Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 10/08/2023, 09:52 (GMT+7)
Tỉnh Thái Bình thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng

Nằm ở ven bờ Vịnh Bắc Bộ; là bộ phận thuộc tam giác châu thổ sông Hồng và khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; với nhiều tiềm năng, thế mạnh,... tỉnh Thái Bình có vị trí quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Hơn thế, đây còn là địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa; giàu truyền thống cách mạng, với nhiều thành tích, phong trào nổi bật, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm gần đây, hòa cùng sự phát triển chung của cả nước, kinh tế - xã hội của Tỉnh không ngừng phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,53%/năm, v.v. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tỉnh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là những phát sinh mới trong quá trình phát triển; tình hình an ninh nông thôn; thiên tai, dịch bệnh cùng sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị,... gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng. Theo đó, cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành đồng bộ hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng và triển khai, tổ chức thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được chú trọng; công tác tuyển quân được thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ, đúng pháp luật; khu vực phòng thủ các cấp được xây dựng toàn diện, ngày càng vững chắc; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu lực lượng vũ trang Tỉnh không ngừng được nâng lên. Qua đó, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Có được kết quả đó, trước hết, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chú trọng tham mưu nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị định số 168/2018/NĐ-CP, ngày 28/12/2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các bộ, ngành Trung ương, địa phương,... Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, thực tiễn địa bàn. Từ những tham mưu của cơ quan quân sự, Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về quốc phòng theo đúng quy định của pháp luật. Điển hình như: Đề án tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện (thành phố), diễn tập bảo đảm khu vực phòng thủ cho các sở, ngành và diễn tập chiến đấu phòng thủ các xã, phường, thị trấn tỉnh Thái Bình, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Đề án phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027, v.v.

Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tặng quà, động viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tình nguyện nhập ngũ năm 2023. Ảnh: thaibinh.gov.vn

Để gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng, như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng,... tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện Quy hoạch nhu cầu sử dụng đất quốc phòng, khoanh định khu quân sự và các loại địa hình ưu tiên dành cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn, công nghiệp quốc phòng và quy hoạch không gian biển quốc gia về lĩnh vực quốc phòng giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, tích hợp vào quy hoạch của Tỉnh. Đồng thời, trên cơ sở Quy hoạch thế trận quân sự đã được phê duyệt, cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động nguồn ngân sách, từng bước đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ1, hình thành thế trận liên hoàn giữa các cấp, bảo đảm vững chắc, có chiều sâu.

Nhằm nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Tỉnh coi trọng thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân. Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, phân loại, xây dựng kế hoạch tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, không để sót đối tượng. Quá trình thực hiện, Tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng theo hướng cập nhật thực tiễn, sát với tình hình nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa bàn. Năm 2022, Tỉnh đã thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 1.524 đồng chí, theo dõi 47 trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học liên kết thực hiện môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho hơn 57 nghìn học sinh, sinh viên, bồi dưỡng 187 giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống phát thanh và truyền hình của Tỉnh và các huyện xây dựng 140 chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là một trong những nội dung trọng tâm thường xuyên được Tỉnh hết sức coi trọng, bởi đây cũng là khâu quyết định chất lượng nguồn nhân lực bổ sung cho Quân đội. Do đó, cơ quan quân sự các cấp tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện đồng bộ, thống nhất các khâu, các bước, quy trình nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển quân. Trong đó, tập trung rà soát, củng cố, kiện toàn Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp theo đúng quy định, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức tập huấn, thống nhất chủ trương, hướng dẫn nội dung, quy trình công tác tuyển quân cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo phương châm “nghiêm túc, công khai, dân chủ, đúng pháp luật”. Hằng năm, trên cơ sở chỉ tiêu được giao, cơ quan quân sự cấp huyện, xã làm tốt công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; tổ chức sơ tuyển, khám tuyển chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ đăng ký thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, nắm rõ về nghĩa vụ, quyền lợi của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; có chính sách thăm hỏi, tặng quà cho công dân sẵn sàng nhập ngũ, bồi dưỡng nguồn phát triển Đảng cho đoàn viên, thanh niên ưu tú trước khi nhập ngũ; phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn, ký cam kết đào tạo nghề, tạo việc làm sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự,... để động viên thanh niên yên tâm nhập ngũ. Nhờ đó, nhiều năm liền, Tỉnh luôn phát huy được truyền thống “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, bảo đảm giao đủ 100% chỉ tiêu, chất lượng, an toàn và đúng luật.

Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công tác quân sự, quốc phòng, lực lượng vũ trang địa phương được Tỉnh thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng vững mạnh về mọi mặt. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu và tổ chức triển khai xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, có chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan quân sự các cấp theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đảm bảo cân đối giữa các lực lượng: thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ. Trong đó, tập trung xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập bảo đảm sát tình huống, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn,… của từng lực lượng, địa bàn; duy trì nền nếp chế độ, lực lượng, phương tiện sẵn sàng chiến đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn các sự kiện của địa phương, bảo vệ vững chắc các mục tiêu trọng yếu trong mọi tình huống. Đối với lực lượng dự bị động viên, Tỉnh xây dựng theo phương châm “hùng hậu, chất lượng cao”, thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý, rà soát, bổ sung kế hoạch sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị dự bị động viên theo Luật Lực lượng dự bị động viên và sẵn sàng bổ sung vào lực lượng thường trực khi có tình huống. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp” có cơ cấu, thành phần hợp lý, phù hợp với đặc điểm địa bàn, theo đúng Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ giai đoạn 2020 - 2025 của Tỉnh. Đến nay, Tỉnh đã sắp xếp được trên 28 nghìn quân nhân dự bị vào các đơn vị, đạt trên 99,6% chỉ tiêu được giao, xây dựng được trên 400 cơ sở dân quân tự vệ, đạt tỷ lệ 1,4% so với số dân.

Những kết quả, kinh nghiệm trên là cơ sở, tiền đề quan trọng để tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá NGUYỄN NGỌC TUỆ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
___________________

1 - Năm 2022, nguồn ngân sách Tỉnh đầu tư 16,6 tỉ đồng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phân bổ 48,6 tỉ đồng để thực hiện các công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)