Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:38 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) có nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (SX,KD) và bảo đảm mạng lưới thông tin phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; trong đó, ngành nghề kinh doanh chính là bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Tập đoàn đã tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); góp phần giữ vững và phát triển tiềm lực quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám đốc (BGĐ) Tập đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra chủ trương, chiến lược phát triển phù hợp, đúng đắn; tổ chức thực hiện kiên quyết, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, tạo lợi thế so sánh để phát triển trong cơ chế thị trường. Những năm gần đây, mặc dù kinh doanh trong điều kiện thế giới và khu vực chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng về tài chính, kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, luôn phải cạnh tranh quyết liệt để tồn tại, nhưng Tập đoàn vẫn giữ vững quan điểm là phải “có trước, có sau”, “SX,KD luôn gắn với các hoạt động xã hội”; chủ động giúp dân xóa đói giảm nghèo; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, “đền ơn đáp nghĩa”, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới… Các công ty của Tập đoàn đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, biến khó khăn thành lợi thế để phát triển và khẳng định thương hiệu. Có thể nói, mạng lưới viễn thông của Tập đoàn đi đến đâu, thì công tác dân vận và các hoạt động xã hội được triển khai đến đó. Điều này thể hiện rõ nét ở đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các huyện nghèo mà Tập đoàn giúp đỡ có nhiều thay đổi; tình cảm giữa cán bộ, nhân viên, người lao động của Tập đoàn với nhân dân địa phương ngày thêm gắn bó.
Nét nổi bật trong công tác dân vận, thực hiện các chính sách xã hội của Tập đoàn thời gian qua là nhiệm vụ tham gia hỗ trợ, nâng cao hiệu quả giúp dân xóa đói giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ “Về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo”, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức sống người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống… Xác định đây là một chương trình có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, nên Đảng ủy, BGĐ Tập đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc, đề ra các chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn được phân công. Việc giúp các địa phương xóa đói giảm nghèo vừa là tình cảm, trách nhiệm, vừa thể hiện tính xã hội cao trong hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Để chương trình hỗ trợ mang lại hiệu quả thiết thực, Tập đoàn tổ chức nghiên cứu những tiêu chí về huyện nghèo mà Nghị quyết 30a đã xác định; tiến hành khảo sát, nắm vững đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội và nhu cầu của các huyện mà Tập đoàn đảm nhiệm hỗ trợ; đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, người lao động trong tiến hành công tác dân vận và đẩy mạnh các hoạt động xã hội. Đảng ủy, BGĐ Tập đoàn yêu cầu: trong hoạt động SX,KD phải lấy “chữ tín” làm đầu; mở rộng, phát triển sản xuất phải đi đôi với giữ vững thương hiệu; việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ phải nằm trong chương trình tổng thể hoạt động của Tập đoàn; quá trình tiến hành phải lập kế hoạch chi tiết, cụ thể, phân công trách nhiệm cho các tổ chức, lực lượng, chi nhánh tại các địa phương, bảo đảm vừa phát huy được năng lực, hiệu quả SX,KD, vừa đáp ứng được nhu cầu thiết thực, chính đáng của những huyện nghèo mà Tập đoàn hỗ trợ. Trên cơ sở đó, Tập đoàn có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp với tính chất, đặc thù, khả năng, thế mạnh của từng địa phương và doanh nghiệp; đáp ứng mục đích mà Nghị quyết 30a đề ra, mang lại hiệu quả bền vững, thiết thực đối với người dân. Đồng thời, khắc phục những biểu hiện chỉ coi trọng lợi nhuận, mở rộng SX,KD mà không mấy quan tâm đến các hoạt động xã hội; hoặc thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân các huyện nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, v.v.
Theo sự phân công của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Tập đoàn đảm nhận giúp đỡ huyện Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa) và huyện Đăk-Rông (Quảng Trị). Đây là những địa phương nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước, điều kiện KT-XH, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ các huyện này được thực hiện trên cơ sở Đề án phát triển KT-XH nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững các huyện nghèo (giai đoạn 2009 - 2020) của địa phương; theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm sự đồng bộ, không tạo ra sự khác biệt với đa số dân cư sống trong cộng đồng. Quá trình đó được triển khai theo một lộ trình thống nhất, với thời gian, tiến độ, giải pháp cụ thể, chặt chẽ; phù hợp với tập quán, văn hóa, điều kiện của từng địa phương, hài hòa với cộng đồng dân cư. Để làm được điều đó, Tập đoàn đã chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Quảng Trị bàn bạc, trao đổi, thống nhất chương trình, kế hoạch thực hiện; xác định nhu cầu, thứ tự ưu tiên đầu tư của tỉnh, huyện trong tổng thể hỗ trợ chung. Chi nhánh Viettel tại các tỉnh trên là đơn vị trực tiếp phối hợp, triển khai tổ chức thực hiện các nội dung hỗ trợ xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, trên cơ sở sự thỏa thuận, thống nhất giữa Tập đoàn với các địa phương. Theo đó, Tập đoàn hỗ trợ cho 3 huyện kinh phí xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; xóa nhà tạm, hư hỏng, dột nát cho hộ nghèo; xây dựng các công trình liên quan đến giáo dục, y tế và hạ tầng thiết yếu. Phát huy lợi thế của mình, Tập đoàn đã hỗ trợ các địa phương xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin ở cơ sở; bảo đảm cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ viễn thông, in-tơ-net Viettel với giá cước rẻ, thuận lợi, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, công tác, lao động sản xuất của người dân. Đồng thời, trang bị máy tính và một số trang thiết bị nhằm bảo đảm nhu cầu về thông tin, văn hóa, xã hội tại các cơ quan, trường học, trạm xá; thành lập quỹ khuyến học Viettel; hỗ trợ nâng cao đời sống giáo viên, học sinh Trường dân tộc nội trú, Trường bán trú dân nuôi… Ngoài ra, Tập đoàn còn hỗ trợ địa phương kinh phí mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón; phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên, đào tạo cán bộ y tế cho các bản, làng; nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý các cấp… Việc thực hiện hỗ trợ của Tập đoàn đối với 3 huyện được gắn với chương trình xóa đói giảm nghèo của từng hộ nghèo và địa phương; phối hợp chặt chẽ với hoạt động hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp khác trên địa bàn, nên đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cho chương trình xóa đói giảm nghèo được tiến hành theo đúng yêu cầu đề ra, mang lại hiệu quả thiết thực.
Với tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực cao, những năm qua, việc giúp các địa phương xóa đói giảm nghèo của Viettel theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống. Kết quả của việc gắn nhiệm vụ SX,KD với thực hiện chính sách xã hội là minh chứng sinh động cho tính nhân văn và sự đúng đắn trong quan điểm, nguyên tắc kinh doanh của Tập đoàn. Chỉ tính từ tháng 6-2009 đến nay, Tập đoàn đã hỗ trợ cho 3 huyện theo các nội dung được xác định là 92 tỷ đồng; trong đó, huyện Bá Thước 34 tỷ đồng, huyện Mường Lát 24 tỷ đồng, huyện Đăk-Rông 34 tỷ đồng. Với huyện Bá Thước, Tập đoàn trực tiếp cung cấp kinh phí xóa 3.093 nhà tạm; lắp đặt hệ thống cáp quang, mạng LAN, trạm BTS, phủ sóng thông tin đến 23/23 xã; hỗ trợ 775 điện thoại (Sumô), 519 điện thoại không dây, 200 tivi, 123 đầu thu kỹ thuật số cho truyền hình, 01 xe cứu thương cho Trung tâm y tế Huyện và các trang, thiết bị y tế cho các xã; xây lắp 01 đài phát thanh, truyền hình cho Huyện; thành lập Quỹ khuyến học Huyện; hỗ trợ đào tạo 60 cán bộ về tin học và 44 cán bộ y tế tuyến xã… Với huyện Mường Lát, Tập đoàn cung cấp kinh phí xóa 1.213 nhà tạm; phủ sóng thông tin đến 9/9 xã; hỗ trợ 184 điện thoại (Sumô), 01 xe cứu thương cho Trung tâm y tế Huyện; thành lập Quỹ khuyến học Huyện; hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 23 cán bộ về tin học, 23 cán bộ y tế tuyến xã, mua 52 con bò giống, 18,66 tấn giống lúa thuần, 4,454 tấn giống lúa lai và 23 tấn giống ngô lai… Với huyện Đăk-Rông, Tập đoàn trực tiếp cung cấp kinh phí xóa 1.144 nhà tạm; xây dựng cơ sở hạ tầng các dịch vụ viễn thông; phủ sóng thông tin đến 14/14 xã, tụ điểm; hỗ trợ 554 điện thoại (Sumô), 302 điện thoại cố định, 68 tivi, 68 đầu thu kỹ thuật số, 01 xe cứu thương, xây dựng 01 Trạm y tế tuyến xã, đào tạo tin học cho 83 cán bộ; thành lập Quỹ khuyến học Huyện; hỗ trợ kinh phí, giúp địa phương khắc phục hậu quả thiên tai… Sự hỗ trợ đó được thực hiện bằng sự phối hợp giữa Tập đoàn, địa phương và hộ gia đình, theo nguyên tắc: Tập đoàn cấp kinh phí, hiện vật, tổ chức lắp đặt, còn địa phương, gia đình nằm trong diện được hỗ trợ phối hợp tổ chức triển khai các hạng mục công trình phù hợp với yêu cầu của từng công việc. Trong quá trình tiến hành, đều có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu, chi, cấp phát; rút kinh nghiệm kịp thời những mặt làm được, chưa làm được; tạo sự đồng thuận cao giữa Tập đoàn với địa phương trong phân bổ nguồn kinh phí, đầu tư các hạng mục, công trình; không có biểu hiện thất thoát, lãng phí, hư hỏng.
Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, các huyện nghèo mà Tập đoàn tham gia giúp đỡ có cơ hội để phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đưa ánh sáng văn hóa của Đảng đến với đồng bào các dân tộc, xóa bỏ các hủ tục. Nhờ đó, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương được tăng cường; nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới được hoàn thành; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; cuộc sống của đồng bào đã có nhiều thay đổi, tạo điều kiện cho người dân từng bước vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Tính từ năm 2009 đến năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo tại 3 huyện đã giảm đáng kể: huyện Bá Thước giảm từ 55,24% xuống còn 39,25%; huyện Mường Lát giảm từ 62,21% xuống còn 49,7%; huyện Đăk-Rông giảm từ 48% xuống còn 34,91%. Điều đáng trân trọng là, sự hỗ trợ của Tập đoàn đã góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ XHCN; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên các địa bàn chiến lược của Tổ quốc.
Với tinh thần đó, thời gian tới, Đảng ủy, BGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội tiếp tục phát huy khả năng, thế mạnh của mình, đẩy mạnh SX,KD gắn với tham gia xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới; giúp các địa phương được phân công hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần xây dựng địa bàn giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng - an ninh.
Đại tá LÊ CÔNG CẨN
Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm