Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:49 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn 5 còn tích cực khai thác các tiềm năng sẵn có để đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, phát triển kinh tế. Việc làm đó đang mở ra xu hướng về kết hợp quốc phòng với kinh tế ở một đơn vị chủ lực.
Hiện nay, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) đã và đang chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của đơn vị, địa phương để tổ chức các mô hình sản xuất tập trung và cải tạo đất hoang, trồng rừng trên tuyến biên giới. Hiệu quả từ việc làm đó không chỉ mang lại nguồn thu có giá trị thiết thực để cải thiện và nâng cao đời sống của bộ đội, bổ sung kinh phí cho huấn luyện, xây dựng doanh trại, tạo cảnh quan môi trường, mà còn có giá trị về quốc phòng, tăng độ che phủ trận địa và củng cố căn cứ hậu cần - kỹ thuật của đơn vị... Những đơn vị tổ chức sản xuất tập trung, có đầu tư về vốn và khoa học kỹ thuật, đang tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, từng bước hòa nhập với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Sư đoàn cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng của cấp trên và địa phương nghiên cứu, đầu tư để việc tham gia phát triển kinh tế của Sư đoàn đạt được hiệu quả cả về kinh tế và quốc phòng.
Là một đơn vị thường trực, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) trên địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh của Quân khu, Sư đoàn 5 đóng quân trên địa bàn có các tuyến đường giao thông thủy - bộ, vừa thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ cơ động lực lượng, huấn luyện SSCĐ,... vừa tiện trong giao thương, lưu thông với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ. Nắm vững chức năng của Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân lao động sản xuất và đội quân công tác, cùng truyền thống tự lực tự cường của đơn vị, với khẩu hiệu: “Có đất là có ăn, sản xuất cũng là một mũi tiến công” trong những năm tháng chiến tranh, Sư đoàn đã và đang đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, phát triển kinh tế phù hợp, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; đồng thời, tạo cơ sở cho việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Không chỉ tận dụng tiềm năng và lợi thế về đất đai, Sư đoàn còn tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các đơn vị kết nghĩa, các cơ quan chuyên môn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên - Môi trường) để tư vấn về quy hoạch, cải tạo mặt bằng, thổ nhưỡng, cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác; đồng thời, tổ chức bộ đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế đúng quy định.
Hiện tại, Sư đoàn đang tập trung đầu tư phát triển các khu sản xuất trên diện tích mặt đất, mặt nước trống, hình thành nhiều khu tăng gia, sản xuất tập trung. Sản phẩm thu hoạch của đơn vị trong những năm gần đây rất lớn; số lượng duy trì gối đầu thường xuyên gần 3.000 con heo thịt, 150 heo nái, 150 con trâu bò, 60 con dê và trên 10.000 con gia cầm; sản lượng cá bình quân đạt 370 tấn/năm; rau, củ, quả đạt 15 kg/người/tháng. Riêng các khu sản xuất tập trung và các bếp ăn còn đẩy mạnh khâu chế biến, như: làm đậu phụ, giá đỗ, bún, dưa, các loại giò, chả... Việc chế biến tại chỗ không chỉ giảm được giá thành, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, mà còn tận dụng được nguyên liệu dư thừa để phát triển chăn nuôi. Từ năm 2009 đến nay, Sư đoàn đã tự bảo đảm được 100% nhu cầu rau, củ, quả; đối với thịt heo, bò đạt 94% (năm 2010), 98,8% (năm 2011) và 106% trong 6 tháng đầu năm 2012. Hàng vạn cây ăn quả thu hoạch mỗi năm trên 70.000 tấn. Từ năm 2011 Sư đoàn bắt đầu khai thác 50 ha cao su, mỗi tháng thu hàng trăm triệu đồng. Nhiều sản phẩm của đơn vị đã trở thành hàng hóa, từng bước tham gia thị trường tại địa phương. Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, Sư đoàn thu lợi nhuận từ sản xuất, dịch vụ mỗi năm đạt gần 10 tỷ đồng. Trong thời gian tới, khi số vườn cây cao su còn lại đưa vào khai thác, lợi nhuận sẽ còn tăng lên đáng kể.
Cùng với các khu sản xuất tập trung, Sư đoàn còn phát huy hiệu quả của Nhà máy xay, xát lúa gạo công suất 1,5 tấn/giờ1. Ngoài việc cung cấp đủ nhu cầu gạo cho Sư đoàn và một số đơn vị trên địa bàn, với giá rẻ hơn thị trường từ 5 - 10% (do tổ chức thu mua thóc tận gốc), Nhà máy còn đáp ứng đủ nhu cầu chất đốt cho các bếp và lượng lớn cám cho chăn nuôi (tương đương 500 triệu đồng/năm). Hệ thống bếp ăn của các đơn vị được cải tiến, có thể tận dụng củi khô sẵn có để vừa tiết kiệm, vừa vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan. Cùng với việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong sử dụng điện, nước, xăng dầu và chất đốt, Sư đoàn còn chỉ đạo các đơn vị chuyển đổi một số cây trồng có sức chịu đựng cao trong mùa khô (cỏ lạc) để tiết kiệm công chăm sóc và điện phục vụ tưới, tiêu. Với cách làm đó, mỗi năm Sư đoàn tiết kiệm được gần 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Sư đoàn duy trì hoạt động một xưởng làm nước đá sạch cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong vùng, mỗi tháng góp vào quỹ đơn vị hàng chục triệu đồng. Quan trọng hơn là, việc tham gia phát triển kinh tế của Sư đoàn đang ngày càng thể hiện rõ nét sự kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế ở một đơn vị chủ lực.
Sư đoàn 5 có vai trò quan trọng trong thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn Quân khu và đối với khu vực phòng thủ các tỉnh (thành phố), nơi Sư đoàn đóng quân và hoạt động. Điều đó đòi hỏi Sư đoàn phải không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng SSCĐ để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Để góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, ngoài nguồn lực bảo đảm của cấp trên, hằng năm Sư đoàn còn trích 25% lợi nhuận tăng gia, sản xuất đầu tư cho huấn luyện. Năm 2011, Sư đoàn trích 1,5 tỷ đồng đầu tư cho nhiệm vụ huấn luyện và xây dựng chính quy (làm các mô hình, học cụ, bia bảng, dây phơi, bàn lau súng, giá để giày, sửa chữa thao trường, bãi tập và mở rộng đường tập đội ngũ, làm mới sân bê tông tập điều lệnh...) Riêng 6 tháng đầu năm 2012, Sư đoàn đã đầu tư 512 triệu đồng để làm mới các học cụ phục vụ huấn luyện; 220 triệu đồng để tổ chức hội thao quân sự từ cấp cơ sở đến cấp Sư đoàn; đồng thời, duy trì kinh phí bảo đảm cho đội tuyển tập luyện tham gia hội thao cấp Quân khu. Lợi nhuận từ việc tham gia phát triển kinh tế còn được Sư đoàn trích hàng tỷ đồng đưa vào bữa ăn để chăm sóc sức khỏe bộ đội2. Cũng từ quỹ sản xuất, các đơn vị đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi năm để mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa - tinh thần, giao lưu kết nghĩa; đầu tư cho Phòng Hồ Chí Minh, xây dựng các câu lạc bộ quân nhân, “công viên quân nhân” cấp trung đoàn, với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, có các nhà chòi, ghế đá, thảm cỏ, cây cảnh các loại theo mô hình “xanh - sạch - đẹp”...
Bên cạnh đó, Sư đoàn còn thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội. Năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, Sư đoàn đã triển khai xây dựng 16 căn Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng). Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương vành đai khu vực đóng quân hỗ trợ giúp đỡ 162 hộ nghèo hơn chục tấn gạo và hàng chục triệu đồng. Hằng năm, đơn vị còn tổ chức đón tiếp hàng trăm ngàn lượt người gia đình quân nhân, khách tham quan, đơn vị kết nghĩa, địa phương nơi đóng quân. Qua đó, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh, quốc phòng nơi đóng quân, tăng cường mối quan hệ đoàn kết truyền thống “quân với dân một ý chí”; khích lệ, động viên thanh niên tích cực tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự và tình nguyện phục vụ quân đội lâu dài. Đó chính là yếu tố quan trọng, góp phần không nhỏ trong kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng ở đơn vị thường trực làm nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ.
Trong thời gian tới, Sư đoàn tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch hợp lý diện tích đất đai sử dụng cho các mục đích để vừa bảo đảm hiệu quả cho sản xuất, phát triển kinh tế, vừa gắn với an ninh, quốc phòng. Trong đó, Sư đoàn ưu tiên dành diện tích đất đai cho thao trường, bãi tập; quan tâm trồng các loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để mang lại hiệu quả kinh tế cao kết hợp với bảo đảm ngụy trang, che phủ trận địa. Trên cơ sở đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống lãnh đạo, chỉ huy các cấp và các lực lượng; tổ chức sản xuất phù hợp với thế mạnh của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng phương pháp chuyên gia, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương, của cấp trên và các đơn vị kết nghĩa,... để việc sản xuất, phát triển kinh tế ở đơn vị chủ lực ngày càng có hiệu quả thiết thực.
Đại tá NGUYỄN VĂN HOÀNG
Sư đoàn trưởng
1 - Nhà máy xay, xát của Sư đoàn được triển khai xây dựng, lắp ráp và đưa vào hoạt động từ năm 1993.
2 - Từ năm 2011 đến nay, Sư đoàn đã đưa vào ăn thêm cho bộ đội gần 9,5 tỷ đồng, tăng 210% so với năm 2005.
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm