Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 12/11/2013, 13:06 (GMT+7)
Tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh xây dựng lực lượng dân quân thường trực trên địa bàn biên giới

Tỉnh Tây Ninh có 240 km đường biên giới với nước bạn Cam-pu-chia; trong đó, có 05 huyện với 20 xã biên giới. Những năm qua, tình hình trên tuyến biên giới cơ bản ổn định, chủ quyền, an ninh biên giới được giữ vững. Tuy nhiên, một số địa bàn trọng điểm và vùng ngoại biên còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, như: sự gia tăng các hoạt động tội phạm, buôn lậu, xâm canh, xâm cư,... Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, cùng với phát huy vai trò của các lực lượng, Tỉnh đặc biệt coi trọng đẩy mạnh xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân thường trực (DQTT) biên giới và đạt được những kết quả quan trọng.

Quán triệt Luật Dân quân tự vệ (DQTV) và các văn bản hướng dẫn thi hành của các cấp, Tỉnh đã cụ thể hóa bằng việc ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm triển khai thực hiện phù hợp với đặc thù địa bàn biên giới của Tỉnh. Trong đó, Tỉnh chú trọng tổ chức các hội nghị tập huấn, triển khai thực hiện Luật DQTV cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Đồng thời, rút kinh nghiệm công tác xây dựng lực lượng DQTV giai đoạn 2002 - 2010, Tỉnh đã phê duyệt “Đề án tổ chức, xây dựng lực lượng DQTV và xây dựng, hoạt động của lực lượng DQTT biên giới (giai đoạn 2011 - 2015)”. Căn cứ vào Đề án, các địa phương, cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo được sự đồng thuận trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân đối với nhiệm vụ này và triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp đồng bộ. Nhờ đó, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật DQTV; xây dựng lực lượng DQTV có cơ cấu, thành phần và tỷ lệ hợp lý, đảm bảo chất lượng, nhất là chất lượng chính trị ngày càng cao (đảng viên trong DQTV đạt gần 20%; đoàn viên trên 60%). Đây là cơ sở quan trọng để Tỉnh xây dựng 100% số xã có chi bộ quân sự; trong đó, gần 60% chi bộ có cấp ủy, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng DQTV. Đặc biệt, Tây Ninh là địa phương đi đầu trong xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả lực lượng DQTT biên giới. Hiện nay, 100% xã biên giới của Tỉnh đều thành lập trung đội DQTT và được tổ chức thành các chốt DQTT xen kẽ với các đồn, trạm Biên phòng, tạo thành thế trận liên hoàn “đồn, trạm, chốt” khép kín trên tuyến biên giới; hình thành 11 cụm làng, xã chiến đấu, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Trung đội DQTT biên giới đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ quân sự xã và do Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã quản lý, chỉ huy; có nhiệm vụ tổ chức từ 01 đến 02 chốt sát biên giới, lực lượng còn lại thường trực làm nhiệm vụ theo sự chỉ huy của Ban CHQS xã. Đây là sự vận dụng sáng tạo, phù hợp với đặc thù của Tỉnh, thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, huấn luyện và chỉ huy phân đội DQTT thực hiện các nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Để lực lượng DQTT biên giới được quản lý chặt chẽ, huấn luyện chu đáo và hoạt động hiệu quả, Tỉnh chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiện toàn Ban CHQS xã đi đôi với xây dựng đội ngũ cán bộ DQTT có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Thời gian qua, Tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Ban CHQS cấp xã và ưu tiên biên chế đủ cán bộ cho các phân đội DQTT. Theo đó, Tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ sở chủ động rà soát, tạo nguồn đào tạo cán bộ Ban CHQS cấp xã trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học ngành quân sự cơ sở; xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm và trong từng nhiệm kỳ nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ này. Mặt khác, cùng với lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Quân sự Tỉnh, để đáp ứng nhu cầu của các địa phương, Tỉnh đã tổ chức 04 khóa đào tạo được 350 cán bộ. Nhờ đó, đến nay có trên 90% chỉ huy trưởng, gần 50% phó chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã đã qua đào tạo, nhiều đồng chí đã phát triển lên cương vị cao hơn. Hằng năm, Tỉnh và các địa phương duy trì nền nếp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ này. Trên cơ sở chương trình, nội dung quy định của Bộ, các lớp tập huấn coi trọng cập nhật những nội dung mới, nhất là về quan điểm, đường lối của Đảng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; về âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch,... Đồng thời, tập trung khắc phục những khâu yếu, mặt yếu của cán bộ trong thực hiện chức trách ở cơ sở. Với sự cố gắng đó, từ năm 2011 đến nay, toàn Tỉnh đã tổ chức 61 lớp tập huấn cho 4.758 cán bộ Ban CHQS và cán bộ DQTV.

Lực lượng DQTT biên giới thường hoạt động độc lập, xa sự chỉ huy, quản lý của Ban CHQS cấp xã (có nơi xa hàng chục ki-lô-mét), phải trực tiếp xử lý nhiều tình huống đột xuất, phức tạp, nhạy cảm liên quan tới an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế. Vì vậy, các địa phương, cơ sở hết sức coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ DQTT, chủ yếu là cán bộ trung đội, tiểu đội và tổ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ năng lực quản lý, chỉ huy xử trí các tình huống đột xuất về quốc phòng - an ninh xảy ra trên địa bàn đảm nhiệm. Do công tác đào tạo cán bộ chưa đáp ứng so với yêu cầu, Tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ sở lựa chọn tạo nguồn cán bộ DQTT biên giới chủ yếu từ những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đẩy mạnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ này. Trong đó, coi trọng bồi dưỡng qua thực tế công tác để từng người tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc lựa chọn chiến sĩ DQTT được Ban CHQS các xã biên giới tiến hành chặt chẽ ở từng thôn, bản; đó là những thanh niên có chất lượng chính trị đảm bảo, có sức khỏe, trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên, có quá trình phấn đấu, rèn luyện tốt. Các cơ sở ưu tiên chọn những đảng viên, đoàn viên trẻ, những người đã hoàn thành nhiệm vụ quân sự tại ngũ trở về, là con em đồng bào các dân tộc, hiểu rõ phong tục, tập quán, nắm chắc địa bàn và tình hình trong khu vực biên giới. Trước thực tế nhiều nơi trong khu vực biên giới chưa có dân sinh sống, được sự hỗ trợ của trên và sự cố gắng của địa phương, nhiều năm qua, Tỉnh đã tích cực vận động, khuyến khích nhân dân ra định canh, định cư, hình thành 28 cụm dân cư với 25.000 dân. Bên cạnh đó, Tỉnh đã đầu tư hơn 700 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng: thủy lợi, trường, trạm và nâng cấp hệ thống giao thông từ huyện đến các xã, ấp, các đồn, trạm biên phòng và chốt DQTT. Đến nay, cả 5/5 huyện biên giới có trung tâm y tế, bưu điện; 20/20 xã biên giới có trường trung học cơ sở và trạm y tế; trên 90% hộ dân được sử dụng điện; công tác giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển. Đó là cơ sở quan trọng để Tỉnh đẩy mạnh xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng DQTT biên giới.

Cùng với đó, Tỉnh luôn coi trọng thực hiện tốt công tác huấn luyện, nhằm nâng cao năng lực toàn diện cho lực lượng DQTT. Hằng năm, Ban CHQS xã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện luân phiên cho lực lượng DQTT sau khi được Ban CHQS huyện phê duyệt. Thực hiện nghiêm túc phương châm huấn luyện “thiết thực, vững chắc, hiệu quả”, các phân đội DQTT vừa huấn luyện toàn diện, vừa huấn luyện có trọng tâm, trọng điểm sát với thực tế của từng cơ sở; coi trọng huấn luyện cả lý thuyết và thực hành, trong đó thực hành là chủ yếu. Trong huấn luyện kỹ thuật và chiến thuật, các phân đội tập trung huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ DQTT sử dụng thành thạo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị; huấn luyện kỹ về chiến thuật cá nhân và sự phối hợp trong tiểu đội, tổ xử lý các tình huống, nhất là thành thạo các phương án chiến đấu tại chỗ, phòng, chống cướp có vũ trang, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ rừng. Lực lượng DQTT còn được bồi dưỡng về công tác vận động quần chúng, công tác đối ngoại nhân dân. Qua đó, giúp cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững Luật Biên giới quốc gia, các quy định về đường biên, mốc giới,... là cơ sở để góp phần quản lý, bảo vệ, xây dựng địa bàn biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hằng năm, kiểm tra các nội dung huấn luyện lực lượng DQTT của Tỉnh đều đạt yêu cầu trở lên, trong đó có trên 60% khá, giỏi. Cùng với công tác huấn luyện, các địa phương, cơ sở còn tăng cường công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật, qua đó xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ DQTT có ý thức tự giác, tự quản, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tỉnh coi trọng chỉ đạo các địa phương, cơ sở tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTT biên giới. Theo quy định, mọi hoạt động của lực lượng DQTT phải tuân thủ kế hoạch hoạt động do chỉ huy trưởng Ban CHQS xã chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức soạn thảo, thông qua cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân xã và ký chịu trách nhiệm; Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện phê duyệt. Đây là văn kiện cơ bản trong hệ thống văn kiện về công tác DQTV, là cơ sở để giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng, tổ chức luyện tập thành thục trong phân đội và giữa DQTT với các lực lượng có liên quan. Hiện nay, 100% huyện, xã biên giới của Tỉnh đều ký quy chế phối hợp hoạt động với lực lượng Công an và các đồn, trạm biên phòng, là cơ sở để lực lượng DQTT chủ động phối hợp với các lực lượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc phức tạp trên khu vực biên giới. Từ năm 2011 đến nay, các chốt DQTT đã phối hợp phát hiện, xử lý gần 1.500 vụ xâm nhập, vượt biên, xâm canh, xâm cư, buôn lậu, trộm cắp tài sản,... thu giữ hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng và hàng chục khẩu súng, vật nổ các loại. Điển hình là: chốt DQTT xã Long Thuận, huyện Bến Cầu phối hợp với các lực lượng truy đuổi cướp có vũ trang thu lại tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng; chốt DQTT Bố Lớn, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành phát hiện toán cướp có vũ trang, đã truy bắt 02 tên, thu 02 súng AK, 01 lựu đạn,... Bên cạnh đó, lực lượng DQTT còn thường xuyên quan hệ với chính quyền và nhân dân các xã biên giới của nước bạn nắm vững tình hình, trên cơ sở đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả những vụ việc xảy ra.

Để tạo điều kiện cho lực lượng DQTT hoạt động, Ủy ban nhân dân Tỉnh và chính quyền các huyện, xã biên giới đã quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở, các chốt DQTT và trụ sở của Ban CHQS xã. Tỉnh đã chủ động bố trí kinh phí thực hiện chi trả chế độ cho cán bộ, chiến sĩ theo quy định của pháp luật về DQTV và hỗ trợ tiền ăn cho lực lượng DQTT. Để lực lượng DQTT yên tâm, phấn khởi thực hiện nhiệm vụ, Tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng ưu tiên ký hợp đồng giao cho lực lượng DQTT bảo vệ trên 2.000 ha rừng và giao hàng trăm héc-ta đất, đầu tư vốn để DQTT tổ chức sản xuất, tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ.

Những kết quả trên không chỉ góp phần triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật DQTV trên địa bàn Tây Ninh, mà còn có ý nghĩa thiết thực xây dựng “thế trận lòng dân” trong khu vực phòng thủ Tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để Tây Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá TRẦN THIỆN TOÀN

Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)