Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 13/09/2021, 08:58 (GMT+7)
Trường Đại học Văn hóa, nghệ thuật Quân đội lãnh đạo khâu đột phá nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, diễn viên, nhân viên hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật phục vụ Quân đội và nhân dân, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp trong lãnh đạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nổi bật là: đào tạo cán bộ có trình độ thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cho các nhà hát, đoàn văn công, nhà văn hóa, cơ quan nghiên cứu và các đơn vị sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật của Quân đội. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đào tạo cán bộ, nhân viên văn hóa, nghệ thuật và cán bộ chuyên trách các đoàn nghệ thuật cho nước bạn Lào, Campuchia. Tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân; đào tạo cán bộ, diễn viên văn hóa, nghệ thuật cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và nguồn lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghiên cứu khoa học các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật phục vụ cho công tác đào tạo và ứng dụng trong thực tiễn. Học viên của Trường tốt nghiệp về đơn vị đều đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật trong Quân đội và đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội, thể hiện tính “chân, thiện, mỹ” cao, tạo sức mạnh nội sinh, động lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, Nhà trường thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện tinh giản về tổ chức, biên chế, dừng đào tạo dân sự; sự tác động từ mặt trái nền kinh tế thị trường, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, v.v. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đột phá nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, với những nội dung, giải pháp trọng tâm, là:

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường trong tình hình mới. Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý là lực lượng giữ vai trò then chốt, quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Thực hiện Đề án chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2020 - 2030 và quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, về: “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”1, Đảng ủy Nhà trường ra Nghị quyết số 248-NQ/ĐU, ngày 27/01/2021, lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó đề ra mục tiêu: đến năm 2025 đội ngũ cán bộ, giảng viên 100% có trình độ đại học trở lên, trong đó có trên 75% sau đại học, 90% cán bộ, giảng viên ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý giáo dục đào tạo; đến năm 2030, đội ngũ cán bộ, giảng viên có 80% trở lên đạt trình độ sau đại học, 25% là tiến sĩ và 25% - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Thực hiện mục tiêu trên, Nhà trường đẩy mạnh công tác quy hoạch và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục theo các tiêu chí: chuẩn hóa về trình độ học vấn, phương pháp sư phạm, có phẩm chất, đạo đức tốt, mỗi giảng viên là tấm gương sáng cho học viên noi theo. Chủ động tạo nguồn tại chỗ bằng cách tích cực phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên cả về phẩm chất, năng lực công tác và trình độ chuyên môn; ưu tiên giảng viên văn hóa, văn nghệ đầu ngành. Chỉ đạo các khoa phát huy nội lực, tích cực xây dựng nhóm giảng viên đa năng, bảo đảm mỗi người có khả năng đảm nhiệm nhiều nội dung giảng dạy; tăng cường kết hợp công tác giảng dạy với nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở rà soát, đánh giá đội ngũ hiện có, Nhà trường thực hiện tốt việc lựa chọn, cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo ở các trường trong nước và nước ngoài; đề nghị đưa cán bộ đi thực tế và đi nghiên cứu, khảo sát thực tế ở các đơn vị cơ sở. Đồng thời, mời chuyên gia đầu ngành văn hóa, văn nghệ trong nước và các nước tiên tiến tập huấn chuyên môn các chuyên ngành văn hóa, văn nghệ, v.v. Những giải pháp trên giúp Nhà trường xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, giảng viên đầu ngành có phẩm chất, năng lực chuyên môn giỏi, có uy tín, tư duy đổi mới, kiến tạo, từng bước tiếp cận phương thức tổ chức, quản lý, điều hành giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường cả trước mắt và lâu dài.

Coi trọng công tác giáo dục, xây dựng động cơ, ý thức trách nhiệm cho học viên; đẩy mạnh công tác thực tập, thực hành biểu diễn. Nhà trường quán triệt cho từng đối tượng đào tạo thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”2. Từ đó, mỗi học viên chủ động, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa, nghệ thuật, giữ vững định hướng chính trị trong nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn nghệ thuật; tích cực tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, đề cao trách nhiệm trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong quá trình đào tạo, Nhà trường coi trọng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng; kết hợp chặt chẽ việc trang bị kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, trình độ, tác phong biểu diễn nghệ thuật với rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức quân nhân. Với tinh thần “Tất cả vì học viên thân yêu”, cán bộ, giảng viên Nhà trường luôn tận tình chỉ bảo, giúp đỡ về mọi mặt, nhất là xây dựng động cơ, trách nhiệm đúng đắn cho học viên. Đồng thời, tích cực đổi mới công tác tổ chức thực tập, thực hành biểu diễn theo hướng gắn chặt giữa học với hành; giảng đường với sân khấu và thực tập, kiến tập ở các đơn vị. Xây dựng quy định thực hành, thực tập, tạo điều kiện rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phong cách biểu diễn của học viên, thông qua tổ chức các hoạt động trọng điểm về âm nhạc, biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Quân đội và bộ đội, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,... góp phần hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên, đơn vị quản lý học viên chú ý giáo dục cho học viên nhận thức rõ bản chất, âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyên hóa”; gương mẫu đi đầu trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Tích cực đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, đào tạo. Quán triệt quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật và giáo dục, đào tạo, Đảng ủy Nhà trường ra Nghị quyết chuyên đề “Lãnh đạo nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ” và “Lãnh đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật” đến năm 2020 và những năm tiếp theo với mục tiêu xuyên suốt là: “đào tạo cái Quân đội và xã hội cần, tất cả hướng về đơn vị cơ sở, bám sát với thực tiễn xã hội”. Thực hiện chủ trương này, Đảng ủy Nhà trường đã tập trung lãnh đạo đổi mới kết cấu, chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với từng đối tượng, theo hướng giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian thục luyện; giảm giảng dạy lý thuyết, tăng hướng dẫn thực hành; bổ sung thời gian đào tạo môn tin học, ngoại ngữ. Về phương pháp, Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên tích cực nghiên cứu, vận dụng phương pháp dạy học tích cực; từng bước áp dụng phương pháp tiên tiến, hiện đại, kết hợp với tăng cường giới thiệu kinh nghiệm công tác văn thư, lưu trữ, báo chí, nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn nghệ thuật vào quá trình giảng dạy. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm áp dụng vào đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, phúc tra, khảo thí để đánh giá thực chất kết quả giáo dục, đào tạo. Nhà trường yêu cầu giảng viên phải thực hiện triệt để phương châm “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu” và vận dụng sáng tạo các quan điểm, nguyên tắc đã xác định, kết hợp với quán triệt quan điểm lấy người học làm trung tâm. Tăng cường tổ chức cho học viên nghiên cứu thực tế, đa dạng hóa các hình thức thảo luận, khắc phục phương pháp dạy - học thụ động, một chiều để phát huy vai trò của người học và từng bước biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo ở một số nội dung, đối tượng học viên. Công tác nghiên cứu khoa học được Nhà trường đẩy mạnh; gắn kết quả này với đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và cá nhân; các đề tài, sáng kiến tốt đều được khai thác và áp dụng hiệu quả vào quá trình giáo dục, đào tạo. Cùng với đó, Nhà trường hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trong nước và ngoài nước, nhất là các nước có nền nghệ thuật phát triển để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Đặc biệt, trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, Nhà trường đã chủ động, linh hoạt kịp thời điều chỉnh nội dung, chương trình kế hoạch, công tác quản lý, điều hành huấn luyện và triển khai cơ sở vật chất, trang bị thiết bị đào tạo để chuyển dần các hình thức học tập truyền thống sang trực tuyến và hỗn hợp. Nhờ đó, Nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo năm học 2020 - 2021, kết quả học tập của học viên: 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 70% khá, trên 17% xuất sắc và giỏi; 100% học viên tốt nghiệp trong đó 34,63% xuất sắc và giỏi, 61,47% khá; tổ chức lễ tốt nghiệp và bàn giao 100% học viên quân sự (chuyên ngành Biên đạo múa và Cao đẳng Ánh sáng) cho Quân đội nhân dân Lào theo quy định.

Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất, phương tiện giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại. Được sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Đảng ủy Nhà trường ra Nghị quyết chuyên đề số 249-NQ/ĐU, ngày 27/01/2021 “Lãnh đạo xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất hướng tới mô hình Nhà trường thông minh”, tiếp cận công nghệ 4.0. Với các giải pháp đồng bộ, thiết thực, hệ thống doanh trại, phòng làm việc, giảng đường (phòng học lý thuyết, thực hành, chuyên dụng, thí nghiệm, nghe nhìn, thư viện,…) của Nhà trường được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đồng bộ với trang thiết bị dạy - học hiện đại, tạo điều kiện tốt cho cán bộ, giảng viên, học viên khai thác, sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Hiện nay, Nhà trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ theo lộ trình, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, an toàn, không để thất thoát, lãng phí, v.v.

Phát huy kết quả đạt được, Trường Đại học Văn hóa, nghệ thuật Quân đội thực hiện đồng bộ các giải pháp để luôn xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của Quân đội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội ngày càng phong phú, cao đẹp, lành mạnh, bồi đắp thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, con người mới trong lực lượng vũ trang.

Đại tá PHÙNG THANH TIẾN, Chính ủy Nhà trường
________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 146 - 147.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 246.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.