Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 18/09/2017, 07:50 (GMT+7)
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Những năm qua, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô” và đạt được những kết quả tích cực. Trước thềm năm học mới 2017 - 2018, phóng viên Tạp chí Quốc phòng toàn dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Nhà trường về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí Hiệu trưởng, trước hết xin chúc mừng Nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2016 - 2017. Đề nghị đồng chí cho biết một số nét chính trong công tác giáo dục và đào tạo của Nhà trường thời gian qua?

Đại tá Nguyễn Kim Hồng: Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vừa thực hiện chức năng của trường quân sự cấp quân khu, vừa thực hiện chức năng trường quân sự cấp tỉnh, thành phố. Vì vậy, đối tượng đào tạo rất đa dạng, bình quân mỗi năm Nhà trường đào tạo trên 30 đối tượng với nội dung, mục tiêu, thời gian khác nhau. Bên cạnh đó, Nhà trường còn đảm nhiệm bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2, đối tượng 3 của thành phố Hà Nội, nên lưu lượng học viên hằng năm lớn (trên 5.000 lượt người). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh thuận lợi, Nhà trường gặp không ít khó khăn, như: đội ngũ giáo viên còn thiếu, trình độ có mặt chưa đáp ứng so với yêu cầu; một số cán bộ, giáo viên còn băn khoăn về cơ chế, chính sách đãi ngộ; hệ thống cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập, nơi ăn ở, sinh hoạt mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, v.v. Trên cơ sở quán triệt chỉ thị, nghị quyết của trên, nhiệm vụ được giao, hằng năm, Nhà trường ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong đó, tập trung thực hiện tốt phương châm “Xây dựng Nhà trường chính quy, thân thiện; cán bộ, giáo viên mẫu mực; học viên, chiến sĩ, công nhân viên tích cực”. Để đạt hiệu quả cao, Nhà trường đã cụ thể hóa thành 15 tiêu chí “một tập trung, hai nhất, ba không, bốn có, năm nâng cao1 và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nhờ đó, những năm qua, Nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, phần lớn học viên sau khi tốt nghiệp đã vận dụng, phát huy tốt kiến thức được học vào thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Năm học 2016 - 2017, Nhà trường đã huấn luyện, đào tạo cho 32 đối tượng, 64 lớp, với gần 3.600 học viên. Kết quả kiểm tra, bắn đạn thật, phóng nổ có 100% đạt yêu cầu, trong đó có 91,6% đạt khá, giỏi, bảo đảm an toàn. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 160 cán bộ thuộc đối tượng 2, đạt kết quả tốt. Kết thúc năm học, có 2.961 học viên tốt nghiệp, trong đó có 81,2% đạt loại khá, giỏi.

Phóng viên: Kết quả giáo dục và đào tạo của Nhà trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên có vai trò quan trọng. Với tính đặc thù cao, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên được Nhà trường thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Kim Hồng: Đúng vậy, đội ngũ cán bộ, giáo viên được ví như những “cỗ máy cái”, giữ vai trò quan trọng, quyết định chất lượng, kết quả giáo dục và đào tạo. Nhận rõ điều này, Nhà trường đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên theo hướng chuẩn hóa, có cơ cấu hợp lý, chất lượng toàn diện, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Trước thực tế số lượng giáo viên còn thiếu, chưa qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và thực tế tại địa phương chiếm tỷ lệ cao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Nhà trường chủ động báo cáo, đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô điều động những cán bộ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác từ các đơn vị, địa phương về làm giáo viên và ưu tiên chỉ tiêu đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong Quân đội. Đồng thời, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn, cũng như rèn luyện tư thế, tác phong, xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Cùng với đó, Nhà trường tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ, cử giáo viên đi thực tế tại các địa phương, tham gia các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã,… để bổ sung kiến thức cần thiết, phục vụ trực tiếp cho giảng dạy. Mặt khác, Nhà trường duy trì nền nếp hội thi giáo viên, cán bộ quản lý giỏi cấp cơ sở, cấp trường; lựa chọn, cử giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi do Bộ Quốc phòng tổ chức, coi đây là hướng quan trọng để nâng cao trình độ, phương pháp sư phạm cho giáo viên và năng lực quản lý, chỉ huy cho cán bộ. Nhà trường còn động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên tự học, tự rèn, đầu tư nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang bị kỹ thuật, tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu để nâng cao trình độ, thực sự là tấm gương mô phạm trước học viên. Với những cách làm đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên của Nhà trường đã được nâng lên. Đến nay, 62,6% cán bộ, giáo viên có trình độ đại học, 2,8% có trình độ sau đại học, có 05 giáo viên dạy giỏi cấp Bộ, 11 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 01 cán bộ huấn luyện điều lệnh giỏi toàn quân. Đây là nguồn nhân lực quan trọng để Nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Học viên học tập, nghiên cứu tại Thư viện điện tử. (Ảnh: quocphongthudo.vn)

Phóng viên: Được biết, những năm gần đây, Nhà trường đã tích cực đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy - học. Đề nghị đồng chí Hiệu trưởng cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Đại tá Nguyễn Kim Hồng: Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô”, Nhà trường xác định mục tiêu giáo dục và đào tạo là “Tích cực đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy - học, hoàn thành tốt kế hoạch trên giao,… phấn đấu 100% học viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô trong tình hình mới”. Theo đó, trên cơ sở nội dung, chương trình khung, Nhà trường nghiên cứu, thiết kế nội dung, chương trình cụ thể cho từng đối tượng, sát với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù xây dựng khu vực phòng thủ của các quận, huyện cũng như nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô. Với đối tượng đào tạo sĩ quan dự bị, nếu nguồn đầu vào là sinh viên tốt nghiệp đại học, do đã được trang bị kiến thức lý luận cơ bản, Nhà trường tập trung huấn luyện điều lệnh đội ngũ, kỹ thuật, chiến thuật, chuyên ngành quân sự, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ. Nếu nguồn đầu vào là hạ sĩ quan dự bị hạng 1, sẽ tập trung trang bị kiến thức khoa học xã hội và nhân văn, giảm thời gian huấn luyện lý thuyết các môn quân sự, tăng thời gian thực hành. Đối với đối tượng đào tạo cán bộ ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn ngành quân sự cơ sở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, Nhà trường đi sâu nội dung công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương ở cơ sở, nhất là công tác tham mưu quản lý nhà nước về quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ; quy trình các bước diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, v.v.

Cùng với đổi mới nội dung, chương trình, Nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng “lấy người học làm trung tâm, giáo viên gợi mở, định hướng phương pháp tiếp cận để người học nghiên cứu, khai thác nội dung, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và đào tạo với rèn luyện cho học viên. Do đối tượng đào tạo đa dạng, thời gian đào tạo ngắn, Nhà trường bám sát sự chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Tư lệnh và các cơ quan chức năng cấp trên, xây dựng kế hoạch huấn luyện cho các đối tượng cụ thể đến từng lớp, môn học, giờ học, không để chồng chéo nội dung, sai giờ, sót lớp, nhầm địa điểm học tập, bỏ sót chương trình. Nhà trường thực hiện từng bước chuyên môn hóa đội ngũ giáo viên, lựa chọn giáo viên có trình độ chuyên sâu theo đối tượng đào tạo. Các khoa giáo viên căn cứ vào khả năng, sở trường của giáo viên để phân công bài giảng, chuyên đề cho phù hợp. Trong quá trình lên lớp, giáo viên lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào những nội dung học viên cần để phân tích, làm rõ, kết hợp gợi mở, định hướng nghiên cứu thảo luận, sau đó thống nhất nội dung, liên hệ cập nhật những phát triển mới trong quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng, quân sự địa phương, sát thực tế lực lượng vũ trang Thủ đô. Để tạo cơ sở cho đổi mới phương pháp dạy học, Nhà trường chỉ đạo các khoa, bộ môn đẩy mạnh hoạt động phương pháp, chú trọng giảng mẫu, giảng rút kinh nghiệm; đồng thời, tăng cường huy động nguồn lực đầu tư mua sắm trang bị, phương tiện dạy học hiện đại, v.v. Nhà trường coi trọng đổi mới phương pháp học tập của học viên theo hướng phát huy tính chủ động, tự giác, sáng tạo của người học, duy trì nền nếp giờ tự học và thường xuyên tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm học tập.

Phóng viên: Phần lớn các đối tượng đào tạo đều do địa phương cử đi học, thời gian đào tạo ngắn nên học viên dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan, đơn giản trong rèn luyện. Vậy công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật được Nhà trường thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Kim Hồng: Đối tượng học viên đào tạo của Nhà trường rất đa dạng, chủ yếu do các quận, huyện, thị xã tuyển chọn, cử đi đào tạo nên có nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau, trình độ, nhận thức không đồng đều, trong khi đó, mục tiêu, yêu cầu đào tạo đòi hỏi cao, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang Thủ đô. Do vậy, cùng với việc giảng dạy, Nhà trường tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, gắn học với rèn, xây dựng nét đẹp văn hóa người chiến sĩ Thủ đô. Các đơn vị quản lý học viên tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thường xuyên gần gũi, nắm chắc hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của học viên để có biện pháp đề xuất giải quyết kịp thời. Nhà trường yêu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên phát huy vai trò nêu gương, thực hiện nói đi đôi với làm, thực sự là tấm gương cho học viên noi theo. Cùng với đó, Nhà trường còn phối hợp với ban chỉ huy quân sự các quận, huyện, đơn vị giao nguồn đào tạo trong công tác quản lý, thường xuyên thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học viên, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, động viên, khuyến khích các tấm gương học tốt, rèn nghiêm, nhân rộng điển hình tiên tiến; đồng thời, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Chính vì vậy, việc chấp hành kỷ luật của cán bộ, giáo viên, học viên đã có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường giảm dưới 0,2%, không có vi phạm nghiêm trọng, góp phần xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Hiệu trưởng!

Lê Minh Đạt (thực hiện)
______________

1 - Một tập trung: Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện; Hai nhất: 1. Dạy học tốt nhất; 2. Học tập tốt nhất; Ba không: 1. Không vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước; 2. Không vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhà giáo; 3. Không vi phạm quy chế giáo dục và đào tạo; Bốn có: 1. Có nền nếp chính quy, chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ của Quân đội, quy định của Nhà trường; 2. Có môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, doanh trại chính quy xanh, sạch, đẹp; 3. Có tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân sâu đậm và nhân văn, nghĩa tình; 4. Có ý thức sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; Năm nâng cao: 1. Nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, ý thức chấp hành kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước, rèn luyện bản lĩnh chính trị người quân nhân cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua khen thưởng gắn với thực hiện tốt các cuộc vận động, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn trường; 3. Nâng cao chất lượng hiệu quả các tổ chức Đoàn, Hội phụ nữ, Hội đồng quân nhân, đề cao dân chủ, phát huy sức mạnh tổng hợp, xung kích, đột phá vào các khâu yếu, nhiệm vụ trọng yếu của đơn vị; 4. Nâng cao chất lượng các loại trang thiết bị, vũ khí, phương tiện, thao trường, giảng đường, bãi tập cho hoạt động giáo dục và đào tạo, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; 5. Nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học ứng dụng vào dạy và học, bảo đảm an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông.

Ý kiến bạn đọc (0)