Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 23/08/2018, 15:10 (GMT+7)
Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ

Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không (Quân chủng Phòng không - Không quân) có nhiệm vụ đào tạo cán bộ, giáo viên huấn luyện dù, tìm kiếm cứu nạn của Quân chủng; cán bộ, nhân viên chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn đường không của Quân đội và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; huấn luyện nhảy dù thoát hiểm cho phi công, tổ bay của các đơn vị không quân, lực lượng đổ bộ đường không của các quân chủng, binh chủng và sẵn sàng tham gia thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác. Những năm qua, nhiệm vụ của Trung tâm có bước phát triển mới, yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao; đối tượng đào tạo, huấn luyện đa dạng, thuộc nhiều lực lượng khác nhau. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm biên chế không nhiều, nhưng thường xuyên phải cơ động làm nhiệm vụ trên cả 3 miền; trình độ chuyên môn có mặt chưa theo kịp sự phát triển. Trang, thiết bị phục vụ huấn luyện phần lớn thuộc thế hệ cũ, đã qua nhiều năm sử dụng, tính ổn định không cao. Bước đầu, Trung tâm đã được trang bị một số khí tài, thiết bị thế hệ mới, hiện đại, nhưng chưa đồng bộ. Đặc biệt, nhiệm vụ của Trung tâm có tính đặc thù cao, yêu cầu khắt khe, mức độ nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lớn. Ý thức rõ những khó khăn, thách thức đó, Đảng ủy, chỉ huy Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đại tá Nguyễn Ngọc Vy hướng dẫn học viên sử dụng trang thiết bị

Trước hết, Trung tâm tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tạo cơ sở, nền tảng nâng cao năng lực, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, Trung tâm đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, chính sách; kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở các cấp, v.v. Do tính chất, nhiệm vụ huấn luyện dù, tìm kiếm cứu nạn đường không rất phức tạp, nguy hiểm, cường độ cao,... nên tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý, sức khỏe của bộ đội. Vì vậy, Trung tâm đặc biệt chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm, yêu nghề (trên cơ sở nắm vững khoa học công nghệ, trình độ tay nghề) cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và xác định đây là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu, quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Để làm tốt công tác này, Trung tâm tăng cường quán triệt, phổ biến nhiệm vụ; duy trì nền nếp giáo dục chính trị; chú trọng giáo dục, tuyên truyền về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện, tìm kiếm cứu nạn đường không, truyền thống của Bộ đội Phòng không - Không quân anh hùng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động; đồng thời, xây dựng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên niềm tin vững chắc, lòng quả cảm trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với giáo dục, Trung tâm tăng cường công tác nắm, quản lý, động viên tư tưởng, nhất là trước những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp; duy trì, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, v.v. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, giáo viên, nhân viên; kịp thời chỉ đạo xử lý dứt điểm những vấn đề nổi cộm, giữ vững sự ổn định, đoàn kết, thống nhất trong đơn vị. Nhờ đó, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên Trung tâm đều có nhận thức tốt, yên tâm công tác, có ý thức tổ chức kỷ luật, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ; chỗ dựa tâm lý vững chắc cho học viên trong quá trình huấn luyện.

Chất lượng huấn luyện của các cơ sở đào tạo nói chung, trong Quân đội nói riêng luôn phụ thuộc rất lớn vào vai trò của người thầy. Với Trung tâm, điều đó càng có ý nghĩa quan trọng khi nhiệm vụ huấn luyện, tìm kiếm cứu nạn đường không tiến hành trong điều kiện môi trường, không gian, thời gian khắc nghiệt, phức tạp, đòi hỏi kỹ năng, tính chuyên nghiệp cao, không được phép để xảy ra sai sót. Bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Trung tâm đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có chất lượng cao. Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Trung tâm đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo nguồn cũng như duy trì chặt chẽ các khâu, các bước trong quy trình tuyển chọn, nâng cao chất lượng nguồn đầu vào; chủ động phát hiện, lựa chọn, đề nghị cấp trên ưu tiên điều động về Trung tâm các cán bộ đã từng là chủ nhiệm, trợ lý dù có kinh nghiệm ở các đơn vị không quân, học viên sĩ quan dù ở Trường Sĩ quan Không quân và học viên được đào tạo, huấn luyện tại Trung tâm tốt nghiệp loại giỏi, nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, có chất lượng cao, đồng bộ về chuyên ngành. Cùng với kiện toàn tổ chức biên chế, Trung tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này. Để đạt hiệu quả, Trung tâm thực hiện đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng; trong đó, chú trọng bồi dưỡng tại chỗ theo phương châm: cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới và phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ cán bộ, giáo viên, nhân viên trẻ, ít kinh nghiệm; lựa chọn, cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo, tập huấn ở trong nước và ngoài nước, làm nòng cốt để bồi dưỡng cho số giáo viên, nhân viên còn lại. Đồng thời, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ huấn luyện chuyên môn, rèn luyện thể lực, sức khỏe và thường xuyên kiểm tra, đánh giá, xếp loại chính xác năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định, nhất là việc phân cấp kỹ thuật nhảy dù. Tăng cường rèn luyện cho đội ngũ giáo viên, nhân viên tác phong làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, thuần thục các kỹ năng, động tác trong huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ, nhất là kỹ năng bơi, leo thang dây, gấp dù huấn luyện, kiểm tra dù trên bạt, thả dù trúng đích, v.v. Cùng với các biện pháp đó, Trung tâm thường xuyên phối hợp, liên kết huấn luyện cho các đơn vị không quân, Trung tâm huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường biển, Học viện Hải quân, các quân chủng, binh chủng, Cục Hàng không Việt Nam;… đề xuất với cấp trên mời chuyên gia nước ngoài lên lớp tập huấn, bồi dưỡng trong khuôn khổ các chương trình hợp tác quốc tế; tích cực tổ chức diễn tập1 cũng như cử cán bộ, giáo viên tham gia các cuộc diễn tập trong nước và quốc tế. Thông qua đó, giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên có cơ hội tiếp xúc, làm việc ở nhiều môi trường khác nhau để trải nghiệm, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, kịp thời tiếp cận, nắm bắt những vấn đề mới trong cứu hộ, cứu nạn đường không. Đến nay, Trung tâm đã cử hàng chục lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các cuộc diễn tập quốc tế, như: Diễn tập cầu hàng không AREX Thái Bình Dương tại Campuchia; Diễn tập cứu trợ nhân đạo ARDEX-13 của các nước ASEAN tại Việt Nam; Diễn tập “Tia sét” với các nước ASEAN tại Thái Lan; Diễn tập tìm kiếm cứu nạn tại In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Trung Quốc, Hoa Kỳ,… đạt kết quả tốt.

Huấn luyện thực hành nhảy dù

Đi liền với huấn luyện, bồi dưỡng về trình độ, kỹ năng chuyên môn, Trung tâm chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài Quân đội mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp sư phạm và trình độ ngoại ngữ cho 100% giáo viên, đáp ứng yêu cầu công tác huấn luyện; tập trung bồi dưỡng về công tác tổ chức, thực hành nhảy dù cho trên 1.600 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên. Với những biện pháp, cách làm đồng bộ đó, đến nay, 100% cán bộ, giáo viên của Trung tâm có trình độ, kỹ năng nhảy dù, kỹ thuật cứu hộ cứu nạn ở bậc cao, phương pháp sư phạm tốt, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu huấn luyện, đào tạo cả trước mắt và lâu dài.

Xuất phát từ đặc điểm của công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ, nhân viên dù, nhân viên tìm kiếm cứu nạn đường không và thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm phải phối hợp, sử dụng khí tài, phương tiện của nhiều cơ quan, đơn vị, như: Cục Cứu hộ - Cứu nạn, một số đơn vị Không quân và Trung tâm bay dịch vụ miền Bắc, v.v. Do đó, cùng với nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, Trung tâm coi trọng thực hiện tốt công tác phối hợp, hiệp đồng và các mặt bảo đảm phục vụ huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ. Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Trung tâm phối hợp với cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch huấn luyện và tìm kiếm cứu nạn theo tình huống thường xuyên và đột xuất. Trong đó, xác định rõ nội dung, chương trình huấn luyện cho từng đối tượng, nhất là nội dung huấn luyện thực hành để sớm xây dựng kế hoạch phối hợp, hiệp đồng với từng cơ quan, đơn vị liên quan, làm cơ sở triển khai thực hiện. Cùng với đó, Trung tâm luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí để đầu tư, mua sắm các trang thiết bị mới; xây dựng các tài liệu huấn luyện trực quan bằng phim, video clip và củng cố, làm mới nhiều mô hình huấn luyện sát thực tế, như: máy bay, núi nhân tạo,… phục vụ huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ, chú trọng bảo đảm hệ số kỹ thuật cho máy tập, máy mở dù, các trang bị, thiết bị mang theo; duy trì nền nếp Ngày Kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các trang bị, thiết bị huấn luyện và bảo hiểm; sửa chữa kịp thời các trang bị, khí tài, phương tiện phục vụ huấn luyện, tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, Trung tâm bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhất là chế độ nghỉ sau mỗi buổi tập trong môi trường khắc nghiệt. Nhờ đó, quân số khỏe đạt trên 98,6%, góp phần thực hiện đúng chương trình, kế hoạch và bảo đảm an toàn tuyệt đối trong huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, những năm qua, Trung tâm đã hoàn thành hàng chục khóa huấn luyện sĩ quan chỉ huy dù, nhân viên kỹ thuật dù tìm kiếm cứu nạn đường không cho toàn quân và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Kết quả các khóa huấn luyện, 100% đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá, giỏi luôn trên 80%. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên kỹ thuật dù tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm qua các lần kiểm tra, hội thi, hội thao đều đạt khá, giỏi. Qua các lần diễn tập tìm kiếm cứu nạn do Quân chủng Phòng không - Không quân, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổ chức, Trung tâm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều nội dung đạt xuất sắc, được Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Quân chủng đánh giá cao.

Có thể nói, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, nhưng là tiền đề quan trọng để Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không phát huy, tiếp tục phấn đấu nâng cao năng lực toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá NGUYỄN NGỌC VY, Chỉ huy trưởng Trung tâm
__________________

1 - Định kỳ 5 năm 2 lần, Trung tâm tổ chức các cuộc diễn tập tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.