Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 14/01/2019, 08:18 (GMT+7)
Trường Quân sự Quân đoàn 1 gắn giáo dục - đào tạo với thực tiễn huấn luyện, chiến đấu

Trường Quân sự Quân đoàn 1 có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy (tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng), nhân viên chuyên môn kỹ thuật (quân y, báo vụ,…) cho các đơn vị trong Quân đoàn. Đây là đội ngũ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, huấn luyện chiến sĩ và làm công tác chuyên môn nên đòi hỏi cao về năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn. Xuất phát từ đặc thù đối tượng đào tạo, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đoàn trong tình hình mới và thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục - đào tạo của Đảng, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đổi mới toàn diện công tác giáo dục - đào tạo, xây dựng Nhà trường “chính quy, mẫu mực”. Trong đó, gắn giáo dục - đào tạo với thực tiễn huấn luyện, chiến đấu ở đơn vị là khâu đột phá, phương châm chỉ đạo xuyên suốt của Nhà trường.

Để thực hiện tốt vấn đề này, Nhà trường đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về giáo dục - đào tạo, trực tiếp là Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương); Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Quốc phòng và Nghị quyết 449-NQ/ĐUQĐ của Đảng ủy Quân đoàn về “Lãnh đạo nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường ban hành nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, chương trình hành động nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, với các biện pháp đồng bộ, phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao; trong đó, hướng mạnh vào thực hiện “Nhà trường gắn với đơn vị”, “huấn luyện, đào tạo gắn với thực tiễn chiến đấu, với nhiệm vụ của Quân đoàn chủ lực cơ động”. Trước thực tế loại hình, đối tượng đào tạo đa dạng, yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao, thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị luôn có sự đổi mới, phát triển; nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất của Nhà trường có mặt còn hạn chế; tư tưởng một bộ phận chiến sĩ không mặn mà với việc đi đào tạo hạ sĩ quan, một số cán bộ, giáo viên muốn về đơn vị để có cơ hội phát triển,... Nhà trường thực hiện đồng bộ các biện pháp về tư tưởng, tổ chức, chính sách; đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý thức, động cơ, trách nhiệm, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động cho cán bộ, giáo viên, học viên. Cùng với đó, Nhà trường đẩy mạnh xây dựng 3 môi trường: văn hóa sư phạm lành mạnh; chính quy, kỷ luật nghiêm minh; cảnh quan xanh, sạch, đẹp, nhằm tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo.

Giờ huấn luyện thực hành của học viên khẩu đội trưởng

Để công tác giáo dục, đào tạo sát với thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Nhà trường tích cực rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, xác định đây là yếu tố cơ bản, trực tiếp quyết định. Theo đó, trên cơ sở nội dung, chương trình huấn luyện khung của Bộ Quốc phòng, kết quả khảo sát chất lượng học viên ở các đơn vị sau khi ra trường và nắm bắt những vấn đề mới về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị, trong phạm vi cho phép, hằng năm, Nhà trường tập trung nghiên cứu điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo, đảm bảo thiết thực, phù hợp với từng đối tượng học viên và yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đoàn chủ lực, cơ động. Quá trình thực hiện, Nhà trường chỉ đạo kiên quyết cắt bỏ những nội dung trùng lặp, khắc phục sự dàn trải, mất cân đối giữa các khối kiến thức, kịp thời cập nhật những vấn đề mới; thực hiện kết hợp trang bị kiến thức cơ bản với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm quản lý, chỉ huy, huấn luyện bộ đội; coi trọng huấn luyện kỹ năng thực hành cho học viên. Đến nay, nội dung, chương trình đào tạo của Nhà trường được xây dựng cơ bản khoa học, lô-gic, bảo đảm cân đối tỷ lệ giữa khối kiến thức chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật; phù hợp với đối tượng, địa bàn tác chiến, chức năng nhiệm vụ, tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị của Quân đoàn. Đáng chú ý là, Nhà trường đã xây dựng ngân hàng tình huống, với hơn 200 tình huống thực hiện các nhiệm vụ A, A2 và được triển khai huấn luyện theo đúng chỉ đạo của Quân đoàn. Thời gian huấn luyện thực hành của các đối tượng được tăng lên 60% - 65%; 100% tiểu đội trưởng bộ binh được huấn luyện, kiểm tra bắn đạn thật các loại súng có trong biên chế của tiểu đội. Trong diễn tập vòng tổng hợp cuối khóa, 100% học viên các lớp đào tạo khẩu đội trưởng hỏa lực được bắn đạn thật. Đối tượng đào tạo nhân viên y tá, dược tá được thực tập tại các bệnh viện trong khu vực, v.v. Cùng với thực hiện tốt nội dung huấn luyện thường xuyên, Nhà trường chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng diễn tập vòng tổng hợp cuối khóa. Trong đó, kết hợp huấn luyện các tình huống trong chiến tranh hiện đại với rèn luyện thể lực, sức bền thông qua các đợt hành quân xa, mang vác nặng; đồng thời, coi trọng rèn luyện năng lực chỉ huy chiến đấu độc lập, nâng cao trình độ làm chủ vũ khí, trang bị, tạo điều kiện cho học viên tiếp cận với thực tiễn chiến đấu để củng cố kiến thức, tác phong, phương pháp chỉ huy, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ.

Đi liền với đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, Nhà trường chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, điều lệnh, sức khỏe bộ đội, đáp ứng yêu cầu cao trong thực tiễn huấn luyện, chiến đấu ở đơn vị. Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp dạy, học theo hướng “lấy người học làm trung tâm, lấy yêu cầu nhiệm vụ của Quân đoàn là mục tiêu”. Các khoa giáo viên đã kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản với huấn luyện chuyên sâu theo chuyên ngành đào tạo; giữa huấn luyện lý thuyết với rèn kỹ năng thực hành; giữa lý luận với thực tiễn của Quân đoàn; gắn giảng dạy những vấn đề cơ bản với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu và thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị. Nhà trường đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học về phương pháp dạy - học; chỉ đạo các khoa giáo viên tăng cường tổ chức sinh hoạt học thuật, duy trì có chất lượng “Ngày phương pháp” ở các khoa, bộ môn, nền nếp giảng tập, giảng thử, giảng rút kinh nghiệm. Mặt khác, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, tập huấn để đội ngũ giáo viên, cán bộ các cấp cập nhật nội dung mới, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại được biên chế cho đơn vị, như: ống nhòm nhìn đêm, máy định vị GPRS, v.v. Những năm qua, việc đổi mới phương pháp huấn luyện của Nhà trường đã có bước chuyển quan trọng, thông qua phương pháp huấn luyện theo tình huống, giúp học viên rèn luyện khả năng tư duy và năng lực hoạt động thực tiễn ở đơn vị.

Huấn luyện bắn súng cho đối tượng công nhân viên quốc phòng chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý có vai trò quyết định kết quả công tác giáo dục - đào tạo nói chung, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nói riêng. Bởi vậy, Nhà trường luôn quan tâm chăm lo, xây dựng đội ngũ này có cơ cấu hợp lý, chất lượng toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Thời gian qua, Nhà trường đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Quân đoàn đẩy mạnh thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, theo hướng chuẩn hóa, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành, có chất lượng toàn diện; coi trọng xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, giáo viên giỏi, giáo viên trẻ, v.v. Theo đó, cùng với tuyển chọn những đồng chí có trình độ, kiến thức cơ bản, phẩm chất đạo đức, khả năng sư phạm từ đơn vị về, Nhà trường đã thực hiện đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên; kết hợp bồi dưỡng tại chỗ với tạo nguồn, cử giáo viên, cán bộ đi đào tạo tại các học viện, nhà trường Quân đội nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Đặc biệt, để thực hiện tốt chủ trương “gắn nhà trường với đơn vị”, “nhà trường phải đi trước đơn vị”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đề nghị Quân đoàn tăng cường cử giáo viên đi luân chuyển, thực tế ở đơn vị, giúp họ hoàn thiện chức danh, tích lũy kinh nghiệm, thực sự là những tấm gương mô phạm, nhuần nhuyễn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn và nắm bắt kịp thời những vấn đề mới trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị để cập nhật vào nội dung giảng dạy. Bên cạnh đó, Nhà trường chú trọng duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng Hội thi giáo viên dạy giỏi, xác định đây là một hướng quan trọng để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Từ năm 2013 đến nay, Nhà trường đã có 60 lượt giáo viên đạt tiêu chuẩn Giáo viên giỏi cấp Trường. Năm 2015, tại Hội thi giáo viên giỏi các trường quân sự quân khu, quân đoàn lần thứ 5, Nhà trường đạt giải Nhì toàn đoàn, có 07 đồng chí đạt Giáo viên giỏi cấp Bộ. Đến nay, gần 100% đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường đạt trình độ đại học và sau đại học, luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Nhà trường coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác bảo đảm, góp phần đưa huấn luyện sát thực tế. Trước nhu cầu đòi hỏi cao, trong khi nguồn kinh phí còn hạn hẹp, vũ khí, trang bị huấn luyện xuống cấp, thiếu đồng bộ; hệ thống giảng đường, phòng học chưa được đầu tư xây dựng cơ bản,... Nhà trường chú trọng quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn kinh phí trên cấp cho huấn luyện. Đồng thời, tích cực phát huy nội lực, huy động các nguồn lực để bảo đảm tốt nhất cho huấn luyện; ưu tiên xây dựng thao trường huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, trường bắn, v.v. Cùng với đó, Nhà trường đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ huấn luyện; tham mưu, đề xuất cấp trên có kế hoạch trang bị vũ khí, khí tài mới được đưa vào biên chế của Quân đoàn để kịp thời phục vụ huấn luyện. Với nỗ lực và quyết tâm cao, đến nay, Nhà trường đã đầu tư xây dựng 02 phòng học chuyên dùng, áp dụng phần mềm mô phỏng ứng dụng công nghệ 2D, 3D, thư viện kỹ thuật số và xây dựng hoàn thiện hệ thống thao trường, bãi tập, trường bắn đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, đào tạo1.

Bằng các biện pháp tích cực, đồng bộ, chất lượng đào tạo của Nhà trường từng bước nâng cao. Đội ngũ sĩ quan dự bị, cán bộ tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng, nhân viên chuyên môn kỹ thuật tốt nghiệp ra trường được biên chế về các đơn vị đều nhanh chóng hòa nhập, hoàn thành tốt cương vị, chức trách được giao, góp phần tích cực vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các mặt công tác khác của Quân đoàn. Qua khảo sát chất lượng học viên được Nhà trường đào tạo trong 5 năm qua, 100% hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn đảm nhiệm được chức trách, nhiệm vụ, trong đó 78% hoàn thành ở mức khá, giỏi.

Không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác huấn luyện, đào tạo theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn đơn vị, nhiệm vụ của Quân đoàn, góp phần xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện, xứng đáng là đơn vị chủ lực, cơ động chiến lược.

Đại tá LÊ QUANG NGỌC, Chính ủy Nhà trường
____
___________

1 - Nhà trường đã có 01 trường bắn cho các loại súng bộ binh, hỏa lực đi cùng; 02 bãi huấn luyện thể lực cấp tiểu đoàn.

Ý kiến bạn đọc (0)