Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:41 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Việt Nam nằm trong số các quốc gia còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại. Theo số liệu điều tra, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 15 triệu tấn bom, đạn; trong đó, số còn sót lại ước tính hàng trăm nghìn tấn, gồm nhiều chủng loại, làm ô nhiễm khoảng 6 triệu héc-ta đất, nước (chiếm khảng 20% diện tích đất đai toàn quốc), để lại hậu quả hết sức nặng nề về nhiều phương diện. Vì vậy, dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ, làm “sạch” toàn bộ diện tích đất bị ô nhiễm, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh một cách bền vững là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó cũng là chủ trương, quyết tâm của Đảng, Chính phủ.
Để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ, ngày 24-9-1996, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Trung tâm là tham mưu cho Binh chủng Công binh, Bộ Quốc phòng về lĩnh vực bom mìn, vật nổ; là cơ quan đầu ngành toàn quân nghiên cứu, ứng dụng công nghệ dò tìm bom mìn, vật nổ và trực tiếp triển khai rà phá bom mìn, xử lý bom đạn cấp 5, ứng dụng năng lượng nổ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và kinh tế. Từ năm 2010, Trung tâm còn được giao là Văn phòng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam (Chương trình 504); vận động tài trợ, triển khai dự án, liên kết, hợp tác nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực rà phá bom mìn, vật nổ, tham gia phòng chống khủng bố về bom mìn, thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, v.v. Đây là nhiệm vụ mang tính đặc thù của Trung tâm. Do khối lượng công việc lớn, liên quan nhiều đến các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong nước và quốc tế, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có kinh nghiệm trong công tác tham mưu, phối hợp, điều phối, đối ngoại quân sự về lĩnh vực dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ; trang thiết bị, công nghệ, cơ sở vật chất hiện đại theo các Tiêu chuẩn hành động khắc phục bom mìn quốc gia phù hợp với Bộ Tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế.
Ý thức rõ vinh dự, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã tích cực báo cáo Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định kiện toàn tổ chức, biên chế cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Binh chủng và Bộ Quốc phòng ban hành nhiều văn bản liên quan đến dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ, cùng hệ thống các quy trình, tiêu chuẩn, định mức, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật trong thực hiện các nhiệm vụ này. Tiêu biểu như: Quy trình và định mức dự toán dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ; Hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật và sử dụng định mức dự toán dò tìm bom mìn, vật nổ, v.v. Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu giúp Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án “Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở cho triển khai thực hiện trên toàn quốc. Thực hiện chức năng là Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 504 - đơn vị đầu ngành, trực tiếp tham mưu cho cấp trên trong công tác quản lý, điều phối về khắc phục bom mìn, Trung tâm đã bám sát nội dung của Chương trình, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 với nội dung, chương trình phù hợp, thiết thực góp phần giúp Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực điều phối hoạt động Chương trình có hiệu quả. Mặt khác, Trung tâm tích cực nghiên cứu, tham gia soạn thảo các nghị định, thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bộ tiêu chuẩn quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; chuẩn bị nội dung để tham mưu cho Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ, các bộ, ngành làm việc với các chính phủ, đối tác quốc tế trong giải quyết vấn đề bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam; tham gia thẩm định dự án của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các địa phương rà phá bom mìn. Đặc biệt, Trung tâm đã điều tra, khảo sát, hoàn thành việc lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc và lập Trung tâm Quản lý cơ sở dữ liệu điện tử về bom mìn, phục vụ hoạt động lâu dài, v.v.
Cùng với đó, Trung tâm tích cực tham mưu giúp Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về thực trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ, Chương trình 504, cũng như kết quả thực hiện các dự án, nhiệm vụ rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn, v.v. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, các tổ chức trong nước và đối tác quốc tế về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Bằng các hoạt động tích cực của mình, Trung tâm đã góp phần đáng kể vào việc huy động các nguồn lực, nhất là từ các chính phủ, tổ chức phi chính phủ cho thực hiện nhiệm vụ này, nâng tiến độ làm sạch bom mìn, vật nổ lên 50.000 ha/năm.
Là đơn vị đầu ngành toàn quân về lĩnh vực bom mìn, Trung tâm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ dò tìm bom mìn, vật nổ, ứng dụng năng lượng nổ phục vụ quốc phòng - an ninh - kinh tế và trực tiếp triển khai rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, xử lý bom đạn cấp 5. Rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh và xử lý bom đạn cấp 5 là các nhiệm vụ rất nguy hiểm, độc hại, nặng nhọc - nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”. Để hoàn thành nhiệm vụ, một mặt, Trung tâm tăng cường quán triệt, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, xây dựng ý chí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặt khác, Trung tâm tích cực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và chiến sĩ tham gia xử lý. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm chỉ đạo tổ chức khảo sát thực tế, xây dựng kế hoạch sử dụng lực lượng, phương án triển khai, phê duyệt, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, thường xuyên bám sát hiện trường, vừa trực tiếp làm, vừa đôn đốc, kiểm tra cụ thể, tỉ mỷ, kiên quyết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, trang bị.
Nhằm giảm nhẹ sức lao động, nâng cao độ an toàn, hạn chế độc hại trong rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh và xử lý bom đạn cấp 5, Trung tâm đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng nhanh công nghệ mới vào thực hiện nhiệm vụ. Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học; ban hành quy chế, cơ chế, chính sách thu hút đông đảo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành tham gia và đầu tư thích đáng nguồn kinh phí cho hoạt động này. Nội dung nghiên cứu, sáng chế tập trung vào những vấn đề cấp thiết từ thực tiễn đặt ra, phục vụ thiết thực nhiệm vụ. Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trung tâm trở thành phong trào sôi nổi, thu hút đông đảo mọi người tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã hoàn thành nhiều đề tài, dự án nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật và Binh chủng; xây dựng các Bộ tiêu chuẩn quốc gia và nhiều sáng kiến, cải tiến, ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn. Tiêu biểu là Dự án “Điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc”; các đề tài: “Nghiên cứu, xác định công nghệ xử lý và mô hình tổ chức trạm xử lý bom mìn, đạn dược, vật nổ”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập và phân tích dữ liệu bom mìn ở độ sâu lớn”, “Nghiên cứu giải pháp hạn chế sóng xung kích và mảnh văng phục vụ việc vô hiệu hóa bom khủng bố” và “Nghiên cứu, chế tạo lượng nổ lõm dùng phá rách vỏ bom”. Các sáng chế: Hệ thống vòi xì tháo thủy lôi AMD-2/500 (dùng cho xử lý cơ động); Máy khoan tháo thuốc phóng đạn 14,5mm, thiết bị tháo cốc ngòi đạn cối 160mm, mô hình bom khủng bố,... được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bộ đội và tiết kiệm ngân sách hàng chục tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã huy động lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật để thu thập, biên dịch, biên tập, soạn thảo, xuất bản tài liệu nghiên cứu về lĩnh vực bom mìn, vật nổ; quy trình, quy phạm rà phá bom mìn của nước ngoài,... cung cấp cho các đơn vị tham khảo; hướng dẫn lực lượng công binh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, tỉnh, thành phố về quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn, định mức và phương pháp tổ chức thi công rà phá bom mìn, v.v. Trung tâm chủ động tìm hiểu, mua sắm nhiều trang thiết bị, công nghệ mới và xây dựng kho quản lý dữ liệu về bom mìn, với nhiều thông tin hữu ích phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và khắc phục bom mìn sau chiến tranh. Bằng nhiều biện pháp thiết thực, sáng tạo, tổ chức chặt chẽ, khoa học, trong 10 năm qua, Trung tâm đã xử lý an toàn khoảng 11.000 tấn bom đạn cấp 5 và bom mìn, vật nổ thu hồi sau dò tìm; rà phá, làm sạch hàng nghìn héc ta đất bị ô nhiễm bom mìn, thu hàng chục nghìn quả bom mìn, vật nổ các loại, chủ yếu ở những vùng bị ô nhiễm nặng, khu vực liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế,... góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Những năm gần đây, tình hình an ninh, an toàn trong khu vực và thế giới diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, v.v. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Trung tâm được Binh chủng, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ chống khủng bố bằng bom mìn, vật nổ. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, chưa có tiền lệ. Nhận rõ những thuận lợi, khó khăn, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu quán triệt, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ lệnh, kế hoạch sẵn sàng chiến đấu của thủ trưởng, cơ quan cấp trên; xây dựng kế hoạch, rà soát, bổ sung phương án, củng cố lực lượng,... sát với thực tiễn. Trung tâm còn thực hiện “đi trước đón đầu”, chủ động nghiên cứu, đề xuất mua sắm, trang bị phương tiện chuyên dụng hiện đại; lựa chọn cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh vững vàng, sức khỏe tốt, trình độ chuyên môn tinh nhuệ, lập ra các đội chuyên trách; phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án; thường xuyên nắm chắc tình hình, duy trì chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Bằng các biện pháp đồng bộ, Trung tâm đã tham gia cùng các lực lượng khác bảo vệ, bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị lớn của đất nước, như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV; đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; 70 năm Quốc khánh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Hội nghị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), v.v.
Ghi nhận những thành tích đó, Trung tâm vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2015, Trung tâm được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xử lý bom đạn cấp 5 và bảo đảm phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X.
Hướng tới kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống, cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đang nỗ lực học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng Trung tâm “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh anh hùng trong thời kỳ mới.
Đại tá ĐẶNG VĂN AN, Chính ủy Trung tâm
Trung tâm công nghệ,xử lý bom mìn
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm