Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 04/07/2024, 13:15 (GMT+7)
Tỉnh Bình Phước xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Bình Phước là tỉnh biên giới, cầu nối giữa khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia, có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, năng lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa của Tỉnh còn nhiều khó khăn; còn tiềm ẩn không ít nhân tố gây mất ổn định. Đáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện hoạt động tôn giáo trái phép trên địa bàn các huyện, thị xã: Phước Long, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Hớn Quản; các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc và nhân dân hai bên biên giới; tình hình tội phạm ma túy, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép vẫn còn diễn ra; tình trạng người Campuchia gốc Việt trở về sinh sống trên địa bàn một số xã biên giới có chiều hướng gia tăng, v.v.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 khai mạc Diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh (năm 2023).

Quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ theo phương châm toàn diện, vững chắc và đã đạt được những kết quả quan trọng. Rõ nét nhất là tiềm lực mọi mặt của khu vực phòng thủ không ngừng được tăng cường; cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ được hoàn thiện, vận hành đồng bộ, hiệu quả. Lực lượng vũ trang được xây dựng, huấn luyện chặt chẽ, chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu ngày càng được nâng cao; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, cốt lõi là thế trận quân sự được củng cố và tăng cường, “thế trận lòng dân” được xây dựng vững chắc. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho Tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Có được kết quả đó là do Bình Phước đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp. Trước hết, Tỉnh coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, củng cố, tăng cường niềm tin, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xác định đây là vấn đề xuyên suốt, quyết định đến kết quả xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ. Để đạt hiệu quả, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, cơ sở thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; trong đó, chú trọng đến chức sắc, chức việc tôn giáo, chủ hộ gia đình trên tuyến biên giới, v.v. Qua đó, làm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên nắm chắc ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng khu vực phòng phủ vững chắc. Bằng nhiều nguồn lực, Tỉnh đã tổ chức xây dựng 05 cụm dân cư biên giới, 11 điểm dân cư liền kề chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới, liền kề đồn, trạm biên phòng với 635 căn nhà, đảm bảo đồng bộ kết cấu hạ tầng; bố trí đủ diện tích đất sản xuất, việc làm ổn định, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” tuyến biên giới ngày càng vững chắc. Thực hiện chủ trương của Quân khu 7 về “Tăng cường gắn kết thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo”, từ năm 2019 đến nay, Tỉnh đã triển khai xây dựng 05 công trình văn hóa - thể dục thể thao trong các cơ sở tôn giáo trên địa bàn với tổng số tiền gần 04 tỉ đồng1. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được triển khai sâu rộng, đạt hiệu quả cao, thiết thực tri ân đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Công tác an sinh xã hội được Tỉnh thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đạt kết quả cao. Toàn Tỉnh hiện có 80/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 27/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt. Đặc biệt, Tỉnh đã thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp luôn được chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được xây dựng vững mạnh, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ; thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, v.v Mặt khác, Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là các huyện biên giới nâng cao tiềm lực đối ngoại, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị với chính quyền, nhân dân Campuchia khu vực biên giới, đặc biệt là phát huy giá trị di tích khu vực X162,… tăng cường đoàn kết, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, góp phần tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần khu vực phòng thủ, tạo cơ sở bảo vệ địa bàn từ sớm, từ xa.

Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo tiềm lực kinh tế vững chắc trong khu vực phòng thủ được Tỉnh hết sức quan tâm. Để đạt hiệu quả, Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất từ trong nhận thức đến chủ trương, chính sách, đảm bảo sự kết hợp này được thực hiện ngay trong các đề án phát triển, quy hoạch tổng thể, kế hoạch triển khai ở các cấp. Quá trình thực hiện, Tỉnh ưu tiên các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm mà Tỉnh có lợi thế và khả năng cạnh tranh, phát triển. Chỉ đạo cơ quan Quân sự, Công an, Biên phòng phối hợp thẩm định chặt chẽ các dự án, nhất là dự án có yếu tố nước ngoài, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững. Cùng với đó, Tỉnh đã nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và xây dựng đô thị, khu công nghiệp liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài, tuyệt đối không để vì lợi ích kinh tế đơn thuần mà gây tổn hại đến lợi ích quốc gia và quốc phòng, an ninh. Đến nay, Tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện.

Chốt dân quân thường trực biên giới Thanh Hòa, huyện Bù Đốp triển khai nhiệm vụ tuần tra.

Thực hiện chức năng được giao, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng mạng lưới giao thông, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế và đáp ứng yêu cầu cơ động lực lượng trong khu vực phòng thủ; đã hoàn thành hơn 200km đường tuần tra biên giới, xây dựng và nâng cấp 16 đồn biên phòng, 05 trạm kiểm soát cửa khẩu, 11 chốt dân quân thường trực biên giới, 01 chốt dân quân thường trực Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn được ưu tiên đầu tư. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, Tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp, làm mới các tuyến giao thông chiến lược, như: QL13, 14; ĐT741, 759, 759B, 751; mở rộng các tuyến đường vào các căn cứ quân sự, tạo sự kết nối giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; chuẩn bị khởi công tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Chơn Thành và tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành (Bình Phước). Tỉnh đã quy hoạch nâng cấp cửa khẩu Hoàng Diệu, Tân Tiến, mở mới cửa khẩu quốc tế đường sắt Hoa Lư, cửa khẩu quốc tế khu vực X16, cửa khẩu phụ Đắk Ơ. Bên cạnh đó, Tỉnh phối hợp với các bộ, ngành triển khai có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh giảm nhanh, đến cuối năm 2023 chỉ còn 0,4%, GRDP bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng (tăng 50,3% so với năm 2019). Đặc biệt, Tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong tham mưu, triển khai xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Những năm qua, Bình Phước đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống công trình chiến đấu, công trình phòng thủ, sở chỉ huy các cấp, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, với nhiều công trình phòng thủ quan trọng, như: hệ thống sở chỉ huy, điểm tựa, cụm điểm tựa, chốt chiến dịch, chốt chiến đấu dân quân biên giới, chốt dân quân vùng đệm giáp ranh, công trình chiến đấu đồn biên phòng, cửa khẩu,… bước đầu hình thành thế trận liên hoàn, vững chắc trong khu vực phòng thủ.

Xây dựng lực lượng trong khu vực phòng thủ vững mạnh là nội dung quan trọng, nhân tố trực tiếp nâng cao sức mạnh, tiềm lực quân sự, an ninh của khu vực phòng thủ. Bởi vậy, Tỉnh luôn chú trọng chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, có chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu cao. Theo đó, Tỉnh đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng thường trực “tinh, gọn, mạnh”; lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”; lực lượng dự bị động viên “hùng hậu, chất lượng cao” phù hợp với từng địa bàn. Tích cực triển khai có hiệu quả Đề án “Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách cho dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025” và chỉ đạo đổi mới công tác tuyển quân, kết hợp chặt chẽ công tác tuyển quân với tạo nguồn dự bị động viên trên địa bàn. Đến nay, dân quân tự vệ toàn Tỉnh đạt 1,61% so với dân số (đảng viên đạt 26,23%); lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý đúng theo quy định, sẵn sàng động viên khi có lệnh.

Để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng, Tỉnh chỉ đạo tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện; thực hiện tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” đối với lực lượng thường trực, “cơ bản, thiết thực, chất lượng” đối với dân quân tự vệ, “cơ bản, thiết thực, hiệu quả” đối với lực lượng dự bị động viên. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương pháp các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự và chiến đấu trong khu vực phòng thủ phù hợp với đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ tác chiến và khả năng của từng cấp, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và vai trò tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể, khả năng tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ.

Với những chủ trương, giải pháp tích cực, đồng bộ đó, thời gian tới, khu vực phòng thủ tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục được xây dựng ngày càng vững chắc, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển bền vững, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Đại tá VÕ THÀNH DANH, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
__________________
        

1 - Giáo xứ Long Điền (Phước Long); Giáo xứ Đồng Tâm (Đồng Phú); Chùa Sóc Lớn (Lộc Điền, Lộc Ninh); Giáo xứ An Khương (An Khương, Hớn Quản); Chi hội Tin Lành Đăng Blang (Phú Sơn, Bù Đăng).

2 - Cụm công trình lưu niệm về “Hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hunsen”.

Ý kiến bạn đọc (0)