Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 07/07/2016, 12:00 (GMT+7)
Tỉnh Bình Định tập trung xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Tỉnh Bình Định nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, án ngữ nhiều tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia, nên có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt đối với Quân khu 5 và cả nước. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, quân và dân Bình Định đã phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; trong đó, việc xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, quán triệt và thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành địa phương làm tham mưu và tổ chức triển khai xây dựng khu vực phòng thủ đi vào chiều sâu, vững chắc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa bàn. Nhờ đó, tiềm lực mọi mặt của Tỉnh được tăng cường; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân” được củng cố ngày càng vững chắc. Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh được mở rộng trên các lĩnh vực. Lực lượng vũ trang địa phương được xây dựng vững mạnh toàn diện, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu được nâng cao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện để Tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Để đạt được kết quả đó, trước hết, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ. Những năm trước, do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nên việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương của Tỉnh trong quá trình xây dựng khu vực phòng thủ còn chồng chéo, bất cập. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo về xây dựng khu vực phòng thủ; trong đó, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, những nội dung giải pháp chủ yếu, trách nhiệm của các cấp, ngành, các lực lượng và toàn dân. Trên cơ sở đó, cơ quan quân sự Tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Chương trình hành động 33-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Nội dung trọng tâm là đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh ngay trong quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển của các cấp, ngành, địa phương, lĩnh vực. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh tăng cường xây dựng các tiềm lực của khu vực phòng thủ ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, thành lập Hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện theo quyết tâm và phương án phòng thủ đã được phê duyệt. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ và căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa bàn, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động nghiên cứu, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020”; Kế hoạch phòng thủ dân sự, phòng chống khủng bố, thiên tai; Đề án “Tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân, tự vệ trên địa bàn giai đoạn 2010 - 2015”. Trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chương trình hành động triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó có nội dung về xây dựng khu vực phòng thủ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành, địa phương triển khai các nội dung xây dựng khu vực phòng thủ phù hợp với điều kiện địa bàn, chức năng nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, đến nay, các cấp, ngành, địa phương, lực lượng và toàn dân trong Tỉnh luôn thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng, xác định tốt trách nhiệm và có nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả trong xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm ngày càng đi vào chiều sâu, vững chắc.

Huấn luyện kỹ thuật bẫy chông cho cán bộ xã phường tại Trường Quân sự tỉnh Bình Định. (Ảnh: mod.gov.vn)

Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân thường xuyên được Tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng theo quy trình, quy định. Trong đó, công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp được triển khai và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đạt hiệu quả thiết thực. Hằng năm, cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức rà soát các đối tượng, bảo đảm không để sót, lọt, trùng lắp để cử đi học tập, bồi dưỡng. Từ năm 2010 đến 2015, Tỉnh cử gần 200 cán bộ thuộc đối tượng 1 và 2 tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh do Trung ương và Quân khu tổ chức. Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng theo phân cấp cho 12.662 đồng chí thuộc đối tượng 3, 4 cùng với 101 chủ phương tiện, tàu thuyền, máy trưởng, thuyền trưởng, tài công và 3.526 chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, v.v. Năm 2015, Tỉnh đã tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho 68.326 học sinh, sinh viên thuộc 60 trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn. Công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, như: thông qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các tổ (đội) công tác trực tiếp xuống địa phương tuyên truyền vận động nhân dân; chỉ đạo các đơn vị bộ đội địa phương kết hợp hành quân huấn luyện dã ngoại với thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác xây dựng khu vực phòng thủ trong tình hình mới.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho Tỉnh và tổ chức thực hiện tốt việc huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ. Trong đó, Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh các công trình, nhất là đường hầm sở chỉ huy các cấp, các trận địa pháo phòng không, các căn cứ chiến đấu, các tuyến đường cơ động phòng thủ ven biển từ Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) đến thành phố Quy Nhơn; các tuyến đường cơ động phía Tây của Tỉnh. Đây là cơ sở để hình thành khu vực phòng thủ, chiến đấu liên hoàn, vững chắc. Hệ thống cảng hàng không, cảng biển và khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá các huyện ven biển (Quy Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn) đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo chiều sâu của thế trận giữa bờ - biển - đảo ngày càng vững chắc. Ngoài ra, Tỉnh còn chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp thực hiện hiệu quả Chương trình 12 - quân dân y kết hợp ở xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn), xã vùng núi Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) và xã vùng cao Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh), góp phần tạo lập căn cứ hậu cần - kỹ thuật trong khu vực phòng thủ. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp cùng lực lượng Công an thực hiện tốt Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án tác chiến và thực hiện tốt các cuộc diễn tập, sát yêu cầu, nhiệm vụ của địa bàn. Từ năm 2010 - 2015, Tỉnh chỉ đạo, tổ chức thành công 13 cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện và 198 xã (phường, thị trấn) diễn tập tác chiến trị an, được Bộ Quốc phòng và Quân khu đánh giá cao.

Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ, được Tỉnh thường xuyên chăm lo. Theo đó, Tỉnh tập trung xây dựng lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Lực lượng thường trực được xây dựng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chú trọng kiện toàn về tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị theo quy định của Bộ Quốc phòng; trong đó, ưu tiên, bảo đảm quân số, vũ khí, trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, coi trọng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cá nhân, phân đội, huấn luyện đêm, sử dụng thành thạo vũ khí có trong biên chế sát với đặc thù nhiệm vụ của địa phương. Lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, huấn luyện nghiêm túc. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan dự bị được Tỉnh quan tâm chăm lo từ khâu tạo nguồn, đầu tư kinh phí và bố trí, sử dụng. Hiện nay, tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dự bị động viên còn thấp (chiếm 6%) và chủ yếu tập trung vào số quân nhân đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ trở về địa phương. Từ thực tế đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành cơ chế xây dựng tổ chức đảng trong lực lượng này, đồng thời tích cực phát triển đảng viên. Nhờ đó, chất lượng chính trị của lực lượng dự bị động viên có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh phấn đấu đến năm 2018, đơn vị cấp đại đội dự bị động viên có chi bộ, cấp trung đội dự bị động viên có tổ đảng.

Đối với lực lượng dân quân tự vệ, Tỉnh kết hợp kiện toàn về tổ chức biên chế với công tác đào tạo để chuẩn hóa, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ ban chỉ huy quân sự xã (phường, thị trấn) và ban chỉ huy quân sự thuộc các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2010 - 2015, Tỉnh đã mở 121 lớp bồi dưỡng cho 14.975 cán bộ ban chỉ huy quân sự các xã (phường, thị trấn) và ban chỉ huy quân sự thuộc các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với các huyện, xã (phường, thị trấn) trọng điểm, Tỉnh tổ chức xây dựng tiểu đội dân quân thường trực, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ. Các xã thuộc các huyện ven biển và đảo cù lao Xanh, Tỉnh tổ chức xây dựng tiểu đội dân quân biển, phối hợp với các lực lượng: hải quân, biên phòng, ngư dân,… sẵn sàng cơ động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hiện nay, tỷ lệ đảng viên trong dân quân tự vệ là 21%, 100% các chi bộ quân sự trên địa bàn đều có chi ủy, 90% cán bộ xã (phường, thị trấn) được cơ cấu trong cấp ủy địa phương.

Thực hiện thống nhất, đồng bộ các biện pháp trên đã và đang góp phần giúp Bình Định xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá TRẦN THANH SƠN, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.