Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:18 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Trường Sĩ quan Công binh (Đại học Ngô Quyền) có nhiệm vụ đào tạo sĩ quan công binh cấp phân đội bậc đại học, sĩ quan chỉ huy, tham mưu công binh cấp lữ đoàn cho toàn quân; đào tạo cán bộ cho quân đội nước bạn Lào, Campuchia. Đồng thời, tham gia giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học khu vực miền Nam và thực hiện một số nhiệm vụ khác.
Nhận thức rõ nhiệm vụ được giao, những năm gần đây, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó, tập trung thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhằm “đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học…”1, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng công binh toàn quân, xây dựng Quân đội trong tình hình mới và đạt những kết quả quan trọng. Nổi bật là, công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường có sự đổi mới toàn diện, cả về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện, chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy, học; chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt. Tổng kết thực hiện Chiến lược Phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020, Nhà trường hoàn thành tốt các nội dung, chỉ tiêu đề ra, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Các khóa đào tạo gần đây, tỷ lệ học viên tốt nghiệp khá, giỏi luôn đạt trên 80%; học viên ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn khá, tiếp cận nhanh với công việc, hoàn thành chức trách ban đầu và có hướng phát triển tốt, tạo nguồn cán bộ công binh có chất lượng, làm nòng cốt về chuyên ngành cho toàn quân.
Kết quả đạt được là tổng hợp nhiều yếu tố; trong đó, trước hết và quan trọng hàng đầu là Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị quản lý học viên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất và làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tựơng đối với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Theo đó, Nhà trường đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 86-NQ/ĐUQSTW, ngày 19/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Chiến lược Phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ đào tạo; làm tốt việc quán triệt nhiệm vụ, xây dựng động cơ, trách nhiệm cho các đối tượng, nhất là người dạy và người học. Để công tác giáo dục đúng hướng, đạt hiệu quả thiết thực, Ban Giám hiệu chỉ đạo các cơ quan, khoa, đơn vị bám sát Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, tổ chức, phương pháp quán triệt, giáo dục; kết hợp chặt chẽ giáo dục, khích lệ, động viên với tăng cường quản lý, rèn luyện, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Nội dung giáo dục toàn diện, trọng tâm là giáo dục cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; mục tiêu, yêu cầu đào tạo, chuẩn đầu ra đối với từng chuyên ngành công binh; yêu cầu, nhiệm vụ của Nhà trường, của Bộ đội Công binh trong tình hình mới, v.v. Cùng với đó, Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nghị quyết chuyên đề, các kế hoạch, chương trình hành động, đổi mới các khâu trong quá trình đào tạo, quyết liệt thực hiện phương châm “dạy thực chất, học thực chất, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học” và đẩy mạnh xây dựng ba môi trường (văn hóa sư phạm quân sự; dân chủ, chính quy, quản lý kỷ luật; cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp), tạo động lực và điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.
Đội ngũ giáo viên, cán bộ giữ vai trò then chốt quyết định trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Nhận thức rõ điều đó, Nhà trường đẩy mạnh kiện toàn, xây dựng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành, từng bước chuẩn hóa về chất lượng, đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo cả trước mắt và lâu dài. Quán triệt sâu sắc Đề án “Kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng những năm tiếp theo”, Nhà trường chủ động xây dựng hệ thống quy chế, kế hoạch, tiêu chí, tiêu chuẩn,… phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và triển khai thực hiện. Hằng năm, Ban Giám hiệu chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp rà soát quy hoạch, kiện toàn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm có tính kế thừa, phát triển, ổn định vững chắc, gắn với thực hiện chủ trương điều chỉnh, sắp xếp lại lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh của Bộ Quốc phòng và Binh chủng. Trên cơ sở đó, xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nhằm nâng cao năng lực, kiến thức toàn diện cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà trường thông minh, hiện đại. Trong đó, chú trọng xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về trình độ chuyên môn, chức danh khoa học, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, theo quy định của Bộ Quốc phòng. Mặt khác, Nhà trường tăng cường lựa chọn, gửi cán bộ, giáo viên đi thực tế tại các đơn vị, nhằm củng cố kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu đào tạo của Nhà trường. Đồng thời, ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ, khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ mọi mặt. Hiện nay, 100% giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của Nhà trường có trình độ đại học và sau đại học; trong đó có: 01 phó giáo sư, 19 tiến sĩ, 162 thạc sĩ. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường.
Cùng với đó, Nhà trường đột phá đổi mới nội dung, chương trình, tạo cơ sở cho đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Những năm qua, Nhà trường chủ động rà soát đổi mới nội dung, chương trình đào tạo các đối tượng theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, kiên quyết cắt bỏ những nội dung trùng lặp, rút ngắn một cách hợp lý thời gian lên lớp lý thuyết, tăng thực hành, gắn đào tạo theo chức vụ với trình độ học vấn; xây dựng cấu trúc chương trình đào tạo cân đối giữa các khối kiến thức, bảo đảm tính kế thừa, liên thông giữa các bậc đào tạo. Đặc biệt, Nhà trường tập trung đổi mới nội dung các môn học, cập nhật những vấn đề mới về đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sự phát triển của khoa học, nghệ thuật quân sự, thực tiễn nhiệm vụ của Bộ đội Công binh vào nội dung giảng dạy; chủ động khảo sát chất lượng sản phẩm đầu ra tại các đơn vị, làm cơ sở để bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình2.
Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, phù hợp với nội dung, chương trình, đối tượng đào tạo cũng là vấn đề được Nhà trường hết sức quan tâm. Thực hiện kết hợp linh hoạt các hình thức, phương pháp giảng dạy, chú trọng các phương pháp giảng dạy đặc thù bộ môn chuyên ngành, giữa truyền đạt kiến thức với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, kỹ năng làm việc, kỹ năng công tác và kỹ năng sống cho học viên; kết hợp đào tạo chính khóa với ngoại khóa. Vận dụng hiệu quả phương pháp dạy học tích cực, khắc phục lối truyền thụ kiến thức một chiều, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực tư duy, tăng cường trao đổi, thảo luận và thực hành tập bài theo chuyên ngành,… biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, khai thác hiệu quả các trang, thiết bị dạy học hiện đại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong giáo dục, đào tạo. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, kế hoạch, trọng tâm là xây dựng, quản lý, điều hành kế hoạch, chương trình, lịch công tác, huấn luyện, học tập năm, học kỳ, quý, tháng. Nhờ vậy, mặc dù đối tượng huấn luyện, đào tạo nhiều, đa cấp, đa ngành, nhưng Nhà trường vẫn tổ chức điều hành huấn luyện tập trung, thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, không chồng chéo; hằng năm, tổ chức huấn luyện, đào tạo 100% đối tượng, nội dung, chương trình theo kế hoạch xác định. Ngoài ra, Nhà trường tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác giáo dục, đào tạo của các cấp; phát huy vai trò của Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo trong tổ chức thi, kiểm tra; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm ở các cấp, đánh giá đúng kết quả, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu,… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Bên cạnh các nội dung trên, Nhà trường chú trọng nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo. Những năm qua, Nhà trường chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Binh chủng huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, chất lượng, ngày càng hiện đại. Trong đó, ưu tiên chuẩn hóa hệ thống giáo trình, tài liệu, đầu bài tập, phù hợp với sự phát triển của từng chuyên ngành; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, thao trường, bãi tập kỹ thuật các chuyên ngành công binh và các trang, thiết bị dạy học hiện đại; phần mềm mô phỏng, v.v. Đến nay, Nhà trường có 27 giảng đường chuyên ngành, chuyên dùng, 05 giảng đường phương pháp, 08 phòng thí nghiệm, 01 trung tâm điều hành huấn luyện,… cùng hệ thống thao trường, bãi tập đáp ứng yêu cầu huấn luyện, đào tạo, tạo cơ sở, nền tảng cho cán bộ, giáo viên, học viên trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học. Phát huy kết quả đó, thời gian tới, Nhà trường đẩy mạnh xây dựng theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư” phù hợp với đặc thù của cơ sở đào tạo chuyên ngành công binh, trọng tâm đầu tư xây dựng nguồn lực công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo.
Những giải pháp trên đã và đang được Trường Sĩ quan Công binh vận dụng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo cán bộ Công binh cho Quân đội trong thời kỳ đổi mới.
Đại tá TRỊNH THANH SƠN, Hiệu trưởng ________________
1 - Chiến lược Phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Quốc phòng.
2 - Từ năm 2011 - 2020, Nhà trường đã xây dựng được 29 chương trình đào tạo (sĩ quan phân đội đại học, văn bằng 2: 03, hoàn thiện đại học: 04, các đối tượng khác: 22); điều chỉnh, bổ sung gần 30 chương trình đào tạo cho các đối tượng.
Trường Sĩ quan Công binh,Công tác giáo dục,đào tạo
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm