Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 07/06/2013, 23:07 (GMT+7)
Trường Đại học Chính trị đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học

Trường Đại học Chính trị là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị, nghiên cứu khoa học (NCKH) xã hội và nhân văn trong Quân đội. Mục tiêu của Nhà trường là đào tạo chính trị viên, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, công tác NCKH luôn được Nhà trường xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trung tâm, yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Nhờ vậy, hoạt động NCKH của Nhà trường trở thành phong trào sâu rộng, thu hút được đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên (CB,GV,HV) tham gia và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu có chất lượng tốt, được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, phát triển lý luận và giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị.

Thiếu tướng Phạm Quốc Trung phát biểu tại Hội thảo khoa học: "Thư gửi Hội nghị Chính trị viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lịch sử và hiện thực" (tháng 5-2013)

Để có được kết quả đó, Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; trước hết, Trường tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ NCKH. Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN) (nhất là Chiến lược phát triển KH-CN trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng đến năm 2010, định hướng tới năm 2020), Đảng ủy Nhà trường đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH; cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp sát với tình hình thực tiễn của Nhà trường làm cơ sở để cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trước tình hình nhận thức của một số CB,GV,HV về nhiệm vụ NCKH chưa thật đầy đủ, còn biểu hiện ngại nghiên cứu, Trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ CB,GV,HV. Mặt khác, Nhà trường đã rà soát, ban hành các quy chế, quy định về hoạt động NCKH; trong đó, quy định rõ định mức NCKH đối với từng đối tượng CB,GV,HV; lấy kết quả NCKH là một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng của các tập thể, cá nhân và xem đây là một nội dung trong chương trình phấn đấu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo đó, đối với cán bộ, giảng viên có học vị tiến sĩ, mỗi năm phải có ít nhất 2 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí, báo trong và ngoài Quân đội. Cán bộ, giảng viên có trình độ thạc sĩ, mỗi năm có ít nhất một bài báo được công bố. Hằng năm, các đồng chí đăng ký xét giảng viên giỏi phải có ít nhất một bài báo được đăng trên tạp chí; cán bộ, giảng viên thuộc diện cán bộ quản lý phải có đề tài nghiên cứu khoa học.

Nhằm đảm bảo cho công tác NCKH phát triển nhanh, đúng hướng, Nhà trường chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa hình thức nghiên cứu, như: nghiên cứu đề tài khoa học, chuyên đề khoa học, viết bài đăng trên các tạp chí, tăng cường cho học viên viết tiểu luận, luận văn... Nội dung nghiên cứu được Trường định hướng tập trung vào các lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp phân đội, nâng cao chất lượng dạy, học, điều hành quản lý huấn luyện; hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học; tham gia đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng. Đồng thời, Trường chú trọng phát huy vai trò của Phòng KH-CN và Môi trường trong việc tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị học viên triển khai thực hiện hoạt động NCKH. Hằng năm, Nhà trường xây dựng kế hoạch NCKH tổng thể, các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị xây dựng kế hoạch NCKH của đơn vị mình, sát với định hướng nghiên cứu, thực tế hoạt động GD-ĐT, đặc điểm từng đối tượng, nhiệm vụ năm học, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện cho từng học kỳ, năm học... Nhờ vậy, Nhà trường đã động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, trí tuệ trong thực hiện nhiệm vụ NCKH; số lượng, chất lượng các sản phẩm, công trình khoa học của Nhà trường không ngừng tăng lên. Tính từ năm 2009 đến nay, Nhà trường đã triển khai nghiên cứu thành công 02 đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng, 18 đề tài khoa học cấp ngành, 27 đề tài cấp trường, 37 đề tài khoa học cấp phòng, khoa, ban, hệ, tiểu đoàn; tổ chức 08 cuộc hội thảo khoa học cấp trường và nghiên cứu 10 đề tài khoa học lịch sử, v.v..

Để nâng cao chất lượng NCKH, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn chú trọng xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học, coi đây là nhân tố then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả NCKH. Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn đào tạo, kiện toàn, sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học; coi trọng phát triển nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là cán bộ đầu ngành, có học vị, chức danh khoa học, cán bộ khoa học kế cận và cán bộ khoa học trẻ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cả trước mắt cũng như lâu dài. Trước thực trạng đội ngũ cán bộ NCKH có trình độ, kinh nghiệm, học vị phần lớn tuổi đã cao, Nhà trường thực hiện đa dạng hóa các hướng, nguồn, vận dụng linh hoạt các biện pháp tuyển chọn cán bộ, giảng viên; tăng cường quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, gắn đào tạo với sử dụng... Mặt khác, Nhà trường cũng có chính sách phù hợp để thu hút cán bộ có trình độ sau đại học ở các đơn vị, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài Quân đội có chuyên ngành phù hợp về công tác, để bổ sung nguồn cán bộ NCKH.

Đối với học viên có đề tài khoa học đạt giải sẽ được khen thưởng, cộng điểm vào môn thi học phần có liên quan và có nhiều ưu tiên khác... Vì thế, đã từng bước khắc phục tình trạng học viên chưa thực sự chủ động tìm đề tài nghiên cứu, thụ động chờ sự phân công hoặc lựa chọn trong số các đề tài do các khoa, các bộ môn xây dựng. Song song với các biện pháp đó, Nhà trường luôn kết hợp nhiều hình thức, biện pháp để thu hút học viên tham gia NCKH. Đây vừa là biện pháp thiết thực nhằm tăng cường tiềm lực khoa học của Nhà trường, vừa là một kênh hữu hiệu để phát hiện, bồi dưỡng và tuyển chọn bổ sung cho đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng tốt. Nhà trường còn thường xuyên tổ chức cho học viên tham gia các hội thảo khoa học, tọa đàm, sinh hoạt học thuật và thông tin khoa học... Thông qua các hoạt động này, học viên được bồi dưỡng, định hướng và hướng dẫn về phương pháp luận NCKH; kiến thức, phương pháp nghiên cứu, trình bày, thuyết trình một vấn đề khoa học; phương pháp viết một bài báo, một chuyên đề, đề tài khoa học; phương pháp làm khoá luận tốt nghiệp... Do đó, hầu hết học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội đã tích cực, chủ động tận dụng thời gian để NCKH; nhiều đề tài, chuyên đề khoa học của học viên có ý tưởng tốt, phù hợp với khả năng của học viên, hướng nghiên cứu gắn liền với thực tiễn nhiệm vụ học tập, rèn luyện tại Trường và thực tiễn đơn vị. Từ năm 2008 đến tháng 4 năm 2013, các đối tượng học viên của Nhà trường đã nghiên cứu gần 400 đề tài, hơn 380 chuyên đề khoa học; đã có 20 đề tài khoa học được tham gia dự thi Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ban Thanh niên Quân đội phối hợp tổ chức. Kết quả: 13/20 đề tài đạt giải; trong đó, có 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 07 giải Ba và 02 giải Khuyến khích.

Bên cạnh sự quan tâm phát triển tiềm lực con người, Nhà trường chú trọng đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang bị, thiết bị phục vụ NCKH, như: thư viện, thư viện điện tử, phòng đọc tài liệu, phòng Internet, mạng Misten... đáp ứng yêu cầu học tập, NCKH của CB,GV,HV.

Để hoạt động NCKH đi vào chiều sâu, có nền nếp, chất lượng, Nhà trường chú trọng đổi mới công tác quản lý chất lượng NCKH, đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm khoa học, đáp ứng nhiệm vụ GD-ĐT. Đây vừa là yêu cầu thường xuyên, vừa là mục tiêu, giải pháp quan trọng, nhằm tạo bước phát triển mạnh mẽ về công tác NCKH. Với quan điểm đổi mới công tác quản lý KH-CN và môi trường theo hướng tăng tính tự chủ, tính chuyên nghiệp của các tập thể, cá nhân tham gia vào hoạt động này; phù hợp với tính chất hoạt động của các cơ quan, đơn vị, khoa giáo viên, Nhà trường đã thay đổi phương thức quản lý NCKH từ quản lý chiều rộng sang quản lý chiều sâu, có trọng điểm, ưu tiên các đề tài, công trình đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Nhà trường đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, trực tiếp là Phòng KH-CN và Môi trường soạn thảo, ban hành các quy định, hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế hoạt động NCKH; chỉ đạo, định hướng các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, nhất là trong nghiên cứu đề tài, chuyên đề khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học. Bên cạnh đó, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị thường xuyên kiện toàn và phát huy vai trò của các Hội đồng (ban) Khoa học trong việc tư vấn, quản lý công tác NCKH, cũng như đôn đốc, kiểm tra, đánh giá nghiệm thu các đề tài nghiên cứu. Các Hội đồng (ban) Khoa học theo phạm vi được phân công định kỳ gặp gỡ, trao đổi với chủ đề tài, kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập trong tổ chức thực hiện để cùng tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình nghiên cứu; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của cấp trên đưa hoạt động NCKH đi vào nền nếp.

Cùng với đổi mới nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoa học, Nhà trường còn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu. Đây là khâu có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp quyết định hiệu quả công tác NCKH, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ GD-ĐT. Thực hiện phương châm: “kết hợp chặt chẽ nghiên cứu ứng dụng với nghiên cứu cơ bản, tập trung nghiên cứu ứng dụng, chú trọng đến nghiên cứu cơ bản, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng”, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị chủ động thẩm định, đánh giá kết quả, lựa chọn các công trình và sản phẩm nghiên cứu có chất lượng để ứng dụng vào lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình; giao cho Phòng KH-CN và Môi trường nghiên cứu đưa các công trình khoa học sau nghiệm thu đạt chất lượng tốt phát hành trên mạng thông tin nội bộ, xuất bản thành sách, tài liệu tham khảo... phục vụ nhiệm vụ GD-ĐT và NCKH. Cách làm đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng vào thực tiễn của các đề tài, công trình nghiên cứu, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng dạy, học của Nhà trường.

Hiện nay, Nhà trường đang đẩy mạnh quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp CNH,HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” bằng nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, phù hợp, góp phần xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Thiếu tướng, PGS, TS. PHẠM QUỐC TRUNG

Đại tá, TS. VŨ VĂN THƯỜNG

Ý kiến bạn đọc (0)