Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 11/03/2019, 07:41 (GMT+7)
Tổ chức xây dựng và hoạt động chốt dân quân thường trực bảo vệ biên giới Tây Nam Bộ

Địa bàn Tây Nam Bộ có 204km đường biên giới đất liền thuộc 03 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, giáp với nước bạn Cam-pu-chia, giữ vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng và an ninh trong thế trận phòng thủ của Quân khu 9. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn, xã hội nơi đây còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề về dân tộc, tôn giáo để mua chuộc, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ tôn giáo ở địa bàn biên giới; nạn xâm canh, xâm cư, buôn lậu, tội phạm, vượt biên trái phép,… diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, Thường vụ Đảng ủy Quân khu 9 xác định: “Tăng cường xây dựng và bảo vệ biên giới là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách và cơ bản lâu dài. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng xây dựng các xã biên giới vững mạnh toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, nhất là lực lượng dân quân tự vệ ở các xã, ấp biên giới vững mạnh, làm nền tảng cho việc xây dựng khu vực phòng thủ huyện, tỉnh vững chắc, đủ sức sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ thành quả lao động và cuộc sống của nhân dân”1. Để thực hiện chủ trương trên, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề, trong đó chỉ đạo các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới, nhằm bảo đảm cho nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, góp phần xây dựng thế trận quân sự làng, xã chiến đấu, củng cố khả năng phòng thủ, bảo vệ tuyến biên giới.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Quân khu trong xây dựng khu vực phòng thủ, các tỉnh biên giới đã xây dựng lực lượng sát với tình hình thực tế, nhất là xây dựng, củng cố tổ chức và tăng cường biên chế dân quân cơ động ở các trọng điểm biên giới về quốc phòng - an ninh; tập trung xây dựng các chốt dân quân thường trực ở các huyện, xã biên giới. Quân khu chỉ đạo các địa phương xây dựng chốt dân quân biên giới theo quy hoạch xây dựng thế trận quân sự và quyết tâm tác chiến phòng thủ của tỉnh, huyện biên giới gắn với điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự, khu vực bố trí trận địa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của các đơn vị bộ đội chủ lực, biên phòng, bộ đội địa phương trong thế trận chung về phòng thủ bảo vệ biên giới Tây Nam của Quân khu. Sau khi có chủ trương của Quân khu, cấp ủy, chính quyền các sở, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương 03 tỉnh , nhất là ở 08 huyện (thành phố, thị xã), 33 xã (phường, thị trấn) biên giới đã đồng lòng, tích cực tổ chức thực hiện. Cơ quan quân sự địa phương các tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và lập đề án, kế hoạch xây dựng chốt dân quân trên địa bàn các xã biên giới. Trong đó, tỉnh An Giang xây dựng mỗi huyện biên giới một trung đội, mỗi xã biên giới một trung đội (thiếu) dân quân thường trực (không nằm trong trung đội dân quân cơ động). Tỉnh Đồng Tháp, ngoài trung đội dân quân cơ động, ở mỗi xã (phường) biên giới có một tiểu đội dân quân thường trực. Đối với Kiên Giang, xây dựng 01 trung đội dân quân cơ động của huyện biên giới và tổ chức 01 đến 02 tiểu đội dân quân thường trực ở mỗi xã biên giới. Đến nay, các địa phương đã triển khai xây dựng hoàn chỉnh 31 chốt dân quân. Trong đó, Đồng Tháp xây dựng 03 chốt ở các xã biên giới, có một số chốt gắn với cụm điểm tựa của tiểu đoàn bộ đội địa phương. An Giang xây dựng 20 chốt dân quân trên các xã biên giới, trong đó một số chốt gắn với đồn, trạm biên phòng và chốt hỏa lực của đơn vị bộ đội địa phương. Kiên Giang đã xây dựng 08 chốt dân quân, chủ yếu trên tuyến biên giới của huyện Giang Thành và thị xã Hà Tiên. Chốt dân quân của các địa phương đã xây dựng bảo đảm được các thành phần cơ bản của chốt, nhất là nơi ăn ở, sinh hoạt và một số công sự trận địa, như: hầm chỉ huy, lô cốt, hầm ẩn nấp, hào cơ động, hào chiến đấu, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, chiến thuật trong hoạt động chiến đấu của dân quân.

Việc chỉ đạo, tổ chức chỉ huy dân quân thường trực biên giới và chốt dân quân hoạt động đã đi vào nền nếp và có chuyển biến cơ bản. Ban chỉ huy quân sự xã biên giới và các chốt dân quân xây dựng đầy đủ hệ thống kế hoạch, văn kiện sẵn sàng chiến đấu. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được cải thiện, chốt dân quân ở các xã là chỗ dựa cho nhân dân lao động sản xuất, giao lưu qua lại, tăng cường đoàn kết của nhân dân ở hai bên biên giới. Thông qua hoạt động, dân quân thường trực và chốt dân quân đã làm tốt việc phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương trong tuyên truyền, vận động nhân dân, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia. Dân quân các địa phương biên giới thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an và các lực lượng liên quan bảo vệ biên giới quốc gia, mốc giới; đấu tranh ngăn chặn các đối tượng có hành vi vi phạm, xâm phạm lãnh thổ biên giới, vượt biên, nhập cư, cư trú trái phép, khai thác trái phép tài nguyên và những hành vi xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia; chủ động đấu tranh phòng, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; chống buôn lậu, vận chuyển vũ khí trái phép, chất cháy nổ, ma túy, văn hóa phẩm độc hại; kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới theo quy định của pháp luật và các tội phạm khác xâm phạm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở biên giới. Ngoài ra, dân quân thường trực và chốt dân quân đã thực hiện tốt việc phối hợp với các lực lượng trong việc giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Tổ chức xây dựng và hoạt động chốt dân quân bảo vệ biên giới Tây Nam Bộ là vận dụng thực tiễn trong chiến tranh; đồng thời, xuất phát từ yêu cầu thực tế về công tác quân sự, quốc phòng trong xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới. Kết quả bước đầu trong xây dựng chốt dân quân thường trực là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, còn một số khó khăn, bất cập. Đó là, địa hình, dân cư, đơn vị hành chính, kinh tế - xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức xây dựng và hoạt động của chốt dân quân bảo vệ biên giới. Một số vấn đề xây dựng, tổ chức, biên chế chốt dân quân chưa có quy định đầy đủ trong các văn bản pháp luật. Biên chế tổ chức dân quân thường trực và chốt dân quân hoạt động bảo vệ biên giới không thống nhất. Điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí, ngân sách bảo đảm cho xây dựng chốt dân quân còn hạn hẹp, v.v.

Từ những việc làm và kết quả trong xây dựng, hoạt động của các chốt dân quân thường trực bảo vệ biên giới Tây Nam Bộ, có thể khẳng định rằng, đây là một phương án khả thi cho công tác tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng ở cơ sở trong điều kiện thời bình. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân, đặc biệt là các chốt dân quân tuyến biên giới Tây Nam Bộ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan quân sự các tỉnh biên giới trên địa bàn cần tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương đối với việc tổ chức xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới. Cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân, nhất là ở xã, ấp biên giới quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng tỉnh, huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc. Đồng thời, phải nhận thức đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta, đặc biệt là ở địa bàn biên giới; thấy rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tổ chức xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới. Từ đó, xác định trách nhiệm của các cấp, ban, ngành, đoàn thể địa phương, cơ sở và toàn dân trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và tổ chức hoạt động chốt dân quân bảo vệ biên giới. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp với các lực lượng trong khu vực phòng thủ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong tổ chức xây dựng và hoạt động chốt dân quân bảo vệ biên giới. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng chốt dân quân thường trực vững mạnh, coi trọng chất lượng chính trị; tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị phù hợp với khả năng của địa phương.

Ba là, kết hợp chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng chốt dân quân với cụm dân cư bảo vệ biên giới trong thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, có thế đánh, thế giữ, tạo thế trận liên hoàn vững chắc, phù hợp với địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn, tình hình hoạt động của khu vực biên giới. Xây dựng hệ thống công trình các chốt dân quân, như: Công sự trận địa, hệ thống hào chiến đấu, hào cơ động; nơi ăn, ở, sinh hoạt; đường nội bộ; khu tăng gia sản xuất phải đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chiến thuật, xử lý các tình huống trong thời bình và sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu trong thời chiến.

Bốn là, xây dựng kế hoạch huấn luyện, diễn tập cho hoạt động chốt dân quân bảo vệ biên giới sát với đặc điểm đối tượng, địa bàn tác chiến, nhất là về địa hình, thời tiết, điều kiện sinh sống của dân cư, gắn với các tình huống liên quan đến quốc phòng - an ninh. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư mua sắm vật chất, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, xây dựng thao trường, bãi tập để tổ chức huấn luyện; tạo điều kiện cho các chốt dân quân tham gia huấn luyện, diễn tập có quy mô lớn ở địa phương và các đơn vị chủ lực đứng chân trên tuyến biên giới. Đồng thời, bảo đảm chế độ, chính sách theo đúng quy định, phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Cơ quan quân sự các cấp có trách nhiệm dự toán và quyết toán ngân sách phục vụ công tác huấn luyện và hoạt động. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đãi ngộ, bảo đảm tốt chế độ, chính sách, tìm ra giải pháp hợp lý để “nuôi” dân quân thường trực tại các chốt một cách hiệu quả, phù hợp với khả năng của từng địa phương. Có như vậy, mới động viên, phát huy vai trò của chốt dân quân thường trực bảo vệ biên giới trong thời bình, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Thiếu tướng TRƯƠNG MINH KHẢI, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 9
__
____________

1 - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu 9 lần thứ IX (Nhiệm kỳ 2015 - 2020).

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.