Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 13/06/2011, 13:51 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Chính trị tăng cường bồi dưỡng năng lực thực hành cho học viên

 Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo chính trị viên cho toàn quân, những năm qua, Trường Sĩ quan Chính trị đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục-đào tạo (GD-ĐT); trong đó, việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hành công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) cho người học được thực hiện có nền nếp, có hiệu quả cao.

alt
Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN
trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và Quyết định thành lập
Trường Đại học Chính trị
cho Trường Sĩ quan Chính trị (ngày 14/01/2011).

 
Chính trị viên (CTV) là người chủ trì về chính trị, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo CTĐ,CTCT ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân; cùng với người chỉ huy trực tiếp lĩnh hội, quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch của trên, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Chất lượng, hiệu quả hoạt động CTĐ,CTCT ở các đơn vị cơ sở phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, năng lực của đội ngũ CTV; trong đó, năng lực thực hành CTĐ,CTCT giữ vai trò quyết định.

Nhận rõ vấn đề trên, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tập trung quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên về nâng cao chất lượng công tác GD-ĐT, nhất là Nghị quyết số 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) về “Công tác GD-ĐT trong tình hình mới”. Đảng uỷ Nhà trường đã có Nghị quyết chuyên đề “Lãnh đạo nâng cao chất lượng GD-ĐT”, trong đó xác định rõ: tập trung nâng cao chất lượng GD-ĐT cán bộ chính trị cấp phân đội, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng; có kiến thức cơ bản, toàn diện và chuyên sâu, nhất là kiến thức quân sự, chuyên ngành CTĐ,CTCT, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức danh đào tạo và có khả năng phát triển lên các chức danh khác cao hơn. Thực hiện chủ trương đó, Nhà trường đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo; đổi mới và hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo cho các đối tượng theo hướng giảm bớt thời gian lên lớp lý thuyết, tăng thời gian thực hành, thực tập; bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho học viên; bảo đảm cho học viên khi ra trường hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Các khoa giáo viên đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy-học theo hướng tích cực hoá hoạt động nhận thức của người học, khắc phục lối giảng bài độc thoại, truyền thụ kiến thức một chiều, chuyển mạnh sang phương pháp dạy-học tích cực. Cùng với việc bảo đảm tốt nội dung bài giảng, các hình thức sau bài giảng, như: bồi dưỡng về quy trình, phương pháp học tập bậc đại học; tổ chức trao đổi, phổ biến kinh nghiệm học tập, rèn luyện, thực hành, thực tập giữa các khoá, các lớp; tổ chức hội thao, hội thi, hội trại nâng cao năng lực hoạt động CTĐ,CTCT cho học viên... được Nhà trường duy trì có nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, người học phát huy được năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, tiếp nhận được hệ thống kiến thức cơ bản, toàn diện và vận dụng linh hoạt vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT của Nhà trường.

alt
Đại tá Vũ Công Toàn, Phó Chính uỷ Nhà trường tham quan mô hình Hội trại của Phân đội 6, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Nhà trường.
Nhận thức đúng mối quan hệ tương hỗ giữa lý luận và thực tiễn, Nhà trường luôn chú trọng tới việc trang bị hệ thống kiến thức lý luận chính trị-quân sự, kết hợp với tăng cường rèn luyện kỹ năng thực hành cho người học. Một mặt, Nhà trường tập trung chỉ đạo cấp uỷ, chỉ huy các cấp đi sâu phân tích sự hình thành, phát triển năng lực CTĐ,CTCT của học viên theo tiến trình đào tạo, để đề xuất nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Mặt khác, tổ chức tốt các buổi trao đổi, rút kinh nghiệm tập huấn, thực tập cả trong huấn luyện chính khoá và ngoại khoá giữa các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị quản lý học viên; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực tập tại trường phù hợp với quá trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp hoạt động quân sự; bảo đảm 100% học viên được luân phiên thực tập theo các chức danh: tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, và CTV đại đội trong quá trình đào tạo tại Trường. Với quan điểm bám sát thực tiễn hoạt động CTĐ,CTCT ở đơn vị cơ sở trong quân đội, tập trung đào tạo cái thực tiễn cần, theo phương châm yếu nội dung nào, tập trung bồi dưỡng nội dung đó, hằng năm, Nhà trường đã tổ chức các đoàn cán bộ về nhiều đơn vị cơ sở trong toàn quân để nghiên cứu thực tế, nắm chất lượng học viên thực tập và chất lượng đội ngũ CTV của các đơn vị đã được Nhà trường đào tạo, nhất là năng lực hoạt động CTĐ,CTCT; trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá những khuyết điểm, yếu kém của học viên thực tập và của đội ngũ CTV thông qua ý kiến phản hồi của các đơn vị cơ sở, để kịp thời bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo sát hợp. Từ năm 2008 đến nay, Nhà trường đã rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện 11 chương trình, xây dựng 01 chương trình đào tạo cho đối tượng mới (hoàn thiện cán bộ chính trị cấp phân đội); tăng thời gian thực tập của học viên ở các đơn vị cơ sở từ 02 tháng lên 03 tháng; chỉnh sửa hệ thống kế hoạch đề bài, đề cương chi tiết cho 10 đối tượng đào tạo của Nhà trường. Riêng học kỳ I (năm học 2010-2011), toàn trường đã tổ chức trên 100 buổi rút kinh nghiệm về công tác GD-ĐT; hoàn chỉnh hệ thống bài tập thực hành cho các đối tượng sát với sự phát triển của lý luận và thực tiễn, góp phần khắc phục được tình trạng trùng lắp về nội dung giữa các môn học, cấp học; bảo đảm tỷ lệ thời gian lên lớp giữa lý thuyết với thực hành và các hình thức bổ trợ sau bài giảng ngày càng tốt hơn. Nội dung bồi dưỡng năng lực thực hành CTĐ,CTCT đã đáp ứng các yêu cầu của việc thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, CTV mà Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá IX), Nghị quyết số 513-NQ/ĐUQSTW của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và các quy định của Bộ Quốc phòng đã đề ra. Kết quả thực tập các chức danh tại Trường của học viên luôn đạt từ 97,24 % khá, giỏi trở lên; thực tập CTV và CTV phó ở đơn vị cơ sở năm học 2009-2010: 100% đạt yêu cầu, trong đó có 99,25 % khá, giỏi (12,72% giỏi).

alt
Tập bài, tổ chức hội nghị chi bộ của học viên Phân đội 3.
Nhằm nâng cao năng lực thực hành cho người học, Nhà trường luôn phát huy tốt vai trò của đội ngũ giảng viên (nòng cốt là Khoa CTĐ,CTCT) và cán bộ quản lý học viên trong quá trình bồi dưỡng năng lực thực hành CTĐ,CTCT cho học viên. Đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã tích cực truyền thụ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng thực hành CTĐ,CTCT thông qua việc tổ chức tốt nội dung từng bài giảng, các buổi toạ đàm, trao đổi, thực hành, làm mẫu... để giúp học viên rèn luyện kỹ năng tiến hành CTĐ,CTCT đạt hiệu quả cao. Đội ngũ cán bộ quản lý học viên - “những người thầy thứ hai” - đưa học viên tiếp cận, làm quen với các hoạt động huấn luyện, giáo dục chính trị, nói chuyện chuyên đề, thông báo thời sự,... để người học biết cách vận dụng tri thức đã được trang bị vào hoạt động thực tiễn; nhất là thông qua các hoạt động cụ thể của tổ chức Đoàn Thanh niên, như: xung kích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, bình báo, tham gia ý kiến xây dựng tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên...; qua đó, kỹ năng tiến hành CTĐ,CTCT của học viên không ngừng được nâng cao.

Cùng với đó, Nhà trường còn chú trọng phát huy tính tích cực, tự giác học tập, rèn luyện năng lực thực hành CTĐ,CTCT của người học. Bên cạnh việc đặt ra yêu cầu cao về năng lực thực hành CTĐ,CTCT để mỗi học viên phấn đấu, Nhà trường thường xuyên chỉ đạo Khoa CTĐ,CTCT, Phòng Chính trị, các đơn vị học viên chủ động tạo ra môi trường thuận lợi để học viên tích cực, tự giác học tập và rèn luyện nâng cao năng lực thực hành CTĐ,CTCT. Thông qua các hình thức tập bài nêu tình huống, các bước triển khai và tiến hành hoạt động CTĐ,CTCT cụ thể, duy trì tốt việc bình học, bình rèn hằng tháng để người học tự đánh giá lẫn nhau, tạo môi trường lôi cuốn, kích thích tính tích cực, sáng tạo; qua đó, người học có điều kiện rèn luyện năng lực thực hành cụ thể. Mặt khác, Nhà trường luôn coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện kỹ năng thực hành CTĐ,CTCT đến từng học viên, coi đó là nhân tố quan trọng cấu thành phẩm chất, năng lực của học viên trong quá trình đào tạo. Việc làm này thực sự tạo động lực thúc đẩy người học nỗ lực học tập, rèn luyện nâng cao năng lực thực hành CTĐ,CTCT trong suốt khoá học.

alt
Tổ chức, tham gia các hoạt động nghệ thuật quần chúng - một phương pháp tốt nhằm bồi dưỡng năng lực thực hành cho học viên.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác bồi dưỡng năng lực thực hành CTĐ,CTCT cho học viên đào tạo CTV, Nhà trường đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, công cụ, phương tiện đảm bảo cho hoạt động GD-ĐT, xây dựng và phát huy có hiệu quả hệ thống các giảng đường, thao trường, bãi tập, nhất là giảng đường chuyên dùng cho bộ môn CTĐ,CTCT; trang bị đủ hệ thống máy chiếu giao diện kết hợp với bản đồ kỹ thuật số phục vụ cho học viên thực hành các bài tập xử lý tình huống CTĐ,CTCT trong huấn luyện chiến đấu, diễn tập, thực hiện phương án A2,... sát với thực tế ở đơn vị cơ sở. Năm 2010, Nhà trường đã bổ sung 02 phòng học chuyên dùng, Trung tâm Điều hành huấn luyện; xây dựng 02 nhà  sa bàn; phát triển hệ thống thư viện điện tử, góp phần bảo đảm tư liệu, tài liệu đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của mọi đối tượng, tạo nên sự đổi mới đồng bộ cả về nội dung, hình thức và phương pháp bồi dưỡng năng lực thực hành CTĐ,CTCT cho học viên... Nhờ đó, năng lực thực hành CTĐ,CTCT của học viên không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm của Nhà trường. Đến nay, tuyệt đại đa số học viên đều xác định tốt động cơ, thái độ học tập, rèn luyện; nắm chắc kiến thức cơ bản, biết vận dụng lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra; nhiều học viên có kết quả học tập, rèn luyện tốt, phương pháp, tác phong chỉ huy sâu sát, chững chạc, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao; tỷ lệ học viên tốt nghiệp ra trường đạt khá, giỏi năm sau cao hơn năm trước; năm học 2008-2009, có 71,69% học viên tốt nghiệp khá, giỏi; năm học 2009-2010, có 75,81% học viên tốt nghiệp khá, giỏi (tăng 4,12%),v.v. Kết quả đó đã góp phần khẳng định chủ trương tăng cường bồi dưỡng năng lực thực hành CTĐ,CTCT cho học viên ở Trường Sĩ quan Chính trị những năm qua là đúng đắn; góp phần quan trọng vào việc tạo ra những chuyển biến đồng bộ, mạnh mẽ về mọi mặt, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Nhà trường.

Thời gian tới, nhiệm vụ GD-ĐT của Nhà trường tiếp tục có bước phát triển mới cả về đối tượng, quy mô và chất lượng đào tạo. Bởi vậy, việc tăng cường bồi dưỡng năng lực thực hành CTĐ,CTCT cho học viên đào tạo CTV sẽ được Nhà trường tiếp tục quan tâm. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả bồi dưỡng năng lực thực hành CTĐ,CTCT cho người học; trong đó, tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ 8; thực hiện tốt Đề án “Đổi mới chương trình đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội”; đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy-học theo hướng phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của người học; đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng, bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu và đa dạng hoá nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng năng lực thực hành CTĐ,CTCT cho học viên đào tạo CTV... Cùng với đó, Nhà trường sẽ mở rộng quan hệ với các nhà trường, cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài quân đội để trao đổi kinh nghiệm quản lý GD-ĐT cho cán bộ và mời các chuyên gia đầu ngành bồi dưỡng về nội dung, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT đội ngũ cán bộ CTV, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới.

Đại tá, TS. VŨ CÔNG TOÀN

Phó Chính uỷ Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)