Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 29/10/2015, 07:51 (GMT+7)
Thực hiện chính sách hậu phương Quân đội ở huyện Lương Tài - kết quả và kinh nghiệm

Những năm qua, bằng trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân sâu sắc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lương Tài đã thường xuyên chăm lo và thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng thụ hưởng chính sách và bồi đắp niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Huyện Lương Tài nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bắc Ninh, có diện tích 101,2 km² với dân số trên 105.000 nhân khẩu. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân trong Huyện đã đóng góp nhiều sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ghi nhận những thành tích đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Lương Tài đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý; trong đó, Huyện và 06 xã được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, 219 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, hơn 6.600 cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến. Trên địa bàn Huyện có 2.219 liệt sĩ, 1.213 thương binh, bệnh binh và gần 270 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị tù đày, v.v.

Những năm gần đây, kinh tế của Huyện tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; ước tính tỷ trọng công nghiệp và xây dựng năm 2015 chiếm 37,7%; tỷ trọng dịch vụ 32,7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 28,3 triệu đồng/người/năm (tăng 40% so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Đó là những điều kiện thuận lợi để Huyện nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xã hội nói chung và chính sách hậu phương Quân đội nói riêng. Bằng các nguồn lực do trên cấp, các đơn vị quân đội hỗ trợ và nguồn huy động, xã hội hóa tại địa phương,... Huyện đã xây dựng, sửa chữa được 138 Nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách; tặng hơn 4.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, cấp gần 2.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân liệt sĩ. Đồng thời, thực hiện tốt nhiều chính sách ưu đãi, như: ưu tiên hỗ trợ vay vốn sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chế độ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe,... tạo điều kiện để gia đình người có công bảo đảm cuộc sống cả về vật chất và tinh thần.

Cùng với đó, Huyện còn thực hiện một số chính sách ưu tiên trong giáo dục, xét tuyển viên chức, bố trí việc làm đối với con liệt sĩ, con thương binh có tỷ lệ thương tật trên 81%. Công tác chăm sóc bố, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu, cô đơn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng được quan tâm; các hoạt động thăm hỏi tặng quà cho thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, hộ nghèo được thực hiện thường xuyên trong dịp các ngày lễ, Tết. Chương trình xây dựng quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được phát triển sâu, rộng; đã huy động được trên 4 tỷ đồng; chỉ tính riêng năm 2015 đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ được hơn 500 triệu đồng. Việc xây dựng, sửa chữa, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công được tiến hành thường xuyên đã thể hiện sâu sắc tính nhân văn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mang ý nghĩa giáo dục thiết thực. Các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng luôn gương mẫu trong các phong trào hành động cách mạng; nhiều gia đình đạt danh hiệu gia đình công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, v.v. Lương Tài là địa phương công nghiệp chưa phát triển, số lượng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn còn ít nên điều kiện để giải quyết việc làm cho người lao động còn khó khăn. Vì thế, Huyện luôn tận dụng các cơ hội, khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho quân nhân phục viên, xuất ngũ, con em các gia đình chính sách. Từ năm 2010 đến 2015, Huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 13.500 lao động; trong đó, có nhiều người là con em của gia đình chính sách.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hậu phương Quân đội ở huyện Lương Tài vẫn còn những hạn chế. Một số cán bộ nhận thức về vị trí, yêu cầu, nội dung và cơ chế thực hiện chính sách chưa thật đầy đủ; sự phối hợp giữa các ban, ngành có lúc chưa thật tốt, v.v. Bên cạnh đó, mặt trái của kinh tế thị trường và nguồn xã hội hóa ở địa phương chưa nhiều cũng tác động không ít đến chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách hậu phương Quân đội; mức độ thụ hưởng vật chất, tinh thần của đối tượng chính sách trong Huyện nhìn chung chưa cao, vẫn còn hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Từ kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế đó, Huyện đã rút ra nhiều kinh nghiệm sâu sắc, làm cơ sở để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện chính sách hậu phương Quân đội. Đó là:

1. Phải coi trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn dân về công tác hậu phương Quân đội, tạo được sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Trước hết, phải tập trung nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, làm cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền cần tập trung làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với công tác hậu phương Quân đội, để mỗi người thấy rõ chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công,... không chỉ là sự hỗ trợ mà được quy định bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ. Cùng với đó, cần coi trọng giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng của dân tộc nói chung và của địa phương nói riêng. Qua đó khơi dậy, phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự tôn vinh, lòng biết ơn những người và gia đình có công với cách mạng; đồng thời, tiếp tục bảo đảm hài hòa các lợi ích vật chất, tinh thần đối với những người có nhiều cống hiến cho cách mạng.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, trách nhiệm của hệ thống chính trị bằng các biện pháp đồng bộ. Thực tiễn cho thấy sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác hậu phương quân đội có ý nghĩa quyết định. Đó là cơ sở để phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của toàn dân, các tổ chức, cá nhân đối với công tác này. Những ngày lễ, Tết, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương, các đồng chí lãnh đạo Huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, đến thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách,... đã thực sự thúc đẩy phong trào, mang lại không khí đầm ấm, niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Kinh nghiệm từ thực tiễn quá trình tổ chức thực hiện ở Lương Tài còn cho thấy, để nâng cao hiệu quả chính sách hậu phương Quân đội, phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, từ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đến sơ kết, tổng kết,... làm cho công tác này trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, cần chú trọng biện pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách. Mặt khác, cần giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở những vấn đề còn bức xúc, tồn đọng và một số vướng mắc trong công tác xác nhận thương binh, liệt sĩ, bệnh binh, v.v.

3. Phát huy vai trò tham mưu của Ban Chỉ huy Quân sự và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Để thực hiện tốt công tác chính sách thì Ban Chỉ huy Quân sự phải phối hợp chặt chẽ với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác này; đồng thời, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, kể cả các hoạt động hướng dẫn, tư vấn về chính sách. Công tác tham mưu phải được tiến hành một cách chủ động, bằng nhiều hình thức để kịp thời phát hiện và giải quyết nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của đối tượng chính sách, phù hợp với tình hình và khả năng của địa phương. Trên cơ sở chính sách chung, có thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền vận dụng để miễn giảm một số loại phí, thuế với đối tượng thụ hưởng chính sách hậu phương Quân đội. Cùng với đó, phải phát huy vai trò của các cơ quan, đoàn thể, như: Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ,... trong tổ chức thực hiện chính sách hậu phương Quân đội. Đồng thời, cần có nhiều biện pháp, hình thức để đa dạng hóa nguồn lực, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách, kết hợp chặt chẽ giữa nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa. Chú trọng quan tâm chăm lo những đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ mà Nhà nước đã quy định và có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại địa phương. Mặt khác, cần xử lý nghiêm minh những tiêu cực, sai sót, những hành vi lợi dụng chế độ, chính sách hậu phương Quân đội để trục lợi bất chính; không để mất công bằng, gây bức xúc trong nhân dân.

4. Thường xuyên duy trì, đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động, tạo động lực và nguồn lực để thực hiện chính sách hậu phương Quân đội. Việc tổ chức thực hiện phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” phải xây dựng thành kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn; thực hiện tốt từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền đến tổ chức thực hiện ở các ngành, các xã, thị trấn. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể tham gia phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”; kết hợp phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” với chương trình “Xóa đói, giảm nghèo” và các dự án, chương trình tình nghĩa, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Trong đó, cần tập trung vào những nội dung cụ thể, như: xóa nhà tạm, dột nát, ổn định sản xuất và đời sống, không để gia đình chính sách rơi vào diện nghèo đói, thiếu sự quan tâm chăm sóc. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác tổng kết, sơ kết, trên cơ sở đó phát hiện, xây dựng và nhân rộng những làng, xã và cá nhân điển hình, làm tốt chính sách hậu phương Quân đội; tăng cường động viên, biểu dương các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên để trở thành những tấm gương điển hình trong công tác, lao động sản xuất.

Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm đã rút ra, huyện Lương Tài tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính sách hậu phương Quân đội, góp phần xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” trong khu vực phòng thủ Huyện vững chắc; xây dựng Huyện giàu về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, vững mạnh về quốc phòng - an ninh, cùng với Tỉnh và cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá NGUYỄN BÁ SƠN, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự Huyện

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.