Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 10/02/2020, 07:01 (GMT+7)
Tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp

Thừa Thiên - Huế là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh; vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và giàu truyền thống cách mạng. Nhận thức rõ vị trí, tiềm năng, lợi thế, những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Tỉnh chú trọng thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; trong đó, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp là nội dung được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Trước hết, Tỉnh tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tinh, gọn, có chất lượng cao, nhất là chất lượng chính trị. Quán triệt Chỉ thị 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới, Luật Dân quân tự vệ và các kế hoạch, hướng dẫn của Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu, giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, đề án tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ, nhằm cụ thể hóa các nội dung của Luật Dân quân tự vệ phù hợp với đặc điểm, điều kiện ngân sách của địa phương1. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự và cơ quan quân sự các địa phương tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng dân quân tự vệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như chủ trương, biện pháp của Tỉnh trong xây dựng lực lượng này. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở; huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp trong tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

Huấn luyện điều lệnh đội ngũ

Thực tế cho thấy, phần lớn công dân trong độ tuổi tham gia dân quân, tự vệ là lao động chính, làm việc trong các khu công nghiệp hoặc đi lao động xa. Vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp, ở đâu có dân, có tổ chức đảng là ở đó có dân quân tự vệ”, Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, trực tiếp là cơ quan quân sự các cấp làm tốt công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi; tuyển chọn, xét duyệt, tổ chức kết nạp vào lực lượng dân quân tự vệ bảo đảm dân chủ, công bằng, trang trọng ngay từ cơ sở. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh, các địa phương xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “rộng khắp”, có quy mô, thành phần, số lượng hợp lý, phù hợp với từng địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, biển. Với lực lượng dân quân biển, Tỉnh chỉ đạo các địa phương ven biển tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, rà soát và yêu cầu các chủ tàu, thuyền thường xuyên báo cáo khi có thay đổi về con người. Do đó, các trung đội dân quân biển được củng cố, kiện toàn, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ để kết hợp khai thác, đánh bắt hải sản và tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Thừa Thiên - Huế là địa phương đi đầu của Quân khu 4 trong việc thành lập chi bộ quân sự tại các xã, phường, thị trấn và phát triển đảng trong lực lượng dân quân tự vệ. Những năm qua, Tỉnh chỉ đạo các chi bộ quân sự duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt, giao chỉ tiêu mỗi chi bộ hằng năm kết nạp từ 01 đến 02 đảng viên, lấy đây là một tiêu chí để đánh giá cơ sở vững mạnh về quốc phòng. Với cách làm đó, lực lượng dân, quân tự vệ của Tỉnh được xây dựng bảo đảm tinh, gọn, chất lượng chính trị cao, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đến nay, toàn Tỉnh xây dựng được 487 cơ sở dân quân tự vệ, 01 tiểu đội dân quân thường trực, 100% xã, phường, thị trấn có chi bộ quân sự; tổng số dân quân tự vệ chiếm 1,6% dân số, trong đó tỷ lệ đảng viên chiếm 31,3%, đoàn viên chiếm 54,2%, quân nhân phục viên, xuất ngũ chiếm 12,6%. 

Để lực lượng dân quân tự vệ phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cơ sở, Tỉnh chú trọng thực hiện tốt công tác huấn luyện, giáo dục chính trị, pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động. Để làm được điều đó, Tỉnh chỉ đạo các địa phương bám sát đối tượng, thực tiễn địa bàn, tích cực đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp huấn luyện; chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên và thực hiện nghiêm phân cấp tập huấn, huấn luyện cho từng đối tượng. Theo đó, Tỉnh tổ chức tập huấn cho đối tượng là chỉ huy trưởng, chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cấp xã; cấp huyện tổ chức tập huấn cho chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự cấp xã, cán bộ ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, thôn đội trưởng, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng2. Nội dung tập huấn đi sâu vào phương pháp tổ chức huấn luyện, biện pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu; cập nhật những thông tin, kiến thức mới, như: Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức huấn luyện trước từ 01 đến 02 cụm xã để rút kinh nghiệm, sau đó tiến hành huấn luyện đại trà. Với đối tượng chiến sĩ dân quân năm thứ nhất, Tỉnh chỉ đạo huấn luyện tập trung tại các xã, phường, thị trấn; đối tượng còn lại tổ chức huấn luyện theo cụm từ 03 đến 05 xã. Để đảm bảo quân số huấn luyện, Tỉnh yêu cầu các xã đăng ký thời gian huấn luyện, chủ động củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế, thông báo sớm thời gian huấn luyện cho từng người để bố trí, sắp xếp công việc. Với lực lượng dân quân biển, do đặc thù khai thác, đánh bắt thủy hải sản theo mùa vụ, nên các địa phương chọn thời điểm huấn luyện cho phù hợp. Trong quá trình huấn luyện, Tỉnh chỉ đạo bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, chất lượng”, kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giúp đỡ địa phương, cơ sở tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Sau huấn luyện, tổ chức hội thao, hội thi, tạo khí thế thi đua giữa các tập thể, cá nhân. Đồng thời, tổ chức tốt diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, thực hành huy động lực lượng thực binh trong diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho dân quân thường trực, dân quân cơ động.

Hội thao khẩu đội súng máy 12,7mm trong huấn luyện năm 2019

Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, Tỉnh coi trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ. Tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng, bổ sung kế hoạch hoạt động của dân quân tự vệ theo Thông tư 108/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng; đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các lực lượng: Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm lâm,… trong bảo vệ tuyến biên giới biển, đất liền và thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, canh gác; tích cực tham gia phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy rừng và làm công tác vận động quần chúng, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn3.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã trong việc xây dựng, huấn luyện, tổ chức hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, Tỉnh quan tâm quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quân sự ở cơ sở. Những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực rà soát, xây dựng quy hoạch, tạo nguồn đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ quân sự cấp xã. Với nỗ lực của các cấp, đến nay, Tỉnh đã, đang đào tạo được gần 600 chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn có trình độ trung cấp cao đẳng, đại học chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở; đảm bảo 100% ban chỉ huy quân sự cấp xã bố trí đủ các chức danh theo quy định. Đội ngũ cán bộ này đã phát huy tốt vai trò, thực hiện có hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao, có 56 đồng chí phát triển lên các chức danh cao hơn. Để chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng ở cơ sở nhiệm kỳ mới, Tỉnh chỉ đạo các địa phương quy hoạch, xét duyệt, đào tạo 01 khóa chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn bảo đảm chất lượng tốt.

Để duy trì, nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Tỉnh chú trọng bảo đảm tốt cơ sở vật chất và chế độ, chính sách. Thực hiện chủ trương của Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã ban hành Chỉ thị 1250/CT-BCH, ngày 26-5-2015 về xây dựng chính quy trụ sở làm việc của ban chỉ huy quân sự, phòng trực sẵn sàng chiến đấu dân quân xã, phường, thị trấn. Cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng, củng cố trụ sở làm việc, phòng trực của dân quân bảo đảm chính quy; trang bị đầy đủ tủ súng, công cụ hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, 100% ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn có trụ sở làm việc hoặc nơi làm việc riêng; có 98/152 ban chỉ huy quân sự cấp xã có trụ sở làm việc riêng, nhà trực, nhà ăn; xây dựng điểm chính quy cho 09 ban chỉ huy quân sự cấp xã đạt kết quả tốt. Thực hiện Kế hoạch 105/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự đã tham mưu cho Tỉnh cân đối, bố trí ngân sách, phân cấp chi thực hiện cho các địa phương, bảo đảm tốt chế độ, chính sách cho lực lượng dân quân tự vệ. Đồng thời, chỉ đạo linh hoạt trong việc chi trả, quy đổi ngày công bằng sản phẩm hàng hóa và tích cực huy động các đoàn thể, nguồn xã hội hóa ủng hộ, hỗ trợ thêm vật chất, kinh phí cho dân quân tự vệ trong thời gian huấn luyện, canh trực, làm nhiệm vụ.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp, lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được xây dựng vững mạnh, rộng khắp, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, xây dựng quê hương giàu, mạnh.

Thượng tá NGÔ NAM CƯỜNG, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

_____________

1 - Chỉ thị 26-CT/TU của Tỉnh ủy về hướng dẫn thực hiện “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”, Kế hoạch 105/KH-UBND, ngày 13-6-2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về tổ chức, xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ trên địa bàn đến năm 2020, v.v.

2 - Năm 2019, Tỉnh mở được 21 lớp tập huấn cho trên 2.440 cán bộ làm công tác dân quân tự vệ.

3 - Từ năm 2010 đến nay, Tỉnh đã huy động trên 60.000 lượt dân quân tự vệ với khoảng 72.000 ngày công thực hiện các nhiệm vụ.

Ý kiến bạn đọc (0)