Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:04 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Sư đoàn Không quân 371 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập ngày 24-3-1967. Trên chặng đường 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bất luận trong hoàn cảnh nào, Sư đoàn cũng đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Sư đoàn được tổ chức, biên chế, trang bị thêm lực lượng và nhiều loại máy bay, khí tài mới, với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo và thềm lục địa từ vĩ tuyến 18 đến cực Bắc của Tổ quốc, bay chuyên cơ, bay tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống cháy rừng và sẵn sàng thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất khác.
Do điều chỉnh tổ chức, biên chế, nên nhiều cán bộ, phi công chuyển vị trí công tác; số lượng, chủng loại máy bay, phương tiện kỹ thuật tăng lên; nhiệm vụ đa dạng với yêu cầu ngày càng cao… Điều đó đã tác động không nhỏ đến tư tưởng của bộ đội, nhất là đội ngũ cán bộ và phi công. Vì vậy, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trước hết, Sư đoàn đã tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, trọng tâm là xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ trong tình hình mới cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Đối với đơn vị tiếp nhận vũ khí, khí tài mới, Sư đoàn xây dựng nội dung công tác tư tưởng riêng và được tiến hành trước một bước. Nội dung của công tác này tập trung vào việc giáo dục bộ đội về vinh dự, trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ, quyết tâm học tập để nhanh chóng làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VK,TBKT). Tuy được trang bị máy bay mới, hiện đại, song Sư đoàn cũng chú ý giáo dục cán bộ, chiến sĩ phải tiếp tục quán triệt tư tưởng “Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy trang bị kém hiện đại hơn để đánh thắng kẻ địch có trang bị hiện đại hơn”. Trước thực trạng máy bay đã cũ, tần suất xuất hiện hỏng hóc tăng và tính chất hỏng hóc ngày càng đa dạng, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn đã tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm, đề cao vai trò con người, khơi dậy lòng yêu nghề, yêu nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trong bảo quản, khai thác, sử dụng vật tư, VK,TBKT, tránh thái độ bi quan và càng tránh biểu hiện xem nhẹ các loại vũ khí đã qua nhiều năm sử dụng. Cùng với nội dung giáo dục đó, Sư đoàn rất coi trọng xây dựng ý chí, niềm tin cho bộ đội vào khả năng, sức mạnh chiến đấu của đơn vị. Bằng giáo dục truyền thống, được chứng minh qua thắng lợi trong các trận đánh “1 chọi 34”, “1 chọi 24” trước đây, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn đã làm cho cán bộ, phi công, nhân viên chuyên môn hậu cần, kỹ thuật thấy được vai trò của con người luôn có ý nghĩa quyết định, nhưng cũng khẳng định vai trò của con người chỉ được phát huy cao nhất khi bộ đội nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, có ý chí quyết đánh, quyết thắng và thật sự làm chủ VK,TBKT. Đó là vấn đề tiên quyết bảo đảm cho Sư đoàn tiếp tục khẳng định sức mạnh của mình trong giai đoạn mới.
Nhờ coi trọng và tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nên việc tiếp nhận lực lượng, máy bay, khí tài mới ở Sư đoàn diễn ra nhanh gọn, an toàn. Cán bộ, phi công nhận nhiệm vụ mới đều thể hiện rõ tinh thần ham bay, say học và yên tâm với nhiệm vụ được phân công. Đơn vị sáp nhập đã nhanh chóng ổn định về tổ chức, biên chế. Toàn Sư đoàn phấn khởi, đoàn kết và bắt tay ngay vào nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) theo mệnh lệnh của Tư lệnh Quân chủng. Từ những kết quả đạt được, lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Sư đoàn càng thấy rõ hơn bài học: công tác chính trị, tư tưởng phải đi trước một bước, bám sát đặc điểm, nhiệm vụ được giao, gắn với mọi hoạt động của bộ đội; đặc biệt, cán bộ chủ chốt phải làm gương về bản lĩnh, ý chí và tinh thần, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền noi theo.
Yêu cầu về phẩm chất chính trị gắn bó chặt chẽ với yêu cầu về trình độ tổ chức chỉ huy, khả năng làm chủ VK,TBKT và trình độ tác chiến của bộ đội. Vì vậy, đi đôi với việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Sư đoàn đã quán triệt nghiêm túc phương châm huấn luyện “Cơ bản - thiết thực - vững chắc - an toàn - tiết kiệm” để tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ. Thực hiện phương châm đó, Sư đoàn yêu cầu các cấp tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất cho nhiệm vụ huấn luyện. Nghị quyết của Đảng ủy Sư đoàn về huấn luyện chỉ rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung và biện pháp lãnh đạo, nhấn mạnh yêu cầu huấn luyện toàn diện, dành thời gian, trí tuệ thích đáng cho những nội dung chủ yếu, mà trọng tâm là huấn luyện bay và huấn luyện chuyên ngành.
Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng cán bộ và yêu cầu nâng cao về trình độ hằng năm, Sư đoàn tập trung đột phá vào công tác huấn luyện cán bộ, phát huy tinh thần tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ cán bộ. Với cán bộ chủ chốt, Sư đoàn tập trung huấn luyện về phương pháp tổ chức huấn luyện, công tác tham mưu, kế hoạch, đường lối quân sự của Đảng, những vấn đề cơ bản về tác chiến hiệp đồng quân - binh chủng và phương pháp tác chiến không quân. Riêng đối với số phi công mới, Sư đoàn thực hiện huấn luyện theo phương châm “Cơ bản - vững chắc - an toàn”, coi trọng huấn luyện cơ bản lý thuyết, nhất là lý thuyết bay, nghiên cứu kỹ địa hình không vực bay, nhanh chóng đảm bảo cho đối tượng này đạt trình độ trực ban chiến đấu. Về hình thức huấn luyện, Sư đoàn kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện tập trung cấp trung đoàn, sư đoàn với huấn luyện theo phân cấp và tự học tập, bồi dưỡng; trong đó, cán bộ cấp trên phải huấn luyện được cán bộ cấp dưới, mọi cán bộ phải sử dụng thành thạo vũ khí, khí tài gắn với chức trách được giao và có trình độ cần thiết về ngoại ngữ, tin học. Đối với nhiệm vụ huấn luyện bay, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị tích cực tổ chức cho phi công học tập lý thuyết bay, xử trí bất trắc, đào tạo giáo viên và tăng cường huấn luyện các khoa mục bay phức tạp, khoa mục mới, như: bay biển; bay đánh chặn máy bay nhỏ - độ cao thấp; bay bắn bia bay; bay bắn, ném bom mặt đất, mặt nước; bay ngày đêm khí tượng giản đơn, khí tượng phức tạp; bay chuyển sân; hạ cánh trên đường băng ngắn hẹp và bay chọn bãi trên địa hình phức tạp...
Đội ngũ cán bộ chỉ huy bay là người trực tiếp chỉ huy, điều hành, hướng dẫn phi công làm nhiệm vụ. Do đó, Sư đoàn đã lựa chọn các phi công giỏi làm nhiệm vụ chỉ huy bay; đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ này, nhất là về phương pháp huấn luyện và công tác chỉ huy một ngày bay, một ban bay. Thực hiện phương châm huấn luyện phi công mũi nhọn, Sư đoàn lựa chọn phi công có kinh nghiệm, tập trung huấn luyện những khoa mục khó, bài bay khó để nâng cao trình độ, kịp thời đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong các tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, công tác xây dựng và quản lý kế hoạch bay luôn được Sư đoàn thực hiện chặt chẽ, khoa học và được kiểm tra qua nhiều cấp từ các phi đội đến chỉ huy Sư đoàn phê chuẩn. Trong quá trình huấn luyện, Sư đoàn luôn tích cực truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, cách đánh mưu trí, sáng tạo, táo bạo của Không quân ta trong các trận không chiến trước đây và thường xuyên phổ biến kiến thức hàng không hiện đại, những bài học về tác chiến không quân qua các cuộc chiến tranh vừa qua để cán bộ, phi công liên hệ vào thực tiễn huấn luyện, SSCĐ.
Cùng với các đối tượng huấn luyện trên, ngay sau khi tiếp nhận máy bay mới, Sư đoàn đã ra nghị quyết lãnh đạo toàn diện về tổ chức, biên chế và huấn luyện chuyển loại. Chỉ huy Sư đoàn thường xuyên luân phiên nhau chỉ đạo, động viên cán bộ, phi công của mình và phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn để triển khai kịp thời các nội dung huấn luyện. Bằng sự hiệp đồng, giúp đỡ hiệu quả của đơn vị bạn và bằng quyết tâm cao của Sư đoàn, chỉ sau một thời gian ngắn, đội ngũ phi công, thợ máy của Sư đoàn đã nắm vững những vấn đề cơ bản của loại máy bay mới với kết quả chuyển loại 100% đạt khá, giỏi. Kết quả đó đã nói lên bản lĩnh, hiệu quả huấn luyện và khả năng tiếp cận, làm chủ vũ khí, kỹ thuật hiện đại của cán bộ, phi công Sư đoàn.
Đối với Không quân, khoảng cách giữa huấn luyện với chiến đấu chỉ là tương đối và hoạt động mang tính tập thể rất cao. Mọi biểu hiện giản đơn, dù là ở khâu nào cũng rất dễ dẫn đến uy hiếp an toàn bay, tai nạn bay gây thiệt hại về người và của. Vì vậy, Sư đoàn luôn chú trọng đến công tác bảo đảm trong huấn luyện, có những biện pháp quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa tai nạn bay và uy hiếp an toàn bay. Để thực hiện tốt mặt công tác quan trọng này, Sư đoàn chỉ đạo cơ quan kỹ thuật các cấp rà soát, nắm chắc chất lượng, số lượng, tính đồng bộ của VK,TBKT; trên cơ sở đó, xác định chất lượng từng chủng loại để lập kế hoạch bảo đảm, sử dụng hợp lý, cũng như dồn lắp, sửa chữa, hồi phục, tăng hạn sử dụng và đề xuất với trên loại bỏ khỏi biên chế những kiểu, loại VK,TBKT không còn khả năng tăng hạn. Đối với các loại VK,TBKT còn khả năng sử dụng, Sư đoàn kết hợp vận dụng nhiều biện pháp để quản lý số lượng, chất lượng, tính đồng bộ của máy bay và duy trì nghiêm túc công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không theo đúng nền nếp, chế độ và quy trình công nghệ.
Phòng ngừa tai nạn bay và uy hiếp an toàn bay, trong điều kiện máy bay đã cũ và thiếu đồng bộ, là một thách thức không nhỏ đối với Sư đoàn. Trước thực tế đó, cùng với các biện pháp kỹ thuật và chấp hành nghiêm 4 giai đoạn bay, Sư đoàn còn đề cao đức tính trung thực của bộ đội, thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện chủ quan của nhân viên chuyên môn kỹ thuật, sự thiếu kiểm tra của chỉ huy và tâm lý nôn nóng muốn chạy theo tiến độ và chỉ tiêu giờ bay của một số phi công. Đặc biệt, sau mỗi ngày bay, ban bay, Sư đoàn đều tổ chức nghiêm túc việc giảng bình; qua đó, nêu lên những kinh nghiệm xử trí giỏi, nghiêm khắc phân tích, mổ xẻ những sai sót do con người gây ra.
Với việc đồng thời coi trọng cả công tác giáo dục, huấn luyện, bảo đảm, thời gian qua, chất lượng tổng hợp của Sư đoàn đã được nâng lên từng bước vững chắc. Riêng năm 2011, Sư đoàn đã duy trì tốt lực lượng trực ban chiến đấu đối với các loại máy bay theo đúng Chỉ lệnh của Tư lệnh Quân chủng; nội dung huấn luyện trên không, mặt đất đều đạt và vượt chỉ tiêu, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và VK,TBKT. Đó là kết quả phản ánh sự trưởng thành mới, sức mạnh mới của Sư đoàn - yếu tố quan trọng đảm bảo cho Sư đoàn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.
Đại tá BÙI ANH CHUNG
Sư đoàn trưởng
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm