Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 19/10/2015, 07:53 (GMT+7)
Thành phố Cần Thơ tập trung xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ có vị trí chiến lược cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Ý thức rõ điều đó, những năm qua, cùng với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, Thành phố luôn chăm lo xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Họp Thường vụ Thành ủy mở rộng ra chỉ thị lãnh đạo địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong Diễn tập khu vực phòng thủ 2013. (Ảnh: qdnd.vn)

Kết quả nổi bật trong xây dựng khu vực phòng thủ của Thành phố là: các tiềm lực của khu vực phòng thủ được tăng cường, thế trận quân sự được xây dựng phù hợp với đặc điểm địa bàn, có chiều sâu ngày càng vững chắc; sự kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh ngày càng chặt chẽ. Cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được vận hành hiệu quả; lực lượng vũ trang địa phương được xây dựng vững mạnh, có chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, v.v. Kết quả trên là tiền đề quan trọng để Thành phố tiếp tục đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ và xuất phát từ đặc điểm, tính chất địa bàn, thành phố Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ, trọng tâm là xây dựng các tiềm lực và trước hết là tiềm lực chính trị - tinh thần của khu vực phòng thủ. Để tăng cường tiềm lực quan trọng này, Thành phố coi trọng thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Với chức năng là cơ quan thường trực, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố thường xuyên tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình, đối tượng, giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp. Đồng thời, đề xuất các biện pháp kiện toàn hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp đủ số lượng, đúng thành phần; bổ sung quy chế hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong 05 năm qua, Thành phố đã có 305 cán bộ đối tượng 1, 2 và 28.415 cán bộ đối tượng 3, 4, 5 hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định. Ngoài ra, Thành phố chú trọng mở rộng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, chức việc các tôn giáo; cán bộ, giảng viên các trường đại học; phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí; đội ngũ văn nghệ sĩ, v.v. Năm 2011, Thành phố phối hợp với Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương mở 02 lớp cho 179 tăng sinh của Học viện Phật giáo Nam tông Khơmer; 02 lớp cho 326 chủng sinh Đại chủng viện Thánh quý Cần Thơ. Đây là lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh trong các học viện tôn giáo đầu tiên của cả nước. Nhờ thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh nên đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, Thành phố đã phát huy vai trò của các ngành chức năng trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng. Lực lượng vũ trang Thành phố tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, v.v. Nổi bật trong hoạt động này là mô hình “Tết quân dân” do Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố tổ chức. Hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố xây dựng kế hoạch, lựa chọn một số ấp ở các xã vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo,... còn nhiều khó khăn, đưa bộ đội về cùng ăn, cùng ở, cùng chuẩn bị đón Tết cổ truyền với nhân dân. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành tuyên truyền, giáo dục chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; kiến thức pháp luật, phong tục tập quán của địa phương và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nhân dân, v.v. Đồng thời, tích cực vận động các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, nhân lực, vật lực, tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, xây dựng nhà Đại đoàn kết, v.v. Qua 08 năm triển khai thực hiện mô hình “Tết quân dân”, Thành phố đã huy động được trên 81 tỷ đồng, tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 23.795 người dân, xây dựng được 229 nhà Đại đoàn kết, nhà Đồng đội, bê tông hóa gần 20 km đường giao thông nông thôn,… mang đến cho đồng bào những cái Tết thực sự đầm ấm, nghĩa tình, góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Hiện nay, Thành phố đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục mở rộng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Từ vị trí, tiềm năng và kinh nghiệm qua 30 năm đổi mới, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh được Thành phố chủ động triển khai ngay trong chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và của từng sở, ban, ngành, địa phương. Trong quá trình thực hiện, Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp chặt chẽ với Công an và các sở, ban, ngành, tham mưu đối với Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố thẩm định về mặt quốc phòng - an ninh theo chức năng. Đến nay, Thành phố đã quy hoạch 08 cụm công nghiệp tập trung, trong đó 06 cụm đã đi vào hoạt động, với các ngành mũi nhọn là công nghiệp đóng tàu, cơ khí chế tạo, chế biến lương thực, thực phẩm,… bảo đảm vừa phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ quốc phòng, quân sự khi chiến tranh xảy ra. Do đặc điểm địa hình vùng đồng bằng sông nước, dễ bị chia cắt, Thành phố đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút vốn, tập trung xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng; trong đó, coi trọng nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông thủy, hệ thống cầu, đường bộ và đường hàng không gắn với quy hoạch các cụm dân cư, khu vực quy hoạch xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ. Bằng sự nỗ lực của địa phương, sự hỗ trợ của Trung ương, Thành phố đã hoàn thành xây dựng cầu Cần Thơ, cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui, các tuyến đường Bốn Tổng Một ngàn, quốc lộ 61B, 91B, đường Võ Văn Kiệt, đường Nam sông Hậu, đường Quang Trung, tỉnh lộ 921, 923, 926, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ,... góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; đồng thời, tạo sự liên hoàn trong thế trận phòng thủ của Thành phố và giữa Thành phố với các địa phương trên địa bàn Quân khu 9. Các hoạt động y tế, bưu chính viễn thông đều tính đến nhu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ cho hoạt động dân sinh thời bình, nhưng sẵn sàng động viên phục vụ nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiềm lực quân sự trong khu vực phòng thủ, thời gian qua Thành phố luôn quan tâm xây dựng lực lượng của khu vực phòng thủ, trọng tâm là xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, làm nòng cốt trong mọi hoạt động quân sự, quốc phòng. Thành phố chú trọng xây dựng lực lượng thường trực vững mạnh, trước hết là vững mạnh về chính trị, tư tưởng; có số lượng hợp lý, được tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng quận, huyện; thường xuyên duy trì huấn luyện, diễn tập theo kế hoạch. Thực hiện Kết luận 41 của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên trong tình hình mới”, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố đã tham mưu giúp Thành ủy ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”. Theo đó, lực lượng dự bị động viên được xây dựng theo phương châm “gần, gọn địa bàn”, “quân đâu, cán đó”, bảo đảm sắp xếp đủ biên chế cho các đơn vị theo kế hoạch và quản lý chặt chẽ phương tiện, vật tư, kỹ thuật, sẵn sàng động viên khi cần thiết. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng “tinh gọn, chất lượng, hiệu quả” và “xây dựng đến đâu, chắc đến đó”. Hiện nay, lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,32% so với dân số; trong đó, đảng viên là dân quân đạt 15,87%, tự vệ đạt 46,64%. Ngoài lực lượng theo quy định, Thành phố còn tổ chức, duy trì hoạt động của các tiểu đội dân quân thường trực cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý là, hiện nay Thành phố có 85/85 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn (trong đó 78/85 chi bộ quân sự xã có chi ủy, đạt 91,76%); đã xây dựng được 112 ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức. Lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ thực sự làm nòng cốt trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở.

Hằng năm, Thành phố thường xuyên điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống văn kiện, kế hoạch tác chiến, kế hoạch động viên quốc phòng, phòng không nhân dân, phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và tổ chức huấn luyện, diễn tập chặt chẽ, đúng quy định. Trong đó, Thành ủy chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo, trọng tâm là vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức hoạt động trong khu vực phòng thủ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ năm 2010 đến nay, Thành phố đã chỉ đạo 100% các quận, huyện, cụm xã, phường diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu trị an và diễn tập phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn. Qua diễn tập, trình độ tổ chức, điều hành hoạt động khu vực phòng thủ của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ Thành phố.

Cùng với đó, Thành phố đẩy mạnh xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Trên cơ sở Đề án “Xây dựng khu vực phòng thủ Thành phố giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, Đề án “Bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030”, Quy hoạch quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và kế hoạch xây dựng thế trận quân sự đã được phê duyệt, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố kết hợp sử dụng nguồn ngân sách của địa phương và các nguồn huy động để đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng theo lộ trình mà đề án đã xác định. Đến nay, Thành phố đã hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quản lý có hiệu quả diện tích đất hiện có; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm trong căn cứ hậu phương, căn cứ chiến đấu, như: sở chỉ huy thống nhất, trận địa hỏa lực, cụm kho hậu cần, kỹ thuật, v.v. Phấn đấu mỗi quận, huyện đầu tư quy hoạch 02 - 03 ha đất để xây dựng khu vực phòng thủ bằng nguồn ngân sách địa phương. Ngoài ra, Thành phố chú trọng cải tạo, củng cố các công trình quân sự, địa hình có giá trị,... tăng cường tiềm lực, thế trận quân sự khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, ThS. NGUYỄN TUẤN KHANH, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy

Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.