Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 22/05/2017, 07:47 (GMT+7)
Trung đoàn 64 tăng cường huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại

Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn Phòng không 361 - Quân chủng Phòng không - Không quân là đơn vị phòng không hỗn hợp, được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời Thủ đô Hà Nội, bảo vệ vùng trời, biển, đảo miền Bắc. Với vai trò đặc biệt quan trọng đó, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về trình độ kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thuần thục vũ khí, trang bị, khí tài, sẵn sàng chiến đấu cao trong mọi tình huống. Trong khi đó, việc quản lý, khai thác, sử dụng tổ hợp tên lửa tiên tiến rất phức tạp, khác biệt hoàn toàn so với các loại vũ khí, trang bị thế hệ cũ; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung đoàn không đồng đều, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trước khó khăn và thách thức đó, với quyết tâm, ý thức chính trị cao, Trung đoàn đã chủ động tăng cường huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại. Nhiều năm liền Trung đoàn được Sư đoàn và Quân chủng khen thưởng về thành tích huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao. Kết quả đó đã góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng phòng không và tiến trình hiện đại hóa Quân chủng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Huấn luyện tại đài điều khiển

Để thực hiện tốt nhiệm vụ mới này, trước hết, Trung đoàn chú trọng quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Đây là nội dung quan trọng, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ động cơ, trách nhiệm đúng đắn trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, nhất là trước yêu cầu cao của huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài mới. Trung đoàn thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ huấn luyện để mỗi cán bộ, chiến sĩ thấy rõ “huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của đơn vị”. Nội dung giáo dục tập trung chủ yếu vào làm rõ mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ huấn luyện đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị; quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên và các chỉ tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ huấn luyện khí tài mới của Trung đoàn. Để đạt hiệu quả, Trung đoàn vận dụng linh hoạt hình thức, phương pháp quán triệt, giáo dục; chỉ đạo các cơ quan, phân đội xây dựng chương trình, kế hoạch quán triệt, giáo dục cụ thể, sát với thực tế nhiệm vụ; kết hợp giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên nhận thức rõ niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm khi được cấp trên tin tưởng giao quản lý hệ thống vũ khí, khí tài hiện đại. Cùng với đó, Trung đoàn phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong lãnh đạo, vai trò của tổ chức chỉ huy trong tổ chức thực hiện, đột phá vào những nội dung khó, những tồn tại, hạn chế trong huấn luyện khí tài mới. Các đơn vị của Trung đoàn còn coi trọng phát huy dân chủ quân sự sâu rộng để cán bộ, chiến sĩ, nhân viên được tham gia bàn bạc, tìm biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, từng bước hoàn thiện tổ chức, phương pháp huấn luyện của cán bộ, giáo viên và phương pháp tập của các phân đội, kíp chiến đấu, v.v. Bằng cách làm đó, nhiệm vụ huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại của Trung đoàn luôn được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trong toàn Đơn vị nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ, có trách nhiệm cao, tích cực, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện.

Thực tế cho thấy, chuẩn bị huấn luyện là nội dung quan trọng, tác động trực tiếp đến kết quả huấn luyện. Nhận rõ điều đó và xuất phát từ đặc thù huấn luyện vũ khí, khí tài hiện đại, công tác chuẩn bị huấn luyện được Trung đoàn quan tâm đầu tư đúng mức, tiến hành toàn diện; trong đó, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ được xác định là khâu then chốt. Do khí tài thế hệ mới, các nhà trường chưa đưa vào đào tạo nên việc huấn luyện của Trung đoàn chủ yếu phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ được đào tạo, chuyển loại ở nước ngoài, theo phương châm cấp trên huấn luyện cho cấp dưới, người đi trước bồi dưỡng cho người đi sau. Để đáp ứng yêu cầu huấn luyện, Trung đoàn tích cực rà soát, lựa chọn, cử những cán bộ có năng lực và phương pháp huấn luyện tốt tham gia các đợt tập huấn tại Quân chủng và Sư đoàn để bổ sung cho các tổ giáo viên, làm cơ sở tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện ở đơn vị. Từ đặc điểm của vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, gồm nhiều thành phần (điều khiển vô tuyến, ra đa, bệ phóng và kỹ thuật hợp thành), Trung đoàn chú trọng bồi dưỡng, xây dựng các tổ giáo viên chuyên trách theo kíp đồng bộ làm nòng cốt trong huấn luyện. Song song với chuẩn bị về con người, Trung đoàn tích cực chuẩn bị đầy đủ các mặt bảo đảm huấn luyện khí tài mới, nhất là giáo trình, tài liệu, mô hình, học cụ, sơ đồ, tranh vẽ, v.v. Thời gian qua, Trung đoàn đã phối hợp với cơ quan cấp trên và các chuyên gia để biên dịch, biên soạn hàng nghìn trang tài liệu về khí tài mới; 97 sơ đồ, tranh vẽ, 36 mô hình, học cụ; làm mới 08 mô hình học cụ (05 mô hình điện, 03 mô hình cơ); 25 giáo án điện tử; 270 giáo án huấn luyện các loại; 05 bài tập cơ bản, 12 bài tập ứng dụng; đầu tư, nâng cấp 15 phòng học ở các cấp nhằm phục vụ tốt cho nhiệm vụ huấn luyện làm chủ khí tài mới.

Luyện tập triển khai khí tài chiến đấu

Trước yêu cầu đòi hỏi cao, để cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng làm chủ vũ khí, khí tài, trang bị hiện đại, Trung đoàn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, tích cực nghiên cứu đổi mới tổ chức, phương pháp huấn luyện, thực hiện huấn luyện toàn diện nhưng chuyên sâu, lấy huấn luyện kỹ thuật là cơ bản, chiến thuật là trọng tâm. Trung đoàn đẩy mạnh phân cấp huấn luyện phù hợp với khả năng của từng cấp; trong đó, tăng cường huấn luyện thực hành, lấy thực hành là chính theo cách “cầm tay chỉ việc”, “cấp trên dạy cấp dưới, chỉ huy huấn luyện cho đơn vị”. Quá trình huấn luyện, Trung đoàn đặc biệt coi trọng phát huy vai trò của các tổ giáo viên và đội ngũ cán bộ đã qua đào tạo, chuyển loại trong thực hiện các nội dung. Chú trọng kết hợp huấn luyện lý thuyết với thực hành trên khí tài và truyền thụ kinh nghiệm rút ra từ thực tế luyện tập trong quá trình chuyển loại ở nước ngoài. Trung đoàn xây dựng chỉ tiêu, định mức cụ thể cho từng đối tượng trong huấn luyện để phấn đấu thực hiện. Theo đó, đối với cán bộ mới ra trường, yêu cầu 03 tháng phải hiểu rõ nội dung lý thuyết cơ bản, 06 tháng phải nắm chắc động tác thực hành, 01 năm phải kết hợp nhuần nhuyễn lý thuyết với hành động theo vị trí đảm nhiệm và sau 02 năm phải đạt chuẩn, hướng tới thuần thục các thao tác thực hành. Đối với đội ngũ nhân viên chuyên môn, phải “giỏi vị trí đảm nhiệm, thuần thục cấp dưới, biết cấp trên”, có khả năng phối hợp, hiệp đồng nhuần nhuyễn giữa các thành phần trong tổ hợp, sẵn sàng thay thế tác nghiệp ở các vị trí.

Điểm nổi bật trong huấn luyện của Trung đoàn là kết hợp chặt chẽ huấn luyện tập trung theo nhóm chuyên môn với huấn luyện trên đài, trạm, trên khí tài, thông qua canh, trực sẵn sàng chiến đấu. Để đảm bảo huấn luyện sát thực tế chiến đấu trong điều kiện chưa có thao trường thực hành bắn, Trung đoàn xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với lực lượng không quân và đơn vị có liên quan để huấn luyện, luyện tập phát hiện, bám, bắt mục tiêu và xạ kích bằng tên lửa điện tử cũng như kết hợp tham gia các cuộc diễn tập hiệp đồng quân chủng, binh chủng, đưa bộ đội vào các tình huống thực tế. Song song với huấn luyện làm chủ kỹ thuật đối với khí tài mới, Trung đoàn chú trọng huấn luyện chiến thuật xạ kích và tích cực truyền thụ những kinh nghiệm chiến đấu, nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật tác chiến phòng không - không quân. Đồng thời, tập trung phát huy cao nhất hiệu quả của khí tài trong tác chiến để tiêu diệt mục tiêu theo phương châm: “đánh đúng thời cơ, đúng đối tượng, đúng thời điểm quyết định” để giành thắng lợi. Để đáp ứng yêu cầu huấn luyện, bằng trí tuệ và quyết tâm cao, cán bộ, nhân viên của Trung đoàn đã nghiên cứu và có nhiều sáng kiến, cải tiến, thiết kế, xây dựng thành công các mô hình huấn luyện, luyện tập đem lại hiệu quả thiết thực, giúp tiết kiệm nhiên liệu, thời gian mở máy, tăng tuổi thọ kỹ thuật cho khí tài và tăng hiệu quả huấn luyện, luyện tập thực hành. Tiêu biểu là: mô hình huấn luyện kíp chiến đấu đài ra đa 96L6E; mô hình huấn luyện kíp chiến đấu đài điều khiển 30H6E1; phần mềm huấn luyện kíp chiến đấu sở chỉ huy trên trạm đầu cuối (hệ thống VQ1M); mô hình mô phỏng kíp chiến đấu, v.v. Cùng với đó, để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, hiệp đồng giữa các thành phần trong tổ hợp, lực lượng đi cùng, v.v. Hằng tuần, Trung đoàn tổ chức hợp luyện giữa các bộ phận, nhằm nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng, tạo lưới lửa nhiều tầng, nhiều lớp, bảo vệ vững chắc mục tiêu đảm nhiệm.

Để góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị mới, Trung đoàn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Nga) cho cán bộ, nhân viên. Chương trình bồi dưỡng tập trung vào những nội dung trọng tâm, thiết thực, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, nghiên cứu, nắm bắt tính năng kỹ thuật, chiến thuật và quy tắc sử dụng khí tài. Khắc phục khó khăn về đội ngũ giáo viên tiếng Nga, Trung đoàn phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ đã được đào tạo, chuyển loại ở nước ngoài biên dịch, biên soạn tài liệu, từ điển chuyên ngành, chủ động chuẩn bị giáo án, bài giảng để dạy cho đơn vị. Mặt khác, Trung đoàn có chính sách động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên tự học để nâng cao trình độ ngoại ngữ. Nhờ đó, học ngoại ngữ đã trở thành phong trào sôi nổi, hoạt động tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn. Các “Tổ học tập”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Câu lạc bộ ngoại ngữ” được hình thành, hoạt động nền nếp, hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để cán bộ, nhân viên nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ khai thác, làm chủ khí tài, trang bị.

Bảo đảm kỹ thuật cho khí tài là khâu không thể thiếu đối với đơn vị phòng không, thậm chí có vai trò quan trọng quyết định sức mạnh và hiệu suất chiến đấu, sức cơ động của Trung đoàn trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, Trung đoàn kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện tác chiến với huấn luyện kỹ thuật nhằm làm chủ công tác bảo đảm kỹ thuật. Trung đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ các cấp không chỉ giỏi về chỉ huy tác chiến mà phải nắm chắc cấu tạo các bộ phận, các thông số, tham số kỹ thuật, sẵn sàng hiệu chỉnh, sửa chữa khí tài, v.v. Thời gian qua, Trung đoàn đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng tập huấn, huấn luyện kỹ thuật ở các cấp. Trong đó, chú trọng huấn luyện, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên viên kỹ thuật chuyên ngành, thợ kỹ thuật chuyên sâu, giỏi ở từng lĩnh vực. Đến nay, đội ngũ cán bộ, kỹ sư và các kỹ thuật viên của Trung đoàn đều thuần thục chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng vận hành, làm chủ tính năng kỹ thuật của khí tài, sẵn sàng sửa chữa, khắc phục được hỏng hóc vừa và nhỏ. Cùng với đó, Trung đoàn quan tâm huấn luyện, xây dựng đội ngũ lái xe “vững về tay lái, giỏi trong tác nghiệp” để nâng cao khả năng cơ động cho khí tài. Cùng với các đợt bồi dưỡng tay lái của trên, Trung đoàn tích cực tổ chức luyện tập cơ động, kết hợp huấn luyện trong các đợt luyện tập, hợp luyện, diễn tập thực binh để nâng cao trình độ cho đội ngũ lái xe, đáp ứng yêu cầu tác chiến.

Với cách làm trên, Trung đoàn 64 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, thực sự làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại, xứng đáng là lực lượng phòng không chiến lược, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc.

Thượng tá NGUYỄN QUỐC VĂN, Trung đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.