Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:56 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quan trọng này theo phương châm “coi trọng chất lượng, hiệu quả, tuyển người nào chắc người đó”.
Đại tá Đào Tuấn Anh tặng quà động viên thanh niên trước ngày lên đường nhập ngũ (Ảnh: baothaibinh.com.vn)
Ý thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (sau đây gọi chung là công tác tuyển quân), trên cơ sở nắm chắc đặc điểm tình hình, chỉ tiêu nhiệm vụ, hằng năm, tỉnh Thái Bình đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ tuyển quân. Từ năm 2011 đến nay, thực hiện Thông tư 167/2010/TT-BQP, ngày 20-11-2010 của Bộ Quốc phòng, toàn Tỉnh có 17.650 công dân nhập ngũ (đạt 100% so với chỉ tiêu trên giao); trong đó, số công dân có sức khỏe loại 1 và loại 2 chiếm 78,3%; trình độ văn hóa được nâng lên, có 63,8% tốt nghiệp trung học phổ thông và 36,2% tốt nghiệp trung học cơ sở. Riêng năm 2015, toàn Tỉnh có 10,1% công dân nhập ngũ có trình độ cao đẳng, đại học; 100% tân binh đều tự giác, tích cực rèn luyện, không có trường hợp đào bỏ ngũ, vi phạm kỷ luật, được các đơn vị đánh giá cao.
Để đạt được kết quả đó, trước hết, cơ quan quân sự các cấp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhiều chủ trương, giải pháp đúng, trúng, phù hợp với thực tiễn địa phương, cơ sở. Hằng năm, bám sát quyết định, chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân khu 3, hướng dẫn của cơ quan cấp trên về công tác tuyển quân, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyển quân; kiện toàn hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp, đảm bảo đủ về số lượng, có cơ cấu, thành phần phù hợp, đúng quy định. Khi có chỉ tiêu giao quân, Bộ Chỉ huy Quân sự chủ động tham mưu cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự Tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyển quân; biên soạn, ban hành tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng thống nhất về quy trình, phương pháp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác tuyển quân các cấp.
Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự còn tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lập kế hoạch, phân công các đồng chí trong cấp ủy, ủy viên ủy ban nhân dân trực tiếp kiểm tra công tác tuyển quân (03 tháng/01 lần), tập trung vào các địa phương gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, phối hợp với các sở: Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chức năng, cán bộ nội chính xã, phường, thị trấn rà soát, đánh giá, phân loại chất lượng chính trị, sức khỏe, trình độ văn hóa,... công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nâng cao chất lượng công tác tuyển quân trong toàn Tỉnh.
Là tỉnh đồng bằng, Thái Bình có mật độ dân số đông, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, nên tỉ lệ công dân trong độ tuổi đi làm ăn xa khá đông, có huyện lên tới trên 60%, như các huyện: Vũ Thư, Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ. Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, Tỉnh chỉ đạo hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp làm tốt công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; tổ chức sơ tuyển, khám tuyển chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đồng nghĩa vụ quân sự các huyện (thành phố), xã (phường, thị trấn) phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương rà soát, lập danh sách thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; phân loại, xác định rõ đối tượng đủ điều kiện gọi nhập ngũ, tổ chức sơ tuyển, khám tuyển theo đúng luật định. Để đảm bảo không có sai sót và tạo sự đồng thuận cao từ chính quyền đến các hộ dân, việc “bình cử” được tiến hành dân chủ, công khai, công bằng từ khu phố, thôn, xóm; danh sách đăng ký nam thanh niên độ tuổi 17, độ tuổi từ 18 đến hết 25 (đến hết 27 tuổi với thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học), danh sách khám tuyển nghĩa vụ quân sự, danh sách tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ,... được thông báo công khai trên hệ thống truyền thanh xã. Sau sơ tuyển, hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, phường, thị trấn tổ chức cho gia đình và thanh niên đủ tiêu chuẩn ký cam kết khám tuyển theo đúng ngày, giờ quy định.
Rút kinh nghiệm những năm đầu thực hiện Thông tư 167, chất lượng khám sức khỏe và thực hiện “3 gặp, 4 biết” của một số địa phương chưa thật tốt, tình trạng quân số di biến động, không đủ tiêu chuẩn sức khỏe, phải bù đổi nhiều sau khi xuống lệnh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo tăng cường trang thiết bị y tế hiện đại (máy siêu âm, điện tim, máy đo thị lực, xét nghiệm HIV, ma túy,...); tổ chức tuyển chọn, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ khám tuyển. Quá trình khám tuyển, hội đồng nghĩa vụ quân sự, hội đồng khám sức khỏe thực hiện theo đúng Thông tư liên tịch 36/2011/TTLT-BYT-BQP, ngày 17-10-2011 của liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng. Tỉnh chỉ đạo các địa phương hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị nhận quân, nhất là các đơn vị có chỉ tiêu “3 gặp, 4 biết” thường xuyên trao đổi thông tin, nghiên cứu kỹ hồ sơ công dân nhập ngũ, nắm chắc tình hình và quản lý chặt chẽ số thanh niên trúng tuyển. Các huyện, thành phố phân công cán bộ phụ trách, cùng với hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, phường, thị trấn trực tiếp xét duyệt, tuyển chọn và chịu trách nhiệm về chất lượng của từng thanh niên đến khi giao quân, v.v. Nhờ đó, từ năm 2013 đến nay, toàn Tỉnh không có trường hợp tân binh không đủ tiêu chuẩn, phải bù đổi.
Cùng với làm tốt công tác quản lý, đăng ký, sơ tuyển, khám tuyển, Tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự. Để đạt hiệu quả cao, Tỉnh chỉ đạo các địa phương kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục thường xuyên với tổ chức các đợt cao điểm trong mùa tuyển quân. Theo đó, một mặt các địa phương chủ động lồng ghép, đưa các nội dung Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Dự bị động viên,... vào chương trình giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; phổ biến kiến thức pháp luật toàn dân, v.v. Mặt khác, khi có chỉ tiêu giao quân, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh,... chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Nghĩa vụ Quân sự, truyền thống quê hương “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,... trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, hội trại truyền thống, nói chuyện chuyên đề, viếng Đài Liệt sỹ, trồng cây lưu niệm,... nhằm động viên, khuyến khích thanh niên tự giác thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của người công dân đối với Tổ quốc.
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự sửa đổi năm 2015, nên trong quá trình tổ chức thực hiện không tránh khỏi lúng túng, nhất là các địa phương vừa giao quân đợt 2 năm 2015. Trước thực tế đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác tăng cường xuống các xã, thị trấn; đồng thời, đến từng gia đình có thanh niên trong diện gọi nhập ngũ trực tiếp tuyên truyền, giáo dục, động viên gia đình gọi thanh niên đi làm ăn xa về thực hiện nghĩa vụ quân sự. Với địa bàn có đông dân cư theo đạo, Tỉnh chú trọng mở rộng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, phát huy vai trò của đội ngũ này trong tuyên truyền, vận động con em giáo dân thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự. Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tích cực tổ chức bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho đoàn viên ưu tú trước khi lên đường nhập ngũ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thanh niên với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tạo nguồn cán bộ cho địa phương, cơ sở sau khi hoàn thành thời gian phục vụ tại ngũ. Bên cạnh đó, Tỉnh chỉ đạo các địa phương xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Nghĩa vụ Quân sự, nâng cao hiệu quả giáo dục, răn đe. Bằng các biện pháp đồng bộ đó, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về công tác tuyển quân có bước chuyển biến tích cực, chất lượng tuyển quân được nâng lên đáng kể. Năm 2016, toàn Tỉnh có 497 thanh niên tình nguyện nhập ngũ, đạt 17,14% so chỉ tiêu giao quân; thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học đạt 17,72%; có 1.100 đoàn viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng trước khi nhập ngũ.
Cùng với các biện pháp trên, Tỉnh đặc biệt coi trọng công tác chính sách. Hằng năm, Ủy ban nhân dân Tỉnh trích một phần ngân sách địa phương để bảo đảm cho công tác tuyển quân; đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể huy động, bố trí kinh phí, tổ chức thăm hỏi, tặng sổ tiết kiệm cho thanh niên nhập ngũ. Cơ quan quân sự các cấp thường xuyên quan tâm thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình có quân nhân đang phục vụ tại vùng biên giới, hải đảo dịp lễ, Tết; tích cực tạo nguồn xây nhà “Nghĩa tình đồng đội”; mua thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân quân nhân đang phục vụ trong Quân đội, v.v. Tỉnh còn chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm tích cực tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự; đồng thời, ưu tiên tuyển chọn, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ của địa phương, cơ sở. Trong 05 năm (2011 - 2015), toàn Tỉnh có 296 đồng chí hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ trở về tham gia công tác địa phương, với các chức danh, như: chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn; trung đội trưởng dân quân cơ động; thôn đội trưởng, bí thư chi bộ thôn. Các địa phương đã tuyển chọn, cử 80 đồng chí đi học trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chính trị, năng lực thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, cơ sở.
Kết quả và kinh nghiệm trên là cơ sở quan trọng để tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển quân trong thời gian tới, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá ĐÀO TUẤN ANH, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
Thái Bình,tuyển quân
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm