Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 07/09/2020, 09:19 (GMT+7)
Tỉnh Kiên Giang xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển

Tỉnh Kiên Giang nằm ở tận cùng phía Tây Nam Tổ quốc, có gần 200 km bờ biển, với 140 đảo lớn, nhỏ, vùng biển rộng 63.000 km2, tiếp giáp với vùng biển thuộc các nước: Campuchia, Thái Lan, Malaysia; có 5 quần đảo với 143 hòn đảo lớn nhỏ. Toàn Tỉnh có 02 huyện đảo (Phú Quốc, Kiên Hải) và 07 huyện, thành phố ven biển; có thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương vừa ven biển, vừa biên giới; 49 xã ven biển, xã đảo. Điều kiện địa lý, tự nhiên tạo cho Kiên Giang nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển, đồng thời cũng đặt ra cho Tỉnh nhiệm vụ rất nặng nề trong củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, an toàn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự; trong đó, tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của dân quân tự vệ biển vững mạnh, đáp ứng  yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở quán triệt Chỉ thị số 04/CT-BQP, ngày 26/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ hoạt động trên biển”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ra nghị quyết chuyên đề, hoàn thiện văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển, bảo đảm tính vững chắc, phát huy tốt vai trò trong xây dựng thế trận quốc phòng trên biển.

Luyện tập bắn súng. Ảnh:qdnd.vn

Hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát lực lượng lao động, phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển làm cơ sở để tổ chức xây dựng lực lượng. Trên cơ sở tàu, tổ, đội đánh bắt hải sản của ngư dân, cơ quan quân sự các huyện, xã ven biển xây dựng kế hoạch tổ chức biên chế phù hợp, bảo đảm có lực lượng dân quân tự vệ biển rộng khắp ở cả tuyến bờ, tuyến lộng và tuyến khơi. Việc tuyển chọn xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển được chú trọng về chất lượng chính trị, lựa chọn từ những người có uy tín trong nhân dân và dòng họ; quy mô tổ chức phù hợp biên chế cấp tiểu đội là chủ yếu, gắn với từng đội tàu của gia đình, dòng họ hoạt động trên cùng ngư trường khai thác. Cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm phát triển, xây dựng đội ngũ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ biển, làm nòng cốt cho quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để công tác này đạt hiệu quả, các đơn vị đã lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ đủ tiêu chuẩn về trình độ học vấn, chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm nổi trội tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và bồi dưỡng cán bộ dân quân tự vệ do địa phương và Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tổ chức. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc kết quả lao động, công tác của đội ngũ này, kịp thời biểu dương, khen thưởng, có kế hoạch kết nạp đảng và bổ nhiệm cán bộ khi đủ điều kiện. Từ năm 2015 đến nay, các cấp đã tiến hành bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 62 quần chúng; kết nạp được 18 đảng viên mới; giới thiệu sinh hoạt ở các tổ chức đảng cho 35 đồng chí; bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ cho 116 lượt đồng chí, bổ nhiệm 39 đồng chí là cán bộ tiểu đội, trung đội; số lượng dân quân tự vệ biển chiếm gần 25% lực lượng dân quân tự vệ của Tỉnh.

Do dân quân tự vệ biển phần đông là lao động phổ thông, một bộ phận là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ học vấn không đồng đều, lực lượng phân tán, khó khăn trong công tác quản lý, huấn luyện, giáo dục,… nên Đảng ủy, Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh đặc biệt quan tâm giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Trên cơ sở nội dung, chương trình giáo dục cơ bản, cơ quan quân sự các cấp chủ động phối hợp với các chủ tàu, tổ hợp tác sản xuất, doanh nghiệp, nắm chắc lịch trình, thời gian khai thác, xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, vừa bảo đảm quân số tham gia, vừa không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế của doanh nghiệp và hộ gia đình. Đối với lực lượng đánh bắt xa bờ thời gian dài, được giáo dục trong các đợt huấn luyện tập trung theo cụm địa bàn sau khi kết thúc mỗi đợt vươn khơi. Với lực lượng lao động ổn định trong các doanh nghiệp dịch vụ vận tải biển, tổ chức giáo dục luân phiên theo tỷ lệ quân số. Trong các đợt giáo dục tập trung, bên cạnh nội dung cơ bản, các đơn vị còn phối hợp với Vùng cảnh sát biển 4, Chi cục Kiểm ngư, đồn Biên phòng tổ chức tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Luật Thủy sản, Luật Biển của các nước có vùng biển tiếp giáp, hiệp định về vùng nước lịch sử, hiệp định về nghề cá mà Việt Nam ký kết với các nước. Đồng thời, coi trọng giáo dục truyền thống dân tộc, Quân đội và địa phương; đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phương châm trong giải quyết và xử trí các tình huống trên biển; các văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh, biển, đảo. Tập trung giáo dục ý thức chấp hành các quy định của địa phương, doanh nghiệp; bồi dưỡng phương pháp, tác phong tuyên truyền, vận động nhân dân; kinh nghiệm, kỹ năng nhận diện các hành động vi phạm pháp luật trên biển. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục nâng cao bản lĩnh với đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường biển, hoạt động vi phạm pháp luật gây mất an ninh, an toàn, xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Định kỳ tuần, tháng, cán bộ phụ trách tổ, tiểu đội hoặc trung đội trên các phương tiện đánh bắt, vận tải và trong các doanh nghiệp tổ chức sinh hoạt đối thoại trong lực lượng; đồng thời, phối hợp với các cơ sở, doanh nghiệp nắm chắc tình hình tư tưởng, điều kiện, hoàn cảnh, ý thức trách nhiệm trong lao động sản xuất, chấp hành các quy định của doanh nghiệp để kịp thời có biện pháp giáo dục, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ biển.

Hoạt động trên ngư trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có sức khỏe, trình độ, kỹ năng quân sự, khả năng tác chiến linh hoạt. Vì vậy, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, nâng cao chất lượng huấn luyện đối với lực lượng dân quân tự vệ biển. Theo đó, cơ quan quân sự các cấp xây dựng kế hoạch huấn luyện với nội dung toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu, tổ chức biên chế, trang bị, thực tế địa bàn, phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương. Trước khi bước vào huấn luyện, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên. Trong huấn luyện, luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, chất lượng”, chú trọng huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững kỹ thuật, chiến thuật, cách đánh của dân quân tự vệ, thành thạo các phương án chiến đấu tại chỗ và nâng cao khả năng phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân trong tuần tra, kiểm soát, xử trí các tình huống. Ngoài ra, lực lượng dân quân tự vệ biển còn được huấn luyện về phòng, chống thiên tai, buôn lậu, chống cướp biển có vũ trang; nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; tình hình an ninh tuyến biển; các văn bản pháp luật về biển; bắn đạn thật, phòng, chống cháy, chống chìm, lai kéo tàu thuyền, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc trên biển, vệ tinh định vị, v.v. Thời điểm tổ chức huấn luyện thường được bố trí vào giao thời giữa hai vụ cá, tàu thuyền ít ra khơi để đảm bảo quân số huấn luyện cao nhất. Sau huấn luyện, Tỉnh tổ chức hội thi, hội thao, bắn đạn thật cho 100% quân số, nên chất lượng huấn luyện được nâng lên rõ rệt; kết quả huấn luyện hằng năm 100% đạt yêu cầu, có trên 75% khá, giỏi.

Cùng với đó, Tỉnh tích cực chăm lo thực hiện công tác chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ biển và các cơ sở, doanh nghiệp có lực lượng dân quân tự vệ biển hoạt động. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các chính sách mới có tính ưu đãi, nhất là trong tiếp cận các nguồn vốn vay để ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu, thuyền có công suất lớn vươn khơi. Đồng thời, bảo đảm các trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại, công cụ hỗ trợ, phục vụ thiết thực cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý lực lượng dân quân tự vệ biển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các cơ sở, doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt cho 81 chủ tàu vay vốn ưu đãi để đóng mới và nâng cấp tàu biển, dịch vụ nghề biển với tổng số tiền hơn 691 tỷ đồng. Đối với lực lượng dân quân tự vệ biển, bên cạnh việc bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn theo chính sách của Nhà nước và của Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tích cực vận động các doanh nghiệp, chủ phương tiện không trừ tiền lương, hỗ trợ thêm tiền ăn trong những ngày tập trung huấn luyện. Những trường hợp thật sự khó khăn về nhà ở được ưu tiên hỗ trợ. Tỉnh đã xét tặng 23 Nhà đồng đội, 12 Nhà đại đoàn kết với trị giá trên 15 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn sản xuất cho 25 gia đình trên 750 triệu đồng. Qua đó, động viên, giúp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng an tâm vươn khơi bám biển, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, phát huy tốt trách nhiệm trong tham gia giữ gìn an ninh, an toàn, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển được phân công đảm nhiệm.

Bằng các biện pháp tích cực, đồng bộ, công tác tổ chức xây dựng và hoạt động của dân quân tự vệ biển của tỉnh Kiên Giang đã thu được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh. Lực lượng dân quân tự vệ biển đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng tham gia bắt giữ hàng trăm vụ vi phạm pháp luật, nhất là khai thác thủy sản trái phép và buôn lậu trên biển; tuyên truyền, vận động hàng nghìn lượt ngư dân chấp hành các quy định về khai thác, đánh bắt thủy sản; ngăn chặn kịp thời nhiều vụ tranh chấp ngư trường có tính chất phức tạp, cứu nhiều phương tiện tàu bị nạn do dông lốc, cùng các lực lượng khác giữ gìn an ninh trật tự trên biển và trên ngư trường hoạt động, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng tá NGUYỄN NGỌC SƠN, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang

 

Ý kiến bạn đọc (0)