Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Tư, 08/04/2020, 09:37 (GMT+7)
Thi đua Quyết thắng - nhân tố tạo sức bật trong nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở Trường Quân sự Quân khu 5

Trường Quân sự Quân khu 5 có nhiệm vụ đào tào, bồi dưỡng cán bộ cấp phân đội của Quân khu; bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh cho đối tượng 2 và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; bồi dưỡng, bổ túc cho cán bộ Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia. Hằng năm, Nhà trường tiếp nhận đào tạo, bồi dưỡng trên 45 đối tượng, với lưu lượng trên 4.600 học viên. Trong khi đó, cơ sở vật chất bảo đảm cho dạy học còn nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ, giáo viên tuy được quan tâm xây dựng nhưng một số vẫn chưa đạt chuẩn theo quy định; đối tượng học viên đa dạng nên cũng khác nhau về nhận thức, trình độ, động cơ phấn đấu trong học tập, v.v. Để hoàn thành nhiệm vụ, tạo sức bật trong nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, những năm qua, Nhà trường tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Đại tá Đỗ Thanh Xuân trao thưởng cho các tập thể tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ công tác Nhà trường năm 2019

Yếu tố quan trọng hàng đầu là Nhà trường thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, học viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của thi đua trong nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nói riêng, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện nói chung. Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị tuyên truyền, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về công tác thi đua, khen thưởng1, bằng nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú nhằm xây dựng động cơ thi đua đúng đắn, khơi dậy ý thức tự giác, tính chủ động, sáng tạo, tích cực phấn đấu vươn lên trong mỗi tập thể, cá nhân để giành những thành tích mới trong giáo dục, đào tạo. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phát huy tốt vai trò, nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào Thi đua Quyết thắng, từng cá nhân trên mỗi cương vị, chức trách luôn coi thi đua là nhu cầu tự thân trong suy nghĩ và hành động của mình, với mục tiêu “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”.

Cùng với đó, tập trung đổi mới nội dung, hình thức công tác thi đua, chú trọng xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, thiết thực, bảo đảm tính khả thi cao. Nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị lựa chọn, xác định nội dung thi đua đột phá vào những vấn đề mới, nhiệm vụ khó, khâu yếu, mặt yếu, tạo chuyển biến mạnh mẽ các mặt công tác, như: huấn luyện, nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỷ luật, phương pháp, tác phong công tác trên giảng đường cũng như thao trường, bãi tập, v.v. Đồng thời xác định: phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp, sự chỉ đạo của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên là nhân tố then chốt, quyết định đến việc đổi mới nội dung, hình thức, hiệu quả thi đua của đơn vị và yêu cầu các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị thực hiện tốt quan điểm “4 trực tiếp”2, góp phần cụ thể hóa các nội dung chỉ tiêu thi đua, tăng tính sáng tạo, hiệu quả trong thi đua.

Với phương châm “nhiệm vụ nào thì phong trào ấy”, việc tổ chức thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng của Nhà trường luôn được gắn kết, lồng ghép chặt chẽ với các phong trào, cuộc vận động trong nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, như: thi đua dạy tốt, học tốt; cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, v.v. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực: “Xây dựng nhà trường mẫu mực, chính quy, thân thiện”; “Dạy thực chất, học thực chất, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất”, “Bài giảng ba tiêu chí”, “Tuần học thanh niên”, “Giờ học kiểu mẫu”, v.v. Phương châm: “Vững lý thuyết, chắc thực hành, sát thực tế”, “Giảm lý thuyết, tăng thực hành, lấy người học làm trung tâm”,… dần được hiện thực hóa, trở thành động lực tạo nên bước đột phá vững chắc, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn chú trọng gắn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), xây dựng Nhà trường vững mạnh, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Để phong trào Thi đua Quyết thắng hoạt động có nền nếp, Nhà trường  xây dựng Quy chế công tác thi đua, khen thưởng, Quy chế chấm điểm thi đua sát yêu cầu nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thi đua, tổ thi đua các cấp. Đồng thời, rà soát, bổ sung các quy chế này cho thống nhất với quy chế giáo dục, đào tạo, bảo đảm tính bao quát, cụ thể, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của Nhà trường. Đối với quy chế thi đua của từng cấp, Nhà trường yêu cầu phải cụ thể, rõ ràng, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; bao trùm toàn bộ nội dung, chỉ tiêu, kết quả đạt được của từng tập thể, cá nhân, làm cơ sở để đánh giá, nhận xét, khen thưởng, bảo đảm toàn diện, chặt chẽ, khách quan, đúng thực chất; tạo động lực trong thi đua và khắc phục được tình trạng chủ quan, cảm tính, áp đặt. Kịp thời kiện toàn hội đồng, tổ thi đua các cấp đủ thành phần, vận hành đồng bộ, nền nếp, hiệu quả; chất lượng công tác kiểm tra, chấm điểm thi đua hằng ngày, tuần, tháng, quý theo phân cấp vì thế được nâng lên. Việc sắp xếp các khối thi đua bảo đảm tương đồng về tính chất nhiệm vụ, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, bình xét thi đua.

Nhà trường luôn coi trọng công tác kiểm tra, duy trì nghiêm nền nếp thi đua; kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra của Hội đồng (tổ) thi đua với kiểm tra thường xuyên hoặc theo định kỳ của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Đây là biện pháp quan trọng để thúc đẩy phong trào thi đua phát triển, ngày càng có chiều sâu; kịp thời động viên, khích lệ, phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố tốt và chấn chỉnh, uốn nắn những thiếu sót, khuyết điểm; khắc phục các biểu hiện ganh đua, giấu khuyết điểm hoặc thi đua nửa vời, hình thức, v.v. Đồng thời, thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, bình xét, khen thưởng, bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, khách quan, công bằng, thực chất, đúng người, đúng việc; không vì số lượng hoặc chạy theo chỉ tiêu mà hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí, tránh hiện tượng “cào bằng” trong bình xét, khen thưởng. Lấy kết quả thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng làm cơ sở để đánh giá, phân loại kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng tổ chức và cá nhân. Nhờ đó, đã tạo được sức bật mới trong thi đua, thúc đẩy từng tập thể, cá nhân ra sức phấn đấu vươn lên để ngày càng hoàn thiện mình hơn, giành được thành tích cao hơn trong học tập, công tác.

Chú trọng phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến là một trong những biện pháp quan trọng để phong trào Thi đua Quyết thắng của Nhà trường có sức lan tỏa mạnh mẽ; thực sự là động lực để từng tập thể, cá nhân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Để làm được điều đó, Nhà trường đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí của tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến làm mục tiêu cho từng tập thể, cá nhân phấn đấu, làm cơ sở phát hiện bình xét, khen thưởng có chất lượng và hiệu quả. Các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng phải là những tấm gương thực sự tiêu biểu, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khó, phức tạp, lập được thành tích xuất sắc. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng, cổ vũ gương “người tốt, việc tốt”, giữ vững những hạt nhân làm ngọn cờ đầu, có sức lan tỏa để dẫn dắt, lôi cuốn, động viên, khích lệ mọi người phấn đấu học tập và làm theo. Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo quyền lợi, động viên, cổ vũ các điển hình tiên tiến phấn đấu, rèn luyện và phát triển vững chắc.

Từ động lực của phong trào Thi đua Quyết thắng, công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường đạt nhiều kết quả tốt, ngày càng vững chắc. Nổi bật là: Nhà trường thực hiện chuẩn hóa từng bước nội dung, chương trình gắn với đổi mới phương pháp dạy học, phù hợp với từng đối tượng; quy chế giáo dục, đào tạo, quy chế thi, kiểm tra được bổ sung, hoàn thiện; công tác quản lý, điều hành kế hoạch huấn luyện nhạy bén, linh hoạt; bài giảng 3 tiêu chí3 được phát huy; biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo ở một số nội dung và đối tượng học viên được hiện thực hóa. Tích cực triển khai việc biên soạn ngân hàng đề thi, đáp án; bảo đảm dân chủ, công khai trong dạy học; đánh giá kết quả người học đúng thực chất. Kết quả tốt nghiệp của các đối tượng: 100% đạt yêu cầu, có trên 92% khá, giỏi; học viên nắm chắc hệ thống kiến thức cơ bản, đủ năng lực vận dụng sáng tạo kiến thức vào quá trình thực hiện nhiệm vụ theo chức trách được giao; năng lực thực hành của đối tượng đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, đối tượng đào tạo, bổ túc, chuyển loại sĩ quan dự bị được nâng lên rõ rệt. Khảo sát chất lượng học viên sau khi ra trường ở các đơn vị cho thấy, có trên 95% hoàn thành được nhiệm vụ trên cương vị theo mục tiêu đào tạo (trong đó có trên 80% hoàn thành khá và tốt). Công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng đạt được những thành tích đáng khích lệ4, đưa vào ứng dụng, nhân rộng trong thực tế đem lại hiệu quả cao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng lên, có 79 lượt giáo viên và 23 lượt cán bộ đạt danh hiệu Giáo viên, Cán bộ giỏi cấp Nhà trường, 07 đồng chí đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp Bộ, 06 đồng chí đạt danh hiệu Nhà giáo giỏi cấp Bộ. Nhiều năm liền, Nhà trường đạt Đơn vị huấn luyện giỏi; có 06 lượt tập thể và 05 cá nhân được Bộ Quốc phòng và Quân khu tặng Bằng khen trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.

Kết quả trên là động lực để cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Trường Quân sự Quân khu 5 đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, vượt qua khó khăn, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện.

Đại tá ĐỖ THANH XUÂN, Chính ủy Nhà trường
_________________

1 - Nhất là Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Chỉ thị số 507-CT/QUTW, ngày 28/7/2014 “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, Thông tư số 151/2018/TT-BQP ngày 12/10/2018 của Bộ Quốc phòng “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, v.v.

2 - 4 trực tiếp: 1. Trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch; 2. Trực tiếp tổ chức phát động thi đua; 3. Trực tiếp kiểm tra đôn đốc; 4. Trực tiếp đánh giá nhận xét, khen thưởng.

3 - 3 tiêu chí: 1. Giảng bài bằng phương pháp nêu vấn đề; 2. Giáo án điện tử; 3. Khái quát từng phần và toàn bài bằng sơ đồ tư duy.

4 - Từ năm 2013 - 2019, Nhà trường có 04 đề tài cấp Bộ, 04 đề tài cấp Quân khu, 14 đề tài cấp Nhà trường; 50 sáng kiến, cải tiến được công nhận cấp cơ sở, 01 sáng kiến được công nhận cấp Bộ, 01 sáng kiến đạt giải Ba “Sáng tạo trẻ” của Binh chủng Thông tin liên lạc; biên soạn 88 giáo trình, tài liệu.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.