn, thuốc nổ phục vụ cho diễn tập trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp. Do đó, cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, khoa, đơn vị cần tổ chức quán triệt cho các thành phần tham gia diễn tập nhận thức rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, tổ chức, phương pháp điều hành, quản lý, rèn luyện học viên trong quá trình diễn tập.

Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch diễn tập phải bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ, phù hợp với từng khóa học và từng đối tượng đào tạo. Trên cơ sở phát triển lý luận chiến thuật cấp phân đội để đáp ứng yêu cầu tác chiến địch sử dụng VKCNC, cần tập trung nghiên cứu một số phương án diễn tập nâng cao. Tổ chức thông qua, phê duyệt các phương án, các văn kiện diễn tập phải kịp thời; chú ý làm tốt khâu bồi dưỡng, thống nhất nội dung, phương pháp đạo diễn tại thực địa cho đạo diễn và các lực lượng có liên quan; đồng thời, có kế hoạch phân công cán bộ kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị diễn tập. Các cơ quan, khoa, đơn vị phải phối hợp chặt chẽ, tổ chức điều hành thực hiện các nội dung, phương án diễn tập theo kế hoạch; chủ động xây dựng, tu sửa thao trường, bãi tập, mua sắm các trang, thiết bị, phương tiện, vật chất đáp ứng yêu cầu diễn tập; đồng thời, tích cực ứng dụng các trang, thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm bảo đảm cho diễn tập đạt hiệu quả cao. Để chuẩn bị tốt cho diễn tập còn phải tiến hành bồi dưỡng, huấn luyện bổ sung những nội dung học viên còn thiếu, còn yếu và tổ chức rèn luyện bộ đội sát với nhiệm vụ diễn tập (hành quân đường dài mang vác nặng, trú quân dã ngoại, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu…). Cùng với chuẩn bị đầy đủ về vật chất, trang bị, bồi dưỡng lý luận, kiến thức, cần chú trọng chuẩn bị về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ trước khi bước vào diễn tập; trong đó, tập trung vào việc xây dựng ý chí quyết tâm cao, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; đồng thời, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện tốt kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị, công tác thi đua, công tác dân vận trong diễn tập.

Hai là, thực hiện tốt việc bồi dưỡng nội dung, phương pháp đạo diễn cho giảng viên, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ đơn vị tham gia diễn tập. Đây là nội dung trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đến kết quả DTCT vòng tổng hợp của Nhà trường. Phương thức diễn tập của học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy - tham mưu lục quân cấp phân đội, trình độ đại học chủ yếu “diễn” theo “đạo diễn”; chất lượng, hiệu quả “diễn” của học viên phụ thuộc phần lớn vào nội dung, phương pháp “đạo diễn” của giảng viên. Do vậy, trước khi diễn tập phải tổ chức bồi dưỡng cho giảng viên - đạo diễn nắm chắc ý định của Nhà trường, của Ban Chỉ đạo về tổ chức, phương pháp diễn tập và nội dung, phương pháp đạo diễn của từng hình thức chiến thuật; nắm chắc lý luận chiến thuật, nhất là nguyên tắc chiến thuật của các hình thức. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng những vấn đề phát triển mới về lý luận chiến thuật cấp phân đội trong điều kiện tác chiến sử dụng VKCNC, làm cơ sở để nghiên cứu kết cấu các tình huống phù hợp với từng hình thức chiến thuật, từng đối tượng học viên và địa hình cụ thể; nghiên cứu về tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng trong các hình thức chiến thuật, đảm bảo phòng tránh, đánh trả có hiệu quả trong điều kiện tác chiến hiện đại. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng cho giảng viên phương pháp đạo diễn linh hoạt đối với các tình huống chiến thuật cụ thể, nhằm khuyến khích học viên sáng tạo trong xử trí các tình huống sát với thực tế chiến đấu, đảm bảo tính hiệu quả trong thực hành diễn tập. Nhà trường tổ chức bồi dưỡng tập trung, kết hợp với khuyến khích, động viên giảng viên tự bồi dưỡng, tranh thủ thời gian nghiên cứu nâng cao năng lực toàn diện, nhất là năng lực kết cấu tình huống chiến thuật và vận dụng phương pháp đạo diễn linh hoạt, sáng tạo. Trong quá trình diễn tập, cán bộ đơn vị cần nắm chắc kế hoạch của Ban Chỉ đạo, thường xuyên bám sát mọi hoạt động của đơn vị và học viên, phối hợp chặt chẽ với đạo diễn để rèn luyện, hướng dẫn, động viên, giúp đỡ học viên thực hiện nhiệm vụ diễn tập, nhất là trong những thời điểm khó khăn, thử thách. Mặt khác, cần rèn luyện học viên một cách toàn diện, trong đó chú trọng rèn động tác, tác phong chỉ huy và hành động hiệp đồng chiến đấu của phân đội. Sau từng nội dung, đạo diễn và cán bộ quản lý thống nhất nhận xét, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, hệ thống nội dung tập, tiếp tục động viên bộ đội hoàn thành tốt các nội dung diễn tập tiếp theo.

Ba là, tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực thực hành của học viên. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ DTCT vòng tổng hợp, học viên phải xác định tốt trách nhiệm, có quyết tâm cao; đồng thời, biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức, kỹ năng quân sự đã được trang bị trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường. Bởi lẽ, trong quá trình diễn tập, học viên phải thực hiện nhiệm vụ gần sát với điều kiện chiến đấu (mang vác trên 35 kg, hành quân gần 200 km, địa hình phức tạp; sử dụng khối lượng lớn vật chất, trang bị…). Để nâng cao năng lực thực hành của học viên, cán bộ, giảng viên phải tập trung rèn luyện và nâng cao bản lĩnh của người chỉ huy cho học viên; trong đó, chú trọng rèn luyện để học viên thành thạo các nội dung, phương pháp giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng chiến đấu; phương pháp, tác phong chỉ huy; khả năng đánh giá tình hình, xử lý các tình huống chiến thuật và năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, công tác hậu cần, kỹ thuật trong chiến đấu.

Thực tế DTCT vòng tổng hợp Khóa 76 (tháng 12-2011) cho thấy, trên cơ sở tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng năng lực thực hành và rèn luyện sát thực tế chiến đấu, nên học viên các chuyên ngành bộ binh - binh chủng hợp thành, trinh sát bộ binh, trinh sát cơ giới, trinh sát đặc nhiệm đều hoàn thành tốt mục đích, yêu cầu, nội dung diễn tập đề ra. Kết quả diễn tập thực hành bắn chiến đấu đại đội bộ binh tiến công địch phòng ngự của cả bộ binh và hỏa lực các khung đều đạt loại giỏi, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí, trang bị.

Bốn là, tăng cường ứng dụng các trang, thiết bị kỹ thuật công nghệ hiện đại góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả diễn tập. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đối tượng tác chiến của ta có ưu thế cả về hoả lực không quân, pháo binh, tên lửa và tác chiến điện tử; có phương tiện trinh sát hiện đại, khả năng cơ động cao. Do đó, cùng với nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật của học viên, Nhà trường chủ trương tăng cường ứng dụng các trang, thiết bị kỹ thuật công nghệ hiện đại trong diễn tập, góp phần bảo đảm cho diễn tập sát với thực tế chiến đấu. Những năm gần đây, Nhà trường đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự (Bộ Quốc phòng) nghiên cứu, thiết kế, ứng dụng một số lượng lớn trang, thiết bị kỹ thuật công nghệ hiện đại vào diễn tập, như: hệ thống camera quan sát, thiết bị tạo giả âm thanh chiến trường, thiết bị điều khiển nổ xa, thiết bị phóng nổ, thiết bị định vị xác định đường cơ động, thiết bị kiểm tra dò, gỡ mìn, hệ thống bia ẩn hiện, cơ động... Qua thực tế kiểm nghiệm, các thiết bị này từng bước được hoàn thiện với tính năng kỹ thuật hiện đại hơn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng DTCT vòng tổng hợp và chất lượng đào tạo của Nhà trường.

DTCT vòng tổng hợp là điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng học viên trưởng thành về mọi mặt; đồng thời, là một hình thức tổ chức dạy - học nhằm củng cố kiến thức một cách có hệ thống, giúp học viên vận dụng lý luận vào thực hành chiến đấu trong các tình huống chiến thuật. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu về lý luận, tổng kết thực tiễn quá trình tổ chức diễn tập để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo tại các nhà trường, đơn vị, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, ThS. NGUYỄN VĂN PHA

Phó Hiệu trưởng Nhà trường

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.