Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 25/07/2016, 10:59 (GMT+7)
Trường Quân sự Quân đoàn 3 gắn lý luận với thực tiễn

Trường Quân sự Quân đoàn 3, tiền thân là Trường Quân chính Mặt trận B3, được thành lập ngày 20-8-1966. Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 và sự đùm bọc của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương nơi Đơn vị đóng quân và hoạt động thực hiện nhiệm vụ. Các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên Nhà trường đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến trí tuệ, sức lực và cả xương máu cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần xứng đáng vào chiến công vang dội của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, viết nên truyền thống vẻ vang “Tự lực, tự cường - Dũng cảm, sáng tạo - Đoàn kết, kỷ luật - Dạy tốt, học tốt”.

Trong suốt chặng đường đã qua, với 60 khóa học, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 85.000 lượt cán bộ, hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên kỹ thuật cho các đơn vị; giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho hơn 75.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, Nhà trường được Bộ Tư lệnh Quân đoàn giao nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo sĩ quan dự bị, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, bồi dưỡng hỏa lực và tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Ban Chấp hành Đảng bộ Nhà trường (nhiệm kỳ 2015-2020)

Nhận thức đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, xây dựng Nhà trường chính quy, phát triển toàn diện cả về quy mô, đối tượng và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Một trong những giải pháp quan trọng có ý nghĩa to lớn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Nhà trường là thực hiện tốt phương châm “Gắn lý luận với thực tiễn”, gắn công tác giảng dạy với thực tế nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tại. Ghi sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học phải đi đôi với hành”, Nhà trường đi sâu tìm hiểu và làm rõ giá trị hiện thực của quan điểm đó trong định hướng lý luận cũng như chỉ đạo thực tiễn công tác giáo dục - đào tạo và cụ thể hóa bằng những giải pháp phù hợp với từng đối tượng đào tạo, gắn giảng đường với thao trường, đơn vị, hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường trong những năm qua.

Để thực hiện tốt chủ trương gắn giảng đường với thao trường, đơn vị, Nhà trường tập trung đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo, bảo đảm phù hợp với đối tượng tác chiến, sát với thực tế huấn luyện và chiến đấu. Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm về giáo dục - đào tạo của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết 86/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới”, Nghị quyết của Đảng ủy Quân đoàn và các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, Nhà trường tích cực nghiên cứu, đổi mới công tác giáo dục - đào tạo theo hướng giảm thời gian lên lớp lý thuyết, tăng thời gian thực hành, thực tập; kết hợp giữa lý luận với truyền thụ kinh nghiệm thông qua gợi mở, nêu vấn đề, tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc về chất lượng, hiệu quả đào tạo. Theo đó, các khoa giáo viên, tổ bộ môn chú trọng cải tiến nội dung, chương trình, không ngừng hoàn thiện, chuẩn hóa hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy; từng bước ứng dụng các phương pháp dạy - học tích cực, phù hợp với từng đối tượng đào tạo và sát thực tiễn. Nhà trường chỉ đạo tăng thời gian huấn luyện đêm, huấn luyện thực hành động tác cá nhân và phân đội, cả kỹ thuật và chiến thuật; coi trọng rèn luyện bản lĩnh, tác phong, hành động chỉ huy phân đội sát với chức trách của người học. Cùng với đó, tổ chức rà soát chương trình, từng bước khắc phục sự trùng lặp về nội dung giữa các môn học; đầu tư thích đáng cho chương trình đào tạo theo chức vụ, chuyên môn của từng đối tượng đào tạo. Đồng thời, tổ chức luyện tập, duy trì thảo luận tổ, lớp và kiểm tra đánh giá kết quả. Qua đó, giúp cho người học nhanh chóng nắm kiến thức, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh và tác phong chỉ huy, đảm bảo sau khi ra trường vận dụng thành thạo trong chỉ huy, quản lý đơn vị, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình đào tạo, Nhà trường chú trọng đổi mới chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo theo phương châm “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, sát với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo của từng đối tượng. Đồng thời, gắn huấn luyện với rèn luyện học viên sát yêu cầu thực tế chiến đấu, chú trọng huấn luyện thực hành, dã ngoại, huấn luyện đêm và diễn tập vòng tổng hợp; duy trì nghiêm công tác kiểm tra, phúc tra đánh giá kết quả huấn luyện; tổ chức rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác quản lý, thực hiện kế hoạch huấn luyện.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Nhà trường chú trọng làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên là lực lượng nòng cốt, nhân tố có ý nghĩa quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo, đặc biệt là trong điều kiện phát triển mới của khoa học nghệ thuật quân sự và phương thức tác chiến. Nhận thức rõ điều đó, Nhà trường luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, thông qua việc thường xuyên rà soát quy hoạch đội ngũ cán bộ, giáo viên, thực hiện nghiêm túc quy trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, nhằm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo mục tiêu yêu cầu đào tạo. Hiện nay, Nhà trường có 6,75% cán bộ, giáo viên có trình độ sau đại học, 78,75% trình độ đại học. Hằng năm, Nhà trường duy trì nền nếp, chế độ tập huấn cán bộ, giáo viên trước khi bước vào khóa học; tổ chức thông qua bài giảng, dự giảng, hội thao, nhằm đánh giá đúng chất lượng dạy - học; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế về phương pháp của đội ngũ giáo viên. Cùng với việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với năng lực chuyên môn, Nhà trường còn tích cực gửi đi đào tạo, bồi dưỡng tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; tổ chức cho cán bộ đi thực tế các chức danh cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn, cơ quan sư đoàn mỗi năm từ 3 đến 6 đồng chí ở các đơn vị sẵn sàng chiến đấu hoặc luân chuyển ngay tại các đại đội, tiểu đoàn quản lý học viên, đảm bảo vừa giúp đội ngũ cán bộ trải qua các cương vị lãnh đạo, chỉ huy ở đơn vị, vừa là điều kiện bồi dưỡng kiến thức thực tế để bổ sung trong quá trình giảng dạy. Để đội ngũ giáo viên có kiến thức toàn diện, Nhà trường khuyến khích phong trào tự học tập, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, năng lực sư phạm; có chính sách phù hợp để khuyến khích đội ngũ giáo viên tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt, tạo cơ sở để nâng cao chất lượng giảng dạy. Đồng thời, yêu cầu đội ngũ giáo viên chủ động xây dựng phương pháp, tác phong nghiên cứu khoa học, gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, Nhà trường chú trọng vào việc bồi dưỡng nghiệp vụ công tác quản lý giáo dục, chỉ huy bộ đội; năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị và công tác hậu cần - kỹ thuật.

Luyện tập chiến thuật

Trong quá trình giáo dục - đào tạo, Nhà trường chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính gắn với rèn luyện tác phong chính quy, rèn luyện thể lực, đáp ứng yêu cầu thực tế huấn luyện tại đơn vị. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thường hay bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ dồi dào thêm”1, Nhà trường luôn bám sát nhu cầu thực tế của các đơn vị trong Quân đoàn để đào tạo. Trong những năm học vừa qua, giải pháp này luôn được thực hiện khá hiệu quả; nội dung chương trình đào tạo các đối tượng được xây dựng khoa học, lô-gic, bảo đảm cân đối tỷ lệ giữa khối kiến thức chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, giữa huấn luyện nội dung lý luận nguyên tắc và nội dung huấn luyện thực hành phù hợp với địa hình tác chiến và điều kiện thời tiết, khí hậu của địa bàn đóng quân. Theo từng đối tượng, thời gian thực hành ngày càng chiếm tỷ lệ lớn, từ 70% trở lên, nội dung thực hành theo trình tự từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ cơ bản đến tổng hợp và luôn gắn chặt chẽ với thực tiễn xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các đơn vị trong Quân đoàn. Trong huấn luyện thực hành, Ban Giám hiệu Nhà trường yêu cầu đội ngũ giáo viên chú trọng rèn luyện, uốn nắn động tác, tác phong chỉ huy thông qua phương pháp sửa tập, bình tập, huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại, diễn tập tổng hợp sát với tình huống chiến đấu. Đối tượng đào tạo tiểu đội trưởng bộ binh được huấn luyện và kiểm tra các loại súng có trong biên chế của tiểu đội; về chiến thuật, kiểm tra nội dung tiểu đội bộ binh bắn chiến đấu. Các khóa học còn tổ chức cho học viên luân phiên thực tập cương vị chỉ huy để rèn luyện phương pháp, bản lĩnh, tác phong chỉ huy. Các hoạt động ngoại khóa cũng được tăng cường, như: luyện tập thể lực, gói buộc trang bị khi bơi vượt sông và luyện tập hành quân đường dài, mang vác nặng để rèn luyện sức khỏe, tăng sức bền cho học viên, v.v.

Cùng với đó, Nhà trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị làm tốt công tác khảo sát kết quả học viên ra trường, kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Những năm học gần đây, Nhà trường có 100% học viên tốt nghiệp ra trường, trong đó có hơn 85% khá, giỏi; học viên về công tác tại các đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua khảo sát hằng năm, có trên 90% học viên hoàn thành tốt và khá nhiệm vụ (hơn 60% hoàn thành tốt), có hơn 30% được kết nạp vào Đảng. Trong hai năm trở lại đây, đội ngũ tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng không có trường hợp vi phạm kỷ luật phải xử lý. Đặc biệt, số cán bộ tiểu đội, khẩu đội trưởng là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương có 30% là lực lượng nòng cốt trong xây dựng lực lượng vũ trang ở địa phương, là cán bộ gương mẫu, có nhiều đóng góp trong xây dựng thôn, làng. Từ việc khảo sát nắm chắc chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của học viên sau khi ra trường, Nhà trường kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung chương trình, đổi mới phương pháp đào tạo, đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ mà Quân đoàn giao.

Phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, để đáp ứng mục tiêu yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên Trường Quân sự Quân đoàn 3 tiếp tục phấn đấu, vận dụng linh hoạt hơn nữa giải pháp gắn lý luận với thực tiễn, gắn giảng đường với thao trường, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong thời kỳ mới.

Đại tá PHAN NGUYÊN HẢI, Hiệu trưởng Nhà trường

_____________         

1 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 417.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.