Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 19/12/2013, 08:28 (GMT+7)
Trường Quân sự Quân khu 1 thực hiện hai khâu đột phá trong giáo dục - đào tạo

Ngày 24-12-1958, Trường Quân chính Quân khu Việt Bắc (tiền thân của Trường Quân sự Quân khu 1) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Bác căn dặn: “Toàn Trường phải dạy tốt, học tốt hơn nữa, đoàn kết tốt với nhân dân các dân tộc và xây dựng Nhà trường thành một trường Quân sự kiểu mẫu,…”. Ghi sâu lời Bác dạy, 55 năm qua, các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ Nhà trường luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá Đỗ Văn Hội, Hiệu trưởng, phát biểu tại Lễ Khai giảng năm 2013.

Những năm gần đây, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) của Trường Quân sự Quân khu 1 có sự phát triển, đối tượng đào tạo đa dạng1; mục tiêu, yêu cầu đào tạo ngày càng cao; trong khi đó, cơ sở vật chất còn thiếu, chất lượng đội ngũ giáo viên của Nhà trường còn hạn chế. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu (BGH) Nhà trường đã quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Quân khu 1 về nhiệm vụ GD-ĐT sát với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của Trường. Nghị quyết lãnh đạo nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Đảng ủy Nhà trường đã xác định: “Phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, không ngừng nâng cao chất lượng GD-ĐT; trong đó, tập trung thực hiện tốt hai khâu đột phá là xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên (CB,GV) và đẩy mạnh xây dựng Nhà trường chính quy, mẫu mực”.

Thực hiện Nghị quyết đó, thời gian qua, Nhà trường tập trung xây dựng đội ngũ CB,GV có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Nhà trường cả trước mắt và lâu dài. Trước thực tế 100% giáo viên của Nhà trường đã qua đào tạo cơ bản, nhưng theo chuẩn hóa đúng ngành nghề và có chứng chỉ sư phạm mới đạt 48,4%, Nhà trường đã tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên theo hướng chuẩn hóa về trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ về số lượng và cơ cấu hợp lý. Trên cơ sở Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ CB,GV đến năm 2010 và những năm tiếp theo” của Bộ Quốc phòng, Nhà trường đã xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên với lộ trình cụ thể, từng giai đoạn vững chắc. Cùng với đề nghị Quân khu bổ sung nguồn CB,GV, Nhà trường chủ động tạo nguồn tại chỗ thông qua phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng. Để phát triển năng lực toàn diện cho đội ngũ giáo viên, Nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức; trong đó, chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn tại Trường theo phân cấp; đồng thời, tăng cường cử giáo viên đi đào tạo tại các nhà trường trong Quân đội và đi thực tế ở các đơn vị. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng được BGH Nhà trường chỉ đạo tập trung vào những vấn đề mới về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; phương pháp sư phạm, kinh nghiệm giảng dạy và những nội dung còn yếu theo phương châm “yếu khâu nào, bồi dưỡng khâu đó”. Các khoa giáo viên thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên thông qua dự giảng, bình giảng, giảng rút kinh nghiệm, phân công giáo viên có kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ giáo viên trẻ, v.v.

Do phần lớn đối tượng đào tạo của Trường là hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật - những người trực tiếp nhất với bộ đội, gắn với công việc ở đơn vị cơ sở; vì vậy, Đảng ủy và BGH Nhà trường yêu cầu đội ngũ giáo viên không chỉ có kiến thức, phương pháp sư phạm tốt mà phải có kinh nghiệm thực tiễn. Vì thế, Nhà trường tích cực cử giáo viên đi thực tế tại các sư đoàn, lữ đoàn trong Quân khu, như: Sư đoàn 3, Sư đoàn 346 và Lữ đoàn 382 để tích lũy kinh nghiệm. Đối với tổ trưởng bộ môn và cán bộ cấp khoa, thời gian đi thực tế ít nhất là một năm. Đối với giáo viên, Trường thực hiện luân chuyển xuống các tiểu đoàn trong Trường. Nhà trường còn chỉ đạo duy trì nền nếp hội thi giáo viên dạy giỏi và cán bộ quản lý, huấn luyện giỏi ở hai cấp: cấp cơ sở và cấp trường; coi đây là một hướng quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ CB,GV và chất lượng GD-ĐT. Hằng năm, BGH Nhà trường chỉ đạo 100% giáo viên, cán bộ quản lý cấp cơ sở tham gia thi, sau đó lựa chọn các đồng chí có kết quả cao tham gia hội thi cấp trường. Hội thi ở từng cấp đều được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, thực chất nên đã tạo động lực để đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý tích cực tham gia, với sự đầu tư công phu. Vì vậy, chất lượng hội thi ngày càng được nâng cao: năm 2013, cấp cơ sở có 100% khá, giỏi (gần 60% giỏi); cấp trường: 100% khá, giỏi (gần 65% giỏi).

Khuyến khích đội ngũ giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cũng là một biện pháp thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thực hiện “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, các khoa giáo viên đã có nhiều đề tài, sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ, giáo trình, tài liệu phục vụ huấn luyện được nghiên cứu, biên soạn và ứng dụng vào giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT. Vừa đặt ra yêu cầu cao để đội ngũ CB,GV phấn đấu, Nhà trường còn thường xuyên quan tâm chăm lo, có chính sách đãi ngộ hợp lý và tạo điều kiện, khuyến khích CB,GV tự nâng cao trình độ, yên tâm gắn bó với đơn vị. Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ CB,GV của Trường ngày càng được nâng cao. Hiện nay, gần 76% giáo viên của Trường có trình độ đại học và sau đại học; 100% bài giảng, giáo án được biên soạn trên máy vi tính, đã ứng dụng phần mềm Adobe Flash, Fronpagc và trang Web vào xây dựng giáo trình điện tử; phần lớn giáo viên biết sử dụng, đưa giáo án điện tử vào giảng dạy. Nhờ đó, những năm qua, chất lượng GD-ĐT của Nhà trường đã có những bước tiến vững chắc. Hằng năm, có 100% học viên tốt nghiệp ra trường, trong đó gần 80% đạt khá, giỏi; riêng đối tượng 2 giáo dục quốc phòng - an ninh có 100% khá, giỏi.

Kiểm tra giấy tờ xe của quân nhân trước khi tham gia giao thông.

Hai là, đẩy mạnh xây dựng Nhà trường chính quy, mẫu mực. Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 917/1999/CT-BQP, Quyết định 814/QĐ-TM về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; Chỉ thị 04/CT-BQP, Chỉ thị 275/CT-TL của Tư lệnh Quân khu về tăng cường quản lý, giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật, phòng ngừa ngăn chặn vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, Đảng ủy Nhà trường ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật (XDCQ,RLKL), gắn với GD-ĐT. Trong đó, Trường chú trọng đẩy mạnh đổi mới lề lối làm việc, tác phong công tác, nâng cao chất lượng thực hiện chế độ, nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật; kết hợp chặt chẽ giữa GD-ĐT với rèn luyện kỷ luật. Theo đó, hằng năm các đơn vị, khoa giáo viên đều xây dựng kế hoạch, CB,GV, học viên, nhân viên, chiến sĩ toàn trường đăng ký thực hiện các nội dung, biện pháp XDCQ,RLKL. Đặc điểm nổi bật của Trường là: đối tượng đào tạo nhiều, phần lớn học viên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nhận thức không đồng đều. Bên cạnh đó, một bộ phận chiến sĩ không “mặn mà” với việc đào tạo khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng; địa bàn đóng quân của Nhà trường lại nằm giáp ranh với thành phố nên chịu tác động không nhỏ của mặt trái kinh tế thị trường và tệ nạn xã hội, bộ đội dễ nảy sinh tư tưởng, lơ là trong rèn luyện, chấp hành kỷ luật. Vì vậy, Đảng ủy, BGH Nhà trường luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành mục tiêu, yêu cầu đào tạo, xây dựng động cơ học tập đúng đắn, kết hợp giáo dục với tăng cường công tác XDCQ,RLKL.

Những năm qua, Nhà trường kết hợp nguồn kinh phí của trên với phát huy nội lực đầu tư tu sửa, nâng cấp nơi ăn ở, sinh hoạt và hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập; triển khai thống nhất các loại bảng, biển, giá, dây, sổ sách, mẫu biểu theo đúng hướng dẫn của trên. Các cơ quan, đơn vị, khoa giáo viên duy trì nghiêm nội quy, quy định trong huấn luyện, học tập, công tác, thời gian lên, xuống lớp,… Thực hiện phương châm: có kỷ luật tốt sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện và chất lượng GD-ĐT, Nhà trường làm giấy ra vào thống nhất chung, cấp cho các cơ quan, đơn vị; quy định tỷ lệ ra ngoài; quân nhân mang mặc đảm bảo lễ tiết, tác phong, xưng hô, chào hỏi đúng quy định, thực hiện toàn Trường hành động theo điều lệnh. Các tiểu đoàn quản lý học viên duy trì chặt chẽ chế độ trong ngày, trong tuần; thực hiện “học tập sáng, ôn luyện chiều, nghiên cứu tối” và quản lý tập trung, phù hợp với từng đối tượng học viên. Để đạt hiệu quả, Nhà trường đề cao tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ quản lý, thực hiện cấp trên làm gương cho cấp dưới; cán bộ các cấp tăng cường bám, nắm đơn vị; gần gũi nắm bắt tư tưởng, các mối quan hệ xã hội của học viên; đồng thời, chủ động phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương để cùng quản lý, giáo dục, động viên, giải quyết kịp thời các biểu hiện tư tưởng nảy sinh. Thực tiễn cho thấy, điểm mấu chốt để tạo sự chuyển biến tích cực trong XDCQ,RLKL là, Nhà trường tăng cường các biện pháp quản lý bộ đội, coi trọng công tác kiểm tra của đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt vào các thời điểm “nhạy cảm”, như: ban đêm, ngày nghỉ, giờ nghỉ. Cùng với kiểm tra, đôn đốc của hệ thống chỉ huy các cấp, Nhà trường thường xuyên duy trì hoạt động của tổ kiểm soát quân sự, tổ chức tuần tra, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm. Mặt khác, Nhà trường xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, không bao che, giấu giếm khuyết điểm; nhờ vậy, phát huy tốt hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Bên cạnh đó, Nhà trường coi trọng và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, hướng hoạt động của các tổ chức này vào thực hiện nội dung khâu đột phá; tích cực triển khai các hoạt động, như: diễn đàn, tọa đàm, trao đổi, hội thi tuyên truyền XDCQ,RLKL, xây dựng môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh, kỷ luật nghiêm minh, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, Nhà trường đã gắn nội dung XDCQ,RLKL với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; coi trọng tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tăng gia cải thiện đời sống bộ đội. Nội dung, chỉ tiêu XDCQ,RLKL còn được lồng ghép trong các phong trào thi đua, tạo môi trường thuận lợi cho XDCQ,RLKL. Vì vậy, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường hằng năm đều giảm; năm 2013, còn 0,18%, không có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong huấn luyện, rèn luyện và học tập, công tác.

Tuy vậy, việc thực hiện hai khâu đột phá của Nhà trường còn những hạn chế. Công tác xây dựng đội ngũ CB,GV có mặt chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đề ra; chất lượng XDCQ,RLKL có thời điểm chưa vững chắc,… Thời gian tới, nhiệm vụ GD-ĐT của Nhà trường tiếp tục có bước phát triển mới, nhất là khi Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh (thuộc Nhà trường) đi vào hoạt động. Phát huy kết quả đã đạt được, Đảng ủy, BGH Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa hai khâu đột phá, làm cơ sở xây dựng Đảng bộ Nhà trường trong sạch, vững mạnh, Nhà trường vững mạnh toàn diện, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Đại tá TRƯƠNG QUANG TUẤN

Chính ủy Nhà trường
__________

1 - Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo 14 đối tượng với 27 chuyên ngành.

Ý kiến bạn đọc (0)