Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 15/03/2021, 14:03 (GMT+7)
Trung tâm Y học dự phòng Quân đội phía Nam với công tác phòng, chống dịch bệnh

Quán triệt phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng,…”1, Trung tâm Y học dự phòng Quân đội phía Nam triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh, góp phần quan trọng vào bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân trên địa bàn.

Trung tâm Y học dự phòng Quân đội phía Nam có nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch tễ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, lao động, bệnh nghề nghiệp,… cho các đơn vị Quân đội ở khu vực phía Nam. Đây là địa bàn khí hậu nhiệt đới, tiềm ẩn nhiều yếu tố, nguy cơ phức tạp về dịch tễ, nhất là trong bối cảnh mở cửa hội nhập, giao lưu quốc tế sâu rộng, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng, tạo các yếu tố bất lợi đối với sức khỏe và sự biến đổi tác nhân gây bệnh của các chủng loại vi rút, vi khuẩn mới có nguy cơ lây, lan dịch bệnh cao. Thực tế đó, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, công tác phòng, chống dịch bệnh ở các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn.

Những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có sự thay đổi cơ cấu dịch bệnh trong các đơn vị, những bệnh có tỷ lệ mắc thấp ở người trưởng thành do thành công của chương trình tiêm chủng mở rộng toàn dân như: bạch hầu, thủy đậu, quai bị,… thời gian gần đây lại bùng phát ở một số đơn vị, nhất là đơn vị huấn luyện chiến sỹ mới. Vì vậy, phải có biện pháp phòng, chống mới, chủ động, mà chủ yếu bằng vắc xin. Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên quân y có chứng chỉ tiêm ngừa, số lượng, chủng loại vắc xin và hệ thống dây chuyền, kho lạnh còn yếu và thiếu. Một số bệnh khác, như: sốt rét do thời gian qua đã kiểm soát tốt, nên đã nảy sinh tâm lý chủ quan, các vật tư phòng, chống, như: lam kính, giemsa, thuốc điều trị, thuốc dự phòng không được quan tâm đảm bảo. Vì vậy, khi có ca bệnh ở vùng tỷ lệ mắc thấp, như: miền biển, hải đảo thì việc phòng, chống còn nhiều lúng túng. Với các dịch bệnh lớn, nguy hiểm, như: dịch Covid - 19, công tác lấy mẫu xét nghiệm cho địa bàn rộng, số lượng lớn, đồng thời phải đảm bảo nghiêm ngặt việc chống lây nhiễm chéo,... thì việc đảm bảo đủ nhân lực, vật tư, labo xét nghiệm là rất khó khăn.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID - 19 cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng

Một vấn đề sức khỏe chưa được các đơn vị quan tâm đúng mức, đó là an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm; việc phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới về công tác này chưa được cập nhật đầy đủ. Công tác xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường lao động, khám bệnh nghề nghiệp ở một số đơn vị chưa bám sát các quy định của trên và chưa được thực hiện đầy đủ theo định kỳ. Một số cơ sở y tế của Quân đội, việc quan tâm đến tác động của các yếu tố độc hại và bệnh nghề nghiệp có thể mắc của nhân viên y tế hầu như ít được quan tâm. Hồ sơ vệ sinh môi trường lao động của các đơn vị còn thiếu hoặc chưa được cập nhật đầy đủ theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động; chưa tổ chức lực lượng chuyên trách. Như vậy, việc thay đổi nhận thức về công tác này cho người lao động, trước hết là cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy là việc làm hết sức cần thiết.

Mặc dù Nhà nước, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư nhân lực và trang thiết bị cho các cơ sở y tế dự phòng trong Quân đội nói chung, Trung tâm Y tế dự phòng phía Nam nói riêng, nhưng do yêu cầu ngày càng cao của công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội trước những nguy cơ của bệnh dịch, biến đổi khí hậu, môi trường, bệnh nghề nghiệp mới,… nên điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa tương xứng với yêu cầu đòi hỏi, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Quân y nói chung, y tế dự phòng nói riêng. Nguồn nhân lực hiện có của Trung tâm thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao. Hầu hết bác sĩ, nhân viên của Đơn vị đều từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, đúng chuyên ngành về y tế dự phòng. Tuyển dụng cán bộ của các đơn vị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cơ cấu cán bộ theo vị trí việc làm và khó tuyển dụng được cán bộ chất lượng cao, có trình độ chuyên sâu.

Một số kết quả quan trọng đạt được

Trong điều kiện đó, Trung tâm luôn nhận thức đúng chức năng, vị trí của mình, nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm quân y ngày càng cao. Thường xuyên làm tốt công tác nắm và chỉ đạo tuyến, tổ chức hàng trăm lượt tổ, đội công tác tuyến, hàng nghìn lượt cán bộ, y bác sĩ đến tại các đơn vị cơ sở để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quan trắc môi trường lao động và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp các đơn vị trong phạm vi được phân công. Để nâng cao năng lực chuyên môn, cập nhật thông tin, Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn và các hội nghị chuyên nghành, rút kinh nghiệm công tác y học dự phòng cho cán bộ, nhân viên quân y các đơn vị khu vực phía Nam. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, triển khai hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng và cơ sở. Các đề tài nghiên cứu bám sát hoạt động thực tiễn của bộ đội, như: vệ sinh ăn uống, an toàn thực phẩm, môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp, v.v. Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Viện Pasteur, Viện Sốt rét, Viện Vệ sinh y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn, giám sát dịch bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, v.v. Trung tâm hết sức chú trọng việc nâng cao năng lực các labo trong xét nghiệm, đảm bảo nhanh, chính xác, đáp ứng yêu cầu tuyển quân, chuẩn đoán, phát hiện sớm, phòng, chống dịch, v.v. Từng bước chuẩn hóa, phấn đấu ngày càng nhiều labo đạt chuẩn quốc gia, quốc tế. Năm 2020, Trung tâm đã xây dựng labo sinh học phân tử, triển khai, đưa vào hoạt động phòng xét nghiệm SARS-CoV-2. Đồng thời, thường xuyên kiện toàn tổ chức 2 đội y tế dự phòng cơ động, thực hành luyện tập, diễn tập; vận hành, sử dụng thuần thục, nhất là các trang thiết bị hiện đại, mới được biên chế, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tham gia tích cực với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, tầm soát dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, thời gian qua, cùng với chủ động nắm tình hình, thông báo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các biện pháp phòng, chống, quyết tâm không để dịch Covid-19 xâm nhập vào đơn vị, Trung tâm đã xét nghiệm cho hàng nghìn nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, thiết thực chung tay vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Những kinh nghiệm, giải pháp rút ra

Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ và xu hướng tình hình dịch bệnh hiện nay, nhất là dịch Covid-19, để thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

1. Làm tốt công tác giám sát, dự báo dịch bệnh theo phương châm: “Giám sát, phát hiện sớm, cách ly, điều trị đúng, kịp thời”. Tích cực hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng công tác phòng, chống dịch bệnh cho hệ thống quân y tuyến cơ sở. Ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá hệ thống quản lý số liệu thống kê, dự báo, báo cáo dịch, bệnh, bảo đảm thông suốt, kịp thời, chính xác.

2. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần quyết liệt và triệt để, thực hiện khoanh vùng, dập dịch ngay từ những ca bệnh đầu tiên. Đặc biệt, khi dịch bệnh xảy ra phải khẩn trương điều tra, truy vết, quản lý chuỗi lây nhiễm, khoanh vùng cách ly, cắt đứt chuỗi lây nhiễm; không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không hoang mang khi có tình huống khẩn cấp.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm. Chú trọng các đơn vị ở địa bàn có nguy cơ cao về dịch bệnh. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để mọi quân nhân có thể chủ động trong phòng, chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe; phòng, chống các bệnh liên quan đến lối sống; chuyển đổi hành vi nhằm xây dựng lối sống lành mạnh, phong trào rèn luyện sức khỏe trong đơn vị. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ hiểu biết về bệnh, triệu chứng, cơ chế gây bệnh, lây bệnh, nhất là các dịch bệnh có khả năng lây nhiễm cao, như: dịch bệnh SARS, Covid-19, v.v. Qua đó, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm các quy định y tế; làm tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

4. Phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm y tế dự phòng Quân đội các khu vực với quân y đơn vị, hệ thống y tế dự phòng các địa phương giám sát chặt chẽ dịch bệnh ở khu vực đóng quân của các đơn vị. Tiếp tục mở rộng các mô hình đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mới,... cho các cán bộ quân y, nhằm nâng cao hiểu biết, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.

5. Chú trọng triển khai các hoạt động giám sát môi trường lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp quốc phòng. Ưu tiên giám sát và đề xuất các biện pháp xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho sức khoẻ như chất thải bệnh viện, chất thải công nghiệp, hoá chất bảo vệ thực vật, nâng cao các biện pháp cải thiện điều kiện môi trường lao động, giảm thiểu các tác nhân gây hại, như: tiếng ồn, bụi, rung lắc, v.v.

6. Từng bước nâng cao năng lực cho ngành Y học dự phòng, cả về con người và trang thiết bị; làm tốt công tác động viên, khen thưởng; nghiên cứu có chế độ ưu đãi đặc thù cho cán bộ, nhân viên y tế dự phòng. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng, số lượng trang bị kỹ thuật hiện đại cho ngành.

Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, Trung tâm Y học dự phòng Quân đội phía Nam tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu đảm bảo sức khỏe cho bộ đội trong điều kiện mới; đóng góp tích cực vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân trên địa bàn.

Đại tá, Bác sĩ CKII. TRẦN MINH TƯỜNG, Phó Giám đốc Trung tâm
__________________

1 - Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

 

Ý kiến bạn đọc (0)