Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 05/09/2019, 08:00 (GMT+7)
Sư đoàn Phòng không 367 thực hiện ba trọng tâm trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Sư đoàn Phòng không 367 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời phía Nam của Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc trọng trách được giao và mục tiêu, yêu cầu, thách thức mới đặt ra trên mặt trận đất đối không, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Đơn vị. Trong đó, Sư đoàn đã tập trung đột phá thực hiện tốt ba trọng tâm trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Lễ ra quân huấn luyện năm 2019

Trước hết, Sư đoàn chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xác định đây là trọng tâm hàng đầu. Theo đó, các đơn vị thường xuyên quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đặc biệt là Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 558-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân chủng về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Hằng năm, Đảng ủy Sư đoàn đều ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; trong đó, đặt lên hàng đầu việc đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên và đổi mới cơ chế quản lý, điều hành của chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để bộ đội nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới; thấy rõ thuận lợi, khó khăn, mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Sư đoàn đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khắc phục triệt để tư tưởng, nhận thức lệch lạc, ngại khó, ngại khổ hoặc coi nhẹ “nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên” này. Quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới phương pháp giáo dục, phù hợp với đối tượng, sát thực tế; gắn giáo dục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, pháp luật, chấp hành kỷ luật; đi sâu giáo dục truyền thống của Quân chủng, Sư đoàn, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào là người chiến sĩ Phòng không - Không quân của Sư đoàn anh hùng. Qua đó, nâng cao trách nhiệm trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh, ý chí, quyết tâm cao, phát huy tinh thần “dám đánh, biết đánh, quyết đánh và đánh thắng” trong điều kiện mới. Mặt khác, Sư đoàn đẩy mạnh thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”,… tạo động lực, hướng vào thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Nhờ làm tốt công tác giáo dục, 100% cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Huấn luyện Khẩu đội pháo phòng không 37mm 

Hai là, đẩy mạnh đổi mới nội dung, tổ chức và phương pháp huấn luyện - trọng tâm mang tính đột phá trong nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn. Thực hiện trọng tâm này, Sư đoàn đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đổi mới toàn diện cả nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”. Trong đó, trọng tâm là huấn luyện cán bộ, huấn luyện kíp chiến đấu theo hướng đồng bộ, chuyên sâu; lấy thực hành là chính, tăng cường huấn luyện ban đêm, huấn luyện dã ngoại, huấn luyện trong môi trường chiến tranh công nghệ cao, sát với vũ khí, trang bị hiện có và đối tượng, địa bàn tác chiến. Trên cơ sở kế hoạch huấn luyện được phê duyệt, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện; tổ chức chặt chẽ việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực tham mưu huấn luyện, ngoại ngữ, tin học và trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ quản lý, điều hành và trực tiếp huấn luyện. Trước thực tế thành phần lực lượng của Sư đoàn gồm nhiều chuyên ngành khác nhau; vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật ngày càng được cải tiến, nâng cấp, hiện đại hóa, Sư đoàn chủ động xây dựng hệ thống ngân hàng bài tập cho các kíp chiến đấu, từ đài, trạm ra-đa, đại đội pháo phòng không, tiểu đoàn tên lửa, sở chỉ huy trung đoàn, Sư đoàn, đảm bảo đồng bộ ở các cấp; chú trọng huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật mới. Các đơn vị tổ chức huấn luyện cơ bản từ cá nhân đến kíp chiến đấu rút gọn, kíp chiến đấu đủ cho tất cả chuyên ngành tên lửa, pháo phòng không, trạm ra-đa, phân đội thông tin, trinh sát. Sư đoàn yêu cầu các đơn vị phải huấn luyện thuần thục kỹ thuật chiến đấu cá nhân đến hiệp đồng phân đội (đại đội, tiểu đoàn, trạm ra-đa); nâng cao khả năng cơ động, triển khai chiến đấu kết hợp với nghi binh, ngụy trang, để đối phó có hiệu quả với các phương thức tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Cùng với đó, Sư đoàn chỉ đạo đội ngũ cán bộ các cấp tích cực nghiên cứu phương thức, thủ đoạn của địch trong tác chiến đường không; tổng kết, phát triển lý luận tác chiến phòng không trong điều kiện tác chiến công nghệ cao, vận dụng vào huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị. Bên cạnh đó, Sư đoàn chú trọng đổi mới công tác hội thi, hội thao, kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện theo hướng thực chất, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chủ trì với kết quả huấn luyện của cơ quan, đơn vị; kết hợp huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, rèn luyện thể lực, nâng cao sức chịu đựng và khả năng cơ động cho bộ đội. Hằng năm, Sư đoàn đều tổ chức huấn luyện dã ngoại, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, diễn tập hiệp đồng chiến đấu quân chủng, binh chủng có bắn đạn thật và tham gia diễn tập khu vực phòng thủ với lực lượng vũ trang địa phương, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện của Đơn vị. Hội thao Quân chủng năm 2018, Kíp chiến đấu dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa C75-M3 của Sư đoàn đạt giải Nhất, Kíp chiến đấu Sở chỉ huy trung đoàn tên lửa đạt giải Ba, Kíp chiến đấu dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa C125-2TM đạt giải Ba. Diễn tập bắn đạn thật năm 2018, 4/4 kíp chiến đấu của Sư đoàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ; 3/4 kíp được Tư lệnh Quân chủng tặng cờ Phân đội bắn Giỏi.

Thực hành bắn đạn thật năm 2018

Hiện nay, vùng trời do Sư đoàn quản lý, bảo vệ có tần suất bay rất lớn, với hàng trăm chuyến máy bay ra, vào mỗi ngày. Vì vậy, đi đôi với nâng cao chất lượng huấn luyện, Sư đoàn tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ; duy trì nền nếp, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp, từ Sở Chỉ huy Sư đoàn đến các phân đội luôn đồng bộ về con người, vũ khí, trang bị, phương tiện và các mặt bảo đảm; thực hiện tốt nội dung “4 biết - 4 được”1 trong quản lý vùng trời, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động trên không. Đồng thời, nâng cao chất lượng khai thác, sử dụng Hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia (VQ-1M); chủ động rà soát, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống văn kiện, phương án chiến đấu và tổ chức luyện tập thuần thục theo Chỉ lệnh 27/CL-BTTM của Tổng Tham mưu trưởng về xử lý các tình huống tác chiến phòng không. Sư đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng vũ trang trong khu vực bảo đảm an toàn tuyệt đối trận địa, căn cứ đóng quân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều năm qua, Sư đoàn không để xảy ra sai sót, lọt, chậm, hoang báo mục tiêu, không để bị động, bất ngờ, nhất là trong thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ, Tết, bảo vệ vững chắc vùng trời đảm nhiệm trong mọi tình huống.

Ba là, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Là đơn vị kỹ thuật chiến đấu nên Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn xác định đây là nội dung quan trọng, một trong những yếu tố quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đơn vị. Hiện nay, vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật do Sư đoàn quản lý, sử dụng có số lượng lớn, gồm nhiều chủng loại; một số vũ khí, khí tài tính đồng bộ, ổn định thiếu vững chắc; cường độ khai thác rất lớn,... nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về kỹ thuật cao. Mặt khác, mất an toàn trong sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Phòng không còn có nguyên nhân do để lộ, lọt, nhận sai thông tin, hoang báo,… không những bị động, mất thời cơ, mà còn dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhận thức sâu sắc điều đó, Đảng ủy Sư đoàn ra Nghị quyết 156-NQ/ĐU về “Tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an toàn trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời”. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện bảo đảm an toàn trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị ở các cấp; tăng cường công tác huấn luyện kỹ thuật, nhất là huấn luyện an toàn trong sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; qua đó, đảm bảo hệ số kỹ thuật của vũ khí, trang bị kỹ thuật và sức khỏe cho bộ đội luôn ở mức cao, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Cùng với đó, Sư đoàn duy trì nghiêm nền nếp hoạt động hệ thống trực chỉ huy các cấp; từng bước đầu tư nâng cấp các phương tiện thông tin, liên lạc, quản lý, điều hành bay; hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, hãng hàng không, kịp thời xử lý mọi tình huống trong tham gia và quản lý vùng trời.

Những kết quả, kinh nghiệm đạt được là động lực để Sư đoàn Phòng không 367 tiếp tục phấn đấu trở thành Đơn vị huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời phía Nam của Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN VĂN TRƯỜNG, Sư đoàn trưởng
________

1 - 4 biết: 1. Biết kế hoạch bay; 2. Biết bay hay chưa bay; 3. Bay đến đâu biết đến đó; 4. Biết hành động bay trên không. - 4 được: 1. Quan sát được; 2. Báo động chuyển cấp được; 3. Bắn được; 4. Tiêu diệt được.

Ý kiến bạn đọc (0)