Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 05/01/2012, 14:55 (GMT+7)
Trường Quân sự Quân khu 2 với khâu đột phá nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

 

Xuất phát từ đòi hỏi cấp bách về cán bộ quân đội, chưa đầy một tháng sau ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), ngày 14-01-1947, Trường Quân chính Hoàng Hữu Nam - tiền thân của Trường Quân sự Quân khu 2 ngày nay - ra đời và khai giảng khóa đầu tiên. Không phụ lòng tin của Đảng, Bác Hồ, Quân đội và nhân dân đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn hậu cần, kỹ thuật để kịp thời bổ sung lực lượng cho các chiến trường, góp phần không nhỏ vào hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những năm gần đây, Nhà trường được Quân khu giao nhiều nhiệm vụ mới, trong đó có nhiệm vụ bổ túc quân sự, chính trị đến cấp trung đoàn, đại học đại cương, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, sở, ban, ngành cấp tỉnh (đối tượng 2). Đây là những nhiệm vụ mới mẻ, nặng nề, khó khăn. Nhờ có quyết tâm cao, đoàn kết, chủ động và sáng tạo, Nhà trường đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các học viên sau khi tốt nghiệp ra trường về đơn vị đều đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các cán bộ thuộc đối tượng 2, sau khi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh ở Nhà trường, đã được trang bị những kiến thức cần thiết và có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Hiện nay, Nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) cho hàng chục đối tượng, với số học viên đông và mục tiêu, yêu cầu đào tạo ngày càng cao. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo toàn trường tập trung vào khâu đột phá: nâng cao chất lượng GD-ĐT với nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là:

1- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên về mọi mặt, đảm bảo cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT của Nhà trường trong tình hình mới. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là lực lượng giữ vai trò then chốt, quyết định đến chất lượng GD-ĐT của Nhà trường. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng tại Nhà trường đa dạng; số lượng mấy năm gần đây liên tục tăng. Trong khi đó, biên chế đội ngũ giáo viên của Nhà trường chưa tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Số giáo viên có kinh nghiệm và giỏi về phương pháp sư phạm còn ít; số giáo viên chưa được đào tạo về sư phạm còn chiếm gần 37% và số có trình độ đại học trở lên mới đạt trên 60%. Trước tình hình đó, Nhà trường đề ra mục tiêu: xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo cả số lượng, chất lượng, 100% được đào tạo cơ bản và qua thực tiễn cơ sở, có trình độ đại học và sau đại học vào năm 2015. Thực hiện mục tiêu đã xác định, trước mắt, Nhà trường đang tiếp tục ổn định tổ chức, biên chế đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý học viên, bảo đảm tỷ lệ giáo viên và lớp học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Nhà trường đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo các tiêu chí: chuẩn hóa về trình độ học vấn, về phương pháp sư phạm, có phẩm chất, đạo đức tốt, mỗi giáo viên là tấm gương sáng cho học viên noi theo. Đi đôi với việc đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu bổ sung nguồn, Nhà trường còn chủ động tạo nguồn tại chỗ bằng cách tích cực phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên cả về phẩm chất, năng lực công tác và trình độ chuyên môn. Ngoài ra, để phát huy nội lực, Nhà trường chỉ đạo các khoa tích cực xây dựng nhóm giáo viên đa năng, bảo đảm mỗi giáo viên có khả năng đảm nhiệm nhiều nội dung giảng dạy; kết hợp tăng cường phân công các đồng chí chỉ huy phòng, ban, tiểu đoàn, kể cả Ban Giám hiệu tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Mặt khác, trên cơ sở rà soát, đánh giá đội ngũ hiện có, Nhà trường thực hiện việc hoán đổi một số cán bộ quản lý sang đội ngũ giáo viên và ngược lại, nhằm phát huy khả năng, sở trường từng người và nâng cao hiệu quả trên từng mặt công tác. Đó là những biện pháp quan trọng, giúp cho Nhà trường đủ sức hoàn thành nhiệm vụ mà chưa phải bổ sung số lượng lớn cán bộ, giáo viên, cũng như vẫn đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên luân phiên đi học, hoặc đi thực tế ở đơn vị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường cả trước mắt và lâu dài.

2- Gắn Nhà trường với thực tiễn và coi trọng công tác giáo dục, xây dựng động cơ, ý thức trách nhiệm cho học viên. Địa bàn Quân khu 2 chủ yếu là vùng núi cao, biên giới. Đời sống của đồng bào các dân tộc gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí của đa số đồng bào còn thấp. Lợi dụng tình hình trên, các thế lực thù địch luôn coi đây là một trong những trọng điểm để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Về phía Nhà trường, số học viên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số thường chiếm tỷ lệ 30 - 50%; phần lớn đối tượng học viên đào tạo của Nhà trường là hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, sĩ quan dự bị, với thời gian đào tạo 3 - 5 tháng. Nắm chắc những đặc điểm này, Nhà trường luôn gắn quá trình GD-ĐT với thực tiễn; từ đó, thường xuyên quán triệt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của Quân khu, trực tiếp là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Quân khu vào từng đối tượng đào tạo. Trong quá trình GD-ĐT, Nhà trường coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kết hợp chặt chẽ việc trang bị kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, trình độ, tác phong chỉ huy với rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức quân nhân. Với tinh thần “Tất cả vì học viên thân yêu”, cán bộ, giáo viên Nhà trường luôn tận tình chỉ bảo, giúp đỡ học viên về mọi mặt, nhất là xây dựng động cơ, trách nhiệm đúng đắn cho học viên. Nhà trường chỉ đạo các khoa, tiểu đoàn chú ý giáo dục cho học viên thấy rõ bản chất, âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; qua đó, giúp học viên nêu cao tinh thần cảnh giác và khi về đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động chiến sĩ, đồng bào đấu tranh với kẻ xấu, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. 

3- Tích cực đổi mới nội dung và phương pháp GD-ĐT theo các quan điểm và nguyên tắc đã xác định. Thực hiện giải pháp này, về nội dung, chương trình, Nhà trường đã và đang đổi mới kết cấu, chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với từng đối tượng, theo hướng giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian thục luyện; giảm giảng dạy lý thuyết, tăng hướng dẫn thực hành; bổ sung môn tin học, ngoại ngữ. Về phương pháp, Nhà trường chỉ đạo các khoa tích cực nghiên cứu, vận dụng phương pháp dạy học tích cực, từng bước áp dụng phương pháp mới, hiện đại, kết hợp với tăng cường giới thiệu các chiến lệ, kinh nghiệm chiến đấu, quản lý bộ đội vào quá trình giảng dạy và đổi mới phương pháp thi, kiểm tra để đánh giá thực chất kết quả GD-ĐT. Trong quá trình đào tạo, người dạy phải thực hiện triệt để phương châm “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu” và vận dụng sáng tạo 3 quan điểm, 6 nguyên tắc đã xác định, kết hợp với quán triệt quan điểm lấy người học làm trung tâm; qua đó, tăng cường tổ chức cho học viên nghiên cứu thực tế, đa dạng hóa các hình thức thảo luận, khắc phục phương pháp dạy - học thụ động, một chiều để phát huy vai trò của người học và từng bước biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo ở một số nội dung, đối tượng học viên. Đối với các đơn vị quản lý học viên, Nhà trường chỉ đạo tăng cường bám lớp, tổ chức ôn luyện; mặt khác, chú ý bồi dưỡng cho học viên nắm vững các phương pháp quản lý, duy trì phân đội ôn luyện sau bước huấn luyện cơ bản tại đơn vị.

4- Bảo đảm tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ GD-ĐT và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng GD-ĐT. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu, Nhà trường đã có hệ thống giảng đường cơ bản với trang thiết bị dạy - học khá đồng bộ. Ngay sau khi nghiệm thu các hạng mục công trình, Nhà trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kết hợp khai thác sử dụng với giữ gìn, bảo quản nghiêm túc cơ sở vật chất được giao. Cùng với đó, phát huy truyền thống tự lực, tự cường, Nhà trường đã huy động cán bộ, giáo viên, học viên tham gia hàng vạn ngày công để củng cố, nâng cấp hệ thống thao trường, bãi tập; đồng thời, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ phục vụ huấn luyện. Hằng năm, cán bộ, giáo viên và học viên Nhà trường đã sửa chữa và làm mới hàng trăm mô hình, học cụ và nhiều sáng kiến có giá trị thực tiễn cao. Riêng năm 2011, Nhà trường đã có 4 sáng kiến tham gia thi (do Quân khu tổ chức) và đều đạt giải, trong đó có giải A.

Để nâng cao đời sống bộ đội, một mặt, Nhà trường tăng cường công tác kiểm tra tài chính, hậu cần, quân y; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí; củng cố hệ thống nhà ở, nhà ăn, điện, nước. Mặt khác, Nhà trường đã triển khai kế hoạch tăng gia sản xuất giai đoạn 2010 - 2015, như: mở rộng diện tích trồng cây lương thực, chè, rau, củ, quả, ao thả cá; quy hoạch, nâng cấp khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung…, góp phần nâng cao mức sống, sinh hoạt cho bộ đội, bảo đảm quân số khỏe đạt trên 98,8%. Bên cạnh đó, Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ, tạo sân chơi lành mạnh cho cán bộ, giáo viên, nhất là cho học viên vào giờ nghỉ, ngày nghỉ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây là trách nhiệm, đồng thời cũng là cách tốt nhất để Nhà trường phát huy bề dày truyền thống 65 năm xây dựng, trưởng thành của mình, xứng đáng là trung tâm huấn luyện quân sự cơ bản của Quân khu 2 và xứng đáng với sự tin cậy của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Đại tá PHAN DƯƠNG TIẾN

Hiệu trưởng Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)