Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 23/03/2017, 08:33 (GMT+7)
Sư đoàn Không quân 371 nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Sư đoàn Không quân 371 là đơn vị không quân đầu tiên của Quân đội ta. Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng, Sư đoàn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù còn non trẻ, vũ khí, trang bị ít và kém hiện đại so với địch, nhưng Sư đoàn đã nỗ lực vượt bậc, vận dụng cách đánh mưu trí, sáng tạo, bắn hạ nhiều máy bay địch; trong đó có siêu pháo đài bay B-52; tập kích vào một số căn cứ nằm sâu trong lòng địch, góp phần quan trọng bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm gần đây, trong tiến trình xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Sư đoàn được biên chế một số vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, nhưng cũng có không ít khó khăn, nhất là việc vươn lên làm chủ vũ khí, khí tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Sư đoàn đã tập trung phát huy nội lực, triển khai toàn diện các mặt công tác với nhiều giải pháp đồng bộ, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Chuẩn bị cất cánh

Trước hết, Sư đoàn tập trung giáo dục, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bộ đội về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, do tính chất huấn luyện của Sư đoàn đòi hỏi bộ đội phải luyện tập với cường độ cao, căng thẳng về tâm lý, độc lập xử lý tình huống mau lẹ; trong điều kiện thời tiết, khí tượng trên không phức tạp, nguy hiểm, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng, nên việc làm này càng cần thiết, quan trọng. Theo đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, của Quân ủy Trung ương được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Đặc biệt là quán triệt sâu cho bộ đội các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng Phòng không - Không quân về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là Nghị quyết 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012 “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Trong quá trình giáo dục chính trị, Sư đoàn nêu bật mục đích, yêu cầu, nội dung, cùng những khó khăn, biện pháp khắc phục để bộ đội thấy rõ và có quyết tâm cao trong thực hiện công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các đơn vị tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, coi trọng hướng về cơ sở; kết hợp chặt chẽ giáo dục cơ bản, thường xuyên với giáo dục theo nhiệm vụ. Đồng thời, coi trọng giáo dục truyền thống, truyền thụ kinh nghiệm tác chiến trên không của các thế hệ đi trước; từ đó, củng cố niềm tin vào vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, xây dựng quyết tâm vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Để công tác này đi vào chiều sâu, vững chắc, Sư đoàn coi trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ chính trị, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị. Do đặc điểm nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ và phạm vi hoạt động của Sư đoàn rộng, các đơn vị đóng quân phân tán, xa trung tâm chỉ huy, nên chịu sự tác động không nhỏ từ mặt trái của đời sống xã hội. Trước tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị tăng cường lãnh đạo công tác tư tưởng; thực hiện tốt việc quản lý, định hướng và giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh; ngăn chặn có hiệu quả các biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên nắm vững tình hình tư tưởng của đơn vị, phát huy dân chủ và có nhiều biện pháp động viên tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là đơn vị làm nhiệm vụ đặc thù.

Cùng với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Nhờ đó, những năm gần đây, 100% cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ phi công có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào vũ khí, trang bị, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến cao.

Hai là, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Huấn luyện bay là hoạt động phức tạp, đặc thù, sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, tốc độ lớn, nên đòi hỏi độ chính xác cao và tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận. Vì thế, Sư đoàn rất chú trọng đến công tác này. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết 558-NQ/ĐU, ngày 27-02-2013 của Đảng ủy Quân chủng về công tác huấn luyện, Đảng ủy Sư đoàn ra Nghị quyết 772-NQ/ĐU, ngày 02-4-2013 “Về nâng cao chất lượng công tác huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; trong đó, xác định rõ các giải pháp, khâu đột phá. Trong thực hành huấn luyện, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, thực hiện tốt các mối kết hợp, nguyên tắc, huấn luyện toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; lấy huấn luyện bay là trung tâm, huấn luyện cán bộ là then chốt. Để nâng cao chất lượng huấn luyện bay, Sư đoàn chú trọng thực hiện đầy đủ các khâu, như: hoàn thiện tổ chức biên chế, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chỉ huy bay, giáo viên và phi công chuyển loại. Đối với những bài bay phức tạp trên máy bay mới, hiện đại, Sư đoàn lựa chọn những phi công nhiều kinh nghiệm làm nhân cốt để bồi dưỡng cho toàn đơn vị. Thực hiện phương pháp này, bình quân 05 năm qua, Sư đoàn hoàn thành tới 90,4% chỉ tiêu giờ bay an toàn. Hiện nay, trước yêu cầu huấn luyện, điều chuyển sân bay, phục vụ cho tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Sư đoàn tổ chức huấn luyện cho phi công ở nhiều sân bay, kể cả các sân bay phía Nam, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cả thường xuyên và đột xuất. Đối với huấn luyện mặt đất, Sư đoàn chú trọng các nội dung về chuyên môn, nghiệp vụ, hướng trọng tâm huấn luyện lý thuyết cho các đối tượng phi công trẻ, chuyển loại mũi nhọn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chỉ huy bay, dẫn đường; coi trọng huấn luyện điều lệnh, chiến sĩ mới, dự bị động viên, v.v. Nhờ đó, hằng năm, Sư đoàn đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch huấn luyện mặt đất, năng lực thực hành nhiệm vụ của toàn Sư đoàn không ngừng được nâng lên.

Diễn tập đổ bộ đường không năm 2016

Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, Sư đoàn thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ lệnh sẵn sàng chiến đấu của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp là mệnh lệnh, chỉ thị sẵn sàng chiến đấu của Tư lệnh Quân chủng. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ trực ban sẵn sàng chiến đấu bảo đảm không để bất ngờ, lỡ thời cơ trước các tình huống trên không. Hằng năm, căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ, các đơn vị chủ động bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, phương án tác chiến, tổ chức luyện tập, diễn tập chặt chẽ. Trong luyện tập, Sư đoàn chủ động phát các tình huống để các đơn vị nói chung, phi công nói riêng tập xử trí, nhằm rèn luyện, nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, năng lực hiệp đồng và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, trong các cuộc diễn tập do Bộ, Quân chủng tổ chức, chỉ đạo, Sư đoàn đã tổ chức hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với các lực lượng trong Quân chủng và các đơn vị trong khu vực phòng thủ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị lên một bước mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện tác chiến hiện đại.

Ba là, chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật đối với nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Đây là mặt công tác quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của Sư đoàn. Đặc biệt hiện nay, Sư đoàn sử dụng các loại máy bay cùng trang bị, khí tài cũ, mới đan xen thì công tác này lại càng quan trọng. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên phát huy tính tích cực, chủ động khắc phục khó khăn về mọi mặt để thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, nhất là bảo đảm hàng không, thông tin - ra-đa và bảo đảm an toàn bay cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Đơn vị. Theo đó, toàn Sư đoàn đã quán triệt nghiêm túc và triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về nhiệm vụ công tác kỹ thuật trong giai đoạn mới, trọng tâm là thực hiện tốt Cuộc vận động 50 về “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”. Với khẩu hiệu “Tất cả cho những chuyến bay an toàn, thắng lợi”, Sư đoàn duy trì nghiêm các chế độ nền nếp công tác kỹ thuật; tổ chức nghiên cứu, sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế những bộ phận hỏng hóc theo đúng quy trình, quy định về an toàn hàng không; chống mọi biểu hiện đơn giản, chủ quan, thiếu thận trọng, bớt xén nội dung, quy trình trong công tác kỹ thuật. Cùng với đó, Sư đoàn động viên bộ đội tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu, vươn lên làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, nhất là làm chủ các loại máy bay, khí tài thế hệ mới. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cấp, bảo đảm đúng, đủ các tiêu chuẩn về kỹ thuật với các loại khí tài đã qua nhiều lần sử dụng. Đồng thời, Sư đoàn tiến hành chặt chẽ việc theo dõi, thống kê, phân tích, tìm ra quy luật để tăng cường khả năng phát hiện hỏng hóc của từng bộ phận trong các loại vũ khí, khí tài, kịp thời thông báo và đề ra các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cũng như chủ động trong các hoạt động về kỹ thuật của các lực lượng. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra kỹ thuật được Sư đoàn thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ, đúng quy trình. Theo đó, trước mỗi chuyến bay, cán bộ các cấp kiểm tra, tổ chức bàn giao tình trạng kỹ thuật chặt chẽ, đúng nguyên tắc và quy trình; khi tất cả bảo đảm kỹ thuật tốt mới được lệnh cất cánh. Chính vì vậy, số giờ bay trung bình trên một hỏng hóc ngày càng tăng1, tạo tâm lý tin tưởng vào vũ khí, trang bị kỹ thuật cho phi công khi bay huấn luyện cũng như làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Sư đoàn.

Phát huy kết quả đã đạt được, với truyền thống “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, trong thời gian tới, Sư đoàn tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đại tá LÃ ĐẠI PHONG, Sư đoàn trưởng
______________

1 - Năm 2010 là 86 giờ; năm 2014 là 283 giờ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.